Nếu là một đứa trẻ những năm 70 tại Mỹ, căn phòng của bạn sẽ dán đầy những poster phim, đồ chơi và truyện tranh thì xếp đầy ngăn kéo. Giống như chúng ta đã từng ngấu nghiến Doraemon hay Bảy viên ngọc rồng, thì giới trẻ Mỹ thời đó coi những tập comic sờn rách qua tay nhiều người của Spider-Man hay Captain America như là cánh cửa thần kỳ dẫn tới một thế giới khác vậy.
Stan Lee cùng đồng sự Jack Kirby đã tạo nên thứ mà từ những trang nhàu nát nằm trong các sạp truyện khắp con phố Brooklyn trong 10 năm qua đã thăng hoa trở thành một biểu tượng văn hoá: siêu anh hùng. Với nhiều người, Marvel không chỉ là tên của một công ty truyện tranh và phim ảnh. Giờ đây, nó là trào lưu, là lối sống, là một thế lực biểu tượng cho sức sống lâu bền và khả năng thích nghi với thực tế của văn hoá Mỹ. Ít người tin được rằng chỉ trong vòng 10 năm thương hiệu này đã thay da đổi thịt nhanh chóng tới thế, trong khi chỉ hai thập kỷ trước nó vẫn còn ở đáy sâu của tuyệt vọng.
Vào một ngày cuối năm 1996, Marvel đệ trình đơn phá sản lên Tòa án Phá sản Hoa Kỳ. Công ty đang cực kỳ thua lỗ sau một loạt những quyết định sai lầm.Tệ hơn, Marvel còn đang nợ ngập đầu (mà chủ nợ lớn nhất không ai khác chính là Disney). Một phần ba số nhân viên của công ty đã phải "chia tay" những nhân vật mình đang vẽ (nghỉ nhân vật). Thế là họ rủ nhau thành lập một hãng mới là Image Comics, dẫn tới việc thất thoát nhân lực trầm trọng ở Marvel.. Đối với một thương hiệu từng tạo được những nhân vật truyện tranh nổi tiếng nhất, tương lai trước mắt có vẻ như thật ê chề và mờ mịt.
Điều này có vẻ như thật khó tin đối với một studio có tổng doanh thu hơn 10 tỉ đô chỉ trong vòng một thập kỷ đổ lại.
Để có thể tồn tại, Marvel phải sáp nhập vào công ty đồ chơi ToyBiz, dưới cái tên mới Marvel Entertainment. Một bi kịch khác của Marvel bắt đầu từ đây, khi giám đốc của họ - Avi Arad quyết định bán các nhân vật xương máu của hãng để ăn hoa hồng và tiện thể nhờ phim người ta quảng bá "hộ" gà nhà.. Cụ thể trong thời gian này, Fox mua lại cả X-men và Fantastic Four, các nhân vật như Dare Devil, Elektra, Punisher cũng bị bán còn New Line thì thâu tóm Blade... Cách làm "ăn xổi" này không những không giúp Marvel giàu lên, mà còn khiến công ty mất đi rất nhiều các nhân vật quan trọng - mà sau này họ phải cực kỳ chật vật để "đón" những đứa con của mình trở về nhà.
Sau khi bán kha khá nhân vật đình đám, tình hình cũng không khả quan lên là bao. Tiền về thì có về, nhưng là về tay mọi người TRỪ Marvel. Trong khi bộ ba X-Men đem về cho Fox hơn 1 tỉ rưỡi đô còn Sony đút túi ngon ơ 3 tỉ cho hai bom tấn Spider-Man thì tiền hoa hồng mà Marvel nhận được chẳng đáng là bao. Blade thu về 70 triệu đô doanh thu nội địa, đoán xem cha đẻ của nó nhận được bao nhiêu trong cục tiền đó? Vỏn vẹn 25 ngàn đô. Phá sản thì giải quyết được khoản nợ, thế nhưng nếu Marvel muốn sống sót, họ phải thực sự làm ra được tiền. Mà những cái gật đầu rẻ rúng thì không đem tiền về cho họ.
