Các nghệ sĩ xiếc hề, đa phần đều là các nghệ sĩ đã gắn bó từ lâu đến rất lâu với nghề xiếc, và khi đã gắn bó quá lâu với nghề, với họ, câu chuyện nghề cũng chính là câu chuyện cuộc đời mình.

"Cứ ba điểm mười thì cuối tuần đi xem chú hề con nhé !". Câu nói quen thuộc đó của các vị phụ huynh chính là động lực để lũ trẻ bọn tôi phấn đấu hết mình suốt những năm tháng học cấp một. Mũi đỏ, áo màu, giày to…từ bao giờ hình ảnh những chú hề như thế đã in sâu vào kí ức của những nhi đồng 8x đời đầu - cái thời mà chưa có điện thoại, chưa có internet, và dĩ nhiên chưa có mạng xã hội. Xiếc, đặc biệt là tiết mục xiếc hề như một thứ niềm vui bất tận, để chúng tôi cười sảng khoái rồi hồi hộp dõi theo từng động tác tung hứng của các nghệ sĩ hề trên sân khấu. Chẳng hiểu từ bao giờ, hề xiếc như một dấu ấn khắc sâu vào tâm trí của một thời niên thiếu chẳng thể nào quên.

Lớn lên, tôi luôn băn khoăn tự hỏi đằng sau lớp mặt hề vui vẻ ấy, họ là ai? Vui buồn ra sao? Cuộc đời họ thế nào? Và tôi đi tìm họ để tự mình trả lời câu hỏi ấy.

Các nghệ sĩ xiếc hề, đa phần đều là các nghệ sĩ đã gắn bó từ lâu đến rất lâu với nghề xiếc. Và khi đã gắn bó quá lâu với nghề, với họ, câu chuyện nghề cũng chính là câu chuyện cuộc đời mình.

Chuyện ba ông hề U50 ở Sài Gòn và nỗi buồn khi nghĩ về một ngày xiếc biến mất - Ảnh 1.

Chuyện ba ông hề U50 ở Sài Gòn và nỗi buồn khi nghĩ về một ngày xiếc biến mất - Ảnh 2.

NSƯT xiếc Phi Vũ sinh năm 1963, đến với nghề đến nay đã gần 40 năm. Từng ấy năm làm nghề xiếc cũng chính là từng ấy năm nghệ sĩ Phi Vũ yêu, tận tâm, say sưa, nghiêm túc với nghề.

Sinh ra ở xứ Huế mộng mơ, thế nhưng trong máu cậu bé Vũ lại chẳng hề có chất thơ mà chỉ có cái tính nghịch và lì lợm. Mới tám tuổi, cầm đầu lũ trẻ con trong xóm trèo tót lên cái cột cả mét để múa lân mà chẳng hề run chân. Ngay từ thời đó, cái tố chất xiếc đã chảy trong máu của cậu dù suốt ngày bị ăn đòn vì tội hay leo trèo. Năm 1978, Phi Vũ theo chân các anh lén lút trốn ba mẹ lên Sài Gòn rồi ở lì tại đó không bén mảng về suốt năm năm để quyết tâm theo nghề. 

Bén duyên và bắt đầu vào nghề từ thời điểm đó, nghệ sĩ Phi Vũ chọn luôn cho mình tiết mục xiếc trên cột để luyện tập và diễn, mất 1 năm để thuần thục các động tác. Lần ra diễn đầu tiên, nghệ sĩ Phi Vũ không nhớ gì ngoài khoảnh khắc mình lên cao trên cột rồi tự dưng lao cắm đầu xuống đất, nhưng may mắn có bạn diễn đỡ được chứ không thì chắc đã đi gặp tiên tổ. Tiết mục mạo hiểm, tập luyện khó khăn, áp lực tâm lý nặng nề khi đứng trên sân khấu là thế, có những lúc người nghệ sĩ thấy nản, nhưng càng nản, càng suy nghĩ thì sau đó lại càng quyết tâm hơn để thành công dù số lần bị ngã bị trầy chân bong gân còn chẳng thể đếm nổi.

