uộc đời Cindy Thái Tài – nghệ sĩ chuyển giới công khai đầu tiên của Việt Nam không phải là câu chuyện quá lạ lẫm, giật gân của showbiz dành cho những người hiếu kỳ. Tôi từng đọc nhiều bài viết trước đây về những thăng trầm, nỗi đau mà chị phải trải qua, hiểu được bao nhiêu nước mắt đã rơi xuống để đổi lấy sự mạnh mẽ cho một người phụ nữ đang ngồi kể lại đời mình lúc này đây.
Câu chuyện về Cindy Thái Tài hôm nay, không phải là những con chữ kể lể ngay ngắn, mà là rất nhiều mạch cảm xúc chồng chéo. Có lúc nấc nghẹn vì một mảng ký ức buồn đến thinh lặng, khi chị lại cười phá lên và hát nghêu ngao như chưa từng có sóng gió nào ập đến...
Cindy vừa trở về nước sau chuyến lưu diễn ở Canada. Chị bảo, trời bên đó đang lạnh xuống tới âm mười mấy độ, nhưng vì còn yêu khán giả, còn yêu cái đam mê này quá, nên bao nhiêu cũng chịu đựng được, miễn còn được mời đứng trên sân khấu hát. Niềm vui của chị lúc này chỉ đơn giản là như vậy, sau rất nhiều cú sốc trong cuộc đời. Chết đi, sống lại cũng chỉ nhìn thấy nỗi đau quá khứ còn nguyên đó. Chỉ còn cách một mắt nhắm, một mắt mở mà sống lạc quan, tích cực nhất có thể. "Nếu đã không chết được thì đành phải đứng lên và bước tiếp".
Hiện tại, Cindy vẫn duy trì công việc kinh doanh và hoạt động nghệ thuật để có thể tự hào là mình luôn vững vàng với nguồn kinh tế độc lập. Bên cạnh đó, chị dành thời gian chăm sóc lại nhan sắc cho mình, vì đã để bản thân "xuống cấp" quá nhiều trong suốt tháng ngày suy sụp. Mỗi tháng chị tiêm hoóc-môn đều đặn một lần, tập thể dục để duy trì sức khỏe. Chị không ngại nhờ đến phẫu thuật thẩm mỹ để chỉn chu lại sắc khi cần thiết. Tuy nhiên, chưa bao giờ chị lạm dụng, phụ thuộc nó đến nỗi phải đi "trùng tu định kỳ" như người ta vẫn đồn. "Cây nào cũng héo, hoa nào chẳng tàn. Tôi cũng 17 năm rồi còn gì".
Người ta hay mượn câu chuyện suy nhược sức khỏe hay giảm tuổi thọ vì phẫu thuật chuyển giới để lấy sự thương cảm. Chị lại không thích và không muốn điều đó. Cindy khẳng định: "Ai cũng vậy, nếu không sống vui vẻ lạc quan và không giữ sức khỏe thì chết sớm là đúng thôi. Đừng mang những điều tiêu cực ra để xin nước mắt thương hại, nhục lắm".
Lúc này, hai điều quan trọng nhất trong cuộc đời Cindy Thái Tài là chính bản thân chị và đứa con trai 12 tuổi. Chị xem con như lẽ sống của cuộc đời và dành hết cho con tình yêu của một người mẹ. Điều chị tiếc nhất chỉ là đôi lúc phải đi diễn xa, dày đặc, không có thời gian thường xuyên bên cạnh mà phải gửi con cho chị gái trông nom, đưa đón.
Ai cũng có suy nghĩ và kế hoạch riêng cho mình ở tương lai khi về già. Chị lạc quan lắm, vì thấy nó còn xa vời. Chị luôn xem mình là cô-gái-22-tuổi, không nói chuyện xa xôi quá làm gì cho mệt. Mọi thứ trên đời bây giờ có đi đến đâu, chị cũng nghĩ đó là duyên số. Lúc trước cũng đã sống chết cùng cực, qua rồi thì lại đi qua nữa. Chỉ cần cố gắng sống là chính mình, là một người tử tế.