Năm 2003, David Maisel đem tới ý tưởng mà sau này đã trở thành tôn chỉ của hãng: Tại sao cứ phải bán tống bán tháo, gần như cho không các tài sản của chúng ta mà không tự lập ra công ty sản xuất, tự làm phim mà khỏi phải chia cho ai? Năm 2005, quyết định này được thông qua. Trước đó vào năm 1996, Marvel đã thành lập một studio nội bộ đặt tên là Marvel Studios – một công ty sản xuất giúp Marvel "có toàn quyền sáng tạo" trong các phim của hãng này..
Cái giá để có được 525 triệu tiền đầu tư cho Marvel Studios đó là hầu hết tất cả những gì mà Marvel đang sở hữu lúc đó. Đúng, họ phải cho đi gần như tất cả.
Thoả thuận bao gồm 10 thương hiệu nổi tiếng nhất của Marvel bao gồm Captain America, The Avengers, Nick Fury, Black Panther, Ant-Man, Cloak & Dagger, Doctor Strange, Hawkeye, Power Pack và Shang-Chi. Nếu kế hoạch Marvel Studios thất bại, ngân hàng sẽ có quyền sở hữu từng nhân vật trong số trên, và vũ trụ điện ảnh Marvel MCU coi như bị khai tử.
Điều đó đặt lên Marvel Studios gánh nặng khổng lồ cho phim đầu tiên mà họ thực hiện. Tuy nhiên ai cũng biết để đến được tới bước này, ngoài cái liều còn cần một chút may mắn.
Danh sách những siêu anh hùng đầu tiên có thể góp mặt vào phim của Marvel hội tụ rất nhiều gương mặt khả ái, nhưng lại thiếu đi cái tên lớn nhất: Người Sắt. Vào khoảng thời gian đó, Iron Man vẫn thuộc quyền sở hữu của New Line Cinema. Phúc đức làm sao chỉ hai tháng trước khi thương vụ 525 triệu đô được thông qua thì hợp đồng với New Line Cinema hết hạn và Marvel có lại được bản quyền nhân vật.
Tuy nhiên vì đến muộn, Iron Man không có tên trong vụ thương thảo 525 triệu đô, nên Marvel không thể dùng số tiền đó để làm phim. Tuy nhiên, studio vẫn kiên quyết muốn đưa Người Sắt lên màn ảnh bởi đây là nhân vật quen thuộc trong truyện tranh, cực kỳ được yêu thích vì cá tính đặc biệt, và nhất là chưa có phiên bản người đóng nào từng xuất hiện trước đó. Một niềm tin chắc nịch vào Iron Man đã lại "liều tới bến": Tự làm phim bằng số vốn liếng ít ỏi của mình.
Phần còn lại của câu chuyện là lịch sử.
Iron Man thu về 500 triệu đô còn Marvel thì không bao giờ phải quay đầu lại nuối tiếc quá khứ. Kevin Feige sau này nhớ lại: "Có rất nhiều lúc mọi thứ dường như có thể sụp đổ bất cứ lúc nào."
Thành công của Iron – Man đã thay đổi cục diện của mọi thứ. Sau bộ ba phim về tỉ phú Tony Stark, Marvel đã có thể yên tâm đặt cửa cho The Avengers (2012), sau đó là Avengers: Age of Ultron (2015) và sắp tới là Avengers: Infinity War (2018) đem về vài tỉ đô ngon lành. Chính những Iron – Man hay The Avengers đã mở ra kỷ nguyên của dòng phim siêu anh hùng, đặc trưng bởi kỹ xảo và quy mô hoành tráng cùng nội dung lôi cuốn trên màn ảnh. Quan trọng hơn, chính nền tảng tài chính vững vàng của Marvel đã giúp cho studio có thể tự do phóng tác, đập bỏ những quy chuẩn cũ để làm một cuộc cách mạng nho nhỏ như thành công của Black Panther mới đây.
