Những bản làng xa xôi, những hòn đảo quanh năm chỉ biển trời sóng nước có nhiều đêm chẳng có một ánh đèn leo lắt - cuộc sống vài chục năm trước chưa có điện khổ trăm bề. Đèn điện tù mù nhưng giữa đại ngàn, biển xanh vẫn sáng ngời tri thức khi có những thầy cô bỏ phố lên rừng, tìm tới đảo xa...

Những bản làng xa xôi, những hòn đảo quanh năm chỉ biển trời sóng nước có nhiều đêm chẳng có một ánh đèn leo lắt - cuộc sống vài chục năm trước chưa có điện khổ trăm bề. Đèn điện tù mù nhưng giữa đại ngàn, biển xanh vẫn sáng ngời tri thức khi có những thầy cô bỏ phố lên rừng, tìm tới đảo xa hay tình nguyện ở lại những trung tâm nuôi dưỡng trẻ đặc biệt để nuôi ước mơ cho học trò nghèo.

20/11: Chuyện những thầy cô bỏ phố, “cõng” chữ lên rừng xuống biển gieo tương lai cho học trò nghèo - Ảnh 1.

Đến những điểm trường xa xôi phía bắc, từ Hà Giang đến Đồng Văn, từng lời tâm sự của mỗi thầy cô đều khiến chúng ta nghẹn lòng. 4 năm trước, trong chương trình Chia sẻ cùng thầy cô, câu chuyện của cô Nguyễn Thị Thêu 19 năm gắn bó với Hà Giang, nhớ con tới bật khóc khiến cả khán phòng rưng rưng, ngậm ngùi. Cái vất vả của những người giáo viên vùng cao, viết bao nhiêu từ cũng không kể xiết: Con đường đến trường men qua khe núi, lớp học dột nát, mùa mưa ướt nhẹp, mùa đông rét căm. Đường đến trường của thầy cô đã khổ, đường đi tới từng nhà vận động học sinh không bỏ học còn chông chênh hơn. Khổ mấy cô cũng chịu được, vì niềm hy vọng vào tương lai cho lũ trẻ, nhưng nỗi nhớ con gửi ông bà dưới xuôi, chỉ nghĩ tới thôi cũng khiến cô Thêu trào nước mắt.

"Nhìn hai con phải sống thiếu thốn, lạc lõng giữa ngôn ngữ và văn hóa dân tộc nơi đây, mình thấy có lỗi với các cháu, vợ chồng mìnnh phải gửi con về dưới xuôi cho ông bà chăm. Các thầy cô ở đây chắc đều thế cả, không còn ông bà thì gửi người thân chăm. Lúc nào tôi cũng thấy mình là người có lỗi với con khi không bao giờ có thể bù đắp được những ngày các con thiếu thốn tình cảm khi không có cha mẹ ở bên", cô Thêu bật khóc.

20/11: Chuyện những thầy cô bỏ phố, “cõng” chữ lên rừng xuống biển gieo tương lai cho học trò nghèo - Ảnh 2.

Trên những vách núi cheo leo từ Phố Cao tới Đồng Văn, hình ảnh thầy cô cần mẫn trên con đường gieo chữ cho học trò nơi đây khiến bao người rưng rưng nước mắt. Đằng sau những giờ đứng lớp, đi đến nhà thăm hỏi học sinh là nhiều đêm các cô trằn trọc vì nhớ con, nhớ gia đình. Ở trên này, những người thầy cô - cũng là ông bố, bà mẹ, chỉ mong con khỏe mạnh, hạnh phúc và hiểu cho nỗi niềm của họ.

20/11: Chuyện những thầy cô bỏ phố, “cõng” chữ lên rừng xuống biển gieo tương lai cho học trò nghèo - Ảnh 3.