- Chị mất bao nhiêu năm để sống không phải là mình?
- Rất nhiều năm, nhiều lắm.
Tuổi thơ Cindy Thái Tài không êm ả. Chị sinh ra trong một gia đình gia giáo gốc Hà Thành, chính vì vậy bố mẹ là người rất khó khăn về tư tưởng. Lúc còn nhỏ, chị chỉ lờ mờ biết mình thích làm một đứa bé gái. Cái phản ứng, phản xạ của cơ thể là thích chơi những trò chơi của con gái, thích thể hiện mình như những đứa con gái bé nhỏ khác. Nhưng bố mẹ, anh chị lại không thích điều đó, họ nghĩ chị học đòi. Những trận đòn roi, la mắng lúc đó chỉ như cơm bữa. Nhiều lúc có những trận đòn oan ức giáng xuống đầu không rõ vì sao. À có, nguyên do chỉ vì hàng xóm đồn chị ngày càng giống con gái.
"Giới đồng tính hay những người như tôi thời đó bị gọi là một cái gì đó không bình thường, là bệnh hoạn, là cặn bã của xã hội. Phải chấp nhận chứ biết làm sao?", chị trầm tư.
Thập niên 80 là thời kỳ tư tưởng, tư duy con người ta còn quá mới mẻ để giải thích về kiến thức này. Bác sĩ hay các nhà tâm lý học mà Cindy được đưa đến, họ chỉ có thể kết luận chị là đứa học đòi theo phong trào rồi lệch lạc tâm lý thôi. Có bác sĩ còn khuyên nên đi tập tạ, tập những môn thể thao nam tính, mạnh mẽ thì sẽ thay đổi. Chị cũng tập tạ, cũng chơi đá banh nhưng vào phòng tập, chị chỉ nhìn những đứa con trai khác thì biết làm thế nào được.
Ngay từ bé, lúc nào cũng cảm thấy khó khăn. Đến tuổi dậy thì, chị càng phải cố gắng tập cho giọng nói trầm hơn, cố gắng thể hiện mình là thiếu niên bình thường như những đứa con trai khác. Nhưng bản thân chị và mọi người xung quanh đều thấy rõ, điều này rất gượng gạo. Dần dần, chị trở thành trò hề cho người ta trêu chọc, từ trong gia đình đến xã hội. Những trận đòn roi vô cớ từ bố mẹ, những lần gây sự vô cớ ở trường học…, nguyên nhân gói gọn trong ba chữ: họ-không-thích.
"Khi còn là một đứa trẻ con, tôi chỉ biết quy phục những gì họ đưa ra. Muốn cố gắng cũng chẳng biết phải cố gắng thế nào, chỉ có ngồi khóc một mình".
Và đó là những đêm chị thường đứng trước gương thật lâu và tự hỏi về vẻ ngoài con trai đầy trớ trêu. Thậm chí chị còn có ý định cắt phăng bộ phận sinh dục đi vì cảm thấy nó không phải của mình. Nhưng rồi lại không dám vì sợ máu, sợ đau, sợ đủ thứ…
Không ít lần, chị từng có ý định tự tử. Điều duy nhất giữ chị ở lại với cuộc đời quá nhiều nghịch cảnh, đau đớn đòn roi, buồn cười thay lại chính là những trận đòn roi đó. Vì nhát nên chị không dám chết. Nếu tự tử chết luôn thì không sao, sống lại lỡ may còn bị ăn đòn thê thảm hơn nữa.
Khi chị nói việc mình sẽ đi phẫu thuật chuyển giới, hiển nhiên gia đình không một người nào chấp nhận. Bố mẹ chửi mắng, nói chị bị thần kinh quá mức, đến nỗi bây giờ lại chơi một trò chơi nguy hiểm như vậy, leo lên bàn mổ để người ta mổ xẻ mình. Lúc đó, chị chỉ nói rằng, tiền là do bản thân tự kiếm ra chứ không ai hỗ trợ và thân xác này là thân xác của chị, những lúc đau khổ nhất cũng đâu có ai ở bên để có thể chia sẻ được hết. Vì thế, chị cứ quyết định mình sẽ đi thôi.
