ai chữ “cưới sớm” nếu đặt trong bối cảnh Việt Nam hiện đại, tôi tin chắc hầu hết các cô nàng được hỏi sẽ lắc đầu lè lưỡi e dè. Cuộc sống phát triển mang đến cho phái đẹp một cuộc sống đầy ắp những niềm vui và trải nghiệm mới. Dù là "ế lâu năm" hay một cô nàng "thay bồ như thay áo", con gái hiện đại biết cách tận hưởng cuộc sống mà chẳng cần phải dựa vào ai, tìm niềm vui từ những chuyến du lịch xa, cuối tuần hết mình ở club với đám bạn thân, những buổi shopping miên man hay một bộ sưu tập giày - túi thơm phức mùi sang chảnh. Những tháng ngày tự do, sôi động, không ràng buộc tuyệt đẹp mà chỉ nghe thôi, bạn có muốn đánh đổi chúng với một cuộc hôn nhân?
Tuổi xuân của phụ nữ chỉ có vài năm, phải tranh thủ tự do khi còn nhan sắc, kết hôn sớm quá lấy đâu ra không gian để vẫy vùng? Quan trọng hơn cả, cưới sớm là phí cái sự xinh đẹp cha mẹ ban cho…
Không ít người thì tin rằng, độc lập chính là con đường hạnh phúc. Họ mải miết theo đuổi sự nghiệp vì nghĩ: tiền đáng tin hơn cả đàn ông (điều này theo tôi cũng đúng phần nào). Đàn ông có thể ngấm ngầm lừa dối bạn, còn tiền thì chỉ nằm im đó và hy sinh thân mình đổi lại niềm vui hay mỡ bụng cho bạn mà thôi.
Có cô thì bước chân vào thế giới tự do rồi, vui quá chẳng muốn ra làm gì nữa.
Hãy tin tôi, tôi và rất nhiều bạn bè cũng đã từng nghĩ vậy. Cuộc sống này đáng sống và nhiều cơ hội quá. Không bung mình ra khi còn trẻ mà chỉ chăm chăm biết mỗi một người, có phải là phí phạm bản thân không?
Chúng ta đều đã không sai. Phụ nữ cần làm chủ cuộc sống của mình, luôn luôn là như thế. Nhưng bạn có nhận thấy điều gì khác thường ở đây không? Chính là ngay cả khi các cô gái của chúng ta làm chủ cuộc sống của họ rồi, phảng phất đâu đó vẫn là sự cực đoan. Họ trốn tránh hôn nhân bởi họ nghĩ rằng cuộc sống sau khi lấy chồng rồi không còn vui vẻ nữa, họ không còn được làm những gì mình thích nữa.
Nhưng hôn nhân đâu phải vậy đâu?
ản chất của hôn nhân là hai cá thể trưởng thành gắn bó với nhau để xây dựng một gia đình bền vững, cùng nhau tích lũy và phát triển. Quá trình này kéo dài đôi khi sẽ nảy sinh những tranh chấp do nhu cầu hoặc quan điểm không trùng khớp giữa hai người. Trong xã hội hiện đại thì đó có thể là những vấn đề như: ai là người pha sữa cho con, tiền điện tháng này cao quá, gã đêm qua nhắn tin là gã nào, hay tháng sau anh chuyển công tác đi Bangkok…..
Những vấn đề hết sức cơm áo gạo tiền sẽ khiến những kẻ mộng mơ vỡ mộng. Tôi đoán đây là lý do chính cho việc mọi người sợ hôn nhân. Vì nó nghe có vẻ khô khan quá. Thay vì nhìn vào mắt nhau nói ngọt ngào thì mình cùng đầu bù tóc rối lo "làm Toán" với đống hoá đơn hoặc thi môn xác suất thống kê trong khoản dự trù tiền sinh hoạt phí. Thay vì phim ảnh, game, hoa,… thì mình thậm chí không còn đủ thời gian để nấu nướng, giặt giũ, chăm chồng, dỗ con.
Nhưng bạn biết không, chúng ta luôn có thể nhìn vào mắt nhau nói ngọt ngào. Chúng ta sẽ luôn tìm ra cách.