Xiếc là một bộ môn đặc thù, đòi hỏi người nghệ sĩ phải vận dụng toàn bộ mọi trí lực mỗi khi diễn. Tiết mục nào cũng đều đòi hỏi sự dày công tập luyện, trau dồi kỹ năng từng ngày và động lực thúc đẩy người nghệ sĩ trong quãng thời gian khổ luyện đó không gì khác chính là giây phút mình được bước ra sân khấu, đứng dưới ánh đèn và xung quanh là khán giả với những tiếng vỗ tay, cổ vũ. Với nghệ sĩ Phi Vũ, mỗi một lần diễn, một lần được đứng trên sân khấu – nơi nghệ sĩ coi là thánh đường, đều là những giây phút thật đặc biệt để trân trọng: "Với chú thì được ra sân khấu diễn là một vinh hạnh, sân khấu là một thánh đường của nghệ sĩ mà."

Chuyện ba ông hề U50 ở Sài Gòn và nỗi buồn khi nghĩ về một ngày xiếc biến mất - Ảnh 4.

Thời năm 1990, phim truyện video của Đài Loan, Hồng Kông tràn ngập thị trường thì cũng là lúc nghệ thuật xiếc lâm vào giai đoạn hẩm hiu, khó khăn nhất. Nếu bắt gặp diễn viên xiếc Phi Vũ tài hoa, với các màn tung hứng, bay nhảy kỳ ảo trên sâu khấu nhưng hàng ngày phải đi vác gạo mướn, làm bốc xếp ở bến xe, làm thợ gò hàn, khán giả sẽ không khỏi chạnh lòng. Thế nhưng anh chàng nghệ sĩ trẻ vẫn chưa một lần nghĩ tới việc bỏ xiếc.

Chuyện ba ông hề U50 ở Sài Gòn và nỗi buồn khi nghĩ về một ngày xiếc biến mất - Ảnh 5.

Đồng hành với nghề suốt bao thăng trầm, năm 1997, Phi Vũ vinh dự là nghệ sĩ xiếc đầu tiên ở miền Nam được phong tặng danh hiệu NSƯT. Đó như một lời tri ân của nghề dành cho ông sau nhiều hi sinh đóng góp.

Chẳng ai tránh được quy luật sinh lão, chàng nghệ sĩ trẻ ngày nào dần dần già đi, tay yếu hơn, bụng to ra, phản xạ cũng chẳng còn nhanh nhẹn. Sau một lần lưu diễn tiết mục đu tuột ở Đài Loan, thì đến động tác lộn thấy quá khó khăn chật vật, ông mới nhận ra ôi mình già quá rồi, phải dừng lại thôi. Thời điểm một nghệ sĩ nhận ra mình đã già nó cũng buồn như một con chim chẳng còn có thể cao giọng hót.

Chuyện ba ông hề U50 ở Sài Gòn và nỗi buồn khi nghĩ về một ngày xiếc biến mất - Ảnh 6.

Nhưng cảm xúc tiếc nuối đó không khiến nghệ sĩ Phi Vũ mất đi đam mê với xiếc. Vẫn với một lòng yêu nghề như thế, nghệ sĩ Phi Vũ tâm niệm rằng mình sẽ tiếp tục diễn, cho đến khi nào không còn ra sân khấu được nữa mới thôi, người nghệ sĩ tìm đến với xiếc hề."Mình già thì diễn kiểu già, lấy kinh nghiệm sân khấu để chọc cười khán giả, già có cái ích của già, già mà không tàn không phế" – Ông cười.

