Tôi năm nay hơn 40 tuổi, đang là trưởng phòng một công ty xuất nhập khẩu. Chồng tôi làm mảng môi giới bất động sản, thu nhập không ổn định, lúc nhiều, lúc ít. Khoảng một năm trở lại đây, thu nhập của anh không được tốt cho lắm. Các khoản chi tiêu lớn trong gia đình hầu hết đều dùng tiền lương của tôi.
Thú thật, tôi chưa bao giờ lấy chuyện tiền nong ra để so đo, ra vẻ với chồng nhưng anh lại không nghĩ như vậy. Từ ngày thu nhập không được tốt, chồng tôi thường hay "cả nghĩ", anh lúc nào cũng nói như câu nghe thì như khen nhưng thực chất rất "móc mỉa".
Chẳng hạn có lần con trai tôi xin xỏ bố cho đổi điện thoại và anh đồng ý. Khi biết chuyện, tôi đã phân tích riêng với chồng rằng ở độ tuổi cấp 2, con chưa cần dùng điện thoại quá xịn, chỉ cần phục vụ mục đích liên lạc là được. Chồng tôi nghe xong liền nói: "Ừ nghe em hết, nhà này em kiếm nhiều tiền nhất, chuyện tiền bạc chi gì em quyết tất đi".
Từ sau lần đó, mỗi khi có vấn đề gì cần dạy bảo con, khi tôi bàn bạc, trao đổi, chồng lại giở giọng: "Bà trưởng phòng quyết đi, anh nghe tất!". Con trai tôi nhiều lần nghe bố nói vậy đã kể lể với những đứa trẻ hàng xóm: "Ở nhà tớ, mẹ kiếm nhiều tiền nên to nhất!".
Những lời móc mỉa của chồng khiến tôi thật sự bức xúc nhưng không biết phải góp ý ra sao để chồng hiểu. Cuối cùng, tôi đã dùng phim Sex And The City - bộ phim yêu thích của mình để âm thầm dạy cho chồng một bài học.
Thực ra, ngay từ khi thấy những thay đổi của chồng, tôi đã nghĩ đến cặp đôi Miranda Hobbes và Steve Brady của Sex And The City. Trong khi Miranda là một luật sư thành đạt thì Steve thua kém về cả địa vị xã hội và thu nhập. Chính vì vậy, trong việc nuôi dạy cậu con trai chung, Steve nhiều lần mắc sai lầm. Anh ta thiếu tính kỷ luật, thường tự ti và nghi ngờ bản thân mình.
Steve thường tự hỏi liệu mình có thể trở thành một người cha tốt hay không khi bản thân không sở hữu tài sản giá trị hay địa vị xã hội cao, đặc biệt là khi so sánh với Miranda. Điều này được thấy rõ khi anh ta lo lắng về khả năng hỗ trợ tài chính và tinh thần cho con.
Steve cũng thường cảm thấy mình ở thế yếu so với Miranda, cả về kinh tế lẫn trí tuệ. Điều này đôi khi khiến anh lùi bước trong các quyết định quan trọng, bao gồm cả những quyết định về việc nuôi dạy con trai. Anh ta ngại thể hiện quan điểm của mình, sợ rằng nó không đủ sức nặng so với Miranda. Do cảm giác tự ti, Steve có xu hướng muốn bù đắp cho con bằng cách làm bạn thay vì làm một người cha nghiêm khắc.
Chồng tôi chính xác là một "Steve đời thực" kể từ công việc gặp khó khăn. Trước đây, những lúc kiếm được nhiều tiền, chồng tôi không bao giờ có thái độ như vậy. Nhiều khi con mắc lỗi, anh mắng rất nghiêm khắc. Nhưng giờ, nhiều lúc anh bên con thái quá, nhưng cũng vì thế mà làm giảm đi cái uy nghiêm của người cha.
Còn tôi thì phải "è cổ" ra vừa đi làm, vừa phải ra các quyết định trong gia đình bởi vì chồng đang bận giận dỗi, tự ti.
Mỗi ngày, tôi đều rủ chồng xem những tập phim có các chi tiết về cuộc sống làm cha mẹ của Miranda và Steve. Sau nhiều ngày chồng tôi cuối cùng cũng nhận ra vấn đề và xấu hổ thừa nhận: "Anh đã rất sai trong chuyện dạy con".
Từ câu chuyện của gia đình mình, tôi mong tất cả những người cha hiểu được rằng: Một người cha không cần phải giàu có, không cần phải hoàn hảo thì mới có thể khiến con cái ngưỡng mộ. Như trong gia đình của tôi, con trai tôi yêu quý, kính trọng bố vì bố luôn dành thời gian cho nó. Ngay cả những khi bị ốm, đau đầu, chỉ cần con trai cần giúp đỡ làm bài tập, hay có chuyện gì đó muốn tâm sự, chồng tôi vẫn sẽ quên ốm mà ngồi cùng con.
Sự tận tụy, tình yêu thương, sự làm gương mới chính là những phẩm chất để chúng ta trở thành những bậc cha mẹ tốt, không phải vì thu nhập của ai ít, ai nhiều!