Làm mẹ là một hành trình không ai có thể thay thế mình trải nghiệm, đó là một chuỗi những cảm xúc đan xen và là loạt bài tập thử thách giới hạn của chính mình.

Mỗi người mẹ lại là một hoàn cảnh, một cuộc đời khác biệt. Không khó khăn của người mẹ nào lại giống người mẹ nào, những giọt nước mắt cũng rơi vì những câu chuyện không giống nhau. Nhưng có một thứ mà bất cứ ai từng làm mẹ cũng có thể đồng cảm, đấy chính là tình yêu thương vô bờ với sinh linh bé bỏng mà họ đã mang nặng đẻ đau. Cái tình yêu thiêng liêng mà giờ đây sẽ vĩnh viễn xoay chuyển họ trở thành một con người khác.

''Con ơi, mẹ cũng lần đầu làm mẹ!"

Nhân dịp 20/10, xin được chia sẻ những thế giới khác nhau của những người phụ nữ lần-đầu-làm-mẹ. Hy vọng, những câu chuyện dưới đây sẽ một phần tiếp thêm sức mạnh và sự thấu hiểu cho những người mẹ ngoài kia, hãy cứ tin vào chính mình để tiếp tục hành trình gian nan nhưng đong đầy những yêu thương này.

“Con ơi, mẹ cũng lần đầu làm mẹ!” - Ảnh 2.

Trước khi sinh con, tôi đã chuẩn bị tâm lý cho việc… đau đẻ, nhưng tôi không tưởng tượng được là đẻ lại đau đến mức không chịu nổi như thế. Cơn đau đẻ của tôi kéo dài từ 10h đêm đến 6h chiều ngày hôm sau mới bắt đầu đẻ. Cơn đau dồn dập, tôi không tài nào đứng nổi mà cứ lết dưới sàn, thậm chí còn không thể ngồi lên quả bóng hơi cho dễ đẻ vì đau quá. Đau đẻ xong rồi, lại đến cơn đau… hậu sinh, và lần này thậm chí còn đau và khủng hoảng hơn nữa. Đẻ thì đau từng cơn, nhưng đau hậu sinh thì là 24/24.

Cũng vì đau mà khoảng 2-3 tuần sau sinh thì tôi không thể ẵm con để cho con bú. Thời điểm ấy, tôi cảm thấy bất lực vì đã không thể dành nhiều thời gian ở sát bên con. Bế không được, cho con bú cũng không được vì sữa về rất ít. Từ nhỏ con đã phải bú sữa ngoài, người ngoài đến thăm đặt những câu hỏi: “Tại sao?” - cũng khiến tôi tủi thân. Tôi đã làm hết mọi thứ, sữa không về thì… biết làm sao? May mắn là chồng tôi luôn tâm lý để tạo cho tôi cảm giác được thoải mái và bớt đi những áp lực từ xung quanh. Chỉ khi đó, tôi mới bắt đầu học cách kệ và tin vào bản năng của mình.

“Con ơi, mẹ cũng lần đầu làm mẹ!” - Ảnh 3.

Tôi không phải một người chăm con khéo đâu! Chồng tôi mới là người có thể làm được mọi thứ! Chồng tôi có thể lựa từng bình sữa, quần áo, tã bỉm cho con, anh cũng cho con ăn giỏi hơn tôi nữa. Nhờ sự chia sẻ đó mà khoảng thời gian sau sinh của tôi bớt đi nhiều áp lực. Có lần nọ, tôi tắm cho con rồi bị tuột tay. Dù con không bị sao nhưng tim tôi thót lại! Mình nâng con như trứng, hứng như hứng hoa, vậy nên dù chỉ một chút gì đấy sứt mẻ thôi là cũng đủ xót con lắm.

