5h30 ngày 16/11/2019
Tạp chí công nghệ Cnet của Mỹ công bố danh sách 25 ứng dụng có ảnh hưởng nhất thế giới trong giai đoạn 2010 – 2019. Bên cạnh những cái tên đình đám hiện nay như Instagram, Twitter, Facebook, Youtube, Netflix, Uber …, Flappy Bird – tựa game được phát triển độc lập bởi Nguyễn Hà Đông – lại được chú ý một cách đặc biệt bởi nó là trường hợp duy nhất không còn tồn tại một cách chính thức. Chỉ 2 tháng sau khi trở nên nổi tiếng trên toàn cầu, vào 0h ngày 10/02/2014, Flappy Bird bị chính tác giả gỡ xuống khỏi mọi kho ứng dụng di động.
Cnet đánh giá đó là một quyết định điên rồ và khó hiểu, đặc biệt khi đặt cạnh thành tích 90 triệu lượt tải, xếp vị trí số 1 trong Google Play cũng như Apple Store, dẫn đầu tại thị trường 100 quốc gia vào tháng 1/2014. "Anh ấy mất ngủ, không thể chịu đựng nổi khi nghĩ rằng trò chơi đã khiến mọi người mắc nghiện và không thể thoát ra được", Cnet viết.
17h45 ngày 18/11/2019
Chưa đầy 2 ngày sau khi bảng xếp hạng của Cnet được công bố, Nguyễn Hà Đông xuất hiện tại trường cũ, Viện Công nghệ thông tin và Truyền thông, Đại học Bách Khoa Hà Nội, trong sự kiện SoICT Talk – Episode 2: Symphony of Startup thu hút quan tâm của hơn 1.000 người, tiếp cận tới gần 50.000 người trên Facebook.
Mặc một chiếc áo len xanh đen bên ngoài áo sơ mi trắng, quần bò đen và đi đôi giày da nâu sáng, Nguyễn Hà Đông vẫn giữ phong thái có phần lặng lẽ và kín đáo thường thấy. Anh ngồi đối diện với vị phó giáo sư, viện trưởng và hầu như không quay mặt lại với đám đông phía dưới, hai chân không hề dịch chuyển suốt gần 2 tiếng, cũng rất ít sử dụng ngôn ngữ cơ thể. Nhà lập trình game khẽ cười khi được nhắc đến cùng với cụm từ "from Zero to Hero", trong khi đôi tai anh đỏ bừng.
Trong lời giới thiệu, vị phó giáo sư trường Bách Khoa gọi Nguyễn Hà Đông là một anh chàng rất khiêm tốn, rụt rè và chân thành. Khi tìm hiểu về Đông, ông thừa nhận bao trùm xung quanh chàng trai 34 tuổi này là một tấm màn bí ẩn, "vì Đông không thích lên truyền thông, và cái ấy càng khiến cho Đông trở nên lung linh".
"Trong suốt 17 năm qua tôi chỉ có màn hình máy tính, tôi cũng không có nhiều câu chuyện để kể như mọi người ở đây", Đông nói khi được đề nghị vén "bức màn của bản thân mình lên một chút". Bắt đầu lập trình từ năm 15 tuổi, bắt đầu lập trình game từ năm 17 tuổi, bắt đầu đi làm công ty game từ năm thứ 2 đại học và bắt đầu thực sự làm một mình từ năm 2011, "Flappy Guy" cho rằng mình phải đánh đổi một số thứ để đạt được thành công.
"Cái mà tôi đánh đổi là sự trưởng thành của mình, thế thôi", Đông nói. Nhưng cuối buổi chia sẻ, Đông bất ngờ nói thêm: "Đừng đánh đổi sự trưởng thành của mình bằng những thành công ngắn hạn".
Bài phỏng vấn trên tạp chí Rolling Stone năm 2014 là lần đầu tiên Nguyễn Hà Đông bước ra khỏi tấm màn bí ẩn của mình, chia sẻ một phần câu chuyện thành công của "chú chim vỗ cánh", niềm hạnh phúc và nỗi bận tâm đè nặng trong lòng suốt 2 tháng kể từ khi Flappy Bird bất ngờ nổi tiếng trên toàn cầu. Ở đó, phóng viên Rolling Stone dẫn lời Nguyễn Hà Đông cho biết, mỗi ngày, tài khoản của anh có thêm 50.000 USD (năm 2014) và ngay cả Mark Zuckerberg cũng không giàu nhanh đến cỡ ấy.
Tại nước Mỹ, dấu mốc cho sự thành đạt về mặt tài chính của một người được lượng hoá bằng con số 1 triệu USD, tức là khi đó họ có thể nghỉ ngơi thay vì tiếp tục làm việc. Riêng Đông, ngay từ khi còn là sinh viên, đích đến tài chính đã ở mức cao hơn một chút, dù Đông chỉ sinh sống, học tập tại Việt Nam - nơi có mức thu nhập bình quân thấp hơn đáng kể.
"Có một triệu đô là nghỉ hưu thì… ngày xưa hồi còn là sinh viên thì tôi tính tôi cần 1,1 triệu đô để nghỉ hưu. Sau đó thì thực sự là tôi có nhiều lần số ấy nhưng tôi vẫn chưa nghỉ hưu được, nên cũng không biết là có thành sự thật hay không".
Ngay trước dịp 30/4/2013, Nguyễn Hà Đông viết trên twitter, giới thiệu về "trò chơi mới đơn giản" của mình. Ngoài vài dòng tweet, anh không có thêm bất cứ nỗ lực marketing nào khác cho Flappy Bird. Và không mấy khó hiểu khi từ đó đến gần cuối năm 2013, Flappy Bird đã tồn tại trên app store một cách lặng lẽ mà gần như không ai biết tới.
