7 giờ sáng. Bến Bình Đông. Tiếng ghe thuyền chở hoa cập bến, tiếng người bán chào mời, tiếng người mua mặc cả, tiếng còi xe, tiếng động cơ, tiếng anh em hò nhau khiêng vác những chậu cây nặng cả tạ tạo thành một dải hòa ca đa sắc của Tết.

7 giờ sáng. Bến Bình Đông. Tiếng ghe thuyền chở hoa cập bến, tiếng người bán chào mời, tiếng người mua mặc cả, tiếng còi xe, tiếng động cơ, tiếng anh em hò nhau khiêng vác những chậu cây nặng cả tạ tạo thành một dải hòa ca đa sắc của Tết. Nay đã là 28 âm lịch, chợ hoa đang ở thời điểm tấp nập nhất, ồn ào và hối hả nhất. Hàng trăm ghe thuyền lớn nhỏ nối đuôi nhau cập bến kéo dài từ cầu Chà Và đến cầu Kênh Ngang số 1. Từ Vĩnh Long, Tiền Giang, Bến Tre... các ghe thuyền mang về đây nào mai, nào cúc vạn thọ, ớt kiểng, quất kiểng, hoa giấy ngũ sắc. Len lỏi giữa sắc hoa là gương mặt của những người lao động vẫn đang cặm cụi cố gắng cho đến ngày cuối cùng. Họ có thể là người bán, cũng có thể là người mua, người vận chuyển, cũng có thể là một ai đó đến rồi lại đi vì còn nhiều thứ phải ưu tiên trước mắt.

Cố gắng đến tận những ngày cuối cùng của năm, bạn đang nỗ lực vì điều gì? - Ảnh 1.

Tôi chọn ngày giáp Tết để nói về sự nỗ lực không phải vì bình thường người ta không cố gắng mà sự khác biệt ở đây nằm ở tính thời điểm. Sau cả 1 năm dài với những lên xuống, trầy trật, lẽ ra cuối năm phải là lúc đoàn viên, đặt sang một bên những lắng lo để được cuộn mình lại trong vòng tay gia đình. Nhưng 2020 là một năm đặc biệt, và vì thế những lựa chọn cũng không đơn giản như mọi khi. Những ngày này, ta như đang chạy trên đường đua nước rút. Cố thêm được vài chậu cây, thêm được chục đơn hàng, chuyển đi mấy tạ hoa, kiếm được thêm một chút tiền làm thêm giờ… được ít nào mừng ít đó. Mưu sinh không đơn giản là làm nhiều hơn, nó còn là nằm ở cách chúng ta đấu tranh với chính mình: Chọn gì, vì điều gì và đổi lại gì.

Bán được một chậu cúc là đủ cho thằng út có đôi giày mới, năm chậu vạn thọ là đủ cho trả lãi cho tháng này, sáu chậu mai là đủ sắm cho nhà chiếc tủ lạnh, bán hết chỗ hoa này là đủ tiền đưa má đi phẫu thuật cái đầu gối. Tiểu thương ở bến Bình Đông có cách quy đổi lời lãi như vậy. Nghe thì chẳng ra dáng "buôn bán" chút nào, nhưng lại rất "người". Ai trong chúng ta mà chẳng có lý do, có người quan trọng để nhớ về, để phấn đấu. Nhưng sâu trong những lý do đó còn hàm chứa điều gì để họ sẵn sàng đánh đổi?

Hỏi mình không xong, tôi tìm đến Phúc, cha con ông Sáu và chị Thuận. 4 con người, 3 câu chuyện và rất nhiều lý do để chọn cố gắng với Sài Gòn trong những ngày giáp Tết.

img
img
img
img
img

Cố gắng đến tận những ngày cuối cùng của năm, bạn đang nỗ lực vì điều gì? - Ảnh 3.
Cố gắng đến tận những ngày cuối cùng của năm, bạn đang nỗ lực vì điều gì? - Ảnh 4.

Hai ngày trước, Phúc nhận được email, công ty Dược cậu muốn được làm nhất không thể tiếp tục tuyển dụng sau khi hoạt động kinh doanh ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19. Chỉ còn hơn một tuần nữa là nghỉ Tết, sáng nay Phúc chạy xe qua Bến Bình Đông tới Nhà Bè phỏng vấn. Ba tuần ở Sài Gòn, dăm cuốc xe về công ty ở tỉnh, 7 cuộc phỏng vấn, hơn chục bài test online với hy vọng tìm được việc trước khi nghỉ Tết.

