Có một miền nhớ yêu thương mang tên chợ Tết
Những ngày giáp Tết, cái không khí khẩn trương, bận bịu len lỏi trong mọi ngõ ngách thành thị; sự nhộn nhịp ấy hiện lên trong từng thanh âm, sắc màu và dáng hình phố xá. Tranh thủ những ngày nghỉ cuối cùng trong năm, chúng tôi đưa con nhỏ đi sắm Tết, sửa soạn thêm chút không khí gia đình. Dạo một vòng trong các trung tâm lớn để mua sắm nốt những món đồ còn thiếu cho ngày Tết, cả nhà toan định ra về sau một ngày “thu hoạch” lỉnh kỉnh…
“Bố ơi, kia là gì vậy ạ?”, cậu con trai 5 tuổi chỉ ra phía quảng trường đông đúc trước cửa trung tâm thương mại. Thằng bé bị thu hút bởi tiếng nhạc Tết rộn ràng cùng đám đông đang vui đùa hớn hở. Ở đó, một ông đồ áo dài khăn xếp đang ngồi khom lưng viết câu đối và lời chúc năm mới trên những tờ giấy đỏ; những sạp hàng bán đủ thứ bánh kẹo năm mới và cả đôi gánh hàng hoa của một Hà Nội thanh lịch. Bỗng nhiên, tôi thấy một cảm giác ấm áp lạ lùng len lỏi trong tim. Phiên chợ Tết ngày xưa tưởng đã lùi dần về quá khứ bỗng sống lại giữa cuộc sống hiện đại, gợi nhớ tôi về một ngày cuối năm như vậy của 20 năm về trước.
“Mẹ ơi mua cho con cái này… cái kia nữa…”. Tiếng một thằng bé lanh lảnh cuối phố, nó vùng vằng ngồi sau xe mẹ, tay giữ khư khư quả bóng.
Hình như đó là tôi, đang ngồi theo sau mẹ đi khám phá một ‘thế giới’ chợ Tết rộng lớn - điều mà bây giờ sao nghe sao xa lạ quá. Có vô vàn những ký ức đẹp, vắt một dải qua phiên chợ Tết xưa - những hình ảnh thân thuộc mà giờ đây, giữa cuộc sống thành thị bộn bề, chúng ta đã để quên trong quá khứ.
Trong vô vàn ấn tượng của một phiên chợ Tết xưa, thế hệ chúng tôi có lẽ không thể quên được cái mùi của chợ Tết đến từ những thứ thật dân dã, mộc mạc. Hồi nhỏ, chỉ cần ngửi thấy cái mùi hương đó, tôi biết rằng Tết đã chạm ngõ tới nơi rồi.
Tôi vẫn nhớ thứ mùi thơm đặc trưng của lá dong, từa tựa mùi của lá nếp; đó là sạp hàng đầu tiên mẹ đưa tôi đến trong buổi chợ. Cách đó vài bước chân, thứ mùi của những bó lá mùi thơm dậy lên, mộc mạc và dìu dịu. Những chiều cuối năm, mẹ thường bảo chúng tôi tắm lá mùi để gột rửa những vận xui của năm cũ. Nồi nước lá bốc lên nghi ngút khói, dậy lên một thứ hương đồng nội, dân dã nhưng thơm ngan ngát. Thứ hương thơm như giúp trút đi hết mệt mỏi của những ngày dọn dẹp, của cả một năm dài đã qua.
Cái Tết của những 8x như chúng tôi chẳng thể thiếu được mùi hương trầm mẹ thắp buổi sáng. Buổi theo mẹ lên chùa cúng Giao thừa, trong hơi xuân se lạnh, mùi hương trầm nồng ấm, thoang thoảng trong gió. Tất cả những thứ hương thơm ấy, dệt thành một mảng ký ức ngày Tết đẹp đến diệu kỳ.
Đứng trước phiên chợ Tết nơi trung tâm mua sắm tưởng như hiện đại này, bằng một cách nào đó tôi lại bắt gặp hình ảnh của chính mình những ngày xưa, lon ton theo mẹ chọn từng bông hoa dơn, cành thược dược, cành violet được bó gọn gàng trong giấy báo. Cái Tết của Hà Nội thời đó chẳng nhiều loài hoa đắt tiền như bây giờ, nhưng hương sắc hoa cũng sáng bừng lên một góc phố. Còn đó mùi thơm ngọt của mứt gừng, mứt bí, mùi thơm chua chua của ô mai.
Giữa bao điều để khiến người ta nghĩ tới Tết, nhưng chỉ thoảng qua những mùi hương này, tôi lại thấy Tết chảy tràn về trong tâm trí...
Những người trẻ chúng tôi có lẽ đã gác lại phiên chợ Tết ngày xưa trong miền ký ức. Nếu không có giây phút vô tình bắt gặp lại phiên chợ Tết giữa Vincom, tôi cũng quên mất nó mang dáng vẻ, thanh âm ra sao, và đặc biệt là những hương thơm dịu dàng của ngày ấy.
