Coca-Cola góp phần cải thiện sinh kế địa phương ở Tràm Chim

Saga, Theo Trí Thức Trẻ 14:30 28/08/2015

Dự án “Bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng” được chính quyền địa phương tỉnh Đồng Tháp, Quỹ Quốc tế về Bảo vệ thiên nhiên (WWF) và Công ty Coca-Cola phối hợp triển khai từ năm 2007 với tổng đầu tư 1,2 triệu USD.

Dự án tập trung triển khai các giải pháp quản lý thủy văn, điều chỉnh mực nước, phục hồi thảm thực vật… nhằm khắc phục môi trường sống tự nhiên cho các loài chim quý hiếm, đồng thời cải thiện sinh kế địa phương thông qua du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng, tăng cường sự tham gia của cộng đồng trong việc quản lý và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên.

Trong khuôn khổ dự án, các hộ dân khó khăn được hỗ trợ ngư cụ và xuồng để có điều kiện tham gia khai thác thủy sản khi mùa nước về theo chính sách mới
 
Người dân được tham gia vào mô hình phát triển du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng bằng các hoạt động phục vụ du khách tham quan như chèo xuồng, gặt lúa ma, hái sen, bắt chuột đồng… để cải thiện đời sống

Ngoài việc bảo vệ hệ sinh thái, khắc phục môi trường sống cho các loài chim quý hiếm, hơn 200 hộ dân sinh sống xung quanh Vườn được chia thành 6 nhóm sử dụng tài nguyên. Theo WWF, mỗi mùa nước nổi (tháng 9-12), hơn 6.000 lượt người dân được phép vào khai thác thủy sản và các loại rau trên 6 lô với tổng diện tích là 900 ha trong Vườn. Việc hỗ trợ cho người dân vào sử dụng tài nguyên đã giúp tăng thu nhập cho mỗi hộ tham gia trung bình là 1,46 triệu đồng/tháng.

Ông Trần Văn Cứ (74 tuổi, ngụ ở Tam Nông) chia sẻ: “Từ ngày có tổ sử dụng tài nguyên, tôi là một trong những người đầu tiên đăng ký tham gia và vận động cả con rể làm cùng. Nhờ vậy mà đời sống đỡ khó khăn hơn trước nhiều”.

Là một trong những người đầu tiên được dự án hỗ trợ, cho phép đánh cá trong Vườn trong mùa nước lên, cuộc sống của ông Nguyễn Văn Cứ (trái) đã cải thiện

Còn anh Nguyễn Văn Trí (32 tuổi, ngụ ở Tam Nông), một trong những thành viên của tổ khai thác tài nguyên chia sẻ về những buổi tập huấn. Tại đó, cán bộ dự án hướng dẫn kĩ từng quy định của Vườn về cách thức, khu vực được phép khai thác, đối tượng khai thác của mỗi nhóm và các loại ngư cụ không được sử dụng. Đặc biệt, những loài cá không được phép đánh bắt, những khu vực nhạy cảm cần tránh xa, nơi ở của các loài chim… được cán bộ nhấn mạnh. “Lúc trước khó khăn nên làm gì có xuồng để chèo đi giăng lưới, toàn ngâm mình trong nước để bắt cá nên nước lũ về thì không thể đánh bắt được. Từ khi có dự án tài trợ, gia đình tôi được nhận 1 cái xuồng, 10 cái lờ và 125m lưới để hằng ngày vào Vườn khai thác. Cuộc sống được cải thiện rõ rệt”, anh vui mừng chia sẻ.

Gia đình anh Nguyễn Văn Trí và 50 hộ dân khác đã được dự án hỗ trợ ngư cụ, xuồng để tham gia khai thác thủy sản trong vườn

Bên cạnh đó, 25 hộ dân quanh Vườn còn được lựa chọn, tập huấn để tham gia các hoạt động phục vụ du khách như chèo thuyền, gặt lúa ma, kể chuyện, nấu ăn… vừa góp phần quảng bá du lịch sinh thái Tràm Chim, vừa tăng thêm thu nhập cho gia đình.

 

Từ ngày 25-27/9/2015, ngày hội Du lịch Đồng Tháp được tổ chức ngay tại Vườn Quốc Gia Tràm Chim với chủ đề “Tràm Chim mùa nước nổi”. Với nhiều hoạt động như cuộc thi các mô hình chim nghệ thuật, thi ảnh vẻ đẹp động – thực vật Tràm Chim, triển lãm ảnh 3D “Lạc vào Đồng Tháp Mười”… hứa hẹn sẽ là cơ hội phát triển du lịch tại địa phương này trong thời gian tới.