Cứ tưởng quảng bình khô khan, ai ngờ là còn có một Tú Làn cho những kẻ “muốn đi đâu xa, gặp ai đó lạ”
Có bao giờ bạn cảm thấy giống tôi, mang trong mình một cảm giác lưng chừng, không hẳn là buồn hay vui, nó cũng không nằm ở sự đầy đủ hoặc thiếu thốn, nó cứ mấp mé xuất hiện trong tất cả thời gian, cảm xúc của mình. Phải chăng đây là những lúc chúng ta muốn đi đâu đó thật xa, gặp những con người mới lạ và cảm nhận cuộc sống từ một góc nhìn khác hơn?
Đặt chân đến với mảnh đất Quảng Bình - vùng đất ôm trọn vào mình cả biển trời núi non và hệ thống hang động kỳ vĩ, chúng tôi chọn cho mình vùng đất của điểm đến của chuyến hành trình chính là Tú Làn, nơi đã xuất hiện trên màn ảnh rộng của Hollywood để chinh phục.
Khác với hệ thống hang động ở vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, hệ thống hang động Tú Làn nằm khá thấp, được đan xen bởi nhiều dòng suối, sông luôn đầy ắp nước chảy. Cuộc đua băng rừng lội suối để đến với hang Tú Làn sẽ là trải nghiệm đáng nhớ, vì đây cũng là một chuyến du lịch đầu tiên mà "tốn sức" đến vậy của cả 3 thành viên trong đội.
Không chỉ đẹp, tính mạo hiểm trong mỗi lần bơi vào hang còn làm cho chuyến đi này không gì sánh được với bất cứ điều gì khác. Lần đầu xuống nước, dù đã mặc áo phao cực kỳ an toàn và gọn gàng rồi, tôi vẫn hơi shock và hoảng sợ vì cái độ lạnh của nước suối và sự chơi vơi giữa dòng nước chảy siết. Nhưng vẫn phải giả vờ thật bình tĩnh để mọi người không phải lo đến tôi. Sau 3 lần bơi thì cánh tay tôi rã rời nhưng không dám kêu vì "sợ quê", rút kinh nghiệm cho những lần bơi kế tiếp, tôi cứ bơi sau anh porter để giảm bớt lực cản của nước, dù hơi chậm nhưng cũng đỡ mệt hơn hẳn.
Khi bơi qua từng hang, trước mắt chúng tôi được bao quanh bởi các kiến tạo đá vôi tuyệt đẹp và chỉ được nhìn thấy bằng ánh sáng từ đèn đội đầu của mình, bỏ lại sau lưng ánh sáng ban ngày mờ dần khi bắt đầu đi sâu vào hang. Bơi trong dòng nước suối ngầm và ngắm nhìn thạch nhũ trong hang thực sự là phần thưởng ban tặng cho những ai đủ nhiệt thành vượt qua khó khăn hiểm trở để đến với thiên nhiên.
Hành trình của chúng tôi để đến được Tú Làn vừa đi bộ xong lại bơi, xong lại đi bộ, quần áo cứ ướt rồi khô, khô rồi lại ướt. Lao vào những bụi rậm, trèo lên những mỏm đá, men theo những con đường mòn mà một bên là đá tảng, một bên là sông, những vách đá cheo leo và hiểm trở, những gờ đá nhọn sắc được mài giũa bởi gió, nước và thời gian hàng trăm triệu năm, như thách thức sức lực và sự kiên trì của chúng tôi. Anh hướng dẫn viên bảo chúng tôi lúc nào cũng cần nhớ trong đầu về Quy tắc 3 điểm. Có nghĩa là, lúc nào cũng phải có ít nhất 3 điểm trên cơ thể tiếp xúc với mặt đá, nếu không - bạn sẽ ngã.
Ngay cả khi đang ngồi với nhau và cùng nhau viết lại chuyến phiêu lưu của mình cho các bạn, chúng tôi vẫn còn cảm thấy háo hức, bồi hồi, trái tim tôi vẫn đập nhanh khi nghĩ đến những con đường băng rừng, lội suối, xuyên hang và trên hết là niềm tự hào khi thực sự được chinh phục một "siêu phẩm của tạo hóa" của thiên nhiên Việt Nam.
Hành trình của chuyến đi khoảng 18km cả đi và về, trong đó có 2km bơi trong hang và ngoài suối; hơn 3,5km thám hiểm các hang; gần 7km đường đồng ruộng, thung lũng và chừng ấy đường dốc núi. Một con số thực sự tôi chưa bao giờ nghĩ tới rằng mình có thể làm được cả.
3 ngày đi trong chuyến hành trình, chúng tôi "cắt sóng" và "cắt điện" hoàn toàn, giống như mình đang đi ngược dòng lịch sử, bị cách ly khỏi thế giới hiện đại vậy. Với một đứa trước giờ vẫn "công tử bột" mê smartphone và wifi, dành gần như 70% thời gian để online mạng xã hội như tôi thì tôi nghĩ mình sẽ không chịu được. Nhưng không phải thế, trong 3 ngày ấy, tôi cảm thấy thế giới xung quanh tôi có nhiều điều thú vị hơn tôi nghĩ, có nhiều thứ cần thử hơn là mình tưởng.
Đi đến và cảm nhận cuộc sống của người khác tại những nơi chậm phát triển chúng tôi sẽ thấy mình còn may mắn hơn họ rất nhiều. Những thứ trước giờ tôi cho rằng là thiết yếu, là bình thường trong cuộc sống hàng ngày như đối với họ là những điều xa xỉ. Chẳng hạn như điện, điện thoại, công nghệ thông tin, Wifi… những thứ tưởng chừng như không có chúng thì tôi sẽ sống không nổi nhưng đối với họ đây là điều bình thường. Họ vẫn vui vẻ và hạnh phúc với cuộc sống của mình. Lúc này với chỉ một cái vẫy tay chào, một cái ôm của một đứa trẻ đang chăn trâu hay một bữa ăn đạm bạc giữa rừng cùng với các thành viên trong đoàn cũng khiến chúng tôi thấy ấm áp.