Cũng như các siêu anh hùng luôn có nguồn gốc đầy bi kịch, lịch sử hình thành và phát triển của Marvel cũng đầy rẫy những khó khăn. Như đã nói ở trên, công ty Marvel từng phải dán thông cáo phá sản vào năm 1996 và chìm vào vũng lầy tài chính. Những tài sản trí tuệ quý giá là thế, nhưng lúc đó Marvel chỉ biết nhượng quyền thương hiệu để… bán cà phê.
Tất cả đều không tỏ ra hiệu quả cho đến khi họ quyết định tìm cách bảo vệ và khai thác những tài sản trí tuệ vô giá mà mình đang có. Họ đánh giá lại tiềm năng cực lớn của chúng và vạch ra một lộ trình hợp lý để triển khai những ý tưởng từ đó. Một khi hiểu rõ những gì mình sở hữu và có một kế hoạch phù hợp - thì một chút liều lĩnh và điên rồ sẽ là bàn đẩy nhanh hơn hết đến thành công.
Một trong những công ty từng mua lại tác quyền của Marvel là Artisan Entertainment (tiền thân của Lionsgate). Biên kịch Drew McWeeny của hãng này từng nhớ lại một buổi bàn luận với Kevin Feige về việc đưa các nhân vật lên màn ảnh. "Tôi và Feige ngồi trong một căn phòng và cậu ta bắt đầu nói: "Sẽ có một mùa xuân nào đó mà tác quyền các nhân vật của Marvel dần dần quay về với chúng tôi, và rồi cũng như trong truyện tranh, họ xuất hiện trong các phim của nhau. Sau đó, chúng tôi sẽ gây dựng được một đội Avengers trên màn ảnh." Thời điểm đó, tôi cứ nghĩ cậu ta bị điên."
"Gã điên" mà ngày hôm đó Drew McWeeny nói chuyện cùng, sau này đã dẫn dắt Marvel trở thành thương hiệu được định giá 14,9 tỷ đô la.
Cho dù cuối cùng Kevin Feige và CEO Avi Arad vẫn không thể kéo về tất cả các nhân vật cho Marvel (vẫn còn X-Men, The Fantastic Four và Spider-Man đang do Fox và Sony nắm giữ) nhưng chừng đó vẫn đủ để họ thực hiện giấc mơ tưởng như hoang đường kia. Năm 2005, Marvel trở thành một studio độc lập nhờ có 525 triệu tiền bán bản quyền và có được xưởng phim riêng.
Dù đã có ý tưởng về một vũ trụ điện ảnh, thế nhưng Marvel không hấp tấp đưa hàng loạt các nhân vật lên màn ảnh cùng một lúc. Những cái đầu của công ty lúc đó hiểu rằng khán giả cần thời gian để làm quen với các siêu anh hùng, biết được câu chuyện đời tư và khó khăn, tình cảm, sức mạnh của họ.. Một bộ phim với Captain America, Iron Man, Thor… sẽ chẳng có nghĩa lý gì nếu người xem không hiểu rõ về câu chuyện của nhân vật, nuôi dưỡng một thứ tình cảm với từng nhân vật đó.
Thế nên, chiến lược của Marvel là một chuyến đi đường dài. Họ kiên trì cho ra mắt các nhân vật với mật độ hai phim một năm, kể tường tận câu chuyện của từng siêu anh hùng và để cho khán giả nắm được rõ sự phức tạp trong các mối quan hệ lẫn hiểu rõ về thế giới mà các siêu anh hùng thuộc về. Khi các mối dây liên kết được xây dựng, người xem như thuộc về thế giới đó, hiểu và yêu nhân vật đó một cách sâu sắc. Điều đó tạo hiệu ứng đặc biệt khi tất cả cùng xuất hiện trong một bộ phim, đó là: The Avengers.
