Britney Spears - ...Baby One More Time
Đã 20 năm trôi qua, hay nói theo cách nhấn mạnh về thời gian là đã hai thập kỷ kể từ ngày một vì sao vụt sáng, một “đế chế” của văn hóa đại chúng được sinh ra. Đó chính là Britney Spears – “Công chúa nhạc Pop” – và bài hát mà chỉ cần nhắc đến tên thôi, Thế hệ Y (những người sinh ra từ năm 1981 đến năm 2000) đều thấy như cả một bầu trời ký ức hiện ra trước mắt: “Baby One More Time”.
Một ngày cuối tháng 10 cách đây tròn 20 năm, tất cả các radio trên nước Mỹ bắt đầu lên sóng một ca khúc mới, được gửi đến từ hãng đĩa Jive Records. Bài hát mang tên “Baby One More Time” của một nữ ca sĩ vô danh: Britney Spears. Đây chính xác là một bản nhạc Pop với lời ca nói về một mối tình tan vỡ tuổi học trò nhưng giai điệu lại rất bắt tai, khiến ai tình cờ nghe thấy, dù muốn hay không, cũng phải nhún nhảy theo câu hát được lặp đi lặp lại: “Oh baby, baby… Oh baby, baby…”.
Chỉ một tháng sau đó, MV của “…Baby One More Time” ra mắt trên kênh truyền hình kinh điển một thời: MTV. Hóa ra chủ nhân của ca khúc gây sốt trên sóng radio suốt một tháng trước đấy lại là một cô bé nữ sinh trung học, chưa tròn 17 tuổi và… xinh không chịu được. MV được quay tại trường trung học, Britney Spears diện bộ đồng phục học sinh nhưng phá cách bằng việc cởi bỏ bớt cúc áo sơ mi và thắt eo, buộc tóc hai bên và thể hiện nhiều màn vũ đạo mạnh mẽ. “…Baby One More Time” giống như một con virus mạnh mẽ, bắt đầu lây lan đi khắp thế giới, tới cả những nơi “hang cùng ngõ hẻm” ở châu Phi, châu Á, châu Âu. Đi đến đâu cũng bắt gặp hình ảnh cô bé đáng yêu đang ngân nga “Oh baby, baby…”. Già, trẻ, gái, trai đều mê tít và như bị “…Baby One More Time” bỏ bùa, đã nghe là phải nghe bằng hết bài mà đã xem hình thì phải xem đến cuối rồi làm gì thì làm.
Britney Spears muốn trở thành ngôi sao từ bé, đó là điều chắc chắn. Nếu không, cô đã chẳng tham gia các chương trình truyền hình như Star Search hay The Mickey Mouse Club từ năm 8 tuổi. Thi miệt mài hết cuộc thi này tới cuộc thi khác mà chưa thành sao, đến năm 14 tuổi, Britney Spears vẫn là một cô nữ sinh trung học bình thường ở quê nhà Kentwood. Cũng như bao cô bé khác ở lứa tuổi dậy thì, Britney có mối tình đầu với anh chàng đội trưởng đội bóng chày điển trai Reg Jones, là bạn của anh trai Brian và hơn cô ba tuổi.
Mối tình đầu của tuổi học trò cũng qua đi sau gần ba năm hẹn hò. Britney lại miệt mài đi tìm kiếm cơ hội trở thành ca sĩ và tiếp tục bị vô số hãng đĩa từ chối. Nhiều bên còn thẳng thắn nhận định giọng của Britney “yếu và mỏng”. Tuy nhiên, “có công mài sắt có ngày nên kim”. Đến một ngày, giám đốc hãng Jive Records sau khi nghe bản thu âm ca khúc “I Have Nothing” (bản gốc của Whitney Houston) của Britney thì quyết định ký hợp đồng với cô.
Britney được giới thiệu đến Max Martin – nhạc sĩ người Thụy Điển. Nhưng để có thể làm việc được với anh, cô bé 16 tuổi phải bay nửa vòng Trái đất từ quê nhà Kentwood tới Stockholm xa xôi trong một ngày tháng ba rét mướt. Tại phòng thu Cheiron, Max Martin đã giới thiệu Britney đến với ca khúc “…Baby One More Time”. Ca khúc này vốn được viết cho hai nhóm nhạc đình đám lúc bấy giờ là Backstreet Boys và TLC nhưng đều bị cả hai chê. Có lẽ Britney phải biết ơn họ mãi mãi vì nếu một trong hai quyết định sử dụng sáng tác này của Max Martin, không biết giờ đây “Công chúa nhạc Pop” đang ở đâu, làm gì. Trong bài phỏng vấn sau này, Britney vẫn nhớ về quãng thời gian tuổi trẻ đã quyết “liều một phen” bay tới châu Âu: “Tôi đến Thụy Điển nhưng thậm chí còn không có thời gian khám phá thành phố. Tôi đến đó khoảng 10 ngày và suốt ngày bận rộn ở phòng thu”.