Trước đây tôi từng nghĩ, hôn nhân cần phải được xây dựng khi hai người thực sự vững vàng rồi. Làm sao một đứa trẻ 18, 19 tuổi có thể xử lý được những vấn đề tài chính? Thậm chí tôi còn có suy nghĩ hơi ác nghiệt, rằng chỉ những kẻ nông cạn mới kết hôn sớm mà thôi. Kỳ thực, hôn nhân giống như mọi "project" (dự án) khác trên đời, chúng ta đều "tay trắng" khi bước vào và học từ đầu như mới. Tại sao có thể phán xét rằng một cậu chàng 19 tuổi không thể làm tốt hơn một ông chú 40?
Bởi vì về bản chất, đàn ông 19 hay 40 cũng như nhau cả, tuổ nào cũng có người nọ người kia. Vấn đề may rủi, hên thì bạn được một vị vua tới rước, xui xui thì lại có thêm một cậu con trai không lớn được bao giờ.
Tuổi đời và kinh nghiệm sống có thể giúp chúng ta được ở rất nhiều nơi, nhưng điều đó không có nghĩa rằng hôn nhân của bạn suôn sẻ hơn người khác. Bản chất hạnh phúc của một mối quan hệ nằm rất nhiều ở việc bạn thể hiện sự đầu tư vào nó đến độ nào. Chỉ cần bạn thật sự cố gắng và nghiêm túc, không "bài kiểm tra" nào bạn không vượt qua được cả. Tôi chỉ muốn nhắc lại rằng, mỗi chúng ta đều đang học mỗi ngày để sống, một cách rất công bằng.
ôi biết, có bạn sẽ nói rằng lập gia đình quá sớm sẽ là tự rào cho mình cái lồng, tự nhốt mình trong những trách nhiệm với chồng với con. “Lấy chồng sớm làm gì, để lời ru thêm buồn…?”
Một tay bế chồng, một tay ôm con, bao nhiêu hoài bão và ước mơ theo từng tấm bỉm rơi bồm bộp vào thùng rác. Lập gia đình sớm tương đương với việc chấm dứt mọi cánh cửa sự nghiệp. Chồng con nheo nhóc, em chỉ ngồi khóc đếm nước mắt rơi, em đâu có được đếm tiền sồn sột nếu như chọn cách kệ chồng theo cuộc chơi.
Nhưng không hẳn.
Nếu bạn để ý một chút, xung quanh chúng ta có rất nhiều những gia đình trẻ và thành đạt. Gia đình Kiên Hoàng – Heo Mi Nhon với bé Cam. Gia đình Ba Duy – Nam Thương và bé Đậu. Gia đình Trang Lou – Tùng Sơn với bé Xoài. Họ đều là những gương mặt có sức hút từ trước khi lập gia đình và tự gây dựng cho mình sự nghiệp riêng đáng nể ở độ tuổi còn rất trẻ.
Khi một người đã tự chủ được cuộc sống của mình, hôn nhân lúc này không hề là điều gì gấp gáp, nó chỉ khiến hạnh phúc trọn vẹn hơn thôi. Có gia đình, có con rồi, người ta vẫn có thể đi du lịch, đi party, vẫn khám phá những điều mới mẻ cùng nhau và càng có động lực để vun đắp cho sự nghiệp, bởi lúc nào cũng yên tâm có chỗ dựa vững chắc đằng sau. Hôn nhân mà chỉ có lo lắng, tính toan thì người ta kết hôn làm gì? Lấy nhau về để cùng trưởng thành và khám phá cuộc sống đầy màu sắc với nhau, đấy mới là hôn nhân thật sự.
Có một điều nữa tôi nhận ra là khi bạn còn trẻ, bạn lập gia đình và ở Viêt Nam, văn hóa phương Đông đầm ấm ưu đãi chúng ta sự quan tâm sâu sát từ ông bà cha mẹ. Họ sẵn sàng giúp bạn một tay từ việc chăm con, nội trợ gia đình đến những công việc kinh doanh hay xã hội. Nếu sớm có con, bạn sẽ biết dành thời gian cho bản thân mà không sợ mình bị quá già khi con đã lớn. Tuổi tác không quá chênh lệch khiến cha mẹ dễ làm bạn với con hơn. Về khía cạnh sức khỏe, có con sớm trước 30 cũng đảm bảo thế hệ tương lai xinh xắn, khỏe mạnh, nhất là khi tỉ lệ vô sinh đang ngày càng tăng cao do môi trường độc hại.