Có con rồi, nỗi lo lớn nhất cũng chỉ là lo không có nhiều thời gian dành cho con thôi. Vừa muốn dành hết thời gian để chăm sóc và ở bên con, vì tôi hiểu rằng khoảng thời gian này con cần mình lắm. Nhưng công việc hiện tại lại bận, đi từ sáng đến chiều muộn về nhà cũng chỉ chơi được với con một xíu, nhiều khi về muộn thì con đã ngủ mất tiêu. Đấy là điều khiến tôi buồn nhất. Đôi khi, tôi cứ tự đấu tranh: Hay mình bớt đi công việc, mình nghỉ làm để ở nhà trông con? Nhưng rồi nỗi lo kinh tế lại lớn hơn, tôi muốn dành cho con mọi thứ tốt nhất, thế nên lại cố gắng. Tôi cũng thấy mình keo kiệt đi nhiều phần. Trước có thể thoải mái đi chơi và mua sắm cho bản thân, bây giờ mua gì cho mình cũng tiếc mà chỉ nghĩ đến con đầu tiên.

“Con ơi, mẹ cũng lần đầu làm mẹ!” - Ảnh 4.

Tôi thấy con đã dạy cho tôi rất nhiều điều. Tôi trưởng thành hơn, sống có trách nhiệm hơn. Nuôi con vất vả là điều đương nhiên, nhưng những niềm hạnh phúc con mang lại còn lớn hơn thế. Vậy nên đừng hỏi tại sao đẻ 1 đứa cứ than mệt lắm rồi vẫn thấy đẻ đứa thứ 2, thứ 3? Mệt mỏi cỡ nào thì cái niềm vui con mang đến cũng sẽ bù lại được hết thôi à!

“Con ơi, mẹ cũng lần đầu làm mẹ!” - Ảnh 5.

Cho đến tận bây giờ, đôi khi tôi vẫn tự hỏi mình liệu đã là một người mẹ tốt?

Tôi sinh con năm 23 tuổi, sau đó tôi và bố Mận Cơm trải qua nhiều biến cố. Chúng tôi chia tay năm Mận cơm lên 2. Không có tài chính ổn định vậy nên tôi quyết định để Mận cơm cho bố nuôi nấng. Khi con 4 tuổi, tôi quyết định vào Sài Gòn lập nghiệp. Đó là một quyết định khiến tôi phải suy nghĩ rất nhiều.

Có lẽ nhiều người sẽ đàm tiếu: Làm mẹ mà không chọn nuôi con. Tôi cũng từng nghĩ như vậy đấy! Rất nhiều lần, tôi tủi thân và bật khóc một mình vì nhớ và tiếc nuối khi thời gian ở bên con không được nhiều. Nhưng trong tay tôi khi đó không có tiền, tinh thần cũng không ổn, tôi không nghĩ mình có thể mang lại môi trường sống tốt cho con như bố Mận cơm và bà nội có thể. Tôi buộc phải thực tế rằng: Ai đang là người có tinh thần tốt hơn? Ai đang có điều kiện kinh tế tốt hơn? Ai có thể đảm bảo cho con một cuộc sống vững vàng?Bố Mận Cơm là gia đình và anh cũng yêu Mận Cơm rất nhiều, vậy nên hãy tin tưởng để anh và bà nội chăm sóc. Tôi quyết định đi tìm một hướng đi mới cho mình, tôi muốn con có thể tự hào vì những gì tôi làm được và hiểu những sự nỗ lực mà tôi đã trải qua. Tôi muốn mình phải thật ổn để con có thể dựa vào, chứ không chỉ ở bên con mà trong lòng vẫn ngổn ngang và lo nghĩ.

