Cứu 155 con người sau cú hạ cánh không tưởng trên mặt sông Hudson, cơ trưởng Sully vẫn phải đối mặt trước những lời cáo buộc vì sự liều lĩnh của mình, và thậm chí còn có thể bị sa thải. Câu chuyện của cơ trưởng Sully có phần tương đồng với tình cảnh của tài xế Phan Văn Bắc.
Cơ trưởng Sully và tài xế Bắc: Ranh giới mong manh giữa người hùng và kẻ tội đồ - Ảnh 1.

Cơ trưởng Sully và tài xế Bắc: Ranh giới mong manh giữa người hùng và kẻ tội đồ - Ảnh 2.

Dù đã cứu 155 người trên chiếc máy bay mà mình điều khiển, thế nhưng cơ trưởng Sully vẫn bị lên án là quá liều lĩnh. Ở Việt Nam, tài xế Bắc góp phần cứu mạng sống 33 hành khác trên chiếc xe khách, thế nhưng anh vẫn bị gọi là kẻ "hám danh".


Cơ trưởng Sully và tài xế Bắc: Ranh giới mong manh giữa người hùng và kẻ tội đồ - Ảnh 3.

Vào ngày 15 -1-2009, chuyến bay 1549 của US Airways là chuyến bay thương mại thường lệ hàng ngày khởi hành từ Sân bay LaGuardia ở Thành phố New York đến Sân bay Quốc tế Charlotte Douglas ở Charlotte, Bắc Carolina. Cơ trưởng Chesley Sullenberger gọi radio đến kiểm soát không lưu rằng máy bay do mình điều khiển bị một bầy chim đâm vào động cơ và tuyên bố hạ cánh khẩn cấp. Khoảng 6 phút sau khi cất cánh, chiếc máy bay chạm mặt sông Hudson mà không có thiệt hại về người nào. Theo như tờ The Wall Street Journal miêu tả, cơ trưởng Sully "đã đạt được 1 kỳ công thử thách kỹ thuật nhất và hiếm có nhất trong hàng không dân dụng". 

Cơ trưởng Sully và tài xế Bắc: Ranh giới mong manh giữa người hùng và kẻ tội đồ - Ảnh 4.

Cơ trưởng Chesley Sullenberger ngoài đời thật.

Ngay sau sự kiện không tưởng ấy, cơ trưởng Sully lập tức được người dân Mỹ tôn vinh như một người anh hùng. Tất cả hành khách trên chuyến bay 1549 coi ông như một ân nhân vĩ đại của cuộc đời họ. Sully có tất cả, sự ngưỡng mộ và cả tôn sùng, lòng biết ơn trước kỳ tích và điều kỳ diệu mà ông đã tạo ra. Dù vậy, cuộc chiến của người anh hùng chỉ diễn ra sau những hào quang chói sáng. Rất nhanh sau sự tung hô của người Mỹ, Sully nhận được vô vàn những lời chỉ trích và suy diễn từ giới truyền thông. Quyết định hạ cánh khẩn cấp được họ cho là một sai lầm và quá liều lĩnh. Thậm chí, những hoài nghi của giới truyền thông lớn đến mức – nó khiến các nhà chức trách phải vào cuộc.  Ủy ban an toàn giao thông quốc gia của Mỹ (National Transportation Safety Board) còn lập hẳn một cuộc điều tra “đấu tố”, chĩa mũi nhọn về phía cơ trưởng Sully và cơ phó Jeff Skiles. Nếu như cuộc điều tra chứng minh được rằng chiếc máy bay có thể an toàn trở về sân bay, Sully sẽ phải thôi việc.

Từ một anh hùng, trong phút chốc, Sully đứng trước nguy cơ bị sa thải và trở thành tội đồ của nước Mỹ.

Câu chuyện của Sully, đứng ở một khía cạnh nào đó, rất giống với câu chuyện tài xế Phan Văn Bắc của Việt Nam đang được tranh cãi ầm ĩ trên mạng trong thời gian gần đây. Câu chuyện rất đơn giản, và mọi thứ có lẽ đã không cần phải ồn ào đến thế. Một chiếc xe khách chở hơn 30 hành khách đang đổ đèo thì bị mất phanh, người lái xe chủ động đâm vào đuôi chiếc xe tải của anh Bắc làm điểm tựa. Cái kết, như chúng ta đã biết: Anh Bắc bình tĩnh điều khiển xe tải của mình, để cả hai chiếc xe cùng thoát nạn, và bảo toàn mạng sống cho hơn 30 hành khách trên xe.