Ban đầu, ít ai để ý đến ý tưởng mà Feige đang nhen nhóm trong các phim của mình. Chỉ có nhóm các fan của truyện tranh mới để ý đến sự xuất hiện của Tony Stark và Nick Fury trong các đoạn end credit cuối phim The Incredible Hulk và Iron Man. Nhưng rồi sau đó, sự kết nối bắt đầu hiện ra rõ ràng hơn và người ta bắt đầu để ý đến khái niệm vũ trụ điện ảnh Marvel.
Năm 2012, The Avengers đại phá các rạp chiếu trên toàn thế giới, chính thức mở ra một thời đại mới của phim siêu anh hùng và vũ trụ điện ảnh.
Nguyên tắc mà Kevin Feige đưa ra trước mỗi lần lên ý tưởng cho phim là luôn tìm đến sự đổi mới và bất ngờ cho khán giả. Vị giám đốc điều hành này luôn chọn thời điểm công bố diễn viên, cốt truyện hay thậm chí là cả ngày ra mắt vào những lúc khán giả ít mong chờ nhất. Nhiều nhà phê bình xếp loại phim siêu anh hùng thành một dòng riêng. Tuy nhiên, Marvel lại thường gán các siêu anh hùng của mình vào những thể loại khác nhau. Chẳng hạn, phần đầu của Iron Man và Captain America đi theo hơi hướng phim chiến tranh. Guardians of the Galaxy thì đi theo thể loại khoa học viễn tưởng trong khi Doctor Strange đích thị là phim fantasy. Mới đây, Black Panther đã vượt qua khuôn khổ một phim siêu anh hùng thông thường để chạm tới những vấn đề xã hội nhức nhối về văn hóa và quyền bình đẳng.
Càng lúc Marvel càng dấn thân vào những thể loại khác nhau và không ngần ngại tự thử thách bản thân bằng những quyết định khó nhằn. Họ thẳng tay cho các nhân vật quan trọng tử trận trong Age of Ultron và Doctor Strange, tạo ra cú twist gây sốc như thân phận kẻ phản diện trong Iron Man 3 hay thậm chí tự xáo tung cả cốt truyện có sẵn như những gián điệp Hydra trong The Winter Soldier. Liên tục cải tiến và không ngừng cày xới lên những vùng đất mới, đó là cách Marvel luôn giữ được sức hút cho bản thân.
Nói tới điều này cũng phải cảm ơn Disney khi trở thành "đại gia" chống lưng cho các phim của Marvel sau sự kiện Disney mua đứt công ty mẹ của Marvel Studios là Marvel Entertainment với cái giá 4 tỉ đô năm 2009. Có được một hậu phương tài chính vững chắc, những nhà làm phim tại Marvel như "hổ mọc thêm cánh" tha hồ vùng vẫy với những ý tưởng sáng tạo nhất.
Đã rất nhiều những phân tích, mổ xẻ của giới quan sát được đưa ra nhằm giải thích phong độ kéo dài đến mức khó tin của Marvel trong sân chơi điện ảnh nhưng ý kiến xác đáng nhất, chạm vào cốt lõi vấn đề nhất có lẽ là ý kiến nói về vai trò của giám đốc điều hành Kevin Feige đối với định hướng phát triển của MCU. Khi được hỏi về lý do vì sao những ông to bà lớn khác ở Hollywood không tái lập được kỳ tích của Marvel, đạo diễn Russo đã trả lời: "Đơn giản thôi. Bởi vì họ không có Kevin."
