Xét tuyển đại học 2020: Tập dượt để các trường thực hiện tự chủ tuyển sinh

Minh Hường, Theo VOV.VN 08:07 19/09/2020

Nhiều trường cho biết, việc thực hiện tuyển sinh theo nhiều phương thức thành công mà không phụ thuộc hoàn toàn vào điểm thi THPT như những năm trước đây chính là quá trình tập dượt để các trường thực hiện tự chủ tuyển sinh.

Ngày 19/9 tới, các thí sinh đăng ký xét tuyển vào các trường đại học bằng điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2020 sẽ thực hiện thay đổi nguyện vọng phù hợp với điểm thi đã đạt được. Thế nhưng cũng đã có nhiều thí sinh xác nhận nhập học tại các trường đại học bằng những phương thức xét tuyển không sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT và bắt đầu tới giảng đường học những giờ học đầu tiên. Nhiều trường cho biết, việc thực hiện tuyển sinh theo nhiều phương thức thành công mà không phụ thuộc hoàn toàn vào điểm thi THPT như những năm trước đây chính là quá trình tập dượt để các trường thực hiện tự chủ tuyển sinh.

Xét tuyển đại học 2020: Tập dượt để các trường thực hiện tự chủ tuyển sinh - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Sau khi có kết quả của Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, em Đoàn Minh Hằng, học sinh lớp 12, trường THPT Chuyên Nguyễn Trãi, tỉnh Hải Dương lập tức hoàn thành hồ sơ và xác nhận nhập học vào Khoa Quản trị Kinh doanh quốc tế của Trường Đại học Ngoại thương bởi từ cuối tháng 7, em đã nhận được giấy báo trúng tuyển của trường. Phương thức xét tuyển mà Hằng lựa chọn đó là kết hợp giữa Chứng chỉ quốc tế và kết quả học tập dành cho thí sinh hệ chuyên và hệ không chuyên áp dụng cho các chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh và Ngôn ngữ thương mại nên em chỉ chờ có kết quả đỗ tốt nghiệp để xác nhận nhập học. Trong khi nhiều bạn học đang phải chờ đợi để xét tuyển theo kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2020 thì Đoàn Minh Hằng đã trở thành tân sinh viên của trường từ ngày 06/09 và tới giảng đường học những giờ học đầu tiên của chương trình đào tạo. Đoàn Minh Hằng chia sẻ: "Có nhiều phương thức xét tuyển em cảm thấy là mình có lợi thế hơn một chút, mình sẽ chủ động hơn và giống như một phương án dự phòng trước khi thi chính thức thì tinh thần đi thi của em sẽ thoải mái hơn. Mình có thể xét cùng lúc 1-2 phương thức cũng được, có nhiều cách để vào được trường mình mong muốn. Mình vừa có thể xét tuyển kết hợp, vừa có thể xét tuyển theo điểm thi, tùy bản thân mình chọn".

Xét tuyển đại học không dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT là xu hướng được nhiều trường đại học lựa chọn áp dụng cho tuyển sinh năm nay, với nhiều hình thức và số lượng chỉ tiêu cho các ngành đào tạo cũng tăng lên so với năm ngoái. Theo ông Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường Đại học Hà Nội, việc các trường triển khai nhiều phương án tuyển sinh không dựa vào điểm thi tốt nghiệp cũng là bước tập dượt quan trọng để tiến tới thực hiện tự chủ tuyển sinh theo lộ trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo: "Chúng tôi đánh giá đây cũng là một hình thức tuyển sinh tốt, vì ngoài việc dùng điểm tốt nghiệp THPT để xét tuyển thì các em có thể nộp hồ sơ vào nhiều trường khác nhau, vào những ngành mà mình mong muốn và sử dụng những kết quả học tập trong cả 3 năm cấp 3 cũng như các chứng chỉ năng lực ngoại ngữ quốc tế mà mình có được. Đây là nguồn đầu vào tốt cho trường. Bên cạnh đó đây cũng là một hình thức để phát huy quyền tự chủ của nhà trường trong tuyển sinh, để chuẩn bị cho việc từ những năm tới thì các trường đại học sẽ phải chủ động trong việc tuyển sinh thay vì chỉ dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT mà thôi".