Đêm trước ngày phẫu thuật, người chồng đầu tiên của chị bên cạnh. Cả hai từng ở với nhau cũng được vài năm trước khi chị quyết đinh chuyển đổi giới tính. Anh khuyên: "Em ơi hay là thôi đi. Em đừng có làm nữa, vì anh sợ ngày mai khi làm xảy ra sự cố gì rồi em chết trên bàn mổ rồi anh sống với ai. Em để nguyên như vậy rồi anh vẫn yêu em mà".
"Không, em làm điều này đâu chỉ cho anh đâu mà còn dành cho em. Em phải chịu đựng điều này lâu quá rồi và anh cũng biết em cần gì. Nếu như ngày mai lỡ xảy ra sự cố gì mà em chết trên bàn mổ, em cũng chấp nhận. Vì cuối cùng em cũng được là một người phụ nữ đúng nghĩa, thân xác này đã về đúng là của em", chị bình thản đáp.
Ca phẫu thuật đó kéo dài từ sáng đến đêm. Khi mở mắt ra được, Cindy cảm giác nặng nề và đau đến tận xương tủy. Việc đầu tiên chị làm là đưa tay sờ lên ngực, lên vùng kín đang băng chặt để định hình, rồi quay sang nói với chồng: "Bây giờ em chết cũng được rồi". Lúc đó, chị thực sự đã toại nguyện rồi, có chết cũng hài lòng.
Khi trở về, gia đình cũng chấp nhận vì thấy chị xinh đẹp hơn và sống hạnh phúc hơn. Nhưng xót xa nhất là thiên hạ ngoài kia vẫn nhìn chị với cái nhìn hiếu kỳ, tọc mạch. Ngoài đường thì có người chạy theo chị dòm ngó, trêu chọc. Có người nghe đồn xong, chạy tới tiệm áo cưới của chị mở cửa xộc vào thẳng, tìm bằng được ai là Thái Tài vừa chuyển giới về. Chị còn nhớ có một cặp vợ chồng trung niên bước vào tiệm nói: "Nhìn cũng giống con gái nhưng bự con quá, thấy cũng kỳ kỳ". Lúc đó, chị ngỡ ngàng: "Ủa cô chú đến đây làm gì?", thì họ nói: "Nghe thấy người ta nói thì tới đây cho vui vậy đó". Họ vào tiệm để xem chị hình hài ra sao.
"Dễ dàng hả? Không có đâu. Trải qua bao nhiêu nước mắt mới được đứng trên sân khấu đấy chứ", chị bồi hồi nhớ lại những tháng ngày khó khăn khi bắt đầu đi diễn của mình. Nhẹ thì gặp phải những khán giả cố tình trêu chọc bằng những lời thô thiển giữa sân khấu, nặng thì có người còn lấy đồ để ném chị, đến mức bảo vệ phải chạy tới can ngăn.
Khi ai ở trong nghề rồi mới thấy mãnh lực của sự đam mê, của ánh đèn sân khấu cao lắm. Cindy cũng vậy. Có buồn, có đau lòng nhưng không đến mức là vì họ mà phải bỏ nghề. Chỉ cần còn đam mê, chị vượt qua hết. Họ không thích thì họ cứ việc đi, ai còn thích thì chị sẽ hát cho người đó nghe. "Trong 100, 1000 khán giả ắt sẽ có vài người như vậy, nhưng còn những người họ yêu thương mình thì sao? Cho nên xúc phạm là quyền của họ, nhưng mình có quyền chọn có để bản thân bị tổn thương hay không"", Cindy tự nhủ mình câu nói đó để đứng vững tới hôm nay.
