Một đoạn phim ca nhạc đang đến cảnh cao trào, khán giả hồi hộp đợi xem tâm lý nhân vật chính ra sao, bỗng chiếc máy quay đổi hướng - zoom cận cảnh chi tiết… đường nét chiếc điện thoại đang từ từ rơi xuống nước nhưng vẫn sáng đèn; Một võ sĩ đạo tạo hình cổ trang chất ngầu gần nhưng đi giày thể thao hiện đại; Một công nương trong cung điện xa hoa nhưng tay cầm điện thoại lướt web…

Nghe đến những hình ảnh này, khán giả có lẽ đã không còn quá xa lạ với câu chuyện MV ca nhạc bị lồng ghép nhãn hàng vào một cách khiên cưỡng trong thị trường giải trí hiện nay. Đó là nỗi khổ mà những người trong cuộc như nhà sản xuất và nghệ sĩ buộc phải “dở khóc dở cười” âm thầm gật đầu chịu đựng khi đồng ý để nhãn hàng tài trợ kinh phí và chi phối sản phẩm. Khán giả - người hiểu thì ậm ừ cười méo, tiếc cho một MV đẹp, người khắt khe thì lại cho rằng đó là sự nhồi nhét kém duyên.

Nhưng, liệu chúng ta có đang quá khắt khe với những MV có xuất hiện quảng cáo hay không? Khi suy cho cùng, nghệ sĩ cần tiền để có MV đẹp và khán giả cần MV đẹp để thưởng thức.

Đối với một người ca sĩ, MV ca nhạc được sản xuất nhằm minh họa cho một sản phẩm âm nhạc, giúp khán giả có những góc nhìn, cảm nhận sinh động hơn về câu chuyện mà tác giả muốn truyền tải trong tác phẩm.

MV là cách để nghệ sĩ tuyên ngôn cá tính và sự sáng tạo của mình. Là món quà của họ dành cho các fan hâm mộ. Hãy nhìn ra thế giới, mỗi lần các MV của các nghệ sĩ lớn xuất hiện, nó được nhìn nhận không chỉ là một video clip, mà còn là một tác phẩm nghệ thuật với chỗ đứng riêng và cộp mác từng nghệ sĩ. Taylor Swift tạo nên cả một đế chế nhờ những MV có câu chuyện và màu sắc tươi vui, ngọt ngào. Nhắc đến Katy Perry là nhắc đến những MV với phong cách pop art ấn tượng. Ở Việt Nam, Mỹ Tâm tạo được thương hiệu những MV thú vị, chỉn chu. Hay mỗi lần ra MV mới, Sơn Tùng M-TP khiến dân tình phải đứng ngồi không yên vì những concept mới lạ của mình.

Đã qua rồi thời điểm quay MV một cách đơn giản, nội dung hời hợt, vì nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của khán giả cũng ngày càng được mở rộng hơn. Theo dòng chảy phát triển của nghệ thuật, những MV ngày càng được nâng cấp về nội dung, kỹ xảo quay dựng để thể hiện được đẳng cấp và sự đầu tư tâm huyết của nghệ sĩ vào đứa con tinh thần của mình.

Điều đơn giản dễ thấy, một sản phẩm chất lượng, ít nhất về mặt hình ảnh, đa phần chỉ có thể được tạo nên bởi giá trị tương ứng. Tên tuổi càng lớn, áp lực về sức hút càng lớn, kỳ vọng khán giả đặt lên sản phẩm của họ cũng không nhỏ. Nhất là trong thời buổi cạnh tranh, MV lại càng cần phải đầu tư xứng tầm với tên tuổi, đẳng cấp của nghệ sĩ. Nhưng giá trị đó không phải nghệ sĩ nào cũng có đủ điều kiện về kinh tế để đáp ứng được. Tất nhiên vẫn có một số trường hợp hiếm hoi: MV đơn giản, tiết kiệm vẫn nhận được sự thành công, nhưng con số này không nhiều.

Nhưng bài toán kinh tế dốc vào cho một MV “khủng” chưa bao giờ là đơn giản. Trước hết, nghệ sĩ cũng phải chạy show kiếm tiền, đâu phải nói muốn quay một MV chất lượng là bỏ mấy trăm triệu ra là làm ngay. Mua bài hát, làm nhạc, đầu tư trang phục, tìm kiếm ê-kíp, chiến lược truyền thông… Tất cả những khâu đó nếu tính sát thôi cũng đã lên tới con số tiền tỷ. Chính vì vậy, sự hỗ trợ từ nhãn hàng sẽ giúp tiết kiệm chi phí hoặc tăng nguồn đầu tư để mang đến cho khán giả một sản phẩm chất lượng nhất.