Cuộc sống bận rộn cuốn chúng ta xa rời những truyền thống gia đình, đôi khi chính những người lớn đã “quên” phải mang đến cho trẻ em nhỏ một cái Tết vẹn tròn ý nghĩa. Phiên chợ Tết ngày xưa không chỉ là chỗ mua sắm mà còn là nơi để ta “chơi Tết”, thưởng Tết hay có những phút giây cuối năm sum vầy bên bố mẹ, con cái. Đôi lúc chúng tôi nhận ra, việc lũ trẻ dần bỏ quên những phiên chợ Tết hay ý nghĩa của cả ngày Tết có một phần trách nhiệm của mình. Sự đủ đầy vật chất khiến chúng ta tưởng rằng, đó là điều duy nhất lũ trẻ cần trong sự tiếp nối với ngày Tết truyền thống.
Kỳ thực, nếu không phải là những đứa trẻ thì ai sẽ tiếp nối những nét đẹp của ngày Tết cổ truyền? Chúng ta cứ than thở Tết nhạt đi nhiều so với ngày xưa, dù điều kiện kinh tế ngày càng đi lên nhưng cái Tết chẳng còn đủ đầy về tinh thần. Thực ra, Tết vẫn vậy, chỉ có chúng ta dần ngó lơ Tết, để rồi quên đi trách nhiệm phải gìn giữ những trải nghiệm, phong tục ngày Tết và truyền lại cho thế hệ mai sau.
Tôi lặng ngắm nhìn khung cảnh rộn ràng trong phiên chợ Tết xưa - hiện thân của một nét truyền thống giữa vẻ hiện đại thành phố. Có lẽ, không phải lũ trẻ chán Tết mà chính chúng tôi đã không biết truyền cái tình yêu ấy cho thế hệ mai sau.
Bước vào quảng trường rộng lớn bên ngoài Vincom, khu lễ hội dần hiện ra rõ nét trong dáng hình khu chợ Tết xưa. Vợ chồng tôi như thấy mình vẫn là cô cậu lên năm lên ba ngày nào, háo hức được đi chợ, mua cả Tết về cho gia đình. Không khí tưng bừng của ngày Tết khiến chúng tôi choáng ngợp với biết bao điều thú vị: Không gian ngoài trời được trang trí rực rỡ với cây tài lộc, với các vị thần tam đa Phúc – Lộc – Thọ, cá chép vượt vũ môn và với những cành đào, cành mai rực rỡ màu của Tết.
Đây đó, lũ trẻ lại bắt gặp một món đồ ăn nhẹ thơm lừng, níu áo mẹ đòi mua. Phiên chợ ánh lên những sắc màu của Tết với đèn lồng, câu đối, tươi thắm sắc hoa khiến khách tham quan như lạc trong một phiên chợ truyền thống.
Xen lẫn giữa vẻ đẹp bình dị của chợ Tết truyền thống là những điều đặc sắc trong cái Tết hiện đại - một sự tiếp nối trong cuộc sống để người trẻ vừa trân trọng những giá trị xưa cũ, vừa biết tận hưởng cái Tết ngày nay.
Quảng trường lớn tại Vincom lung linh ánh sáng với những quầy hàng san sát, từ quần áo tới phụ kiện, đồ trang trí nhà cửa bắt mắt. Các sạp bán bánh mứt kẹo và đặc sản Tết cũng đông các bà các cô vào lựa những món ngon ngày Tết cho gia đình. Ở không gian chợ hoa, khu vực trưng bày những cành đào, mai lung linh nhất, tôi bắt gặp các bạn trẻ mải mê chụp ảnh với bạn bè, với gia đình.
Sống lại những ký ức ngày xưa, mọi thứ trở nên rộn ràng trong mắt tôi như một thước phim quay chậm về quá khứ. Khu chợ Tết Vincom như ‘tấm vé trở về tuổi thơ’ cho tôi và con trai 5 tuổi. Hai bố con lạc từ khu trò chơi này sang trò chơi khác; nhìn cậu con trai chăm chú học chơi ô ăn quan, vụng về tung trái bóng chơi chuyền nảy lên nảy xuống rồi tò mò với ‘hàng vạn câu hỏi vì sao’: “Bố ơi sao phải xin chữ đầu năm?”, “Gói bánh chưng như nào hả bố?”... tôi thấy mình của 20 năm về trước. Hồi còn nhỏ, năm nào bố cũng đưa tôi đi xin chữ ông đồ mong sao cho học hành giỏi giang. Những khung cảnh quen thuộc ấy cứ dần dần xuất hiện: Ông đồ cho chữ, những bạn nhỏ học gói bánh chưng, làm đèn lồng, nặn tò he, rồi còn có cả các tiết mục ảo thuật, xiếc, những giai điệu nhạc xuân vui vẻ…
Đi qua bao mùa Tết, rồi một ngày chúng ta sẽ nhận ra rằng Tết chính là những điều thân thuộc, những thứ gần gũi nhất: Tết chính là gia đình. Và trong những phiên chợ Tết dù là xưa hay nay, ta thấy ở đó một niềm yêu thương trọn vẹn, đầy ắp của ba mẹ và là nơi những giá trị truyền thống tiếp nối để lại cho con cháu mai sau. Khu chợ như một mảnh ghép còn thiếu, một nốt trầm xao xuyến trong bản nhạc rộn ràng của cuộc sống hiện đại. Sự nhạt nhòa của những ngày Tết đã nhường chỗ cho những ký ức sống lại. Chỉ có sự tiếp nối mới giúp ngày Tết không biến mất hay chìm vào trong quên lãng.