Ở xa con, có những thời gian mà chỉ không gặp một tháng thôi đã thấy con thay đổi nhiều. Từ 4-8 tuổi là thời điểm mà nhận thức của con bắt đầu có những ký ức rõ nét về tuổi thơ - thì tôi lại chẳng thể ở cạnh. Cả một quãng thời gian con thay đổi tâm lý, hàng ngày con ăn gì, con thích gì, tôi không được ở đó để nhìn thấy. Tôi có thể nấu ăn cho bạn bè và được mọi người ngợi khen với những món ăn ngon, nhưng Mận cơm lại không biết mẹ nấu món gì ngon nhất. Đó là một trong những điều rất nhỏ có thể khiến tôi cảm thấy tủi thân. Ngày mới vào Sài Gòn, trong tay không có tiền, nỗi nhớ con dày xéo tôi khổ sở đến mức có những lần phải nhắn tin cho bố Mận Cơm rằng: “Anh ơi, em nhớ con quá, anh có thể mua vé cho con bay vào đây rồi em mua vé bay ngược ra cho con không?”. Khoảng thời gian ấy thật kinh khủng vì mỗi ngày trôi qua, tôi không biết làm sao để có thể gặp được con. Mà nếu được gặp, tôi lại sợ mình mang đến cho con một nguồn năng lượng không tốt vì trên vai tôi đang biết bao áp lực. Vào Sài Gòn với một đống nợ, không có mối quan hệ, không có cơ hội, mọi thứ hoàn toàn bắt đầu từ con số 0, liệu đón con vào tôi có thể ở bên con không hay lại phải đi suốt? Nếu chỉ thỏa mãn nỗi nhớ con của bản thân mà không thật sự có tâm trí và thời gian thì tôi làm điều đó để làm gì? Mỗi ngày tôi đều mắc kẹt trong những suy tư ấy, và đó thật sự là một khoảng thời gian rất tồi tệ.

“Con ơi, mẹ cũng lần đầu làm mẹ!” - Ảnh 6.

Xa mẹ từ nhỏ và cũng biết hoàn cảnh gia đình từ nhỏ, vậy nên Mận cơm là một cậu bé rất hiểu chuyện. Khi tôi vẫn còn ở Hà Nội, một lần tôi gặp Mận Cơm đi cùng gia đình của bố. Con quay sang nhìn cả hai bên và trong ánh mắt nhìn về tôi hiện lên sự lo lắng và băn khoăn. Tôi bất ngờ vì con còn nhỏ nhưng đã có sự để ý rất… người lớn như vậy. Cho đến khi Mận Cơm có em, Mận Cơm lại thắc mắc: “Ngày xưa mẹ cũng chăm con như vậy đúng không?”. Tức là điều cậu ấy băn khoăn duy nhất là chỉ sợ ngày nhỏ không được ở gần mẹ, do ký ức về mẹ của một đứa trẻ 2-3 tuổi đâu có rõ ràng.

Mận Cơm cũng đã là đứa trẻ nhìn thấy mẹ của nó chạm đáy của khủng hoảng là thế nào. Đã có những lúc Mận Cơm hỏi tôi: “Tại sao mẹ suốt ngày khóc?”. Trẻ con không thể nhìn rõ được vì sao, nhưng chí ít thì chúng hiểu: Khóc nghĩa là buồn. Mận Cơm đã thấy cả chặng đường ấy của tôi, vậy nên bây giờ, tôi chẳng cần nói gì nhiều với Mận Cơm về những gì đã qua nữa. Mỗi khi gặp, hai mẹ con chỉ nói chuyện vui thôi. Mận Cơm hay tâm sự chuyện các bạn ở trên lớp, và đặc biệt tự hào khi khoe với bạn bè rằng: Mẹ mình là ca sĩ! Bây giờ, Mận Cơm đã có thể theo mẹ đi diễn, luôn ngồi đập lightstick ở hàng ghế đầu để cổ vũ mẹ một cách nhiệt tình. Hai mẹ con giống như hai người bạn thân, dẫu không ở cạnh bên nhưng luôn gắn kết bằng một cách nào đó. Và tôi mong rằng, ngay cả khi lớn lên, con vẫn sẽ mãi là một người bạn của mình như thế.

“Con ơi, mẹ cũng lần đầu làm mẹ!” - Ảnh 7.