Một nhà sản xuất nêu ý kiến cá nhân rằng, anh cảm thấy rất thông cảm với những nỗi lo về tài chính dành cho mỗi dự án của mỗi ca sĩ. Kể cả ngôi sao, họ có quá nhiều việc phải chi tiền để chỉn chu trước khán giả (những nghệ sĩ thực lực sẽ luôn ý thức cao về điều đó). Cho nên việc tìm thêm kinh phí từ các nhãn hàng để có điều kiện làm cho sản phẩm được tốt hơn là điều rất đáng trân trọng, vừa thỏa mãn được bản thân người nghệ sĩ, đồng nghĩa với việc mong muốn mang lại cái tốt cho khán giả của mình.

Đó là chưa nói đến, xin tài trợ của nhãn hàng cũng chưa từng là điều dễ dàng. Để thuyết phục được tài trợ, họ phải có năng lực, làm cho khách hàng thấy được tiềm năng của bản thân và của sản phẩm âm nhạc đó. Họ hoàn toàn có quyền tự hào về những gì mình nỗ lực để thuyết phục nhà tài trợ và làm nên một sản phẩm đúng “tầm” của mình.

MV ca nhạc vốn dĩ là một sản phẩm nghệ thuật. Chính vì vậy người xem vẫn muốn được thưởng thức nó bằng cảm xúc xuyên suốt chứ không phải bị đứt quãng bởi những tình tiết kém liên quan đến đâu chuyện mà mục đích chính là "để nhãn hàng có cơ hội xuất hiện". Chẳng ai muốn đang xem cảnh nhân vật trong MV hôn nhau tình tứ, thì xuất hiện một tuýp kem đánh răng! Hãy đang cãi nhau thì ném điện thoại vào tường, nhưng thay vì xem cặp đôi đã làm lành hay chưa thì lại được xem cảnh bước tường bị bể vì điện thoại “siêu cứng” đập vào…

Rất nhiều những MV ca nhạc ra mắt thời gian gần đây mang phần ca từ và giai điệu rất hay, nếu như có thêm một câu chuyện hoàn hảo để kết nối, chạm đến trái tim người nghe thì chắc chắn sẽ là một sản phẩm để đời của nghệ sĩ. Tuy nhiên, khán giả gần như thất vọng hoàn toàn khi MV ra mắt: chỉ với 4 phút ngắn ngủi, thay vì truyền tải nội dung bài hát, liên tục các sản phẩm điện tử, gia dụng, giày dép... xuất hiện kém duyên. Người xem lúc này có thể chẳng còn quan tâm dụng ý sâu xa của ca sĩ là gì mà mặc định ngay đây là một MV quảng cáo. Giá trị của MV cũng từ đó mà biến mất.

Có một thời điểm, ý kiến “Các nghệ sĩ Việt đang xem thường khán giả vì lợi dụng MV để quảng cáo” nhận khá nhiều tranh cãi.

Có quan điểm bảo vệ nghệ sĩ, nếu nói xem thường khán giả thì người nghệ sĩ đã chẳng đầu tư cho một sản phẩm chất lượng cao làm gì. Họ đều có thể chỉ việc chi khoản tiền nhỏ để quay cho có một MV cho có, nhưng với tên tuổi, vị trí đang đứng và cả tự trọng nghề nghiệp, hành động không làm ra một sản phẩm nghệ thuật hoàn hảo đó mới chính là thiếu tôn trọng khán giả và công việc của mình.

Nhưng cũng có không ít những ý kiến thẳng thắn: “Là độc giả, chúng tôi muốn xem một MV ca nhạc đúng nghĩa, không mang tính chất thương mại. Hy vọng các ca sĩ đừng hy sinh nghệ thuật vì lợi nhuận”.

Tất nhiên mỗi hướng mà khán giả đưa ra đều có lý của riêng mình. Nhưng có một sự thật không thể phủ nhận rằng, việc tự lực dốc tiền vào một MV như “chiêu bài may rủi” mà không ai có thể lường trước thành công hay thất bại ra sao. Nếu kết quả, hiệu ứng không như mong đợi, nghệ sĩ làm-MV-ca-nhạc-đúng-nghĩa (không có quảng cáo) chỉ biết… ngậm ngùi chịu thiệt. Khi đó ai sẽ là người giúp họ?