Chú chim vỗ cánh mang theo mong muốn "làm cái gì đó vui vui" của Nguyễn Hà Đông chỉ trở thành cơn sốt toàn cầu khi một Streamer nổi tiếng trong lần tình cờ chơi đã nhắc về nó với sự bực dọc vì "phát điên với trò này". Khi được đặt câu hỏi lựa chọn giữa việc phát triển Flappy Bird để kiếm tiền, hay chỉ đơn giản là tạo ra một giá trị nào đó, Nguyễn Hà Đông thoáng ngập ngừng: "Trong trường hợp của tôi ạ? Tôi… ờ… tôi thực ra thì… Tôi không rõ mục đích của mình là gì nữa".
Giữa thời điểm hoàng kim về tên tuổi cũng như tiền bạc mà tựa game mang lại, Nguyễn Hà Đông bất ngờ gỡ Flappy Bird. Thế giới "phát điên" với cách làm đi ngược lại số đông của của chàng trai 28 tuổi, còn Đông lý giải điều này là quyết định do cá tính bẩm sinh. "Bẩm sinh thì tôi không chịu được áp lực, tất cả mọi áp lực đều không chịu được. Nên tốt nhất là…gỡ".
Sau khi quay trở lại cuộc sống giản đơn từng một thời khiến cho anh cảm thấy "bị hủy hoại bởi thành công của Flappy Bird", Nguyễn Hà Đông tiếp tục cho ra nhiều game di động khác, nhưng chưa có gì lặp lại thành công từng có. Điều này khiến không ít người tiếc nuối, và cũng khiến họ đặt ra kỳ vọng Đông sẽ tạo ra điều gì đó tương tự ngay trong thập kỷ này.
Đáp lại câu hỏi của vị phó giáo sư, Nguyễn Hà Đông thẳng thắn cho rằng, xác suất để tạo ra một thứ tương tự như Flappy Bird là 0,1%. "Nhưng mà tôi không nói trước được, nói trước thì khó vượt qua lắm. Cảm ơn anh đã quan tâm!".
Hiện tại, Nguyễn Hà Đông đang điều hành một công ty phát triển game chỉ với 2 nhân sự. Đồng hành với "Flappy Guy" là một bạn học cùng khoá K49 Đại học Bách Khoa. Khác với Nguyễn Hà Đông – người có thể gần như bị lãng quên trong đám đông vì gương mặt bầu bĩnh có phần ăn gian tuổi, tính cách lặng lẽ và mộc mạc – vị cộng sự này được nhận xét là "rất khác người", đặc biệt là vẻ ngoài với mái tóc đuôi ngựa buộc dài.
Tiết lộ sâu hơn về những gì mình đang làm cùng với cộng sự, Nguyễn Hà Đông chia sẻ game mới của anh trông rất đơn giản, nhưng "tôi nghĩ là cái trình độ công nghệ trong game này thì chưa từng có trên thế giới bao giờ". Dẫu vậy, Nguyễn Hà Đông nói thêm rằng "nếu không show hình ảnh ra thì chẳng ai biết được".
Đông có những thói quen xa rời với lối sống của giới trẻ. Đông có tài khoản Facebook, nhưng chẳng dùng mấy. Trái lại, từ năm 2013, chàng trai này thường dùng Twitter – mạng xã hội không mấy phổ biến với người Việt, nơi anh có thể học hỏi ngôn ngữ tiếng Anh dành riêng cho thiết kế game với "các vị tiền bối trong ngành" một cách thuận tiện.
Sở hữu một tựa game toàn cầu cũng như có phong cách làm việc theo tiêu chuẩn quốc tế, Nguyễn Hà Đông lại không phân biệt thị trường trong nước và nước ngoài. Anh nói bản thân thấy nó như nhau nên không có khái niệm Việt Nam hay quốc tế.
"Tôi chỉ có khái niệm khác nhau ví dụ mình nhìn trên góc độ nếu mình không phải là con người thì sẽ làm như thế nào? Làm sao để có thể thuyết phục con người dùng các sản phẩm của mình chứ không có khái niệm quốc gia hay lãnh thổ".
Khi được đề nghị đưa ra lời khuyên với các sinh viên trong việc lựa chọn nên khởi nghiệp khi đang đi học hay để học xong mới khởi nghiệp, Đông từ chối dù chia sẻ rằng bản thân mình từng có quá trình đi làm chứ không khởi nghiệp ngay. "Tôi nghĩ là mỗi người một khác nhau, họ làm những việc họ cảm thấy đúng là được. Tôi không có lời khuyên gì cả", Đông giải thích.
Kết thúc buổi nói chuyện, thay vì trở về phòng chờ, Nguyễn Hà Đông đi tới cuối dãy hành lang tầng 4, đứng bên cửa sổ hút thuốc lá. Hình ảnh cuối cùng của Đông trong buổi tối đặc biệt "trở về mái nhà Bách Khoa" không khác nhiều so với Đông trên tạp chí Rolling Stone 5 năm trước: mái tóc đen cắt ngắn, một bộ đồ tối màu, tựa vào bức tường rêu phong, ngậm điếu thuốc lá và hướng mắt ra xa xăm.
Chiếc balo để dưới chân, áo len màu xanh đậm và quần đen khiến Đông như chìm vào không gian không chút ánh sáng của hành lang cũ kỹ. Và Đông nói với nhóm phóng viên vây quanh mình: "Xin đừng làm phiền không gian riêng tư của tôi"./.