Cũng như Sully, anh Bắc được người dân và truyền thông ngợi ca như một người hùng. Sự giản dị và những câu chuyện về thái độ điềm tĩnh, vô tư của người tài xế đã thật sự khiến người ta lay động. Và cũng một kịch bản tương tự như Sully, sau những tung hô thường thấy, đã có người lên tiếng “tố” anh Bắc nói dối, rằng không hề có chuyện anh chủ động cứu giúp mà còn tỏ ra chần chừ. Không những thế, người này nói anh Bắc còn đòi bồi thường tiền xe tải bị hư hỏng, rồi tìm gặp cả chục nhân chứng để lấy lời khai. Trong tích tắc, danh hiệu “Người hùng” hay “Xế ca” được người ta thay bằng “Bác tài bốc phét" và “Kẻ háo danh”.

Cơ trưởng Sully và tài xế Bắc: Ranh giới mong manh giữa người hùng và kẻ tội đồ - Ảnh 5.

Người ta đã lỡ quên đi rằng, dù là 155 người sống sót khi máy bay rơi xuống sông hay hơn 30 người thoát chết khi xe đổ đèo mất phanh, bản thân nó đã là một phép màu. Và sau mỗi phép màu, người ta nên chân thành hạnh phúc, chia sẻ với nhau bằng niềm vui khi đã có những con người vẫn được sống tiếp nhờ những phép màu ấy. Những người sống sót, liệu họ có quan tâm các vị “anh hùng” kia đã thực sự suy nghĩ đắn đo, rào trước tính sau khi đưa ra quyết định? Hay liệu họ đang rơi nước mắt, đang cho phép mình thở phào vì đã thoát khỏi lưỡi hái tử thần đã kề sát cổ? Đời người, mấy lần thoát được cái chết trong gang tấc như thế? Những nụ cười, những giọt nước mắt vì hạnh phúc khi còn được đứng giữa cuộc đời này của người còn sống - chưa đủ để chúng ta nâng niu, cảm kích những con người đã cứu họ hay sao?

Cơ trưởng Sully và tài xế Bắc: Ranh giới mong manh giữa người hùng và kẻ tội đồ - Ảnh 7.

Nếu bạn thường xuyên theo dõi điện ảnh thế giới nói chung hay Hollywood nói riêng, bạn sẽ thấy rằng những năm gần đây là thời kì hoàng kim của các phim siêu anh hùng. Trên màn ảnh, siêu anh hùng mang trong mình nhiều ý nghĩa biểu tượng, nhưng trên hết, họ là đại diện cho những gì tốt đẹp tuyệt đối, đại diện cho sự hy vọng của con người vào một thế lực mạnh mẽ hơn có thể bảo vệ cho mình. Những người anh hùng chính trực, sống vì lẽ phải và có thể hy sinh tính mạng của mình để cứu bất cứ kẻ yếu đuối nào. Nhưng ở ngoài đời, chẳng có một Super-man vị tha hay Captain America chính nghĩa. Anh hùng của cuộc đời thực rất có thể không mang một lý tưởng vĩ mô mà chỉ đơn giản là khát khao có thể lấy hết sức mình, giúp đỡ những người đang gặp khó. Ở ngoài đời, anh hùng là cơ trưởng Sully và anh tài xế Bắc.

Cơ trưởng Sully và tài xế Bắc: Ranh giới mong manh giữa người hùng và kẻ tội đồ - Ảnh 8.

Cả hai đều chỉ là những công dân bình thường giống như bao người khác, có một cuộc sống và công việc bình thường. Họ không có siêu năng lực, và quan trọng hơn, không sinh ra để làm người hùng. Nhưng không có họ, rất nhiều con người vô tội đã không còn tồn tại trên cõi đời này, rất nhiều gia đình đã tan nát, sẽ có những đứa trẻ không có cha, không có mẹ, sẽ có những cô gái và chàng trai vĩnh viễn mất đi một nửa của mình. Không có họ, sẽ là rất nhiều nước mắt và những chuỗi ngày bi ai cho tất cả những người ở lại.

