Phúc và Chiến - Hai chàng trai rời quê hương lên Hà Nội với mong muốn "thoát nghèo".
Nguyễn Văn Phúc sinh năm 1990 ở Hà Tây, là con trai út trong gia đình có đến 5 người chị gái. Bố anh mất sớm, gánh nặng kinh tế đặt lên vai mẹ. Các chị gái cũng lần lượt nghỉ học, dành cơ hội đến trường cho cậu em trai.
11 tuổi, Phúc vừa học, vừa đi đánh giày kiếm tiền. Nếu học sáng thì chiều đi đánh giày, học chiều thì dậy sớm từ 3 giờ sáng, bắt xe rong ruổi các con phố để mưu sinh. Cuộc sống như một vòng tuần hoàn, lặp đi lặp lại như vậy.
Mỗi khi xách bộ đồ nghề đi qua các trường đại học, Phúc thường dừng lại vài phút nhìn vào cánh cổng trường. Khát khao trở thành sinh viên nên khi khăn gói lên Hà Nội ôn thi, anh học ngày học đêm để theo kịp bạn bè. Căn phòng trọ chỉ rộng chừng 15m2 là nơi "sĩ tử" Phúc ở cùng 3 người bạn khác. Phúc vẫn đi đánh giày cả ngày, tối muộn trở về căn trọ cũng là lúc mọi người đã ngủ. Phúc lọ mọ ra ngoài hành lang với sách vở và chiếc đèn pin, ôn luyện đến sáng.
Nỗ lực đó đưa Phúc vào Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Sau khi ra trường, dù có nhiều cơ hội làm trong đài truyền hình, Phúc vẫn chọn quay trở lại với nghề đánh giày.
Bước ngoặt đến với Phúc từ năm 2015, qua những lần đánh giày cho khách, anh bắt đầu được tiếp xúc với lượng đồ hiệu khá nhiều.
Cũng trong năm đó, Phúc gặp lại Nguyễn Viết Chiến - người anh em từng làm việc cùng nhau.
Không may mắn như Phúc, Chiến (SN 1996) là người phải nghỉ học để chị gái anh được tiếp tục đến Giảng đường. Bố của Chiến suy thận nặng, không đủ tiền chạy chữa, vùng quê nghèo Thanh Hóa không thể kiếm tiền từ việc đánh giày. Chiến quyết định lên Thủ đô.
Bán chiếc xe đạp được 300 nghìn, Chiến mua vé xe khách lên Hà Nội. Đặt chân tới Thủ đô, cậu chỉ còn đúng 100 nghìn đồng trong túi và bộ đồ nghề đánh giày - được các anh chị cùng quê tặng để "khởi nghiệp". Chiến còn hứa, em sẽ trả các anh chị khi tích góp đủ tiền.
Ngày ngày, Chiến lang thang quanh khu Mỹ Đình để tìm khách. Số tiền kiếm được từ công việc đánh giày dù ít ỏi chỉ đủ để Chiến trang trải cuộc sống.
"Đừng lang thang đánh giày nữa. Về làm cùng anh không?".
Phúc hỏi, và nói về ước mơ mở một xưởng đồ da, nơi anh em được sống, được làm việc như một gia đình, Chiến liền gật đầu đồng ý.
Nơi "khởi nghiệp" ban đầu của hai anh em Phúc - Chiến là một căn phòng nhỏ tại Văn Điển (Thanh Trì, Hà Nội) - cũng chính là phòng ngủ của Phúc.
Thời gian bắt đầu hai anh em trải qua nhiều khó khăn vất vả. Gia đình không có điều kiện nên hai anh em phải vay mượn khắp nơi. Với số vốn ban đầu 100 triệu vay được, Phúc cùng Chiến đi tìm mua vật tư hết 70 triệu, số tiền còn lại dùng dự trữ.
Ban ngày, cả hai loay hoay sửa chữa đồ da cho khách. Tối đến, mỗi người một nơi, người làm xe ôm, người đi đánh giày, làm phục vụ để trang trải cuộc sống vì khách ở xưởng đồ da chỉ có vài người quen ủng hộ.
Sau một thời gian hoạt động ổn định, Phúc thuê được một kho chứa hàng của nhà người quen. Gọi là nơi làm việc nhưng đồ đạc xếp tràn kho, không gian làm việc của hai anh em chỉ có khoảng 6-7 m2. Khu vực làm việc, nền gạch cũ ẩm ướt, nhà lợp bờ lô hè thì nóng chảy mồ hôi, mùa đông thì lạnh thấu xương, cùng việc khách hàng ít khiến Chiến nhiều lần đã có suy nghĩ bỏ cuộc.
Dần dần lượng khách của bệnh viện đồ da ổn định, do tay nghề tốt nên nhiều khách hàng tìm đến hơn. Hai anh em Phúc và Chiến trả được hết số nợ và tìm được địa điểm mới lớn hơn. Bệnh viện Đồ Da chính thức ra đời, đón thêm nhiều "anh em đường phố" đến làm việc.
Nguyễn Văn Băng (SN 1991) cũng như Chiến, anh rời quê lên Hà Nội từ năm 17 tuổi và làm phụ hồ để mưu sinh. "Lúc ấy, mình mới biết kiếm được đồng tiền khó khăn như thế nào", Băng chia sẻ.
Được 1 năm, Băng có quyết định nhập ngũ. Sau thời gian thực hiện nghĩa vụ, anh lại tiếp tục lao ra đường, bươn chải đủ thứ nghề, vướng vào cả "bẫy đa cấp". Anh đã "gần như mất định hướng, cứ nay đây mai đó, có việc gì thì làm, không biết tương lai của mình sẽ ra sao".
Sau khi gặp anh Phúc, được mời về cùng phát triển, cùng làm việc, Băng nói: "Cuộc đời tôi như sang một trang mới, giờ em tôi cũng đang làm việc tại đây, kinh tế thu nhập ổn định, chúng tôi có thể tự trang trải cuộc sống, cũng như lo được một phần cho gia đình ở quê".
Niềm vui của Băng chỉ đơn giản là được "cùng làm, cùng ăn uống với mọi người trong xưởng". Anh nhận được thu nhập tương xứng với khối lượng công việc mình làm, không có cảm giác như tớ đang làm cho chủ.
Trong số những người từng làm ở Bệnh viện Đồ Da. Cô gái tên K. có lẽ là người để lại nhiều ấn tượng nhất với Phúc. Vì cô là nạn nhân buôn người.
K. là người đồng bào, tảo hôn từ rất sớm. Năm 2015, K. bị bán sang Trung Quốc làm vợ. Sau 6 năm, K. được giải cứu trở về nhà. Ngày 26/7/2021, K. trở thành thợ may tại Bệnh viện Đồ Da.
Gặp những thành viên tại xưởng, K. rụt rè, ánh mắt luôn mang sự đề phòng, chỉ khi ai hỏi gì mới nói vài câu dè chừng. Để có lòng tin từ K., giúp cô hoà nhập lại và cùng phát triển, anh Phúc và những người đồng đội phải đặt bản thân vào vị trí của cô. Mọi người tâm sự về câu chuyện cuộc đời mình, về những gì mình làm và trải qua. Với sự đồng cảm và thấu hiểu, K. dần mở lòng hơn.
Đến sau này, K. xuất hiện với một hình hài hoàn toàn thay đổi, anh Phúc nói: "Tôi luôn nhớ hình ảnh khuôn mặt ủ rũ của K, và gương mặt tràn đầy năng lượng, sự lạc quan sau này của cô".
Sau khi K. cứng nghề, anh Phúc lại giới thiệu cô đến một xưởng may lớn hơn, bởi anh mong muốn cố gái này có môi trường để phát triển hơn nữa. Bởi theo anh, nếu chỉ là xưởng đồ da này, cô hay nhiều bạn sẽ thiếu nhiều kinh nghiệm trong việc có thể tiếp cận những mẫu hàng mới.
Trong quá trình làm việc, có lẽ những bất đồng là điều không thể tránh khỏi, nhưng với những anh em trong xưởng chăm sóc đồ da của anh Phúc thì chuyện mâu thuẫn xảy ra chưa bao giờ có. Bởi tại đây, họ đều là những người hoàn cảnh, xuất phát điểm giống nhau, thấu hiểu, đồng cảm với nhau, sống với nhau như người một nhà.
Viết Chiến từ một cậu bé rụt rè ít nói, đặt chân lên Hà Nội với 100 nghìn và sự mặc cảm khó xóa bỏ, giờ đây đã tự tin hơn khi chia sẻ với chúng tôi về cuộc sống của anh. Anh nói, làm đồ da đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn thận từng chút một. Nếu vội thì không làm được việc. Do đó, đây cũng là cách để con người ta rèn luyện sự kiên nhẫn.
Dành cho bản thân 1 từ sau nhiều năm sống cùng Bệnh viện đồ da, Anh Phúc nói bản thân "Hạnh Phúc". Anh cho rằng, hạnh phúc đơn giản là ngày xưa, đánh giày giúp anh thay đổi con người, cuộc sống. Hạnh phúc khi hiện tại anh có Bệnh viện đồ da - nơi có thể giúp thay đổi rất nhiều những con người khác và hạnh phúc khi cuộc sống của họ thay đổi, bản thân họ thay đổi theo hướng tích cực.
Không giống như những người làm nghề khác, họ luôn giữ cho mình những cách làm riêng, nhưng anh Phúc thì không, anh chọn mở lòng chia sẻ.
Hiện nay, Bệnh viện Đồ Da của anh Phúc nhận chăm sóc đồ da, chủ yếu phục chế những bộ sofa. Trung bình mỗi tháng, xưởng nhận sửa khoảng 20-30 bộ với mức giá hàng trăm triệu đồng. Xưởng có 8 anh em thường trực, thu nhập bình quân của mỗi người từ 7 triệu đồng/ tháng tùy vào khối lượng công việc của từng người.
Chỉ từ căn phòng ngủ "khởi nghiệp" bé tẹo ngày nào, Bệnh viện Đồ Da đã góp phần giải quyết các vấn đề xã hội như trẻ lang thang, nạn buôn người, tạo một nguồn nhân lực cung ứng tại chỗ, có tay nghề, và hơn hết là giúp nhiều cuộc đời có thể được viết lại.
Trong lương lai, Phúc vẫn mong muốn có thể kết nối được với nhiều bạn bè hay những người có cùng chí hướng, của nhiều ngành nghề khác, để có thể tạo nhiều cơ hội việc làm hơn cho những đối tượng đặc biệt này.