Khi hòa mình vào nhịp sống nơi đây, chúng tôi bỏ lại phía sau lưng sự tiện nghi của công nghệ để sống một cuộc sống đơn giản. Chúng tôi biết them một chút ít về một ngôn ngữ mới từ các anh porter. Hoá ra, vùng tất Tân Hoá nhỏ bé với hơn 500 hộ dân này cũng có một thứ tiếng riêng là Tiếng Nguồn. Và chúng tôi cũng hiểu được cái câu mà lũ trẻ con hay hét to mỗi khi gặp khách du lịch "Nhà qua yêu dau" (Chúng tôi yêu bạn).
Hành trình chinh phục mảnh đất bị lãng quên – Tú Làn của chúng tôi thành công và mãn nguyện nhờ sự trợ giúp đắc lực của các porter, họ đã làm được những điều mà với tôi đó là sự phi thường.
Tại sao lại là 2 chữ "phi thường"? Bởi họ quá tài tình khi đeo một trọng lượng nặng đến như thế trên lưng vượt đường rừng đầy gian khó. Bản thân tôi chỉ đeo balo đựng mũ và đèn pin thôi mà đã thấy gian nan, vừa đi vừa thở rồi. Với chúng tôi, những porter ấy không chỉ là người khuân vác đơn thuần mà còn như sứ giả của văn hóa, họ là cầu nối giữa khách với hang động, làm cho chuyến đi bớt mệt mỏi căng thẳng, ngược lại thú vị hơn.
Đến mỗi điểm cắm trại, các porter bỏ gùi hàng xuống, ai lo việc nấy, người soạn đồ ra cho khách, dựng lều ngủ, người dọn đồ để chế biến thức ăn, nấu nướng. Ai cũng hồ hởi chuyện trò với khách và nói chuyện trêu đùa râm ran, tạo không khí ấm cúng, xua đi mọi lo âu. Thực sự họ là những người bạn của hành trình.
Các porter trong tour đều là những người dân địa phương ở vùng đất Tân Hoá này. Nói chuyện với anh Ken, anh Hải, anh Tâm thì chúng tôi được biết rằng, từ khi có du lịch thì đời sống của mọi người mới dần ổn định hơn bằng nghề "porter". Trước rừng nay đây mai đó kiếm sống, vất vả nhưng không được bao nhiêu, giờ làm porter ổn định hơn nhiều, được 3 - 4,5 triệu đồng/tháng.
Tân Hóa là một thung lũng rộng lớn, bao vây tứ bề là những dãy núi đá vôi dựng lô nhô, trùng điệp. Điều lạ nhất của Tân Hóa là về mùa lũ lụt. Khi đó nước lũ dâng lên ngập tràn tất cả, biến thung lũng và những dãy núi lô nhô thành một... vịnh Hạ Long giữa rừng xanh. Nghe có vẻ thật đẹp nhưng cuộc sống những người dân ở đây thì lại rất cực khổ mỗi mùa lũ tới.
Chúng tôi còn được biết thêm một kiểu mô hình nhà mới "Nhà phao trên cạn", thứ giúp những con người nhỏ bé nơi đây chống chọi được với thiên tai khắc nghiệt. Những căn nhà nổi chống lũ này có diện tích từ 15 đến 20m2, được đặt trên 20 đến 30 chiếc thùng phi rỗng, gắn chặt vào đáy thay vì cố định móng nhà trên mặt đất.
Cứ đến tháng 9-11 hàng năm, nơi đây lại ngập trong bão lũ. Năm nào cũng vậy. "Tại sao người dân nơi đây không chuyển đi chỗ khác ở cho đỡ vất vả?" Nhưng đáp lại những thắc mắc của chúng tôi là những ánh mắt tự hào và niềm hy vọng về tương lai phía trước khi lắng nghe những câu chuyện họ kể về mảnh đất này "ở lại vì yêu quê hương lắm, ở lại còn giữ đất cho quê hương chứ!". Hoá ra tình yêu đất nước lại bắt nguồn từ những người dân nhỏ bé mà phi thường đến vậy.
Chúng tôi trở về sau 3 ngày 2 đêm sống xa nền văn minh. Tôi đã có nhiều chuyến đi, đến rất nhiều nơi rồi, thậm chí đã từng đi phượt xuyên Việt. Nhưng đây là một trải nghiệm tuyệt vời mà tôi chắc chắn sẽ luôn nhắc đến một cách tự hào và trân trọng.
Tôi nghĩ, điều quan trọng nhất sau mỗi chuyến đi không phải là chụp được bao nhiêu bức ảnh, ăn được bao nhiêu món, thăm được bao nhiêu nơi mà chính là nhận ra sự thay đổi của cuộc sống – một cuộc sống luôn vận động, luôn chuyển mình theo thời gian. Thêm nữa, là nhận ra sự thay đổi của chính mình – với những khả năng mới, những thích nghi mới, những tương tác mới, những niềm vui mới, những âu lo và những thử thách mới…
Trải qua mọi cuộc hành trình, dù những gì còn lại là trăn trở hay phấn khích, thì đều đáng để biết ơn. Biết ơn những sự chuyển dời đã dạy ta bài học về sự trân trọng thời gian, gia đình, tuổi trẻ và quá ư nhiều kinh nghiệm!