Khi còn nhỏ, tôi thường mong thời gian trôi thật nhanh, nhưng bây giờ, sau 4 năm lướt qua chóng vánh, tôi mới hiểu tại sao khi lớn lên người ta lại muốn thời gian trôi chậm lại. Mới chỉ có 4 năm xa con thôi mà? Mỗi ngày sao con thay đổi nhiều quá, chỉ cần một ánh mắt, một câu nói thôi là tôi đã đột nhiên giật mình thấy khác. Việc Mận Cơm ra đời và hai mẹ con không ở cạnh nhau đã khiến tôi hiểu ra bài học ấy, khiến tôi giật mình nhận ra mình cần trân trọng thời gian nhiều hơn và không muốn bỏ lỡ một khoảnh khắc nào trong cuộc sống này. Tôi thấy may mắn vì mình đã trải qua đủ nhiều để có thể đồng hành cùng con trong chặng đường sắp tới - như một người bạn thân. Ngày trước, ở bên con nhưng tâm trí tôi luôn lang thang ở ngoài kia với những lo lắng về tương lai và cuộc sống. Giờ đây, dẫu ở xa nhưng tôi thấy mình đang gần con hơn lúc nào hết. Và với tôi, đó là điều tuyệt vời nhất.

“Con ơi, mẹ cũng lần đầu làm mẹ!” - Ảnh 8.

Thực ra lần đầu tiên, tôi bị thai lưu. Khi đó mới được 8 tuần, tôi thấy đau bụng và đi kiểm tra thì không thấy tim thai nữa rồi. Lần thứ 2 có thai là sau đó 6 tháng, tôi… không dám nói với ai. Lại đúng vào thời điểm Covid-19 nên làm việc tại nhà, cho tới tận tới khi sinh và hai mẹ con bình an rồi, mọi người mới biết tôi đã có em bé. Chắc những ai từng sảy thai một lần giống tôi cũng ít nhiều có tâm lý như vậy.

Bầu bạn thứ hai này, tôi lại bị dị ứng thai kỳ, khắp người nổi mề đay và ngứa khùng điên luôn, gãi đến xước da, chảy máu. Tôi chưa từng thấy ai bầu mà… ghê như vậy. Hồi ấy, tôi sợ mình xấu đi. Người tôi không còn một chút gì như hồi con gái, nhưng khi gặp con rồi, tôi nhận ra rằng chỉ cần con thôi là mọi sự đánh đổi đều xứng đáng.

Có một điều khiến tôi cứ thấy có lỗi mãi, tháng thứ 5 tôi đã cai sữa cho con. Thứ nhất là tôi hết sữa, thứ hai là mỗi lần cho con bú, tôi cảm thấy cực kỳ khó chịu. Người ta giải thích rằng: Nguyên lý của việc tiết ra sữa là khi con bú, người mẹ sẽ thấy hạnh phúc và sữa sẽ về. Nhưng tôi thì ngược lại, tôi thấy khó chịu và bực mình vô cùng. Theo bác sĩ, có một số người sẽ tiết ra một loại hormone khiến việc cho con bú mang đến rất nhiều cảm xúc tiêu cực cho người mẹ. Có lẽ tôi là một trong số đó, dù tôi nghĩ rằng chắc cũng chẳng có nhiều người giống mình đâu. Biết vậy rồi, tôi chuyển sang hút sữa ra thay vì cho con bú trực tiếp, nhưng tôi vẫn thấy khó chịu. Cảm giác ấy khiến tôi càng ngày càng ít sữa, để rồi cuối cùng tôi quyết định cho con dùng sữa công thức. Tôi thấy có lỗi cực kỳ với con nhưng chẳng biết phải làm sao, cả thời gian ấy tôi căng thẳng tột độ nhưng cũng không thể bắt bản thân mình chịu đựng thêm nữa. Đó còn là thời điểm dịch cao điểm, nên tôi cũng chẳng thể ra ngoài đi khám. Cứ thế, tôi bị giằng co trong cảm xúc vừa khó chịu với bản thân mà vừa có lỗi với con, tôi cứ ân hận rằng liệu mình đã thật sự cố gắng hết sức?

