Cũng giống như mọi năm, iPhone là sản phẩm quan trọng nhất của Apple. Nhưng mặc dù được đánh số mới - iPhone 13, thế hệ smartphone mác Táo năm nay thực chất lại không mang nhiều thay đổi dễ nhận biết. Thực tế, thay đổi duy nhất mà Apple “khoe” là cái rãnh nay đã giảm được… 20%.
Dĩ nhiên, mỗi thế hệ mới đều đem đến những cải tiến về thời lượng pin, camera và chip. iPhone 13 cũng không phải là ngoại lệ. Song, những thay đổi ngày một nghèo nàn khiến người hâm mộ buộc lòng phải đặt câu hỏi: liệu Apple có đủ sức chống chọi với trào lưu màn hình gập được Samsung và các nhà sản xuất Trung Quốc tích cực theo đuổi?
Theo số liệu thống kê của Canalys, thị phần iPhone trong quý 4/2021 đạt mức 23%. Con số này cho phép Apple bỏ xa Samsung và Xiaomi lại phía sau. Như vậy, trong vòng 5 năm vừa qua, Apple đã luôn làm chủ mùa mua sắm cuối năm - một thành tích mà những chiếc iPhone trước đây rất hiếm khi đạt được.
Dĩ nhiên, nếu tính doanh số trong cả năm, Apple vẫn sẽ thua cuộc trước Samsung. Nhưng không giống như Samsung phủ rộng tất cả các phân khúc giá, Apple chỉ có smartphone cao cấp. Các thống kê từ quý này sang quý khác cho thấy iPhone luôn chiếm quá nửa thị trường smartphone từ 400 USD trở lên - con số này của Samsung chỉ vào khoảng 20%.
Chính sự thống trị này cho phép tổng doanh thu iPhone trong năm 2021 chạm mức 200 tỷ USD, một con số mà Samsung hay bất kỳ nhà sản xuất smartphone nào khác cũng chỉ có thể mơ tới mà thôi. Theo các tin rò rỉ, Apple sẽ mở màn 2022 bằng một chiếc iPhone giá rẻ ra mắt trong tháng 3, và chắc chắn đó sẽ là cú huých mạnh giúp 2022 tiếp tục tăng trưởng bùng nổ.
Thành công của Apple M1 là không cần phải bàn cãi: trong quý đầu năm nay, doanh thu Mac tăng tới 70%. Bước sang quý 2, Apple làm mới iMac với con chip M1 và lập kỷ lục doanh thu. Bởi thế, khi tin tức về các phiên bản M1 dành cho giới người dùng chuyên nghiệp, sự phấn khích của người hâm mộ Mac cũng lên tới đỉnh điểm.
Khi ra mắt, M1 Pro và M1 Max đã không khiến họ phải thất vọng: điểm số sức mạnh của M1 Pro và M1 Max cao gấp 2 - 3 lần phiên bản M1 đầu tiên. Những con chip Intel tiếp tục bị bỏ xa lại phía sau: thời gian xử lý video 4K trên Adobe Premiere của M1 Max chỉ bằng một nửa các mẫu Core i7 thế hệ 11. Tương tự, các nhà phát triển ứng dụng Reddit cho biết thời gian dựng ứng dụng Android cũng được M1 Max rút ngắn một nửa so với Core i9 trên MacBook Pro 2019.
Có thể nói rằng M1 đã giúp cho Mac trở thành những chiếc máy làm việc được thèm muốn nhất trong năm qua. Trong quý 4, doanh thu Mac thậm chí còn đạt tới mức cao nhất trong lịch sử gần 40 năm của dòng máy này (10,9 tỷ USD). Tuy vậy, ở bên kia chiến tuyến, sức cạnh tranh cũng đang ngày một nóng dần: mẫu Core i9 mới nhất của Intel sở hữu tới 14 nhân xử lý, đủ sức vượt mặt M1 Max trong một số thử nghiệm. Theo dự kiến, Apple sẽ vén màn M2 trong năm 2022 với hy vọng tiếp tục vượt lên dẫn đầu cuộc chiến hiệu năng PC.
Theo các thống kê mới nhất, thị phần của Apple Watch và AirPods trên các thị trường tương ứng (smartwatch và tai nghe true-wireless) đều đang ở mức 30%. Ở vị trí thứ 2, tất cả các nhà sản xuất khác đều chưa có ai chiếm nổi 10% miếng bánh wearable màu mỡ.
Vị trí số 1 về doanh số cũng như mức bán ra khá cao cho phép mảng wearable của Apple trở thành một gã khổng lồ thực sự: tổng doanh thu từ Apple Watch, AirPods và các thiết bị “phụ” khác của Apple trong năm qua đã lên tới 37 tỷ USD. Như vậy, chỉ riêng mảng thiết bị “phụ” của Apple đã vượt mặt tổng doanh thu của Xiaomi!
Nắm rõ sức hút của các sản phẩm này, trong năm qua Apple cũng đã vén màn Watch Series 7 với nhiều cải tiến về độ bền và màn hình cùng AirPods 3 với thiết kế hoàn toàn mới, đem lại trải nghiệm thoải mái hơn. Trong năm mới, người dùng Táo có thể chờ đợi một thế hệ Apple Watch SE giá rẻ và AirPods Pro 3, với thời gian ra mắt dự kiến trong tháng 3 - tháng 6.
Nhìn chung, tất cả các thị trường thiết bị thông minh đều đã tăng trưởng mạnh do nhu cầu sử dụng tại nhà tăng cao trong năm 2021. Tablet là ngoại lệ duy nhất của xu hướng này: do khủng hoảng chuỗi cung ứng, các nhà sản xuất ưu tiên linh kiện cho smartphone khiến cho sản lượng tablet qua từng quý sụt giảm chứ không tăng.
Nhưng Apple lại nắm trong tay “ngoại lệ của ngoại lệ”. Mặc dù xu hướng chung của thị trường là suy giảm, thị phần của iPad vẫn tăng từ quý 1 đến quý 3. Theo nhận định của các công ty nghiên cứu thị trường, iPad tiếp tục là cú hit trong thị trường giáo dục khi được các trường học đặt mua để làm thiết bị giảng dạy từ xa.
Đến quý 4, iPad bất ngờ suy giảm doanh thu. Lý do được cho là bởi Apple cũng đã buộc phải theo chân các đối thủ, giảm bớt linh kiện cho tablet để tập trung cho smartphone. Bù lại, theo các tin rò rỉ Apple sẽ dành sự kiện đầu tiên của năm mới để ra mắt iPad Pro và iPad Air thế hệ mới. Gần như chắc chắn, dòng máy tính bảng mác Táo sẽ trở lại với thành công của năm vừa qua.
Sau gần 2 năm ngập tràn tin đồn, đến tháng 4/2021 cuối cùng Apple cũng đã công bố ra mắt AirTag. Thông qua kết nối Bluetooth an toàn tới mạng lưới hơn 1 tỷ thiết bị Apple, người dùng có thể theo dõi vị trí của tấm thẻ này từ iPhone hoặc trình duyệt trên máy tính. Tuy có giá khá rẻ, AirTag vẫn đánh dấu một sự kiện quan trọng đối với Apple: đây là lần đầu tiên nhà Táo ra mắt một dòng sản phẩm phần cứng hoàn toàn mới trong vòng 5 năm (kể từ AirPods 2016).
Đáng tiếc rằng niềm vui kéo dài chưa lâu thì AirTag đã trở thành tâm điểm của những scandal không mong muốn. Tại Mỹ, những kẻ trộm xe gắn AirTag vào xe hơi tại các siêu thị, trung tâm mua sắm và theo dõi chiếc xe về tới nhà để thực hiện thành vi trộm cắp. Những kẻ quấy rối cũng lạm dụng sản phẩm Apple này nhằm theo dõi và rình mò phụ nữ. Hiện tại, Apple đã tung ra một loạt các cập nhật phần mềm mới để giúp người dùng iPhone và điện thoại Android có thể phát hiện AirTag ở gần họ.
2021 là năm của xu hướng làm việc tại nhà, và thật đáng tiếc Apple phải đợi tới tận giữa năm mới có thể tung ra các tính năng giúp FaceTime và Messages bắt kịp các ứng dụng gọi/chat khác. Sau bản cập nhật mới nhất, FaceTime giờ đã cho phép chia sẻ màn hình hay chia sẻ nội dung nhạc, phim, video… cùng các thành viên khác trong cuộc gọi. Tương tự, ứng dụng Messages cũng được tích hợp tốt hơn với tính năng Shared with You (Chia sẻ với bạn), cho phép người dùng iOS/macOS có thể dễ dàng theo dõi và quản lý các nội dung đã gửi/nhận qua tin nhắn.
Đặc biệt nhất, FaceTime đã lần đầu tiên được “mở” tới người dùng các hệ điều hành cạnh tranh. Tuy rằng người dùng Windows và Android vẫn chưa được sử dụng FaceTime một cách đầy đủ, họ có thể tham gia vào cuộc gọi FaceTime thông qua tin nhắn mời gọi đến từ iPhone, iPad và các thiết bị Táo khác. Liệu đây có phải là tín hiệu cho thấy Apple sẽ mở dần các khu vườn đóng của mình trong tương lai? Hãy cùng chờ xem.
Sau khi doanh số iPhone chững lại vào năm 2018, Tim Cook đã luôn coi dịch vụ là một trong những mảng kinh doanh tiên phong của Apple. Thực tế, trong năm vừa qua, các dịch vụ của Apple (Apple Pay, Apple Music, Apple Book, Apple Arcade, Apple TV+...) đã mang về tới 72 tỷ USD. Ở mức doanh thu này, mảng dịch vụ của nhà Táo hoàn toàn có thể coi là một trong những công ty Internet hàng đầu thế giới, đè bẹp những tên tuổi lớn như Netflix hay Spotify.
Hiện tại, tổng giá trị giao dịch trên App Store kể từ ngày ra mắt đã lên tới 260 tỷ USD. Tổng số thuê bao các dịch vụ của Apple đã lên tới 745 triệu. Quan trọng nhất, Apple không quên khoe số lượng thiết bị Apple lưu hành đạt 1,8 tỷ như một lời nhắn nhủ tới Phố Wall rằng: cơ hội phát triển các dịch vụ nhà Táo vẫn đang rộng mở phía trước, nhất là trong bối cảnh Covid vẫn đang hoành hành tại nhiều quốc gia trên thế giới như hiện nay.