Đến với xiếc hề khi đã qua thời phong độ, nghệ sĩ Phi Vũ cũng say mê tập luyện cho các buổi biểu diễn nơi mà nghệ sĩ vẫn chinh phục được khán giả bởi cái "duyên" của mình. Hề cao, hề rắn, hề ghế, hề soi gương, hề cử tạ, hề lăn là những tiết mục xiếc hề mà nghệ sĩ Phi Vũ đều đã diễn qua. Trong xiếc hề, người nghệ sĩ cần cái duyên, sự khéo léo qua từng động tác để vừa bộc lộ sự hài hước lại vừa để khán giả hiểu được ý nghĩa của động tác và nội dung nghệ sĩ muốn truyền đạt và cười. Sau các tiết mục xiếc hồi hộp, gay cấn thì xiếc hề chính là để khán giả cười và thư giãn, còn khi khán giả cười thì chính là người nghệ sĩ xiếc hề đã thành công.

Chuyện ba ông hề U50 ở Sài Gòn và nỗi buồn khi nghĩ về một ngày xiếc biến mất - Ảnh 7.

Thế nhưng sâu trong thâm tâm, người nghệ sĩ già này vẫn có một nỗi trăn trở lớn. Đó là sự trăn trở về thế hệ trẻ bây giờ. "Lũ trẻ giờ nhiều thứ chi phối, nên diễn cũng cầm chừng hơn, an toàn hơn để giữ sức khỏe còn chạy đi kiếm tiền, vì thế cũng lâu lắm rồi chẳng thấy một tiết mục xem thật đã mắt". Khi được hỏi tại sao ngày xưa lại khác bây giờ, có phải do xã hội phát triển không, thì ông chỉ cười buồn mà nói rằng: "Đều là do mình, ngày xưa thú thật tôi liều lắm, chỉ sợ không làm khán giả sướng mà thôi".  

Chuyện ba ông hề U50 ở Sài Gòn và nỗi buồn khi nghĩ về một ngày xiếc biến mất - Ảnh 8.

Chuyện ba ông hề U50 ở Sài Gòn và nỗi buồn khi nghĩ về một ngày xiếc biến mất - Ảnh 9.

Trong giới xiếc ở Sài Gòn có lẽ ít ai là không biết tới chàng nghệ sĩ Hoàng Dũng với vóc dáng thấp bé nhẹ cân cùng tiết mục "Thăng bằng ống lăn" trứ danh rất thành công. Tiết mục của anh lúc nào cũng vừa làm khán giả thấy hồi hộp, chăm chú với màn thăng bằng trên những dụng cụ bấp bênh trên cao, vừa kết hợp các động tác vui nhộn, hài hước cùng hình ảnh anh hề đeo huân chương vàng để làm khán giả cười thích thú.

Làm quen với xiếc qua ba mình, sớm được hướng vào nghề xiếc thế nhưng quá trình trở thành một nghệ sĩ của Dũng lại không hề đơn giản mà là cả một chặng đường bấp bênh khi anh phải luôn cố gắng tìm được sự "thăng bằng" trong cuộc mưu sinh như khi diễn tiết mục "Thăng bằng ống lăn" kia.

Chuyện ba ông hề U50 ở Sài Gòn và nỗi buồn khi nghĩ về một ngày xiếc biến mất - Ảnh 10.

Nghệ sĩ Hoàng Dũng là một trong số nhiều nghệ sĩ xiếc được sang Liên Xô theo học xiếc vào những năm 90. Sau bốn năm khi hết hạn thị thực, nghệ sĩ Hoàng Dũng chưa về ngay mà ở lại Liên Xô làm đủ thứ nghề để kiếm thêm thu nhập vì thời ấy mọi thứ còn đang dễ dàng đối với những du học sinh. Để có thể tiếp tục ở lại làm việc, nghệ sĩ buộc phải quay trở lại trường, học một khóa khác về xiếc để hợp thức hóa giấy tờ. Nhưng trong thời gian này, thật ra anh chẳng thiết tha tập tành mà chỉ có nghĩ tới việc kinh doanh kiếm sao cho thật nhiều tiền để mang về gia đình. Sau đó, khi Liên Xô gặp biến động lớn về kinh tế, điều kiện cuộc sống khó khăn, áp lực của đồng tiền đã khiến Hoàng Dũng phải tìm cách lên đường về Việt Nam.

Chuyện ba ông hề U50 ở Sài Gòn và nỗi buồn khi nghĩ về một ngày xiếc biến mất - Ảnh 11.

