Nỗi buồn lớn bé ta gác lại năm cũ, chuyện không vui cứ để lại thành phố, vất vả mấy rồi cũng sẽ qua khi đường về nhà ngày Tết rộn ràng cùng bao hy vọng cho năm mới sang trang đầy hạnh phúc.
2021 vất vả mấy cũng qua rồi, mình về nhà ăn Tết đi thôi! - Ảnh 1.

Chuyện của Tết là những câu chuyện muôn thuở; Tết luôn là những rộn ràng và hân hoan, năm mới luôn đầy lạc quan và hy vọng còn năm cũ sẽ là một ký ức đẹp để ta trân trọng. Tết năm nay chẳng giống Tết mọi năm - vẫn hướng về xuân mới cùng những cơ hội mới nhưng khi ngoái lại năm cũ, xen lẫn giữa những niềm vui cũng là những nỗi buồn và tiếng thở phào nhẹ nhõm khi một năm đã kết thúc, một năm đặc biệt với người dân Việt Nam.

2021 cuốn người Việt đi trong những nỗi lo về kinh tế để đến Tết, đâu đó có những tiếng thở dài, "năm nay anh chị không biết nên về quê sớm hay ở lại thành phố, ráng thêm tí nữa thì có thêm đồng bánh cho đám nhỏ ở nhà. Đi xa cả năm, về tay không cũng buồn - mình buồn đủ rồi, sao nỡ để đám nhỏ buồn?". Mỗi chuyến về quê ngày Tết, người Việt xa nhà mang theo bao niềm khấp khởi và hân hoan. Mà năm nay, trên đôi vai ai cũng đeo mang những nỗi lo và vài ba phần vất vả. Nhưng niềm hân hoan của mỗi đứa trẻ khi Tết về là tiếng ba má gọi theo từ xa hay chỉ là những hộp quà gói bánh?

2021 vất vả mấy cũng qua rồi, mình về nhà ăn Tết đi thôi! - Ảnh 2.

2021 là một năm đặc biệt vì không phải chờ đến cuối năm, chúng ta mới biết ơn, mới thầm ước nguyện cho năm mới, chắp tay nguyện cầu cho cuộc đời mới sang trang. Đi qua những lằn ranh của sự sống và cái chết, đi qua những ngày tháng chơi vơi, chúng ta dành cho bản thân những phút ngẫm nghĩ về cuộc sống. Và ở giữa những giấc mơ ấy, gia đình như sợi dây kết nối hiện tại với tương lai: Những thứ giản đơn như một bữa cơm sum vầy, một tiếng ba gọi hỏi thăm sức khỏe, một tiếng đánh thức của mẹ những ngày ngủ nướng cũng khiến ta thấy ấm lòng. Như bản nhạc của mùa Tết năm cũ, chông chênh đi về nhà, cô đơn đi về nhà, mệt quá đi về nhà… 2021 có đủ những cung bậc cảm xúc đó rồi, ta còn chờ gì mà chưa đi về nhà?

2021, ta biết ơn công nghệ và điện thoại thông minh khi giúp ta gắn kết với mọi người nhiều hơn. Những lớp học online tạm đã hóa cả một học kỳ, những giờ làm việc tại nhà giờ cũng thành thói quen dù dịch bệnh tạm lắng xuống… Công nghệ vẫn là "ảo" nhưng những kết nối là thật. Nhưng ta nhận ra rằng, trong 5 thứ ngôn ngữ tình yêu người ta vẫn nhắc tới, những lời yêu thương hay từng món quà là không đủ; ta vẫn cần những cái ôm thật chặt của ba mẹ, những cái vỗ vai động viên từ bạn bè. Một cái chạm trên màn hình điện thoại chẳng thể bằng một cái chạm khẽ lên vai, một cái xoa đầu, một cái nắm tay trong những ngày giá lạnh khi trở về nhà đón Tết.

2021 vất vả mấy cũng qua rồi, mình về nhà ăn Tết đi thôi! - Ảnh 3.

2021, người ta nói về "healing", về những điều để chữa lành tâm hồn. Có những người được chữa lành tâm hồn bởi những lớp Yoga, buổi cà phê trò chuyện với bạn bè. Nhưng có những người được chữa lành bởi một hành trình trở về nhà, được hít hà thứ hương thơm đồng nội trong một sớm mai, được ngồi bên bếp lửa lép bép trông nồi bánh chưng, được nghe những tiếng thân quen trìu mến - tiếng người mà ngỡ tiếng tuổi thơ tươi đẹp.

Vậy, bạn còn chờ gì nữa mà chưa về ăn Tết?

2021 vất vả mấy cũng qua rồi, mình về nhà ăn Tết đi thôi! - Ảnh 4.