Ngày trước, nhiều ca sĩ liên tục chạy show ròng rã chỉ để tái đầu tư sản phẩm. Lúc đó, khán giả không có nhiều cơ hội được thưởng thức hàng loạt MV đẹp lung linh, chất lượng cao. Thì ngày nay, chính quảng cáo đã và đang mang lại những sản phẩm nghệ thuật tốt hơn cho khán giả rồi, mà lại còn miễn phí. Cứ thử mỗi lần xem một MV hay bài hát, bỏ vài nghìn đồng tiền phí hoặc có biện pháp mạnh tay hơn với các trường hợp đăng tải, sử dụng trái phép các sản phẩm nghệ thuật gốc, thì khi đó nghệ sĩ có lẽ cũng dám liều mình mà đầu tư một sản phẩm không-quảng-cáo. Chỉ có thế thì tương lai xa, chúng ta mới có đủ năng lực tiếp nhận và càng được xem những sản phẩm hay hơn nữa.

Hoạt động nào cũng vì kinh tế, đứng trước nhiều giá trị nghệ thuật đang bị “cho không” một cách lan tràn, mà việc sản xuất MV lại là điều tất yếu để duy trì hình ảnh, chẳng có gì lạ khi nghệ sĩ bắt tay với nhãn hàng để có điều kiện làm tốt nhất sản phẩm của mình. Đương nhiên ai cũng muốn làm một sản phẩm hay nhất, đẹp nhất, mĩ mãn nhất, và không có bóng dáng quảng cáo.

Nhìn ra làng giải trí thế giới, vẫn có không ít những MV cũng lồng sản phẩm quảng cáo vào, từ các nghệ sĩ u Mỹ như Britney Spear, Lady Gaga, đến Kpop – thị trường giải trí mạnh nhất nhìn châu Á – cũng vô tư đưa những thương hiệu vào MV của “gà cưng”. Hay đối với các bộ phim bom tấn, những nhãn hiệu đồ điện tử phổ biến vẫn nhan nhản xuất hiện trong những cảnh quay đấy thôi. Thực chất hơn nhau ở chỗ, chỉ cần biết “lấp lửng” sản phẩm trong MV một cách tinh tế, khéo léo là có thể tiện cả đôi đường. Đó là điều mà các nhà tài trợ và nghệ sĩ cần thỏa thuận để cân đo đong đếm để tránh tạo cảm giác quá “lộ liễu”

Hãy nhìn Biti’s và cách họ khéo léo xuất hiện trong “Lạc trôi”, trong “Đi để trở về”. Sự xuất hiện tinh tế cùng hiệu ứng khủng từ chính bài hát và ca sĩ đã khiến đôi Biti’s Hunter trở thành best seller trong suốt những tháng đầu năm, và tất cả những gì người ta nhắc đến là Biti’s cùng sự trở lại tuyệt vời. Đó chính là minh chứng rõ ràng nhất cho những cú bắt tay thành công, vừa có MV đẹp, lại vừa đẹp lòng khán giả và “mát mặt” nhãn hang.

Lợi ích của nghệ sĩ và nhãn hàng sẽ được phát huy tối đa nếu sự hợp tác đi đúng hướng và dừng đúng chỗ. Có nghĩa là MV vẫn sẽ mang hoàn toàn giá trị nghệ thuật, có câu chuyện, có nội dung truyền tải đến khán giả. Nhãn hàng xuất hiện trong MV một cách khéo léo để công chúng dù hiểu đó là chi tiết quảng cáo nhưng gần gũi với cuộc sống thực tế nên vẫn có thể chấp nhận được. Thậm chí, có những MV được lồng ghép nhãn hàng vào một cách hài hước, vẫn giúp tôn lên được nét độc đáo của sản phẩm mà chẳng ảnh hưởng gì đến câu chuyện người nghệ sĩ đang kể cho khán giả nghe bằng âm nhạc.

Đó là trường hợp mọi thứ đi đúng hướng. Còn nếu sự thoả thuận mất cân đối mà nhãn hàng được quyền can thiệp quá nhiều vào nội dung kịch bản, đưa sản phẩm của mình xuất hiện liên tục một cách chẳng ăn nhập thì lúc này "con dao hai lưỡi" sẽ quay lại phản chủ. Dễ dàng một vài ca sĩ được đánh giá là có đủ mọi tiềm lực để cho ra đời những MV hoàn hảo nhất, nhưng cuối cùng điều công chúng nhận được lại là những thước phim ở đó nhân vật chính không phải con người mà lại là đồ vật. Khán giả bây giờ là những người thưởng thức thức thông minh, họ sẽ không xem đi xem lại một MV chẳng đem lại chút giá trị nào về nội dung.