img
img
img

Cũng có một giai đoạn, tôi rơi vào trầm cảm. Tôi thấy xa lạ với chính con của mình. Khi con khóc thì tôi vô cảm, còn khi con ngủ tôi lại ám ảnh tiếng con đang khóc. Tôi thậm chí còn không muốn dỗ con, cũng không cảm thấy ghét, chỉ ngồi nhìn con khóc vậy thôi chứ chẳng có cảm giác gì hết. Mãi cho tới tháng thứ 4 - thứ 5, khi hai mẹ con đã thực sự có thời gian đủ dài để kết nối, tôi mới cảm thấy tình yêu thương gắn kết mà mọi người thường nhắc đến.

Khoảnh khắc hạnh phúc nhất khi có con trên đời ư? Tôi nghĩ, tôi sẽ nhớ nhiều về khoảnh khắc mà tôi bất ngờ nhất hơn. Đó là lúc con cầm cái điều khiển trên tay và biết dùng để bật quạt, tôi không hề dạy mà do con tự thấy người lớn làm và bắt chước. Khoảnh khắc ấy khiến tôi vỡ ra một điều rằng con sẽ luôn nhìn và học từ mình. Những điều ta dạy chưa chắc con đã nhớ, nhưng những điều ta làm mỗi ngày sẽ là tấm gương để con quan sát và noi theo. Nghĩ vậy rồi, tôi hiểu rằng mình phải khác đi, có thể không làm mọi thứ tốt hoàn hảo nhưng chắc chắn không được làm sai. Hồi nhỏ, ba mẹ tôi ly hôn, vậy nên tôi hiểu rõ nỗi khổ tâm của một đứa trẻ có gia đình không hoàn hảo, giống như trong lòng có một vết thương mãi mà chẳng thể lành. Vậy nên, tôi sẽ cố gắng để con mình không phải chịu cảm giác đấy. Tôi tự ý thức phải luôn trao đổi và chia sẻ với chồng để không bị mất kết nối. Tôi muốn bảo vệ con một cách vô điều kiện và chăm sóc con bằng những thứ tốt nhất mà mình có thể làm được.

“Con ơi, mẹ cũng lần đầu làm mẹ!” - Ảnh 10.

Tôi nhớ cái lời của người ngoài khiến tôi không vui nhất là: “Không biết giống con ai”. Thà rằng họ đừng nói còn hơn là khiến mình thấy khó chịu và khó xử đến vậy. Tôi hiểu rằng họ cũng chỉ đùa, nhưng tôi biết phải ứng xử ra sao trước câu đùa ấy? Hùa theo thì kỳ, mà phản ứng lại thì lố. Tôi nghĩ rằng chẳng ai nên nói câu ấy với bất cứ người mẹ nào đâu.

“Con ơi, mẹ cũng lần đầu làm mẹ!” - Ảnh 11.
img
img
img

Nhìn con ngủ bên cạnh, tôi đã tự hỏi liệu một người vụng về như mình có phù hợp làm mẹ không? Liệu mình có chăm con được chu đáo không? Sao hành trình này dài đến thế?

Thời điểm đó, câu mà tôi nói nhiều nhất với con là: “Con ơi, mẹ xin lỗi”. Câu nói ấy cứ lặp lại mỗi lần tôi loay hoay không thể ẵm con ti, mỗi lần con ọc sữa hay con khóc đêm mà tôi không tài nào dỗ được con nín.

Rồi khi bình tĩnh lại, tôi nhìn con và nói: “Ừ không sao đâu con ha, tại vì, mẹ cũng lần đầu làm mẹ”. Tôi cứ nói với con như vậy đấy, bởi tôi cứ tự nhủ rằng chắc bà mẹ nào cũng vậy thôi. Bây giờ mình đã là mẹ rồi mà, tại sao lại dễ khóc như vậy? Những cái vụn vặt này rồi sẽ chóng qua thôi, rồi mọi chuyện sẽ ổn.