Rồi chưa kể đến những trường hợp một vài đồng nghiệp nói riêng với bầu sô rằng, có Cindy Thái Tài, họ không hát. Khi nghe bầu sô nói lại, chị chỉ đáp: "Không quan trọng, khi nào không có người đó thì anh mời em" vì trong nghề, chị vẫn muốn dĩ hòa vi quý. Thậm chí những người có thế lực, họ từng yêu cầu chị phải "trao đổi" để có show, nhưng chị hỏi vì sao chị phải làm điều đó. "Nếu cần một ca sĩ để trình diễn, gọi cho tôi. Nhưng nếu cần một cái đệm để mua vui thì tôi không phải như vậy. Vì tôi đứng trên sân khấu bằng giọng hát, chứ không phải lên giường để hát".
Ở bất cứ một ngành nghệ thuật nào, một góc cạnh nào của cuộc sống thì cũng đều có những con người xấu xa như vậy. Cindy chỉ nghĩ nếu như chị quy phục họ thì có khi giờ này chị đã làm một nghề khác rồi. Trong cuộc sống, nếu mình đi bằng đầu gối thì nó đã quá tệ, mà trong nghệ thuật, mình còn phải luồn cúi thì niềm tự hào của một người nghệ sĩ vứt ở đâu, làm sao có thể tự tôn, dõng dạc thể hiện mình trên sân khấu?
Đó là một ngày Hà Nội đẹp trời, khi Cindy lang thang, ghé vào một tiệm sách để tìm một quyển cho con trai. Bỗng một luồng điện sau gáy, chị cảm thấy có ai đó đang nhìn mình. Quay lại, chị thấy một người đàn ông đang mắc cỡ quay đi. Chị trêu: "Ủa anh nhìn em gì vậy?", thì anh nói: "Anh thấy em đẹp quá thì anh nhìn thôi". Chị tiếp lời: "Đẹp sao không nhìn tiếp đi, sao lại quay đi" khiến anh cười xấu hổ. Chị lại hỏi đùa: "Ủa sao cười, em mắc cười lắm hả?". Lúc này, anh bảo: "Em rất thú vị".
Và câu chuyện bắt đầu từ đó, những lần hẹn hò, rủ nhau đi ăn, nhắn tin qua lại... vun đắp thêm cho tình cả hai bên. Một thời gian sau, anh gọi điện thoại bảo có điều vô cùng nghiêm túc muốn nói với chị. Lúc đó, chị rất sợ anh biết sự thật mình là người chuyển giới. Anh nói: "Anh muốn em đón nhận điều này với sự trân trọng, được hay không thì mình vẫn là bạn. Anh yêu em và muốn chung sống cùng em". Chị cười to lên một lúc khiến anh ngạc nhiên.
"Có cái gì vui lắm hả, anh muốn em đón nhận với sự trân trọng và nghiêm túc", anh hỏi. Chị nghĩ một chút, rồi cho anh biết sự thật: Chị là người chuyển giới.
Anh im lặng trong khoảng một phút. Chị nghĩ anh chết lặng khi nghe điều đó. "Nếu vậy thì anh suy nghĩ đi rồi chúng ta nói chuyện với nhau sau", chị nói rồi cúp máy. Chị hiểu cảm giác của anh.
Một ngày sau, không thấy anh gọi điện hay nhắn tin gì, chị nghĩ có lẽ hết rồi. Sau đó, anh gọi cho chị và nói anh đã dành thời gian nói chuyện với mẹ và mong chị hiểu cho anh vì đây là lần đầu tiên anh có một mối quan hệ như vậy. Anh rất sốc. Chị bình tĩnh trả lời: "Thôi được, không làm bạn cũng chẳng sao" thì anh vội tiếp lời: "Không, đừng bỏ anh. Anh thấy em cũng bình thường như những người phụ nữ khác, không có vấn đề gì cả". Sau câu nói này, chị và anh bắt đầu một trang mới cho câu chuyện tình hạnh phúc của mình.