Cách đây gần hai năm khi đang còn là sinh viên Dược năm ba, Phúc đã đi làm thêm. Cậu không ăn ngoài, hạn chế đi uống cà phê, nhen nhóm ý định dành dụm tiền rời Đà Nẵng vào Sài Gòn lập nghiệp. Là cậu con trai ít nói, ngại chia sẻ nên bản thân Phúc chỉ âm thầm lên kế hoạch cho mình sau khi tốt nghiệp. Phúc không kỳ vọng mình sẽ làm được điều gì quá lớn lao, chỉ cần đủ cứng cỏi, đủ vững chãi để làm chỗ dựa cho em, cho ba mẹ là quá đủ. Nhưng người tính không bằng trời tính. Covid-19 ập đến và làm đảo lộn mọi gạch đầu dòng mà Phúc đã đề ra. Báo chí gọi những người trẻ như Phúc là "đội quân xui xẻo" của năm 2020. Hai tuần trước mẹ gọi vào giục Phúc mua vé về quê sớm, ra Tết xin việc sau nhưng cậu không nghe, bảo gắng đi hết 3, 4 cuộc hẹn phỏng vấn nữa rồi mới về.

Cố gắng đến tận những ngày cuối cùng của năm, bạn đang nỗ lực vì điều gì? - Ảnh 5.

Gặp Phúc tại một quán cà phê, cậu háo hức kể tôi nghe về những cuộc phỏng vấn xin việc của mình, những tối làm bài test để kịp hạn nộp và những dự định ấp ủ trong tương lai. Tự dưng thấy buồn cho mình, tuổi hai mươi đã không có sự quyết liệt ấy, sự can đảm ấy, cũng không hề biết rằng mình có sự lựa chọn ấy. Xa nhà là lúc những người trẻ như Phúc ý thức được trách nhiệm với gia đình và bản thân, học về sự vô nghĩa của những lời hứa hẹn, mà quan trọng là hành động. Dùng khoảng thời gian đó vun trồng mơ ước của riêng mình, tưới đẫm tuổi trẻ bằng những trải nghiệm vui buồn, quay về khơi dậy nhiệt huyết của tuổi trẻ để ngày trở về sẽ là một đóa hoa. Với cách sống đầy nhiệt huyết cùng trái tim ấm áp của người con trai luôn hướng về gia đình, ít ai biết rằng dù chất chứa đầy hoài bão, ước mơ của bản thân nhưng đằng sau đó, lý do lớn lao nhất của cậu vẫn là gia đình, vẫn mong qua Tết tìm được công việc yêu thích để đón em gái nhỏ vào con đường đại học và đỡ đần ba mẹ sau những năm tháng vất vả vì mình. Sau câu chuyện của Phúc, lại nghe bên tai vang lên giọng rap Karik trong Đàn Ông Không Nói như sẻ chia trăn trở với Phúc:

Cố gắng đến tận những ngày cuối cùng của năm, bạn đang nỗ lực vì điều gì? - Ảnh 6.
Cố gắng đến tận những ngày cuối cùng của năm, bạn đang nỗ lực vì điều gì? - Ảnh 7.

Cách quán cà phê gần 15km, tại bến Bình Đông quận 8, hai cha con ông Sáu đang hứng nước ở con hẻm đối diện về tưới hoa. Hàng năm cứ đến ngày 18 âm lịch chiếc ghe gỗ mang số hiệu VL-1132 chở đầy hoa mai, dừa, ớt cảnh... lại cập bến Bình Đông. Năm nay toàn tỉnh Bến Tre bị ngập mặn không có nước tưới cây, hai cha con phải đi ghe lên đầu nguồn Đồng Tháp chở nước ngọt về nhà, cố cầm cự rồi cũng qua được hết ba tháng mùa khô.