Đảo Ngọc Vừng của 17 năm trước mênh mông cát trắng; sân trường đường đi bàng bạc một màu, điện không có, nước ngọt cũng khan hiếm, cuộc sống của người dân quanh quẩn với chiếc thuyền đi biển: Chồng lênh đênh khơi xa, vợ ở nhà làm hàng chài, lũ trẻ lớn lên rồi lại ngóng trời ngóng biển theo cha ra khơi. Tri thức là gì? Tri thức có đổi được mẻ cá đầy ắp không? Có lẽ nhiều gia đình ở đảo Ngọc Vừng đã từng nghĩ vậy. Nhưng kể từ khi có những người như thầy Lưu Thế Sơn (41 tuổi), cuộc sống của trẻ em nơi đây đã thay đổi.

"17 năm trước, tốt nghiệp cao đẳng sư phạm Quảng Ninh, tôi được phân công về đây dạy 2 môn Văn và Địa. Chưa bao giờ nghĩ, cả gia đình mình sẽ gắn bó được với hòn đảo này lâu tới vậy", thầy Sơn nhớ lại thuở ban đầu.

20/11: Chuyện những thầy cô bỏ phố, “cõng” chữ lên rừng xuống biển gieo tương lai cho học trò nghèo - Ảnh 4.

Những ngày đầu tới lớp, tới nhà học sinh, thầy Sơn phải đi chân đất vì đường cát, đi dép chân nặng không bước nổi - hồi đó điện lưới còn không có, lấy đâu ra điện thoại để gọi cho gia đình học sinh. Gọi là "trường học" cho lớn nhưng thực ra chỉ là một dãy nhà cấp 4 đơn sơ, tiểu học buổi sáng, trung học buổi chiều. Thầy Sơn không chỉ phải lo cho đám trò nhỏ ban ngày, buổi tối đến lại ê a con chữ cùng những "trò lớn" 7x, 8x. Học sinh hồi đó lớn tuổi hơn cả thầy, biển gọi là lên đường nên đôi khi muốn vận động đi học cũng khó vô cùng. Ấy vậy rồi cũng quen, học trò nhỏ đọc thông viết thạo thì bố mẹ chúng cũng đã biết chữ, biết làm toán giữa biển trời mênh mông.

Để có thể lo cho gia đình, cuộc sống "cắm đảo" của thầy Sơn còn bộn bề hơn những người giáo viên nơi đất liền khác. Tranh thủ ngày cuối tuần được nghỉ, thầy giáo theo ngư dân đi hớt tép, nhặt hà, quăng lưới cải thiện bữa ăn. 17 năm gieo con chữ nơi hòn đảo Ngọc Vừng, gia đình thầy chuyển nhà 7 lần, hết đi mượn rồi thuê của người dân trên đảo. Tích góp, vay mượn cả vài trăm triệu đồng, cuối cùng, ba năm trước, thầy Sơn cũng xây được một căn nhà nhỏ, trước cửa nhà mở một tiệm sửa xe để kiếm thêm thu nhập. Ngoài giờ lên lớp, người thầy ít nói trầm tính, trông không khác gì một ngư dân thực thụ. Dạn dày với nắng gió Ngọc Vừng, yêu lũ học trò và cuộc sống yên ả nơi đây, thầy Sơn đã coi hòn đảo xa này như nhà của mình rồi.

"Hồi mới ra đây mình còn trẻ, cứ nghĩ công tác vài năm rồi sẽ được luân chuyển vào đất liền. Giờ thì quen và yêu cuộc sống thoải mái nơi đây rồi, như người trong bờ quen với đất liền mà không muốn ra đảo ấy", thầy tâm sự.

20/11: Chuyện những thầy cô bỏ phố, “cõng” chữ lên rừng xuống biển gieo tương lai cho học trò nghèo - Ảnh 5.

Vùng biên cương Tả Gia Khâu, Lào Cai được người ta gọi bằng cái tên "Trường Sa trên núi" - nghe thôi là người ta có thể mường tượng ra cuộc sống cơ cực của người dân nơi đây ra sao: cả xã phải dùng nước mưa sinh hoạt, trẻ con bữa no bữa đói, đông đến cái rét thấu xương. Nhiều người cũng không chịu tới trường, con chữ không làm họ no bụng, biết đọc không giúp trẻ em hết lạnh, hết đói. Chính vì vậy, những chiến sĩ như anh Giàng A Trú - thượng úy tại đồn biên phòng Tả Gia Khâu phải rất vất vả để đi vận động người dân.

