Cái chết không phải một chuyến đi chơi!

Hoàng Anh Tú, Theo Đời sống pháp luật 02:45 19/05/2024

Cái chết trong mắt nhiều đứa trẻ, chỉ như một thứ giải pháp tình thế hồn nhiên, chúng đâu mường tượng được sức nặng của cuộc sống và những nỗi đau to lớn từ nay sẽ hằn lại trong cha mẹ mình. Sau khi chứng kiến những câu chuyện này, chẳng một cha mẹ nào có thể ngoảnh mặt làm ngơ trước mọi tâm tư của con mình.

Mạng xã hội lan truyền những tin nhắn được cho là của 2 nữ sinh Bắc Ninh chat với nhau về việc đi chết. Tôi không tin đó là sự thật. Dù đúng là với nhiều đứa trẻ của chúng ta, đi chết nhiều khi như một câu cửa miệng rất vui vẻ.

Tôi hiểu những người cha, người mẹ hôm nay khi đọc những thông tin đau lòng về đứa trẻ này nhảy lầu, đứa trẻ nọ nhảy sông, đứa treo cổ, đứa cắt tay… cứ như thể chúng nó chẳng thiết tha muốn sống, đứa nào cũng coi cái chết chả khác gì hảo hớn ngày xưa: nhẹ tựa lông hồng. 

Cái chết không phải một chuyến đi chơi! - Ảnh 1.

Hai đôi dép được gia đình xác nhận là của A. và B.N (2 nữ sinh) trên thành cầu

Không chỉ tự tử, đôi khi chúng còn rủ nhau tự tử cho có bạn có bè, cho vui. Đau đớn chứ khi nhiều đứa trẻ mở miệng ra là nói sẽ chết cho cha mẹ biết tay. Dù có thể trăm đứa nói vậy thì chín chín đứa chẳng làm nhưng vẫn còn sót lại 1 đứa. 

Nhiều cha mẹ chỉ sợ đứa sót lại ấy chính là con mình. Nên nhiều cha mẹ chẳng dám rầy la con, lúc nào cũng nơm nớp lo âu. Vừa lo con cạn nghĩ nhảy lầu lại lo con bị bạn bè rủ rê đi chết. Mà lũ trẻ ấy, "xước măng rô cũng hoá trọng thương buồn". 

Chẳng phải hồi chúng ta bằng tuổi chúng nó thì chúng ta cũng vậy sao? Bị bạn gái bỏ cũng muốn chết cho bạn gái đau đớn vì đã bỏ mình. Bị cha mẹ mắng oan, nghi oan cũng muốn dùng cái chết để chứng minh mình trong sạch. Nhiều đứa trẻ lại còn bị bạn bè rủ rê, lôi kéo mà dù sợ chết khiếp nhưng vẫn cùng bạn mình đi chết.

Bọn trẻ ngày nay thích chết vậy sao? Chúng tuyệt vọng với cuộc sống đến vậy sao? Tôi mở báo ra đọc thấy ngay ở cầu Chương Dương có đứa trẻ đi chết nhảy cầu rồi sợ quá bám vào trụ cầu kêu cứu. Có đứa trẻ viết thư tuyệt mệnh rồi vứt quần áo cặp sách cùng thư tuyệt mệnh ở bên cầu rồi đi… chơi. 

Cơn hứng chí của một đứa trẻ chỉ lên cao một lúc rồi khi đối diện với cái chết thực sự là rúm ró lại. Cái chết trong mắt nhiều đứa trẻ, chỉ như một thứ giải pháp tình thế hồn nhiên, chúng đâu mường tượng được sức nặng của cuộc sống và những nỗi đau to lớn từ nay sẽ hằn lại trong cha mẹ mình. Tôi chẳng tin những tin nhắn kia là sự thật. Và cho dẫu nó là sự thật thì tôi cũng vẫn tin rằng con bạn sẽ khác. 

Bởi sau khi chứng kiến những câu chuyện này, chẳng một cha mẹ nào có thể ngoảnh mặt làm ngơ trước mọi tâm tư của con mình.

Cái chết không phải một chuyến đi chơi! - Ảnh 2.

Bởi chúng là con của bạn, một người cha, người mẹ thương con mình. Cái thương nó kỳ diệu lắm các cha mẹ ạ! Nó vô sắc- vô thanh nhưng nó chạm tim ghê gớm. Nó là chiếc neo khiến con bạn dù thế nào cũng không muốn chết. Phải, một đứa trẻ thương cha thương mẹ sẽ không bao giờ muốn chết. Vì chúng hiểu chúng chết người đớn đau nhất chính là cha mẹ chúng. Chúng thương cha mẹ chúng sẽ luôn sợ cha mẹ đau lòng.

Nhưng. Nhưng bao nhiêu người cha, người mẹ mất con cũng đâu phải họ không thương con đâu? Là vì chúng ta thương sai rồi. Nhiều cha mẹ đã thương sai như thế. Thương con, muốn tốt cho con nhưng lại bằng sĩ diện của bản thân mình. 