Và đúng là mọi chuyện ổn thật. Tôi dần bắt nhịp được với con, hiểu được khi nào con khóc vì đói, vì gắt ngủ, hay vì tã uớt. Tôi quen với nhịp sinh hoạt mới và bỗng nhiên cuộc sống của mình trở nên dịu dàng và đáng yêu cùng với những thay đổi của con mỗi ngày. Đoạn thời gian trước kia của tôi khá đơn điệu, chỉ cho đến khi có một đứa con ở bên cạnh, tôi mới thấy phía trước có nhiều điều thú vị đang chờ đón.

Tôi vẫn nhớ cái khoảnh khắc lần đầu tiên mà Bột biết đưa tay đòi mẹ khi tôi đi xa về, thực sự rất hạnh phúc. Dù cho tôi vừa dang nắng dang mưa trở về nhà với dáng vẻ luộm thuộm, tóc tai bù xù, quần áo xốc xếch, thì con vẫn nhận ra mẹ và cười toe toét đòi bế ẵm. Cái điều đơn giản ấy làm cuộc sống của tôi trở nên ngọt ngào quá đỗi.

“Con ơi, mẹ cũng lần đầu làm mẹ!” - Ảnh 13.

Trước đây tôi và mẹ ít tâm sự cùng nhau vì khoảng cách thế hệ và phong cách sống khác biệt. Khi tôi sinh Bột và cùng con lớn lên từng ngày, tôi lại càng thấm thía những tháng ngày vất vả năm xưa của mẹ khi nuôi chị em tôi khôn lớn. Có một đêm khi ngồi cho con ti, tôi nghĩ đến cảnh mẹ mình ngày xưa, tự dưng nước mắt cứ thế rơi xuống.

​​Người ta nói rằng, "khi sinh con nghĩa là bạn quyết định để trái tim mình bên ngoài cơ thể". Mẹ tôi đã gửi trái tim vào những chuyến công tác xa nhà hay những lần đi phượt nguy hiểm của tôi, và bà chỉ yên tâm khi tôi trở về lành lặn. Mẹ không cấm cản tôi khám phá thế giới bên ngoài, nhưng như bao bà mẹ khác, trái tim mong manh của mẹ chẳng bao giờ yên lòng khi các con rời xa vòng tay bà.

Giờ đây khi đã làm mẹ, tôi mới hiểu được cảm giác ấy. Khi con đau ốm, tôi chỉ uớc mình có thể chịu đau thay con. Khi phải xa con dù chỉ vài tiếng, hình bóng và tiếng cười của con phủ đầy tâm trí mình.

Bây giờ tôi đã không còn nói xin lỗi con, mà tôi thay bằng lời cảm ơn. “Cảm ơn con vì đã đến bên đời mẹ.”

“Con ơi, mẹ cũng lần đầu làm mẹ!” - Ảnh 14.
“Con ơi, mẹ cũng lần đầu làm mẹ!” - Ảnh 15.

Trước khi sinh con, tôi vốn là một con người rất năng động và tích cực trong mọi tình huống. Mỗi khi ốm bệnh hay có bất cứ vấn đề gì, tôi luôn có thể tự chăm sóc và tự tin rằng mình là một người lạc quan. Cho đến khi sinh con và tôi phát hiện rằng: Hóa ra trầm cảm sau sinh không chừa một ai hết.

Cảm giác khi ấy rất kỳ lạ. Có hôm chăm con xong, tôi vừa đi ngủ thì mẹ chồng nói một câu: “Ôi! Hôm nay thấy được hai mẹ con ngủ ngon!”. Thật sự chỉ là một câu mẹ nói vì mừng khi thấy hai mẹ con ngủ, hoàn toàn chẳng có ý gì hết, thế mà tôi ôm con khóc cả sáng, trong đầu cứ nghĩ luẩn quẩn: Chẳng lẽ trông con cả đêm mẹ không thấy sao? Tại sao mẹ lại chê mình là vẫn đang ngủ đến giờ này? Cảm giác khi đó rất kỳ lạ, thậm chí nhìn thấy đồ ăn mẹ chồng chuẩn bị cũng khóc, khóc vì tủi thân khi thấy chồng được đi làm, được… uống trà sữa. Lúc ấy tôi chẳng để ý lắm, nhưng mãi sau khi vượt qua giai đoạn đó, tôi mới giật mình hiểu rằng mình vừa chạm ngưỡng cửa của trầm cảm sau sinh. Thậm chí có những lúc, tôi còn muốn ôm con trốn về nhà mẹ đẻ, chỉ để được ăn thỏa thích những thứ mình muốn, con sinh ra mình nuôi thôi và không ai có thể giành con với mình hết. Cũng hên là chồng tôi rất tâm lý, anh nhận ra những xúc cảm khác lạ của tôi. Dù ở cùng nhà, nhưng anh tế nhị nhắn tin mỗi khi thấy tôi buồn, hỏi han và an ủi. Đến tận bây giờ, mỗi khi giở tin nhắn ra đọc lại, tôi mới thấy ngày đó mình như một đứa trẻ nữa trong nhà vậy.

“Con ơi, mẹ cũng lần đầu làm mẹ!” - Ảnh 16.

Khoảnh khắc hạnh phúc nhất với tôi chắc là lúc tôi nghe được tiếng tim đập của con khi siêu âm. Tôi đã khóc, khóc trên bàn siêu âm! Và sau mỗi lần đi khám, thấy con khỏe mạnh, phát triển bình thường cũng đều là những khoảnh khắc hạnh phúc. Một khoảnh khắc nữa mà tôi nhớ mãi, chắc chắn là khi con gọi tiếng Mama đầu tiên! Tôi bỗng thấy mình trở nên thật quan trọng và việc làm mẹ thật sự ý nghĩa! Mỗi khi đi đâu về, nghĩ đến việc có một cậu nhóc cứ bò ra mừng rỡ, chờ đợi mình là một cảm giác trước đây tôi chưa bao giờ có được. Tôi thấy đó chính là giây phút mà việc có con xứng đáng với mọi sự chịu đựng, mọi đau đớn hay khó chịu, mọi thử thách mà mỗi người phải vượt qua để sinh ra con trên đời.

“Con ơi, mẹ cũng lần đầu làm mẹ!” - Ảnh 17.
“Con ơi, mẹ cũng lần đầu làm mẹ!” - Ảnh 18.

Meme là một em bé sinh non, à không, sinh cực non.

Meme ra đời khi mới 27 tuần tuổi, sớm hơn dự sinh khoảng 3 tháng. Trong suốt thời gian mang bầu, tôi không gặp phải bất cứ một vấn đề gì. Tôi không ốm nghén, không rạn da và trải qua một thai kỳ bình thường, các cột mốc xét nghiệm đều ổn định. Đùng một cái, khi đi khám thai ở tuần 26, tôi phải nhập viện luôn để sinh. Đó là một cú shock bởi tôi không thể ngờ mọi chuyện lại biến chuyển như vậy. Với một em bé, thời gian ở trong bụng mẹ càng lâu thì lại càng được phát triển về mặt thể chất, vậy nên quãng thời gian sau khi ra đời, Meme được nuôi trong lồng kính và can thiệp rất nhiều phương pháp y tế để tạo môi trường gần như trong bụng mẹ. Suốt 2 tháng đầu đời, Meme nằm ở khoa điều trị tích cực. Và khi đã tưởng như chuẩn bị được xuất viện đến nơi, thì tôi lại nhận được tin Meme bị Covid-19.

“Con ơi, mẹ cũng lần đầu làm mẹ!” - Ảnh 19.

Đó là một giây phút rất khủng khiếp với tôi. Meme khi ấy mới chỉ là một em bé sơ sinh, mà lại còn là sơ sinh thiếu tháng. Vốn dĩ, phổi của trẻ sinh non đã yếu, mà Covid lại tác động chính vào phổi, và tôi thì buộc phải tách ra khỏi Meme để bé có thể được điều trị. Mọi thông tin về con, tôi chỉ có thể được biết qua các y bác sĩ. Trộm vía, Meme là một em bé mạnh mẽ ngay từ khi ra đời, Meme đã vượt qua trong một trạng thái lạc quan. Từ những bức ảnh và clip mà các điều dưỡng gửi ra, tôi đều thấy con đang ăn và còn cười toe toét nữa.

Vượt qua giai đoạn ấy rồi, khi đưa con về nhà, tôi lại đối mặt với một cuộc chiến nữa, đó là cuộc chiến… ăn uống của Meme. Khi ra đời, việc ăn là một việc quá sức với Meme, con không thể tự mút được mà phải ăn qua đường y tế. Đôi lúc không có nhu cầu, con vẫn phải ăn. Vậy nên con hình thành tâm lý sợ ăn, và điều này khiến tôi rơi vào một cuộc khủng hoảng. Tôi gần như phát điên và trầm cảm vì việc này. Tại sao con đói mà con không ăn? Con đói thì con khóc, nhưng tại sao con khóc rồi mà con vẫn không ăn? Những câu hỏi cứ luẩn quẩn và khiến tôi căng thẳng cực độ. Và khi tôi căng thẳng thì bản thân con cũng cảm nhận được sự căng thẳng ấy, nên cũng lại càng áp lực thêm. Đến tận bây giờ, khi Meme đã ăn uống bình thường trở lại, tôi vẫn ám ảnh rất nhiều về giai đoạn ấy. Tôi nghĩ, người mẹ nào sinh con lần đầu tiên, việc con ăn uống không ổn định sẽ là thứ tạo ra nhiều áp lực nhất.

“Con ơi, mẹ cũng lần đầu làm mẹ!” - Ảnh 20.

Tôi vẫn nhớ giây phút xúc động nhất với Meme chắc có lẽ là lúc tôi được ấp con theo phương pháp da kề da. Khi Meme ra đời được 1 tuần và đang nằm trong khoa điều trị tích cực, tôi được bác sĩ gọi vào và đặt Meme nằm trên ngực. Với các em bé sinh non, việc được đặt nằm trên người mẹ càng lâu thì em bé sẽ hô hấp tốt hơn, đường ruột và hệ tiêu hóa cũng phát triển khỏe mạnh hơn. Khoảnh khắc ấy tôi cảm thấy rất hạnh phúc, lần đầu tiên được vào với con, được gặp con, được cảm nhận và tiếp xúc với con. Con khi ấy vẫn còn nhỏ xíu, trong lòng tôi cứ ngổn ngang những cảm xúc: Vừa thương, vừa lo, vừa ngập tràn hạnh phúc.

Có Meme trên đời, tôi thấy mình hoàn toàn thay đổi. Trước đây, cuộc sống của tôi chỉ xoay quanh chính bản thân mình. Chồng cũng rất chiều chuộng, vậy nên chỉ khi có Meme tôi mới hiểu cảm giác cuộc sống xoay quanh một bạn nhỏ khác là thế nào. Thay đổi rõ ràng nhất chính là việc trước đây tôi chẳng bao giờ nấu nướng, nhưng bây giờ, tôi luôn tự tay chuẩn bị hết đồ ăn cho Meme, thậm chí lên mạng tìm cả những công thức mớ. Nhờ Meme, tôi hiểu được cách chăm sóc cho cả những người xung quanh. Tôi tìm được niềm vui trong việc chăm lo cho những người thân và cảm thấy thật sự hạnh phúc vì điều này. Nhìn lại khoảng thời gian trước đây, dẫu đã qua nhưng tất cả vẫn là những kỷ niệm sống động. Tôi nhận ra rằng, khi mình đã vượt qua những thử thách khó khăn ấy, có lẽ sẽ chẳng còn gì có thể khiến tôi cảm thấy sợ hãi hay nghĩ rằng mình không thể vượt qua được nữa.

Diệp Nguyễn
Tiêng Tiêng
Viết Thanh
Kingpro