Kỳ tích họ làm nên, rất có thể là sai lầm với ai khác đứng ở ngoài tỉnh táo chỉ trỏ. Đối với những kẻ ấy, họ có thể không phải là người hùng mà đơn giản chỉ là những kẻ ăn may gặp thời. Nhưng chỉ riêng việc họ không sợ hãi trước nguy hiểm, quyết tâm đặt sinh mệnh của con người lên trước sự an toàn của bản thân – Tất cả những điều ấy cũng đủ biến họ thành người hùng thực sự, dù chẳng hề có những lấp lánh chính nghĩa của đám siêu anh hùng trên màn ảnh.

Nhưng làm anh hùng đâu có dễ dàng.

Trong Sully, người ta cứ nghĩ rằng quyết định đưa chiếc máy bay đáp xuống dòng sông giá băng là một quyết định đơn giản. Nhưng thậm chí, chính cơ trưởng Sully liên tục bị dằn vặt về hành động ngày hôm đó của mình. Khi kinh nghiệm và thực tế những người còn sống cứ thôi thúc rằng ông đã hành động đúng, nhưng những con số trong cuộc điều tra ban đầu lại phủ nhận điều này. Nó chỉ ra rằng ông hoàn toàn có thể quay lại sân bay khởi hành hay rẽ sang hướng một nơi lân cận. Trong những giây phút mà lằn ranh giữa đúng – sai, phải – trái trở nên mờ nhạt, Sully thậm chí còn hoài nghi chính mình.

Hình ảnh cay đắng nhất của một người hùng, có lẽ là khi Sully khi nói với cơ phó của mình rằng: Dù ông bỏ ra một nửa cuộc đời (42 năm) để tận tụy với một công việc lái máy bay, rồi cuối cùng, ở chặng cuối của sự nghiệp, ông bị người ta phán xét vì những quyết định của mình trong vỏn vẹn 208 giây.

Cơ trưởng Sully và tài xế Bắc: Ranh giới mong manh giữa người hùng và kẻ tội đồ - Ảnh 9.

"Không ai từng cảnh bảo chúng tôi. Không ai nói rằng: Bạn sẽ mất hai động cơ và có độ cao thấp hơn bất cứ cái máy bay nào trong lịch sử. Đây là một vụ mất động cơ kép ở độ cao 2800 feet, kéo theo đó là một tình huống hạ cánh khẩn cấp xuống mặt nước với hơn 155 sinh mạng trên máy bay. Không ai từng được huấn luyện cho một tình huống như vậy." - Cơ trưởng Sully.

Giấc mơ chiếc máy bay bị mất kiểm soát, lao thẳng vào những tòa nhà chọc trời tại New York và nổ tung cứ ẩn hiện trong đầu của Sully. Là một người Mỹ, không ai có thể quên được những hình ảnh của cái ngày kinh hoàng ấy. Còn với một phi công như Sully, những hình ảnh ấy còn mang trong mình sự ám ảnh hằn sâu hơn gấp nhiều lần. Những trách nhiệm trong nghề nghiệp của mỗi người không cho phép bất cứ ai để những điều bất trắc xảy ra, nhất là với những người mang trên mình gánh  nặng là sự an toàn của hàng trăm, hàng chục người khác. Trong những bài phỏng vấn của mình, anh Phan Văn Bắc nói rằng, khi thấy tình cảnh của chiếc xe khách mất phanh, anh đã liên tưởng đến vụ tai nạn thảm khốc trên đèo Prenn làm nhiều người chết, vậy nên đã ngay lập tức sốc lại tinh thần, lấy lại sự bình tĩnh để dốc hết sức, trợ giúp chiếc xe khách đó. Và quả thực, để đưa ra những quyết định mà nhiều người cho là liều lĩnh và sai lầm, cả Phan Văn Bắc lẫn Sully phải tự trải qua một cuộc chiến với nỗi sợ hãi của mình, sau đó để kinh nghiệm và sự dũng cảm, cùng niềm tin vào một phép màu để giải quyết tất cả.

Xét cho cùng, anh hùng là người xuất hiện và hành động đúng thời điểm. Ai cũng cần một anh hùng như thế. Cơ trưởng Sully hay anh Bắc đều xứng đáng là một anh hùng, không phải vì quyết định của họ là đúng hay sai, mà vì họ đã có mặt, đã hành động và đã cứu người. 


Cơ trưởng Sully và tài xế Bắc: Ranh giới mong manh giữa người hùng và kẻ tội đồ - Ảnh 10.