Bản thân của Britney Spears có lẽ cũng không thể ngờ được “…Baby One More Time” lại trở thành một biểu tượng của văn hóa đại chúng đến thế: “Cả bài hát nói về sự căng thẳng mà mọi người đều trải qua khi bước vào tuổi vị thành niên. Dù tôi biết đây là bài hát tuyệt vời, tôi chưa bao giờ nghĩ nó quan trọng như thế nào với sự nghiệp của tôi”. Câu chuyện về sau đó của “…Baby One More Time” thì ai cũng biết.
“Baby One More Time” đứng quán quân ở 18 quốc gia và vùng lãnh thổ, trở thành một trong những đĩa đơn bán chạy nhất mọi thời đại với hơn 10 triệu bản sau 20 năm.
Sau thành công của “…Baby One More Time”, Britney Spears thừa thắng xông lên, tung ra album đầu tay mang chính tên đĩa đơn đầu tiên, tiếp sau đó là hàng loạt những “Sometimes”, “You Drive Me Crazy”, “Born to Make You Happy” hay “From the Bottom of My Broken Heart”. Hình ảnh một cô gái tuổi teen tóc vàng, xinh đẹp như nàng công chúa, nụ cười tươi rạng rỡ đến híp cả mắt lại trở thành một hình mẫu thời thượng nhất của giới trẻ cuối thập niên 1990s, đầu thập niên 2000s. Các cậu bé ngày đêm mơ ước có một cô bạn gái như Britney, trong khi các cô bé thì say mê ăn vận, học hỏi mọi thứ từ chủ nhân của “…Baby One More Time”.
Nhạc Pop trước đó vốn đã có nhiều “tượng đài” như Michael Jackson, Madonna, Celine Dion nhưng tới Britney Spears, các chuyên gia âm nhạc lúc bấy giờ đã phải gọi âm nhạc của cô là “Teen pop”. Chỉ hát những ca khúc với phần lời ca nói về tâm tư-tình cảm của thanh thiếu niên với những nỗi buồn rất trẻ con, những giận hờn vu vơ của tuổi dậy thì và cả những lời tỏ tình sến sẩm nhưng Britney lại tạo dựng một lượng fan đông đảo thậm chí còn hơn cả các bậc “cha chú” trong làng nhạc Pop.
Cô đã tiên phong và thực sự đúng là “tổ nghề” của nhạc Teen pop với đặc trưng điển hình là giọng hát không cần quá khỏe, quá kỹ thuật mà sẽ xử lý auto-tune nhiều nhưng quan trọng là ngoại hình phải được đầu tư: từ phong cách thời trang, gương mặt và nổi bật nhất là vũ đạo bắt mắt. Teen pop không hoàn toàn là Pop mà sẽ sao chép phong cách của nhiều thể loại, từ Dance, Hip hop đến Country, Rock. Mỗi thứ một tí ghép lại tạo thành một thứ âm nhạc trẻ trung, thời thượng và hướng đến đại chúng. Đã có nhiều tranh cãi về tài năng của Britney Spears nhưng đến nay, dù là fan hay antifan, thì chẳng ai có thể phủ nhận rằng chất giọng của Britney là có một không hai. Không ai có thể hát những ca khúc của cô hay hơn chính bản thân cô. Và hơn thế nữa, “Britney” vẫn là một cái tên “không đụng hàng” trong showbiz thế giới hiện nay, chứ không như “Jennifer”, “Christina”, “Jessica” hay “Mandy”…
Khi trở thành “hiện tượng toàn cầu”, Britney Spears đã được truyền thông ưu ái được đặt cho danh hiệu “Công chúa nhạc Pop”. Đến nay sau 20 năm, “vương miện công chúa” vô hình này vẫn chưa có ai vượt qua được, kể cả “công chúa nhạc đồng quê” Taylor Swift. Thời mới nổi tiếng, Britney Spears đã được coi là tiên phong trong hình tượng “công chúa tóc vàng biết hát”, tất cả những hình ảnh na ná sau đó đều sẽ bị liệt vào trào lưu “Britney-wannabe”. Ngay cả cô bạn thời ấu thơ của Britney là Christina Aguilera, vốn được đánh giá cao hơn về giọng hát, nhưng thời kỳ đầu cũng vẫn bị coi là “bắt chước”. Hai cái tên “xuống phía sau xếp hàng” của khi đó còn có Jessica Simpson và Mandy Moore.
Trong 20 năm hoạt động âm nhạc, Britney Spears đã ra được tới 9 album và sở hữu 10 tour diễn vòng quanh thế giới mà vé cứ bán ra là “cháy”. Thời gian trôi qua, âm nhạc thế giới thay đổi liên tục, hàng trăm hay thậm chí là hàng nghìn cô gái trẻ đều có xuất phát điểm như Britney Spears nhưng đều có một thời hào quang ngắn ngủi nhất định. Rất khó giải mã được thành công này ngoài lý do: Vương miện “Công chúa” chỉ có duy nhất, mà một khi đã trao cho ai thì là mãi mãi.
Sức ảnh hưởng của Britney Spears tới thế hệ Y mạnh mẽ đến nỗi tất cả những ai sinh ra trong khoảng thời gian 1981 đến 2000, dù có thích hay không thích cô, thì vẫn biết về cô và thậm chí còn nhớ vanh vách tiểu sử, tên các bài hát hay thậm chí là cả những scandal kinh khủng nhất.
Britney Spears là cái tên mà một khi đã xuất hiện trước truyền thông thì sẽ thu hút, không bao giờ có chuyện “không ai đọc, không ai quan tâm”.
Tuổi 17, khi bắt đầu nổi tiếng, Britney Spears đã có một cuộc sống khác xa với tất cả bạn bè đồng trang lứa trên khắp thế giới. Những người tầm tuổi cô khi đó còn đang mải mê “chinh chiến và yêu đương” ở trường trung học, còn đang mất phương hướng không biết tương lai sẽ ra sao khi đứng trước cánh cửa đại học, còn đang phải xử lý bao khủng hoảng của tuổi ẩm ương. Britney khi đó đã biết chắc đam mê và tương lai của mình là trở thành “ngôi sao nhạc Pop”. Và cô còn làm được hơn thế, đó là tạo dựng được riêng một “đế chế” của “Công chúa nhạc Pop”.
Với Britney, những năm tháng đẹp nhất của tuổi trẻ sẽ không phải là những buổi tiệc tùng với bạn bè hay những chuyến phiêu lưu để tìm thấy đam mê đích thực của bản thân. Thay vào đó là thảm đỏ, tiệc tùng, phòng thu, đĩa hát, chụp hình, sân khấu với ánh đèn flash, những chuyến lưu diễn vòng quanh thế giới liên tục trong nhiều năm và tiền bạc, rất nhiều tiền.
Hãy thử tưởng tượng bạn chưa đầy 20 tuổi nhưng đã kiếm được hàng trăm triệu USD thì cuộc sống của bạn sẽ thế nào? Chắc chắn sẽ như một “cỗ máy” vận hành liên tục. Bạn nổi tiếng đến mức đang ăn dở một mẩu bánh mỳ và vứt ra bàn, người ta cũng có thể nhặt nó lại và đem bán đấu giá với con số không tưởng lên đến hàng chục nghìn USD. Bạn mới thức giấc trong khách sạn ở một nơi xa và muốn mở cửa sổ để vươn vai, tận hưởng không khí trong lành của buổi sáng thì vừa mới kéo rèm ra, hàng trăm ống kính máy ảnh của các Paparazzi đang chĩa thẳng vào mặt, ghi lại cả khoảnh khắc bạn đang ngáp ngắn ngáp dài với gương mặt sưng húp vì mới ngủ dậy.
Thứ duy nhất Britney “kịp” có để không bị “kém miếng” với bạn bè đồng trang lứa trong những năm tháng tuổi trẻ bận rộn chính là những mối tình lãng mạn. Trong giai đoạn đầu mới nổi tiếng, Britney Spears đã có chuyện tình đẹp như mơ với Justin Timberlake. Cả hai được ví như “công chúa” với “hoàng tử” của làng nhạc Pop vì ngoại hình quá cân xứng, lại còn từng sinh hoạt chung trong câu lạc bộ The Mickey Mouse Club khi còn bé. Trong các câu chuyện cổ tích, “công chúa” chắc chắn cưới được “hoàng tử” và cả hai sống hạnh phúc đến cuối đời.