Lẫn trong những tiếng rao sớm tại Sài Gòn là tiếng xe cộ từ trong những con hẻm đang đổ ra đường. Nhịp sống dần trở lại ở Sài Gòn sau tháng ngày "ốm một trận" cũng là lúc công việc của Linh bận rộn trở lại. Sáng nào cũng vậy, cứ 8 giờ là cô rời nhà để tới nhà hàng nơi Linh đang làm phục vụ. Bận rộn là thế nhưng những công việc thời vụ lương thấp không khiến cuộc sống của Linh dễ dàng hơn là bao. Tốt nghiệp ngành Du lịch - Khách sạn, cô sinh viên mới ra trường đang háo hức bắt đầu thử sức với công việc mơ ước thì ngành du lịch đóng băng vì dịch. Tháng ngày bám trụ lại Sài Gòn của Linh là chuỗi ngày bươn chải với rất nhiều công việc thời vụ như phục vụ bàn, bán hàng tạp hóa… Sài Gòn là ước mơ của đám trẻ "tỉnh lẻ", là câu chuyện bạn bè Linh vẫn thường vẽ vời với nhau rằng sau tốt nghiệp sẽ ở lại thành phố, cực mấy thì cực cũng phải kiếm cơ hội ở lại. Ba mẹ muốn Linh về nhà; cô gái 23 tuổi chỉ thở dài, "thôi lần tới con về ba hen, đợt giờ con bận lắm…"

Những buổi tối nhìn các gia đình bên nhau trong bữa tiệc cuối năm, Linh chạnh lòng nhớ về gia đình. Làng hoa quê cô mùa này cũng vào vụ, ba má cô cũng rảo tay với mấy khóm cúc, khóm đồng tiền để lái buôn chở lên thành phố. Tối hôm đó, khi những vị khách cuối cùng cũng rời quán, Linh thấy tin nhắn của mẹ.

2021 vất vả mấy cũng qua rồi, mình về nhà ăn Tết đi thôi! - Ảnh 5.

"Con ơi nay đầu tháng Chạp rồi, hôm nào con về? bữa ba mày bảo 27 mày mới về hả? Không được đâu con, về sớm đi, thiếu tiền má MoMo liền cho, vất vả thì về má nuôi tạm một cái Tết này rồi ra Tết tìm việc khác…"

Đã bao nhiêu cái "chờ lần tới con về" rồi mà Linh vẫn chưa về. Ngày tháng của cô còn dài rộng, chờ thêm một vài ngày nữa cũng đáng là bao. Nhưng ba má Linh không còn trẻ; 2021 cho cô hiểu sự hữu hạn của thời gian. Biết đâu cái Tết nay lại là Tết cuối?

"Con về liền má ơi, mai con về! Má biết MoMo luôn hả? Rồi bắn cho con gái má mua vé xe nào…." Linh vừa cười vừa ứa nước mắt.

"Ok, MoMo liền"

Về thôi, tiền tài có thể chờ được chứ ai nỡ để ba má chờ đứa con xa quê.

2021 vất vả mấy cũng qua rồi, mình về nhà ăn Tết đi thôi! - Ảnh 6.

Đâu đó cách Linh vài cây số, có những gia đình cũng đang trăn trở câu chuyện ở lại thành phố hay về nhà ăn Tết. Đã thành thông lệ, cứ đến 28 - 29 Tết, gia đình anh Nam lại túi to túi nhỏ, háo hức rời thành phố để về quê ăn Tết. Kinh doanh nhỏ ở Sài Gòn như mọi năm cũng túc tắc đủ để anh có chuyến về Gia Lai ăn Tết, biếu gia đình nội ngoại chút quà bánh. Những người thành phố như anh luôn cảm thấy một áp lực vô hình rằng về Tết phải tay xách nách mang, phải ra dáng người thành phố mà anh đâu có biết, ba má chỉ mong con cháu về; sân nhà có cây mai cũng không đầy nắng như tiếng cười lũ trẻ ngày Tết.

Chờ lũ trẻ ríu rít với ông bà xong, anh ngập ngừng thưa chuyện. "Ba má, Tết này chắc tụi con ở thành phố quá. Trên này vẫn dịch quá, con lo cho ba má." Có tiếng im lặng ở bên kia, kèm theo một tiếng ngập ngừng. "Ừ thôi, thế hè mấy đứa đưa tụi nhỏ về cũng được."

Lũ trẻ buồn hiu, vợ cũng rơm rớm, anh quay sang nói, "thôi, chờ lần tới?"

"Lần tới là bao giờ hả ba?". Gần Tết mà câu hỏi của lũ trẻ khiến anh cũng nhói lòng.

2021 vất vả mấy cũng qua rồi, mình về nhà ăn Tết đi thôi! - Ảnh 7.

Bốn hôm sau, có thùng đồ gửi tới nhà anh, địa chỉ gửi từ Gia Lai. Thùng đồ cơ man là hoa quả, rau củ, có cả giò chả rồi mấy thứ đặc sản quê Tết. Anh thấy có tờ giấy lẫn trong thùng đồ: "Năm nay Tết không về được thì ăn đỡ, để ở nhà cũng không có ai ăn, mẹ làm từ mấy hôm, bà bảo gửi hết cho các con, hai ông bà ở quê ăn Tết thì sao cũng xong."