Chính vì vậy mới nói, ranh giới giữa sự tinh tế và phản cảm trong nghệ thuật rất mong manh. Nếu đã chọn con đường liều lĩnh, người nghệ sĩ và nhà sản xuất cần phải sáng tạo và sáng tạo khéo léo hơn nữa!

"Nếu như ở nước ngoài, khi phát hành MV ca nhạc, sự kiểm soát nghiêm ngặt về vấn đề bản quyền giúp người nghệ sĩ được bảo vệ tối đa quyền lợi của mình. Khán giả phải bỏ tiền ra để được thưởng thức nghệ thuật, do đó họ luôn thu lại được vốn, thậm chí là có lời mỗi khi đưa ra thị trường "đứa con tinh thần" của mình. Nhưng ở Việt Nam thì hoàn toàn ngược lại. Nghệ sĩ làm MV như một việc bắt buộc để giữ sức nóng của mình trên thị trường âm nhạc, lợi nhuận thu về gần như bằng không. Thế nên với sự giúp sức của nhãn hàng, các khoản chi phí sẽ giảm đi đáng kể, đồng thời sản phẩm cuối cùng cũng bắt mắt và chỉn chu hơn. Đổi lại, những thương hiệu sẽ tiếp cận được một số lượng người tiêu dùng nhất định thông qua một kênh trung gian này, đó gọi là mối quan hệ hỗ trợ đôi bên cùng có lợi".


“Dưới cương vị là nhà sản xuất, tôi cũng đã làm hàng chục cái MV không có nhà tài trợ rồi. Và đến năm 2017, tôi cảm thấy không thể cố thêm được nữa. Ca sĩ chứ không phải đại gia mà các bạn đòi hỏi họ mỗi năm mỗi ca sĩ ra 3, 4 cái MV, cái nào cũng tiền trăm triệu, tiền tỷ xem mới đã con mắt. MV hot còn đỡ MV không ai xem mặt lúc đấy chắc xinh. Việc áp đặt suy nghĩ nghệ sĩ “coi thường khán giả” chỉ vì lồng quảng cáo vào MV rất buồn cười và không công bằng. Các nghệ sĩ hãy cứ xin tài trợ để làm MV, miễn là quảng cáo được chèn vào tinh tế, không bị quá lố là được”.


"Thương hiệu và nghệ sĩ tìm đến nhau vì ít nhất có những điểm chung về nhiều mặt như đối tượng khách hàng, phong cách, hoặc đơn giản là nội dung của MV phù hợp. Đây là thỏa thuận công việc từ hai phía nên một khi họ đặt bút ký tên chọn nhau nghĩa là họ tự nguyện chấp nhận những đặc tính của nhau. MV thành công khi đây là sự lựa chọn thông minh, nghĩa là họ hợp nhau về phong cách, đối tượng khách hàng, khán giả tuổi teen của ca sĩ A cũng chính là khách hàng sử dụng smartphone của nhãn hàng B nhiều nhất. Ở góc độ của ekip thực hiện, cần nắm chắc nội dung kịch bản, hiểu rõ phong cách nghệ sĩ và đặc tính của sản phẩm cần quảng cáo. Mọi thứ có trơn tru gọn gàng hay không thì tùy thuộc vào năng lực của biên kịch và đạo diễn thực hiện sản phẩm đó. Sáng tạo thì không thể bị kìm lại, không được điều này ta sáng tạo điều khác. Tôi nghĩ càng khó khăn thì sáng tạo càng giá trị hơn".


"Khó khăn nhất là mình phải lồng ghép tính năng của sản phẩm vào nội dung MV sao cho tinh tế và bật được giá trị sản phẩm một cách hiện đại theo xu hướng mới nhất. Mong muốn của khách hàng tất nhiên là sản phẩm sẽ xuất hiện nổi bật, bản thân họ không có nhiều chuyên môn nên đôi lúc có những đòi hỏi không hợp lý nên đạo diễn phải trung hoà được, đưa ra những ý kiến hợp lý để vừa hài lòng khách hàng, vừa không khiến khán giả phản cảm khi xem MV. Khán giả bây giờ cũng khó tính nên việc này càng đòi hỏi rất cao ở người đạo diễn".


“Là một người chưa từng có bất kì MV nào xin tài trợ tôi cảm thấy bản thân đã kiệt quệ và ngã gục. Nghĩ mình thanh cao nhưng thực chất… tái xanh tái đỏ”.

Bài viết: Nhật Duy, Hồng Nguyên

Thiết kế: nhatanhngx, dlthanh, V.

Theo Trí Thức Trẻ

29/5/2017