Đó là một câu trả lời ngắn gọn và rất đúng trọng tâm. Nói về thành công của MCU là nói về tầm quan trọng Kevin Feige đối với hãng phim này, Kevin đã ngồi ghế chỉ đạo cho Marvel từ những ngày Iron Man 1… còn đang được thai nghén ở dạng kịch bản và đóng góp lớn vào thành công của bộ phim. Bản thân nhân viên của studio cũng phải thừa nhận giám đốc của họ là một con mọt truyện Marvel thực sự. Dưới bàn tay mềm dẻo của Kevin Feige, sự liền mạch và thống nhất trong hệ thống phim Marvel đang là chuẩn mực của việc xây dựng vũ trụ điện ảnh.
Tuy nhiên, không phải cứ nghiện truyện là thành được giám đốc sáng tạo. Trước khi đến với MCU thì Kevin Feige đã trải qua đủ mọi cung bậc thăng trầm với dòng phim siêu anh hùng. Ông từng tham gia sản xuất cho X-Men của Bryan Singer vào năm 2000. Sau đó tiếp tục đứng tên trong bom tấn Spider-Man năm 2003, bom chìm Punisher năm 2004 và bom xịt Spider-Man 3 năm 2008. Những thành công và thất bại trước đó đã rèn luyện cho Kevin Feige thói quen luôn xác định trước tình huống xấu nhất có thể xảy ra.
Bản thân Kevin Feige cũng tiết lộ với tờ Vanity Fair rằng ông luôn nghĩ về khả năng sản phẩm mình làm ra sẽ bung bét hết cả và trở thành bom xịt. Ông luôn giữ cho mình một tâm thế đề phòng và cảnh giác trước mọi khả năng có thể xảy ra và đặt ra những khoảng giới hạn mà các nhà làm phim không được phép phạm phải, kể cả khi đã đưa Marvel Studio lên đến vị trí thuộc hàng top trong các thương hiệu sản xuất bom tấn ở Hollywood trong suốt 10 năm qua.
Chim đã có đôi thì không cần phải sợ chiều tà. Khi đã chọn ra Kevin Feige làm đúng người để "gửi vàng" thì việc những đầu phim của Marvel trở nên đồng bộ và liền mạch là dễ hiểu. Đây là yếu tố tiên quyết trong việc xây dựng vũ trụ điện ảnh. Nếu như những hãng khác không áp dụng lại phương pháp này thì thất bại dường như là điều đã được dự báo trước.
Như chúng ta đã biết, phase 3 của MCU sắp bước đến giai đoạn đỉnh điểm trong The Avengers: Infinty War, là dấu mốc của quãng đường 10 năm mà những siêu anh hùng quen thuộc của Marvel như Iron Man, Captain America hay Thor trình diện trước khán giả. Và nếu các bạn để ý, giả dụ một cậu bé bắt đầu xem Iron Man vào năm 10 tuổi thì vào thời điểm đến rạp xem Infinity Wars tới đây, "cậu bé" đó đã là một chàng trai 20 tuổi.
Trong quá trình trưởng thành của anh chàng khán giả đó, Robert Downey Jr đã xuất hiện trong tổng cộng 8 phim Marvel, bằng với con số của Chris Evans trong những lần khoác áo đội trưởng Mỹ, trong khi Chris Hemsworth cũng đã nâng búa tầm sét trong 7 phim khác nhau. Không hề dễ dàng để có thể chia tay những nhân vật mà ta yêu quý khi đã gắn bó với họ quá lâu, tuy nhiên, cũng như tuổi niên thiếu không kéo dài mãi mãi, những khán giả cũng phải học cách bước qua quá khứ để làm quen với những nhân vật mới, những gương mặt mới sẽ gánh vác trọng trách tiếp tục di sản mà nhóm Avengers đầu tiên đã tạo ra.