Theo thông lệ thì từ giờ tới 30 Tết, cha con ông Sáu sẽ về lại Bến Tre hai đợt nữa chở nốt cây lên, nhưng năm nay dịch bệnh nên bán tới đâu hay tới đó, ông Sáu nói. Thi thoảng có vài người đi xe máy dừng lại hỏi giá chậu ớt cảnh rồi đi, họ bảo: "50 nghìn đắt quá, 30 được thì bán". Một ngày sống ở cái bến Bình Đông này, ngoài tiền ăn uống nước nôi thì cha con ông Sáu phải trả năm trăm tám mươi nghìn thuê khoảng đất trống rộng vỏn vẹn 3m để bày bán hoa. Ông Sáu bảo ngày nào mà chỉ bán được vài chậu ớt xiêm, dừa cảnh thì coi như lỗ.

Cố gắng đến tận những ngày cuối cùng của năm, bạn đang nỗ lực vì điều gì? - Ảnh 8.

Trong khi mọi người gác lại mọi lo toan để sum vầy, đón năm mới bên gia đình thì những người trồng hoa như ông Sáu lại chất chồng nỗi lo mỗi khi Tết về. Hơn 20 năm bán buôn nhưng năm nào ông Sáu cũng sốt ruột với "canh bạc" của mình, không bán được hoa, có nghĩa là không có Tết. Tôi hỏi ở nhà đã sắm Tết gì chưa, ông Sáu cười nói vừa mua được bộ quần áo mới cho cô cháu gái. Trong giọng nói có chút phấn khởi khi nghĩ đến những người đang đợi cha con họ về.

Đã qua hơn 20 cái giao thừa xa nhà, cha con ông Sáu cũng quen việc làm mâm cơm nhỏ ấm cúng trên chiếc ghe gỗ sau khi dọn hết cây đêm 30. Gọi là mâm cơm cho sang miệng thế thôi chứ nó không có gà luộc, không có mâm ngũ quả, xôi chè… như thông lệ tổ tiên. Nhưng cha con ông có niềm vui. Những niềm vui của họ rất thuần khiết, là kết thúc vụ mùa sau một năm, trở về nhà ăn miếng bánh tét vợ gói, nhìn thấy nụ cười cô cháu gái khi mặc bộ đồ mới… Hôm nay, ngày 28 Tết, chỉ còn vài ngày nữa, cha con ông Sáu sẽ được nằm dài trên chiếc giường thân thuộc, ủi phẳng cái lưng đau sau một ngày lênh đênh trên ghe về Bến Tre và sum họp cùng gia đình có cô cháu nhỏ thân thương. Cái viễn cảnh tương lai đó có lẽ chính lý do để hai cho con cứ đều đặn mỗi năm đều cố gắng tới tận những ngày cuối cùng. Hai người đàn ông không nói, chỉ âm thầm lặng lẽ lao động, là chỗ dựa vững chắc của gia đình.

Cố gắng đến tận những ngày cuối cùng của năm, bạn đang nỗ lực vì điều gì? - Ảnh 9.
Cố gắng đến tận những ngày cuối cùng của năm, bạn đang nỗ lực vì điều gì? - Ảnh 10.

May mắn hơn cha con ông Sáu, chị Thuận không phải chịu "canh bạc" nào ngày Tết, nhưng năm nào cũng vậy, chị cố gắng làm hết mùng 3 mới được nghỉ về cùng con hưởng những ngày Tết còn lại trọn vẹn.

Sau hơn ba mươi năm trong ký ức xa xăm, chị vẫn thấy mẹ mình đứng đó, trước con hẻm nhỏ quận 8, mượn đỡ dăm ký gạo. Ý thức được cuộc sống thiếu thốn từ tấm bé nên khi trưởng thành chị cố gắng làm việc, tích góp mỗi ngày để mua đi bán lại vài mảnh đất mà vươn lên. Lúc thuận lợi thu nhập có khi một tháng cả trăm triệu. Cứ tưởng cuộc sống sẽ luôn mỉm cười với chị, nhưng rồi khó khăn ập đến, khi kinh doanh thua lỗ, bao nhiêu công sức thời trẻ vì thế cũng quay trở về số 0. Nhưng chị vẫn còn cô con gái nhỏ với cả tương lai rộng mở phía trước chính là động lực lớn để bản thân đứng lên cố gắng lần nữa cầm chổi làm lao công quét dọn, mang lại cuộc sống tốt hơn cho con qua từng ngày. Mỗi ngày chị lại tự nhủ, có khi việc không nhìn thấu cả quãng đường dài rộng trước mặt lại tốt hơn, chỉ cần biết rằng cố thêm một bước nữa, thêm một ngày nữa cũng không nặng nhọc gì vì vẫn còn có con bên cạnh. Rồi năm năm cũng qua, bữa cơm nhà cũng chẳng còn thiếu thịt cá, cô con gái đã gần tốt nghiệp đại học, kinh tế cũng khá dần lên.

Cố gắng đến tận những ngày cuối cùng của năm, bạn đang nỗ lực vì điều gì? - Ảnh 11.

Tôi hỏi đi làm ngày Tết có buồn không, chị cười nói "Khổ quen rồi, Tết cố thêm một chút cũng chẳng sao đâu em". Dù vất vả thế nào chị cũng không muốn để lại cho con thứ tài sản "nghèo" gia truyền này nên đến tận hôm nay chị vẫn cố gắng đến cả những ngày cuối cùng của năm. Tôi nghĩ người ta chỉ cảm thấy sợ và khổ đau khi không biết mình đang cố gắng vì cái gì, còn nếu đã có cho mình một lý do, thì mỗi việc họ làm đều xứng đáng.

Thời đại này người ta định hình cuộc sống bằng internet hay mạng xã hội, huyễn tưởng rằng cái gì không được kể ra thì cái đó không tồn tại. Gặp những người như Phúc, như cha con ông Sáu hay chị Thuận, tôi học cách tin vào điều ngược lại. Tin vào sự tồn tại của một thứ ngôn ngữ nằm ngoài chữ viết và những gì được kể trên mạng, đó là ngôn ngữ của sự phấn khởi, của nỗ lực, hăng say lao động, cố gắng dốc sức thực hiện điều mình vững tin tới tận những ngày cuối cùng của một năm.

Có rất nhiều dự báo về tình hình dịch bệnh, nền kinh tế suy thoái, sự chuyển dịch cơ cấu lao động trong năm 2021. Nhưng Tết vẫn tồn tại ngàn đời như là một ý nguyện của dân tộc về việc dừng cái guồng quay khốc liệt của xã hội lại, cùng với nỗi lo toan bộn bề của nó, dù chỉ trong một vài khoảnh khắc. Tôi không định dùng bài viết này để vỗ về độc giả theo kiểu sáo ngữ, rằng hãy cố gắng hết sức hay đừng bao giờ từ bỏ cuộc. Có lẽ chúng ta sẽ cần nhiều năm nữa nhìn lại để biết rằng thực sự 2020 đã mang lại cho mình điều gì, nhưng vẫn có quyền hy vọng và lạc quan vào tương lai. Ngoại cảnh có thể lấy đi nhiều thứ nhưng không thể lấy đi hết cảm xúc tích cực của một con người, nếu như họ thực sự sở hữu chúng. Việc sở hữu cho riêng mình một lý do, một động lực để cố gắng thực ra luôn là cả quá trình tìm kiếm từ bên trong, chứ không thể mua đi bán lại. Chỉ có việc tìm kiếm ý nghĩa trong mỗi việc mình làm mới đủ động lực để lại thức dậy mỗi sáng và cố gắng hết mình cho tới tận đêm khuya.

Có lẽ chính vì một năm 2020 đầy biến động ấy mà chúng ta cần những khoảnh khắc như đêm 30 hay sáng mùng 1 Tết. Đó là cơ hội để tách mình ra khỏi các sự vận động của xã hội thường ngày, của những lo toan mưu sinh từ cuộc sống. Hay chỉ trong vài khoảnh khắc giao thoa từ năm cũ đến năm mới để nghĩ về bản thân và gia đình, tìm cho con thuyền của mình một chiếc mỏ neo để sẵn sàng ra khơi trong năm mới.

Cố gắng đến tận những ngày cuối cùng của năm, bạn đang nỗ lực vì điều gì? - Ảnh 13.
Cố gắng đến tận những ngày cuối cùng của năm, bạn đang nỗ lực vì điều gì? - Ảnh 14.
Trang Vivian
Huy Nguyễn
cuongtrinh_
Theo Trí Thức Trẻ02.2021