Nhưng thực tế, “cuộc sống sẽ không như cuộc đời”. “Công chúa” và “Hoàng tử” sẽ chỉ hẹn hò trong 5 năm, sau đó sẽ có những tin đồn kiểu như một trong hai người phản bội và đường ai nấy đi, “thần dân” là các fan hâm mộ thì tiếc nuối, thậm chí còn khóc lóc và viết thư van xin cả hai quay lại với nhau. Truyền thông sẽ thêu dệt nên “Nghìn lẻ một đêm” lý do đằng sau cái kết “đắng” của chuyện tình cổ tích. “Công chúa” và “Hoàng tử” thì sẽ ngậm ngùi nhớ về nhau qua những bài hát. Britney Spears và Justin Timberlake chính là vậy. Một sự kết hợp hoàn hảo. Nhưng trên đời chẳng có thứ gì hoàn hảo, nên đám cưới và “happy ever after” là thứ sẽ không xảy ra.
Sau khi chia tay Justin Timberlake, Britney bắt đầu thay đổi phong cách cả về đời sống lẫn âm nhạc. Cô lao vào yêu đương với nhiều mối tình ngắn ngủi, bắt đầu táo bạo hơn về trang phục biểu diễn, hát những bài hát có ca từ bạo liệt hơn kiểu như “I’m a Slave for You” (Em là nô lệ của anh). “Lâu đài cổ tích” màu hồng bắt đầu ngả màu khi “công chúa” trưởng thành. “Công chúa nhạc Pop” thậm chí còn có màn hôn đồng tính với “Nữ hoàng nhạc Pop” Madonna trên sân khấu lễ trao giải Video Music Awards 2003 gây tranh cãi suốt một thời gian dài.
Đỉnh điểm nổi loạn của “công chúa” chính là cuộc hôn nhân kéo dài vỏn vẹn 55 tiếng vào năm 2004, khi Britney mới 23 tuổi. Jason Alexander – người bạn từ thưở thơ ấu – trở thành người chồng đầu tiên của cô. Trong lúc hứng chí sau một đêm tiệc tùng ở Las Vegas, cả hai lái xe thẳng tới một nhà thờ nhỏ để làm lễ cưới. Cũng trong năm đó, “công chúa” lại khiến các fan hâm mộ “đau tim” khi một lần nữa kết hôn. Chú rể lần này lại là anh chàng vũ công tầm thường Kevin Federline đã có một đời vợ và con riêng. Chuyện tình không hề “môn đăng hộ đối” này vốn không được người hâm mộ ủng hộ nhưng trong đám cưới mùa hè 2004, khi Britney xuất hiện với mái tóc nâu (màu tóc thật của cô) trong chiếc váy trắng và cười rạng rỡ, các fan đã tin vào một hạnh phúc trọn vẹn cho thần tượng.
Nhưng chỉ hai năm sau, khi “công chúa” sinh con trai thứ hai là Sean Preston, cuộc hôn nhân rơi vào khủng hoảng, dẫn đến ly dị. Hậu chia tay, cuộc chiến tranh giành quyền nuôi con bắt đầu, kéo theo căn bệnh rối loạn tâm lý. Hình ảnh “công chúa” bắt đầu bị ảnh hưởng. Britney Spears lao vào lối sống phóng túng với những cuộc vui không có điểm dừng, các vụ bê bối liên quan đến chất kích thích. Thân hình sau sinh của một bà mẹ hai con và hậu quả ăn chơi khiến Britney trở thành nạn nhân của “body shaming” suốt một thời gian dài.