Về lại Sài Gòn trong thời điểm chuyển giao của kinh tế thị trường, khi phải cân nhắc nhiều yếu tố như thu nhập, đồng lương, trước nhiều sự lựa chọn nghề nghiệp khác nhau thì Hoàng Dũng cũng lại một lần nữa không chọn xiếc. Phần vì tự ti do đã lụt nghề, phần vì sự bấp bênh đặc thù của xiếc. Thế nhưng tránh đâu cho khỏi nắng, tổ nghề cứ thế kéo anh lại. Một lần khi còn làm ở siêu thị, được xem các tiết mục xiếc trong một buổi văn nghệ, nghệ sĩ Hoàng Dũng chợt cảm thấy "ngứa nghề", rất muốn được diễn và sau đó đi mua lại các dụng cụ, tập lại tiết mục "Thăng bằng ống lăn" được ba dạy từ nhỏ của mình đợi dịp lên sân khấu biểu diễn góp vui. Thành công ngoài mong đợi của tiết mục đó khiến nghệ sĩ Hoàng Dũng nhận ra rằng mình vẫn còn làm xiếc được, dù sau một thời gian dài không dùng đến các kĩ năng xiếc nữa. Thế là anh quyết định sẽ lại đến với xiếc, mưu sinh với xiếc.

img
img
img

Trở lại với xiếc vào đúng thời điểm khó khăn, miếng ăn cũng chật vật đã khiến anh nhiều lần muốn rời đoàn để tự mình ra ngoài tìm cơ hội kiếm tiền khác với nghề xiếc để cuộc sống được khá hơn. Làm đủ thứ nghề từ kinh doanh tới quản lý, thậm chí cả dẫn chương trình để mưu sinh. Thế nhưng như là ý trời, đi đâu rồi tự dưng cũng có người đưa đẩy trở về với nghề. 

Với Hoàng Dũng, luyện xiếc không hề đơn giản, các tiết mục anh tập thì đủ loại từ đi dây tới nhào lộn, chấn thương thì chẳng đếm nổi. Thế rồi đến khi ra nghề đi diễn lại còn gặp không ít chuyện cười ra nước mắt. Anh cứ nhớ mãi một lần đi diễn cho một gia đình giàu có tổ chức tiệc sinh nhật cho con, khi đang lên diễn thì có một chị chạy ra bảo: "Phiền anh ở lại chơi với các cháu, trông cho bọn nó đỡ chạy để người lớn nói chuyện, có gì em gửi thêm tiền". 

"Cầm tiền mà lòng cũng nhột, nhưng chẳng cầm thì đói, thế nên đành".  

"Lại có lần khác đang diễn dở thì có một ông chú bụng to bệ vệ bảo: "Thôi dẹp dẹp, xiếc gì mà xem chả vui, căng hết cả thẳng, dẹp!". "Lúc ấy anh cứ nhớ mãi cái cảm giác hụt hẫng, cùng với ê chề mà chẳng thể quên mãi về sau này" – anh chia sẻ. 

Chuyện buồn cũng lắm mà vui cũng nhiều, kỉ niệm vui nhất với anh lại là một lần diễn cho hội người khuyết tật ở công viên Đầm Sen. "Lần đó khi anh lên diễn mới thấy toàn người khiếm thị, và dẫn chương trình thì cứ mô tả các động tác của anh cho họ nghe, anh vừa diễn vừa buồn cười, thế nhưng diễn xong thì khán giả vỗ tay vô cùng nhiệt liệt, lúc ấy vui lắm, trong lòng nghĩ lắm lúc diễn cho người tối mắt mà sáng lòng còn hơn"…

Chuyện ba ông hề U50 ở Sài Gòn và nỗi buồn khi nghĩ về một ngày xiếc biến mất - Ảnh 13.