Thí sinh có nhiều cơ hội trúng tuyển hơn vào ngành, trường mình yêu thích, còn các trường cũng lựa chọn được học sinh có chất lượng phù hợp với các chương trình đào tạo. Hiện nhiều trường đã tuyển được từ 20% đến 50% tổng chỉ tiêu tuyển sinh năm nay bằng các phương thức xét tuyển không dựa vào kết quả thi tốt nghiệp. Là một trong những trường có nhiều hình thức xét tuyển không dựa vào điểm thi tốt nghiệp, đến nay Trường Đại học Ngoại thương đã xét tuyển được 50% tổng chỉ tiêu tuyển sinh. Bà Vũ Thị Hiền, Trưởng phòng Quản lý đào tạo và Tuyển sinh cho biết, việc xây dựng các phương thức tuyển sinh đều dựa trên phân tích các nhóm thí sinh trúng tuyển vào trường, sự tiến bộ trong kết quả học tập qua các năm. Qua kết quả xét tuyển ban đầu cho thấy, các phương thức xét tuyển năm nay rất phù hợp và có thể áp dụng cho những năm tới khi các trường tự chủ tuyển sinh: "Từ năm 2021 thì tất cả các trường đại học sẽ phải tự chủ tuyển sinh theo đúng quy định của Luật Giáo dục và Trường Đại học Ngoại thương đã xây dựng các phương thức này để chuẩn bị cho việc tuyển sinh từ năm 2021. Tuy nhiên bối cảnh dịch khiến nhà trường phải áp dụng các phương thức sớm hơn. Việc áp dụng sớm hơn cũng là một trải nghiệm để nhà trường thấy rằng là từ năm 2021 trở đi thì những phương thức này có thể ổn định. Việc tự chủ tuyển sinh là hướng đi phù hợp, là xu thế trong giáo dục".

Việc các trường triển khai nhiều hình thức xét tuyển không dựa vào kết quả điểm thi tốt nghiệp dù là xu hướng đúng, chuẩn bị cho việc tự chủ tuyển sinh, nhưng một số ý kiến lo ngại về chất lượng đầu vào không đồng đều giữa các trường, thậm chí là giữa các hình thức tuyển sinh trong cùng một trường. Ông Trần Khắc Thạc, Phó trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Thủy lợi nêu ý kiến: "Năm nay cũng vì lý do bất khả kháng nên các trường đưa ra nhiều hình thức xét tuyển riêng. Ưu điểm là các em có nhiều cơ hội lựa chọn hơn, các em không bị lệ thuộc vào kết quả duy nhất để xét tuyển vào đại học. Tuy nhiên, có một nhược điểm duy nhất tôi nghĩ là cần thời gian để điều chỉnh đó là sự đảm bảo về mặt bằng chung là khó. Vì các hình thức khác nhau thì có các tiêu chí đánh giá khác nhau, thì hiện nay chưa có một công cụ hay nghiên cứu nào chỉ ra là các thông số này tương đồng".

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay với mục tiêu chính là xét tốt nghiệp với đề thi dễ hơn, kết quả là nhiều thí sinh đạt điểm thi cao hơn so với kỳ thi THPT quốc gia năm ngoái cũng là cơ sở để các trường tính toán đến việc xây dựng phương án tuyển sinh riêng phù hợp. Kết quả trong tuyển sinh bằng các phương án xét tuyển không dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT của một số trường trong năm nay là kinh nghiệm để các trường đại học khác mạnh dạn triển khai phương án tuyển sinh riêng trong những năm tới với mục tiêu giảm dần tỷ lệ xét tuyển theo điểm của kỳ thi tốt nghiệp THPT, để kỳ thi tốt nghiệp các năm sau trở về với đúng nghĩa của nó đó là chỉ xét tốt nghiệp, không xét tuyển đại học.