Vụ bê bối kinh khủng nhất trong 20 năm làm người nổi tiếng của Britney Spears là vào năm 2007. Cả thế giới khi đó đã sốc khi “công chúa nhạc Pop” không kiểm soát nổi hành vi của mình. Ngày 16/2 năm ấy, Britney Spears rời trại cai nghiện và vào tiệm làm tóc Esther ở Tarzana, khu dân cư tại Los Angeles (Mỹ). Cô phàn nàn về mái tóc nối khiến mình khó chịu và muốn cạo đầu. Chủ tiệm Esther Tognozzi khuyên Britney Spears suy nghĩ lại. Trong khi Esther đang bận nói chuyện với đội an ninh của ca sĩ, “Công chúa” với lấy dao cạo và cạo đầu. Hình ảnh Britney Spears với chiếc đầu trọc lốc, ánh mắt thất thần đã thể hiện sự dồn nén, bế tắc. Những bất ổn của Britney Spears phản ánh phần nào mặt tối của nền văn hóa đại chúng, trở thành một “case study” điển hình trong việc nổi tiếng khi tuổi đời còn quá trẻ. Người ta còn in khẩu hiệu lên cốc và áo phông: “Nếu Britney Spears có thể vượt qua năm 2007, bạn cũng có thể thoát khỏi ngày hôm nay”.
Britney Spears có ca khúc nổi tiếng là Lucky và phần lời bài hát đó dường như vận vào chính cuộc đời cô: “Cô ấy thật may mắn, cô ấy là một ngôi sao. Nhưng trong sâu thẳm trái tim cô đơn thì cô ấy luôn muốn khóc”.
Tưởng như sự nghiệp bị hủy hoại hoàn toàn khi cuộc đời lâm vào bế tắc trong giai đoạn 2007-2008 (khi còn chưa 30 tuổi) nhưng sau tất cả, Britney Spears đã đứng lên mạnh mẽ và duy trì được sự nghiệp. Tất cả chỉ bởi vì cô đã xây dựng được một “đế chế” riêng trong văn hóa đại chúng. Một “đế chế” xuất hiện đúng thời điểm có sức ảnh hưởng đến giới trẻ qua nhiều thế hệ, đặc biệt là thế hệ Y – những người đang làm chủ thế kỷ 21. Cô chính là đại diện xuất sắc cho thế hệ này và vươn tầm khỏi danh xưng “ngôi sao nhạc Pop”, Britney Spears chính là một “tượng đài” của thế hệ Y. Nói về tài năng âm nhạc, giọng hát của Britney Spears luôn bị coi là “mỏng, yếu”. Về thành tích cho sự nghiệp, Britney thậm chí mới chỉ có một giải Grammy trong suốt 20 năm đi hát (“Toxic” đạt danh hiệu “Ghi âm nhạc Dance xuất sắc nhất” vào năm 2004). Sẽ chẳng có ai gọi Britney là một “diva”…
Nhưng “Công chúa” chẳng cần tất cả những thứ ấy bởi cô đã có quá nhiều đặc quyền riêng. Dù hát “nhép” thành “thần” trong tất cả các show diễn, tuổi tác khiến vũ đạo không còn mạnh mẽ như xưa, nhiều động tác khó quá thì… bỏ qua luôn trên sân khấu, lười ra album… nhưng bất kỳ show diễn nào của Britney Spears cũng “cháy vé” và vé còn bán rất đắt. Dù “Công chúa” có xuất hiện với hình ảnh xuề xòa thế nào, “hát nhép” cả buổi thì các fan vẫn cứ yêu thương, vẫn cứ ủng hộ và trung thành từ năm này qua năm khác. Cứ mỗi lần nhắc đến Britney, đại chúng vẫn cứ nhớ đến hình ảnh “công chúa nhạc Pop” dù thời gian có phai nhòa thế nào đi chăng nữa.
Trong những ngày tháng 10/2018, người ta bỗng dưng nhắc tới “…Baby One More Time” nhiều hơn vì đã 20 năm kể từ lần đầu bài hát này xuất hiện và sinh ra một “huyền thoại” của văn hóa đại chúng. Bản thân Britney Spears khi nhìn lại cũng không tin nổi “…Baby One More Time” đã ra mắt công chúng được lâu đến thế. Trong bài phỏng vấn gần đây với Billboard, “Công chúa nhạc Pop” đã nói: “Thời gian trôi qua quá nhanh. Đó quả là quãng thời gian vui vẻ và điên rồ”.
Còn với những ai từng đi qua tháng 10 năm 1998, đó quả thực là quãng thời gian không thể nào quên được, khi có một nàng “công chúa” tóc vàng như từ câu chuyện cổ tích bước ra ngoài đời thực bằng xương, bằng thịt với nụ cười tỏa nắng, lại còn biết hát, biết nhảy và khiến cả thế giới phải há hốc mồm, dán mắt vào chiếc tivi màu màn hình lồi với biểu tượng “MTV” ở góc phải.