Dù lúc nào cũng tất bật vì mưu sinh, thế nhưng nghệ sĩ Hoàng Dũng vẫn luôn có cái chất nghệ sĩ chảy trong máu. Anh gọi nó là "Hăng máu chó", cái thứ cảm giác đặc biệt chỉ có khán giả mới mang lại được: "Cứ mỗi lần khán giả đông mà chăm chú xem thì cái máu diễn đấy nó lại chảy rần rật, diễn như lên đồng ấy" – Anh cười khoái chí.

Chuyện ba ông hề U50 ở Sài Gòn và nỗi buồn khi nghĩ về một ngày xiếc biến mất - Ảnh 14.

Chuyện ba ông hề U50 ở Sài Gòn và nỗi buồn khi nghĩ về một ngày xiếc biến mất - Ảnh 15.

Hẳn nhiều người sẽ rất quen với hình ảnh hai diễn viên xiếc nhí đáng yêu Minh Quang và Minh Nhựt nếu từng xem chương trình Tìm kiếm tài năng nhí Việt Nam "Người Hùng Tí Hon", hai bé cũng đang nắm cho mình kỷ lục "Nghệ sĩ xiếc nhỏ tuổi nhất Việt Nam".

Khi nhìn vào hai bé trai nhỏ tuổi diễn xiếc khéo léo khán giả sẽ trầm trồ, khen ngợi nhưng với NSƯT xiếc Duy Hà, ông nội và cũng là "bệ phóng thành công" của hai bé thì đó như là một "tia hy vọng" khi xiếc ở thành phố Hồ Chí Minh đang ở trong tình trang cực kì khan hiếm nhân sự trẻ, là lớp nghệ sĩ kế cận để tiếp tục duy trì, phát triển bộ môn nghệ thuật này và biểu diễn phục vụ khán giả.

Nghệ sĩ Duy Hà sinh ra trong gia đình có bên ngoại làm nghề xiếc và cũng đến với nghề xiếc sớm từ năm 1976, đến nay được 41 năm, hiện đang công tác tại Đoàn xiếc Mặt Trời Đỏ thuộc Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam thành phố Hồ Chí Minh. Trước khi tập trung diễn các tiết mục xiếc hề như hiện nay, nghệ sĩ Duy Hà đã từng diễn nhiều thể loại tiết mục như tung hứng, đu, xe đạp, đứng tay trong quá trình gắn bó với nghề của mình. Từng ấy năm trong nghề, trải qua nhiều thăng trầm cùng nghề nhưng những gì mà xiếc của thành phố Hồ Chí Minh đang phải đối mặt hiện nay, vấn đề về mặt nhân sự, không chỉ là thiếu diễn viên trẻ mà còn là sự thiếu "lửa" trong những diễn viên xiếc trẻ hiện nay có thể nói là điều trăn trở lớn nhất của NSƯT Duy Hà.

Chuyện ba ông hề U50 ở Sài Gòn và nỗi buồn khi nghĩ về một ngày xiếc biến mất - Ảnh 17.

Khi được hỏi nguyên nhân, nghệ sĩ Duy Hà không ngại chia sẻ cả những nguyên nhân chủ quan và khách quan. Rằng sự đầu tư cho xiếc từ các cấp quản lý, chế độ lương, đãi ngộ cho các diễn viên xiếc, việc luyện tập vất vả … dẫn đến cái nhìn thiếu thiện cảm của các bạn trẻ dành cho nghề xiếc đồng nghĩa với việc họ từ chối tham gia các đợt tuyển quân cho đoàn xiếc, và khi thiếu sự tham gia của nghệ sĩ trẻ, các nghệ sĩ lớn tuổi thì ngày càng khó tập luyện và biểu diễn nhiều tiết mục cần sức trẻ, một "vòng luẩn quẩn", theo lời nghệ sĩ.