Gắn bó với vùng cao Lào Cai từ năm 2012, ngoài bảo vệ vùng biên cương Tổ quốc, anh Trú còn làm nhiệm vụ dạy xoá mù chữ cho bà con. Năm 2017, thương hai em Ma Seo Khoa và Ma Seo Xuyên với hoàn cảnh đặc biệt khó khăn khi bố mất, mẹ không đủ sức nuôi dạy, anh Trú đã đón các con về đồn biên phòng để nuôi dưỡng và cho đi học.

20/11: Chuyện những thầy cô bỏ phố, “cõng” chữ lên rừng xuống biển gieo tương lai cho học trò nghèo - Ảnh 6.

"Ban đầu, Seo Khoa và Seo Xuyên nhất định không chịu xa mẹ xuống ở đồn biên phòng. Cuối cùng, tôi phải bảo rằng mình là cậu ruột của cháu thì các con mới tin tưởng", anh Trú nhớ lại. Cũng phải thuyết phục rất nhiều lần, Seo Khoa và Seo Xuyên mới chịu xuống ở đồn biên phòng. Ở đây, các con được ăn ngủ đúng giờ, được tới trường. Thành tích học tập của Seo Khoa và Seo Xuyên đã thay đổi rõ rệt dưới sự chăm sóc của thầy Trú và những người "cậu" khác ở đồn biên phòng.

Ngoài chăm sóc Khoa và Xuyên, thượng tá người Mông Giàng A Trú còn dạy học, xóa mù chữ cho bà con ở Tả Gia Khâu.

Nhìn những đứa cháu lớn lên mỗi ngày, anh Trú thấy tự hào vì những việc mình làm đã phần nào thay đổi cuộc sống của người dân tộc nơi đây. Có cái chữ, hy vọng cuộc sống của đồng bào sẽ đỡ vất vả hơn, con đường tới trường của lũ trẻ sẽ thênh thang hơn.

20/11: Chuyện những thầy cô bỏ phố, “cõng” chữ lên rừng xuống biển gieo tương lai cho học trò nghèo - Ảnh 7.

Khi nghĩ về học sinh khuyết tật đầu tiên trong sự nghiệp giáo dục của mình, cô Nguyễn Thị Ái Vân (42 tuổi, Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật tỉnh Yên Bái) đã bật khóc. Một lần trách móc vì không hiểu rõ câu chuyện của cậu học sinh khuyết tật đã khiến cô ân hận cả đời, để rồi gắn bó với con đường này suốt 16 năm qua.

"Đó là tiết học đầu tiên tại trường THCS xã Cảm Ân, huyện Yên Bình, Yên Bái của tôi. Vì hồi hộp, lo lắng, khi thấy một học sinh đi khập khiễng vào lớp, tôi nghiêm giọng nhắc em "nghiêm túc", "đi thẳng người lên". Khi lớp trưởng nói em bị khuyết tật, nỗi dằn vặt dâng lên trong lòng tôi khi đã vô tình chạm vào nỗi đau của người khác".

20/11: Chuyện những thầy cô bỏ phố, “cõng” chữ lên rừng xuống biển gieo tương lai cho học trò nghèo - Ảnh 8.

Từ trải nghiệm đầu tiên ở tuổi 22 ấy, 4 năm sau, cô Ái Vân đã xin chuyển công tác về Trung tâm nuôi dưỡng giáo dục trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (nay là Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật tỉnh Yên Bái), bất chấp nhiều người can ngăn vì biết công việc ở ngôi trường của trẻ khuyết tật sẽ khó khăn trăm bề. Những khó khăn như vậy là có thật, không chỉ trong câu chuyện mọi người kể lại - bất đồng về ngôn ngữ, sự khó khăn trong việc tiếp xúc các học sinh khuyết tật. Dạy trẻ bình thường đã khó, dạy những đứa trẻ khuyết tật càng khó hơn trăm lần. Các thầy cô phải thực sự có tâm với nghề và tình yêu với những đứa trẻ mới có thể đồng hành cùng học sinh khuyết tật.