Để trả lời cho câu hỏi ai là người tiềm năng nhất cho vị trí trung tâm của MCU trong phase 4 thì câu trả lời khả dĩ nhất là Spider-Man. Tom Holland cùng với "Nhện Nhọ" bước vào MCU lần đầu tiên khi tham gia Civil War trong một vai khách mời. Ngay lập tức, khán giả đã bị ấn tượng bởi diễn xuất nhí nhảnh, tươi trẻ rất hợp rơ với hình tượng Spider-Man mà họ đã thấy trong truyện tranh. Dù màn phần phim riêng Spider-Man: Homecoming chưa phải là hoàn hảo nhưng riêng diễn xuất của Tom Holland cũng đủ để khiến cho người hâm mộ an tâm về một hình tượng Spider-Man vừa mới mẻ, vừa quen thuộc và quan trọng là đủ sức để gánh vác thương hiệu người hùng nổi tiếng nhất thế giới truyện tranh Marvel.
Bên cạnh Spider-Man thì một nhân vật khác là Black Panther cũng mới chỉ có một lần xuất hiện trong phim riêng. Cũng được giới thiệu từ một vai phụ trong Civil War nhưng màn ra mắt chính thức của Black Panther và Spider-Man lại khá trái ngược nhau. Nếu như Homecoming không được đánh giá cao về nội dung nhưng lại ăn điểm từ diễn xuất của nhân vật chính thì Black Panther lại được giới phê bình khen ngợi nức nở dù Chadwick Boseman xuất hiện còn nhạt nhoà hơn cả vai phản diện. Tuy nhiên, điều quan trọng là Black Panther đã đại thắng về cả chất lượng chuyên môn lẫn doanh thu phòng vé và đây là cơ sở vững chắc để Marvel phát triển nhân vật này lên cao hơn nữa trong tương lai.
Bên cạnh những đấng mày râu thì Marvel cũng đang rất cần một nữ nhân có đủ tính độc lập và mạnh mẽ để lèo lái một đầu phim cho riêng mình sau khi phía đối thủ DCEU đã thử nghiệm thành công với Wonder Woman, và cái tên được lựa chọn ở đây chính là Brie Larson trong vai Captain Marvel. Bộ phim riêng về nữ siêu anh hùng này chưa thể ra mắt trong năm nay nhưng bộ đôi đạo diễn Russo đã "nhá hàng" trước về khả năng Captain Marvel sẽ có màn ra mắt ngắn trong Infinity War.
Tại sao nói ba cái tên này lại là những điểm tựa đáng tin cậy để gánh vác tương lai của MCU? Bên cạnh khả năng hút khán giả cực mạnh của thương hiệu Spider-Man thì câu trả lời nằm ở tính tương thích với sự thay đổi nhu cầu của khán giả trong tương lai. MCU đã dùng công thức hài gia đình cho các phim của họ được gần 10 năm. Dù cách làm này vẫn hốt bạc đều như chạy thận nhưng một cái tên dạn dày như Marvel chắc chắn sẽ không để cho chiến thắng trói buộc mình trong vùng an toàn mãi mãi.
Trước làn sóng đa dạng hoá và xu hướng phản ánh vấn đề xã hội ở Hollywood thì một Black Panther với xứ sở Wakanda đậm đà bản sắc các dân tộc Châu Phi và Captain Marvel do cái tên từng đạt giải Oscar Brie Larson, một trong những nữ diễn viên tích cực nhất trong phong trào #MeToo đảm nhiệm sẽ là cặp song sát hiệu quả để Marvel tiếp tục công phá phòng vé cũng như sự công nhận của giới phê bình trong tương lai.
Bên cạnh ba cái tên chủ chốt trên, Marvel vẫn còn dư những quân bài khác còn đang rất hứa hẹn để khai thác như Doctor Strange, bộ đôi Ant-Man và The Wasp hay biết đâu là bộ đôi Groot và Rocket Raccoon chẳng hạn... Sự thức thời trong cách nắm bắt nhu cầu khán giả cùng với tinh thần sẵn sàng đổi mới tiếp tục khẳng định vị thế "anh cả" của thương hiệu Marvel trong dòng phim siêu anh hùng ăn khách hiện nay.