Nói về "lửa nghề" của các diễn viên xiếc trẻ, phép so sánh chính xác nhất chính là với bản thân nghệ sĩ và các nghệ sĩ cùng thời. Trước đây các nghệ sĩ yêu nghề, đam mê xiếc bao nhiêu thì các nghệ sĩ trẻ lại đang "thiếu lửa", bị tác động về mặt tâm lý bởi nhiều yếu tố, từ lúc đầu vào chọn nghề cho đến khi bắt đầu tập luyện, đối mặt với những thử thách như thời gian tập luyện cần thiết để thuần thục động tác, cường độ tập luyện, rủi ro nghề nghiệp, … những điều đó nghệ sĩ Duy Hà là người rất rõ. Nghệ sĩ hiểu và cảm thông với các nghệ sĩ trẻ nhưng không thể tránh cảm thấy buồn khi thấy sự đi xuống của xiếc.

Chuyện ba ông hề U50 ở Sài Gòn và nỗi buồn khi nghĩ về một ngày xiếc biến mất - Ảnh 18.

"Mười năm nữa xiếc sẽ biến mất, lúc ấy tôi sẽ buồn lắm."- Người nghệ sĩ già vừa nói vừa ngước lên nhìn sân khấu. 

Mười năm nữa xiếc sẽ biến mất ở thành phố Hồ Chí Minh là nhận định của nghệ sĩ Duy Hà dựa trên đánh giá về tình hình của xiếc hiện nay. Với một người mà gắn bó lâu năm với xiếc, kiên định theo đuổi xiếc không từ bỏ qua nhiều khó khăn, thử thách, xem xiếc như là một điều không thể thiếu trong cuộc sống thì thật khó để chấp nhận một viễn cảnh như vậy.

Chuyện ba ông hề U50 ở Sài Gòn và nỗi buồn khi nghĩ về một ngày xiếc biến mất - Ảnh 19.

Ảm đạm là thế nhưng đâu đó trong lòng người nghệ sĩ già vẫn le lói tia hi vọng khi Minh Quang, Minh Nhựt, hai đứa cháu nội năm nay 6 và 7 tuổi của nghệ sĩ Duy Hà, sau những lần cùng ông đi xem các buổi diễn, tập xiếc dần thích xiếc và luôn muốn ông chỉ dạy cho mình nhiều động tác thoạt tiên là để "khoe" với mọi người. Thành công ban đầu của 2 bé với kỉ lục lập được và qua chương trình "Người Hùng Tí Hon", nhờ các tiết mục xiếc, không khỏi làm NSƯT Duy Hà vui mừng và cảm giác lạc quan hơn về tương lai của xiếc.

Chuyện ba ông hề U50 ở Sài Gòn và nỗi buồn khi nghĩ về một ngày xiếc biến mất - Ảnh 20.

Với nghệ sĩ Duy Hà, điều nghệ sĩ mong muốn nhất trước mắt là có sức khỏe để diễn xiếc, để "truyền lửa" cho Minh Quang và Minh Nhựt các kĩ năng, kinh nghiệm của mình cho hai cháu, rất có thể là hai đại diện của lớp nghệ sĩ xiếc kế cận của xiếc thành phố Hồ Chí Minh.

Chuyện ba ông hề U50 ở Sài Gòn và nỗi buồn khi nghĩ về một ngày xiếc biến mất - Ảnh 21.

Đoàn xiếc Phương Nam hiện nay chỉ còn mỗi ba diễn viên đảm nhận vai hề, tất cả đều đã ngoại tứ tuần. Ba nghệ sĩ già mỗi người một tâm sự, thế nhưng lại có nỗi buồn chung: Họ đều không tả được cảm xúc của mình khi nghĩ tới một ngày, lũ trẻ con bây giờ chẳng còn biết ở Việt Nam cũng có sự tồn tại của những chú hề. Họ đã từng cháy hết đam mê và vẫn đang mải miết đi nốt con đường của mình để chẳng phải ngoái nhìn lại, thế nhưng cũng chẳng ai dám nhìn về tương lai của cái nghề mình đã gắn bó trọn đời.

Chuyện ba ông hề U50 ở Sài Gòn và nỗi buồn khi nghĩ về một ngày xiếc biến mất - Ảnh 22.

Hoàng Việt
Hoàng Việt
KingPro
BiMaxx
Theo Trí Thức Trẻ29/9/2017