Mỗi năm trôi qua, nhiều lứa học sinh đã rời ngôi trường đặc biệt này, có một cuộc sống tốt đẹp hơn và tìm được công việc phù hợp. Chỉ có cô Ái Vân vẫn còn ở lại, cần mẫn với công việc dạy dỗ học sinh khuyết tật. Khi được hỏi rằng nếu biết trước những khó khăn trong công việc như vậy từ 16 năm trước, liệu cô có tiếp tục chọn con đường này không? Cô Vân không đắn đo quá lâu mà nói "Nếu quay lại 16 năm trước, cô vẫn sẽ chọn các con".

20/11: Chuyện những thầy cô bỏ phố, “cõng” chữ lên rừng xuống biển gieo tương lai cho học trò nghèo - Ảnh 9.

Song hành với việc dạy tiếng phổ thông cho học sinh tại các trường dân tộc nội trú, việc duy trì nét văn hóa dân tộc với ngôn ngữ cũng được nhiều các thầy cô chú trọng. Tuy nhiên, tìm được một người thầy cô có tâm trong việc duy trì và truyền lại tiếng dân tộc cho học sinh không phải điều dễ. Cô Đào Thị Sa Rôn tại trường Phổ Thông Dân Tộc Nội Trú Cần Thơ là một trong số ít giáo viên đã theo học trò với những giờ dạy tiếng Khmer suốt 20 năm qua.

Vẳng trong lớp học tại trường phổ thông dân tộc nội trú có tiếng ê a những em học sinh người Khmer đang cần mẫn với thứ ngôn ngữ của đồng bào mình. Tiếng Khmer khó, nhiều học sinh cũng dễ nản lòng. Cô Sa Rôn cũng từng có những lúc muốn ngừng công việc giảng dạy. Thời gian đầu tiếp nhận công việc tại trường, lúc ấy, nhà cô cách trường 10 cây số. Dạy tiếng Khmer cũng không có sách giáo khoa chuẩn của bộ giáo dục nên các thầy cô phải rất vất vả để tự soạn giáo trình, tìm ra phương pháp phù hợp cho việc giảng dạy. Cái tiếng là cái gốc, dạy các em ngôn ngữ Khmer để lũ trẻ không quên gốc quên nguồn. Tuy nhiên, lũ trẻ chỉ coi việc học là bắt buộc, không hiểu được những điều sâu xa đó. Vài lần muốn dừng lại nhưng nghĩ thương học sinh, cô lại ở lại với nghề gõ đầu trẻ.

20/11: Chuyện những thầy cô bỏ phố, “cõng” chữ lên rừng xuống biển gieo tương lai cho học trò nghèo - Ảnh 10.

Khi máy tính còn là những thứ xa xỉ ở trường dân tộc nội trú, cô Sa Rôn đã mạnh dạn vay mượn hơn 20 triệu đồng để mua một chiếc máy tính cho trường, lặn lội xuống tỉnh Sóc Trăng để nhờ người am hiểu cài đặt font chữ Khmer vào máy tính. Yêu tiếng Khmer và mong muốn học sinh có cơ hội được thể hiện tình yêu với thứ ngôn ngữ thiêng liêng, cô Sa Rôn đã lên kế hoạch và đề xuất chính thức cuộc thi hùng biện tiếng Khmer khu vực ĐBSCL vào năm 2015, tạo ra một sân chơi chính thức cho học sinh khắp tỉnh miền Tây.

Câu chuyện của cô Sa Rôn cũng như những người giáo viên khác trên khắp mọi miền Tổ quốc, tuy khác nhau về ngôn ngữ, văn hóa, vùng miền nhưng đều tựu chung một điểm: Vì tình yêu với học trò, vì mong muốn thay đổi tương lai của những đứa trẻ, thắp lên ánh sáng tri thức rọi soi cuộc đời, các thầy cô sẽ làm hết mình để cùng học trò đi hết con đường tới trường, dù gập ghềnh và còn lắm gian truân.

20/11: Chuyện những thầy cô bỏ phố, “cõng” chữ lên rừng xuống biển gieo tương lai cho học trò nghèo - Ảnh 11.
X
Minh thần kì
Theo Trí Thức Trẻ25.11.2019