Sóng gió cuộc đời tưởng đã khép lại, nhường lại tháng ngày hạnh phúc viên mãn. Bất ngờ, người chồng mà chị xem là lẽ sống cuộc đời vĩnh viễn ra đi vì bệnh ung thư…
Bầu trời như đổ sập xuống. Không có anh, ngày mai chị không biết sẽ sống như thế nào. Lúc anh mất được 3-4 ngày, chị đã từng nghĩ đến việc xé chiếc chăn cột lên xà nhà để tự tử. Chị nghĩ, chết đi ở đây sẽ có anh đưa chị đi, hai vợ chồng sẽ vui vẻ hơn chứ chị sống lúc giờ cũng vô nghĩa. Đó là lần thứ hai trong đời chị từng có ý định này.
Trở về từ Anh Quốc sau khi lo tang sự cùng gia đình chồng, Cindy vùi đầu vào công việc. Tưởng sẽ quên được anh, nhưng không. Chị bị chứng mất ngủ, tinh thần và sức khỏe cũng từ đó mà suy sụp, đến mức phải tìm đến bác sĩ tâm lý điều trị. Khi mọi thứ dần bình thường trở lại, chị tăng lên hơn 20 cân vì có những ngày tháng chị phải liên tục ăn, nhậu với bạn bè mới tìm đến được giấc ngủ mệt nhoài hiếm hoi. Dáng vóc cũng không còn như xưa. Người khác nhìn vào chỉ thấy ngoại hình xuề xòa mà trêu chọc, báo chí phán xét, không cần biết chị trải qua những gì. Chị cũng quen rồi. Còn điều gì tệ hơn mà chưa từng trải qua đâu.
"Anh đến với chị rất ngọt ngào. Anh là Giáo sư dạy ở một trường Đại học ở Tây, về môn Triết, anh rất trẻ. Anh đẹp trai trong mắt chị, yêu thương, trân trọng, tôn trọng niềm đam mê của chị. Mặc dù anh nhỏ tuổi hơn nhưng chị học được rất nhiều từ anh. Rằng tiền không phải là tất cả, cách mình tận hưởng cuộc sống, sử dụng thời gian của mình vào việc gì, như thế nào mới là quan trọng. Từ đó, chị bỏ những cuộc vui thâu đêm suốt sáng, không quan tâm đến đồ hiệu, đồ đắt tiền. Khi ở cùng với anh, chị nhận ra còn nhiều thứ quan trọng hơn. Anh nói tiền bạc để làm gì, mình đủ sống thôi để đừng đói, đừng rách, đừng khó khăn là ổn rồi. Nếu sau này anh có thừa tiền, anh sẽ mang đi cho những người họ nghèo hơn. Trước khi anh mất, anh có nói tất cả đồ của anh mang đi cho những hội từ thiện để họ có họ xài. Anh có một trái tim rất đẹp".
Cindy lạc giọng, không sắp xếp được ngăn nắp những mảng ký ức đau buồn về anh. Chị lặng đi một lát.
Cindy Thái Tài bây giờ là người phụ nữ không trông chờ vào tình yêu nữa, nhưng cũng đã dần mở lòng sau khoảng thời gian dè dặt, thu mình. Tình yêu người chồng đã mất dành cho chị lớn bao nhiêu, vết thương trong tim chị cũng như vậy. Đó là lý do chị từng có những tháng ngày sợ hãi không còn tìm thấy ai có thể mang lại thứ hạnh phúc tinh khiết như chồng mình năm xưa. Chị biết, những người chuyển giới vẫn rất khó để có được cơ hội gặp một người đàn ông chấp nhận đồng hành với mình trọn đời.
"Làm một người phụ nữ ai lại không muốn mặc áo cưới. Mình cũng không biết đến bao giờ, có được hay không và do cả mệnh trời nữa", chị nói.
Tình cờ lúc đó, có một vệt nắng chiếu xuyên qua lớp kính, rạng lên gương mặt chị một mảng sáng cầu vồng lục sắc…