Còn chờ lần nữa làm chi vậy? Chúng ta chờ lần nữa chứ ba mẹ có chờ được đâu? Anh Nam gọi với vào vợ con. "Mình, thu xếp nhà cửa, đặt vé rồi về ăn Tết thôi." "Báo gấp vậy anh, còn tiền trong tài khoản đâu mà mua vé…"

"Có Ví Trả Sau đấy! Cái vé thôi mà, không chần chờ gì nữa, mấy đứa nhỏ nữa nhanh lên vào xếp đồ giúp mẹ đi."

2021 vất vả mấy cũng qua rồi, mình về nhà ăn Tết đi thôi! - Ảnh 8.

Tiền tài như phấn thổ, không có bây giờ thì có lúc khác. Ngày Tết trong đời, mấy mươi cái Tết là cũng rời xa nhau cả rồi. Vất vả cả năm, giờ về với bố mẹ thôi. Cái nắng Sài Gòn lại theo cả gia đình anh Nam về Gia Lai. Chỉ chục tiếng nữa, sân nhà lại vang tiếng "ông bà ơi con về rồi đây."

Linh sẽ về được tới nhà tại miền Tây, anh Nam cả gia đình cũng ngược lên cao nguyên nắng gió, nhưng "nhà" của nhiều người đâu phải chỉ là một nơi chốn cụ thể? "Nhà" với Ngân Giang là người yêu đang sống tại Sài Gòn, còn cô vẫn chật vật ở Hà Nội. Bố mẹ Ngân Giang định cư ở nước ngoài, cô trở về Việt Nam hai năm trước để khởi nghiệp rồi bén duyên luôn với mảnh đất, với Tùng Lâm - anh chàng người Sài Gòn. Nhớ những ngày chưa có dịch, hơn 2 giờ bay là cô về được tới "nhà". Ngân Giang dự định ra Tết sẽ vào Sài Gòn làm việc để ở gần người yêu hơn. Gần một năm dài gửi trao những yêu thương qua màn hình điện thoại, Giang nhớ hơi ấm bên người yêu.

"Anh bay ra Hà Nội thăm em nhé," tin nhắn trên màn hình điện thoại lúc 11:00 đêm đánh thức Ngân Giang dậy.

"Thôi, chờ lần tới đi. Dịch dã vẫn nguy hiểm, anh còn ở với ba má có tuổi," Ngân Giang trả lời.

"Lần tới là bao giờ? Anh nhớ "nhà" - "nhà" của Tùng Lâm cũng là nơi có Ngân Giang.

2021 vất vả mấy cũng qua rồi, mình về nhà ăn Tết đi thôi! - Ảnh 9.

Im lặng là thế mà nghe như rõ tiếng thở dài của nhau.

"Em vô Sài Gòn ăn Tết cùng cả nhà đi! Ba má cũng muốn gặp em lắm. Rồi mình đi du lịch cùng nhau nè, em nói em muốn đi biển phải không? Anh đưa em đi Phú Quốc, đi Ninh Thuận. Đợt rồi anh thấy tính năng Du lịch - Đi lại trên MoMo tiện quá trời này. Giữ an toàn cho nhau là được, em bắt buộc phải vào đấy."

"Đừng chờ nữa, anh không muốn em phải cô đơn trong Tết. Về nhà thôi," một tin nhắn sau của Tùng Lâm.

"Dạ." Một tiếng "dạ" của Ngân Giang khiến trái tim hai người đang yêu như hoa mới nở. Một năm vất vả rồi, Tết này cũng phải về nhà đi thôi.

Nếu mỗi năm là một câu chuyện cổ tích, cái kết có hậu là khi chúng ta được trở về nhà ngày Tết, vượt qua bao sóng gió và thăng trầm trong một năm để được xích lại bên những người thân yêu. Đừng vì một chút khó khăn, một chút đắn đo hay những âu lo bủa vây mà ta trì hoãn cuộc đoàn viên đặc biệt ấy. Với nhiều người, "chờ lần tới" có thể là năm sau hai vài năm nữa nhưng có không ít người chẳng biết tới "lần tới" nào nữa cả. Tết đã về bên hiên nhà và cha mẹ đang ngóng chờ những đứa con xa trở lại. Nhọc nhằn của năm cũ, hãy cứ xếp gọn lại một bên để đường về nhà thênh thang bao niềm háo hức.

2021 vất vả mấy cũng qua rồi, mình về nhà ăn Tết đi thôi! - Ảnh 10.
2021 vất vả mấy cũng qua rồi, mình về nhà ăn Tết đi thôi! - Ảnh 11.
Minh Đức
Trim