Vậy sau khi những phép màu đã xảy ra, chúng ta có nên nhìn nhận lại cái gọi là: “sự thật”? Tất nhiên đây là điều cần thiết, nhưng quan trọng , chúng ta phải nhìn nó ở góc độ thế nào cho hợp lý để không tạo sự tổn thương cho những người ở lại.

Quay lại với cuộc điều tra của Sully, sau khi đã rà soát hết các thông số trong báo cáo, những nhân viên của bên điều tra cho rằng chiếc máy bay 1549 hoàn toàn có thể quay lại được sân bay. Thậm chí, có cả một hệ thống giả lập cùng các phi công lái thử để tính toán đến từng con số chi tiết về quá trình trở về này. Kết quả ban đầu, tất cả các máy bay giả lập đều trở về an toàn.

Cơ trưởng Sully và tài xế Bắc: Ranh giới mong manh giữa người hùng và kẻ tội đồ - Ảnh 11.

Nhưng sau đó, Sully chỉ ra rằng họ đã quên mất yếu tố con người và yếu tố của sự bất ngờ. Chẳng có phi công nào được luyện tập để sau khi cất cánh chưa đầy 3 phút thì cháy cả hai động cơ và phải hạ cánh khẩn cấp. Và sau khi xem xét thêm những yếu tố mà cơ trưởng Sully đưa ra, thử nghiệm quay về sân bay đã hoàn toàn thất bại. Người ta đưa đến kết luận, những điều Sully nói là đúng. Quyết định của ông tuy liều lĩnh, nhưng đó là cách duy nhất trong lúc đó để cứu sống toàn bộ hành khách.

Thực ra, trong bộ phim Sully, những con người của Ủy ban an toàn giao thông không phải là các cỗ máy máu lạnh, họ chỉ là những người làm công ăn lương cố gắng làm tròn phận sự của mình. Hơn nữa, cuộc điều tra này cũng là cơ hội để người trong và ngoài cuộc có cái nhìn tổng quát về sự việc, để từ đó giảm thiểu xác suất xảy ra tai nạn của ngành hàng không.

Anh lái xe Phan Văn Bắc có lẽ không được may mắn như Sully ở việc minh bạch, sẽ không có một hệ thống giả lập nào diễn lại cảnh xe mất phanh khi đi trên đèo cả. Tuy nhiên, chính người lái xe khách cũng đã nói rằng anh Bắc hiểu tình huống lúc đó và chủ động giúp dìu chiếc xe khách khỏi con đèo tử thần. Chỉ từng ấy bằng chứng thôi, chúng ta cũng thấy được những điều anh Bắc nói là những gì gần nhất với sự thật.

Luôn thật dễ dàng để mổ xẻ một câu chuyện đã qua. Chúng ta đứng ngoài cuộc, với khả năng phán xét và đánh giá vấn đề không bị che mờ bởi tính mạng của hàng chục người ta đang nắm trong tay, dè bỉu người trong cuộc. Chúng ta bám víu vào một hình tượng anh hùng tiêu biểu trong tưởng tượng, rồi tự bất bình khi những người bình thường có hành động như một người hùng lại có thể mắc lỗi. 

Cơ trưởng Sully và tài xế Bắc: Ranh giới mong manh giữa người hùng và kẻ tội đồ - Ảnh 12.

Sự cảm kích, tôn vinh bị đạp xuống, nhường chỗ cho soi mói, phán xét. Liệu cứ như vậy, sẽ còn mấy ai muốn trở thành anh hùng? Mấy ai tin vào phép màu và sự tử tế giữa con người với con người? Mấy ai dám liều lĩnh quyết định xả thân vì người khác, khi cái họ nhận lại chỉ là sự khinh khi của xã hội và bất an trước những mũi dùi chiếu về mình?

Nghĩ đến thế nào thì cũng là quá xa xôi, hãy tạm dừng mọi suy nghĩ và mớ giả thuyết phức tạp lại, nhìn vào nụ cười hạnh phúc của hơn 30 con người còn sống sót kia, và lắng nghe thật rõ câu nói của anh tài xế Phan Văn Bắc.

“Dù sao thì cũng cứu được người rồi!” 


Quang Minh, Momo & Lemonade
Tomaso Lee
Theo Trí Thức Trẻ16/9/2016