gay cả trong thời đại đại gia – hoa hậu thế này, tôi vẫn giữ trong mình niềm tin cổ điển rằng hôn nhân nên xuất phát từ tình yêu mới là hôn nhân hạnh phúc. Cũng không phải tỏ cao sang chê vật chất hay gì, tôi chỉ nghĩ đơn giản là nếu đó là người mình yêu, mình sẽ dễ dàng chấp nhận hơn những điều chưa hay ở họ, sẽ có đủ động lực, niềm tin (đôi khi cả sự mù quáng) mà nắm tay họ đến cuối đời. Chứ nếu lấy một người mình không yêu về rồi, đến một ngày mà những thứ mình cần ở họ cũng không còn giá trị thì chia tay là điều tất yếu. Mà khổ nỗi, càng lớn, càng tiếp xúc với nhiều người, dường như chúng ta càng khép lòng mình lại không còn dễ dàng yêu thương ai cả.
Bởi lúc đó ta đã bị chi phối quá nhiều bởi những yếu tố lý tính như địa vị, gia cảnh, học thức, tài sản,…. mất rồi, mà quên đi rằng trước tiên, ta phải dành tình cảm cho nhau trước đã.
Có một nghiên cứu rất nổi tiếng chỉ ra rằng nếu bạn đã đủ 16 tuổi hoặc hơn, 82% khả năng là bạn đã gặp người bạn đời tương lai của mình rồi (mà không biết). Con số cao một cách đáng ngạc nhiên nhưng nó làm tôi thấy ấm áp trong lòng. Ta nhận ra rằng về bản chất, con người vẫn luôn tìm về những gì gần gũi và thân thuộc nhất. Điều thân thuộc đó có thể là cô bạn gái thời học phổ thông, là đàn anh khóa trên cùng trường Đại học, hay cậu nhóc lúc nào cũng chọc ghẹo bạn năm 10 tuổi và vẫn chọc bạn đến giờ. Thứ tình cảm sơ khởi của những lần đầu tiên lúc nào cũng mang lại nhiều cảm xúc, bởi chúng trong sáng và rực rỡ, có đôi chút vụng về, nhưng chính vì vậy nên mới thật thà và đáng quý hơn những hành động đã được tập tành kỹ lưỡng sau nhiều năm tình trường lăn lộn.
Người mà ta gặp lúc này thường đến bên ta từ những môi trường rất an toàn và có thời gian hiểu ta trước khi bắt đầu một điều gì đó, nên mối quan hệ nhiều khả năng cũng sẽ lâu dài. Tôi đã từng chứng kiến nhiều cặp đôi đi một vòng rồi cũng quay về bên nhau, vì không tìm được ai trên đời hiểu mình như người kia cả. Những chuyện như kết hôn với "highschool sweetheart" (người bạn yêu khi học phổ thông) hay thanh mai trúc mã nghe thật khó tin vì nó đẹp như một giấc mơ, nhưng sự thực là rất nhiều người quanh ta đang sống với giấc mơ đó, chỉ là họ chưa chia sẻ mà thôi.
Vậy, nếu gặp đúng người rồi thì bạn còn chờ đợi điều gì, trì hoãn thêm vài năm nữa để làm gì? Tại sao phải mất thời gian tìm kiếm một người nào đó tốt hơn khi bạn đã gặp người tốt nhất? Việc có quá nhiều lựa chọn trong tương lai đôi khi cũng là rào cản tiến tới hôn nhân. Người mà bạn lấy ở những năm hai mươi tuổi có thể không phải là người đẹp nhất, không phải là người giàu có nhất, nhưng chắc chắn là người yêu bạn nhất. Không lấy họ thì lấy ai đây?
on người ta vẫn luôn cân nhắc trước khi bước vào một cuộc hôn nhân, rằng không biết liệu mình và đối phương đã đủ chín chắn, đủ điều kiện, đủ sẵn sàng mà nhiều khi quên mất nghe theo lời trực giác. Thực ra chả lúc nào chúng ta đủ sẵn sàng để bắt đầu một điều gì – bạn cứ làm thôi. Nếu cảm thấy đấy là người nên lấy rồi thì cứ lấy, bởi đây là hôn nhân của bạn, người ngoài không hiểu được đâu.
Đừng sợ sai, hãy suy nghĩ kỹ bằng cả con tim và đừng nghe gì khác.