Là cha mẹ thương con lắm, con phải tốt cho cha mẹ mát mặt với thiên hạ. Con sai, con kém là cha mẹ xấu hổ lắm, không muốn nhận con là con của cha mẹ nữa. 

Là cha mẹ thương con lắm nên cha mẹ hy sinh cái này, cắt da xẻ thịt mình ra nên con phải đáp đền công lao cha mẹ bằng việc phải đỗ vào 10 nhé! Nếu thi trượt thì mày biết tay mẹ. 

Những lòng thương luôn gắn theo điều kiện khiến đứa trẻ khi không đạt điều kiện là thấy côi cút. Nên nhiều đứa trẻ chọn cái chết để đỡ đau lòng cha mẹ, để cha mẹ đỡ xấu hổ vì mình. Cái thương đó là thương sai, là cú huých con rơi xuống đáy vực nhanh hơn vậy.

Vậy, thế nào mới là thương đúng? Tôi chẳng có công thức nào cho sự thương đúng cả. Bởi cái thương thực sự là phải phát xuất từ trái tim cha mẹ. Con là trái tim của cha mẹ chứ còn gì nữa? 

Cái chết không phải một chuyến đi chơi! - Ảnh 3.

Cái thương có khi chỉ là "hôm nay con mệt rồi, để đó cha mẹ làm cho" mà chẳng phải là chiều con sinh hư. Cái thương có khi chỉ là những úi xùi "thôi, thua keo này ta bày keo khác". Chẳng để kỳ vọng của mình thành gông cùm đời con. Tôi vẫn hay nói với các cha mẹ: Kỳ công nhưng không kỳ vọng. 

Là ta nuôi con kỳ công nhưng không đặt ra kỳ vọng để con thành áp lực đè nặng. Mà hãy là hy vọng thôi. Con là hy vọng của cha mẹ. Và tốt hơn nữa nếu như cha mẹ cùng con hy vọng, lên kế hoạch biến hy vọng thành hiện thực. Đó chính là sự đồng hành. Đặt một ngôi sao hy vọng thì cần phải có một kế hoạch chứ không phải mua vé số rồi hy vọng trúng độc đắc được. 

Cái chết không phải một chuyến đi chơi! - Ảnh 4.

May mắn của cuộc đời không phải là trò chơi may rủi là vậy.

Một đứa trẻ thích chết khác một đứa trẻ muốn chết ở duy nhất một điều: Cha mẹ của chúng.

Đứa trẻ thích chết có thể là bất cứ một đứa trẻ nào vì cái sự cạn nghĩ của chúng. Bởi chúng chưa có nhiều trải nghiệm cuộc đời nên nghĩ gì cũng cạn, nghĩ gì cũng nông. Chúng thích chết như thích xem cái Tiktok nhảm nhí này, thích một cuốn sách ngôn tình nọ. 

Cái thích cũng sẽ lướt qua nhanh thôi khi chúng có đủ lòng thương cha mẹ. Vẫn muốn ăn cơm mẹ nấu. Vẫn muốn mè nheo với bố. 

Còn những đứa trẻ muốn chết thì chúng thường "mồ côi cha mẹ" ngay cả khi cha mẹ chúng còn sống. Là bởi chúng không còn ai để chúng muốn sống tiếp trên cõi đời này. Là bởi có cha có mẹ mà vẫn như trẻ mồ côi. Không nói được với cha, không khóc được với mẹ, ngã chẳng có cha mẹ nâng, đớn đau chẳng có mẹ cha ve vuốt. 

Những đứa trẻ đáng thương đó, tiếc thay, còn nhiều lắm ngoài kia. Bởi nhiều người cha người mẹ chưa bao giờ coi con cái là trái tim của mình.

Và một điều nữa, tôi cũng muốn nhân dịp các cha mẹ đang chịu đọc bài viết này của tôi khi lòng đang đầy lo lắng. Chúng ta luôn có thể trở thành người cha, người mẹ tốt hơn hôm qua bằng việc thay đổi lại lúc này. Chúng ta có thể đã đôi phen để cảm xúc của mình làm con cái thương tổn, đừng lo, lũ trẻ bao dung lắm. 

Chúng sẽ tha thứ cho cha mẹ một cách vô điều kiện. Chỉ là nếu hôm nay bạn nhận ra, bạn nói với con mình: "Xin lỗi con vì hôm đó". Tôi tin, đó chính là món quà giá trị vô cùng mà con có được. Bởi con sẽ học từ ta sự dũng cảm khi mình sai. 

Chúng ta xin lỗi nhau không phải để nhận những lỗi lầm trong quá khứ mà là để chúng ta trở nên tốt hơn trong tương lai, trên chặng đường phía trước vậy.

https://kenh14.vn/cai-chet-khong-phai-mot-chuyen-di-choi-20240518091335338.chn
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày