Xe bánh mì pate 80 năm tuổi "một tuần không ăn là nhớ"

Phạm An, Theo Trí Thức Trẻ 10:00 03/05/2015

Tại góc đường Huỳnh Khương Ninh, P.Đakao, Q.1, TP.HCM, tiệm bánh mì Bảy Hổ như quá quen thuộc với bà con nơi đây. Tiệm được truyền nghề qua ba thế hệ, nhưng mùi vị của bánh mì chưa bao giờ thay đổi.

Trải qua bao biến cố cuộc đời, không biết đã đi hết bao nhiêu tỉnh thành của Việt Nam, mỗi nơi ông Trần Văn Hậu lại chọn cho mình một nghề khác nhau, nhưng cuộc sống đều không như ý muốn. Năm 1945, ông đến Sài Gòn, ngày ngày ông nhận bánh mì không về bán, rong ruổi qua nhiều con đường. Rồi bất chợt một ngày, ông gặp được bà Lý Thị Tư ngồi bán xôi tại đường Ba Son (cũ). Qua một thời gian dài tìm hiểu, ông và bà nên duyên vợ chồng, trải qua những ngày tháng khó khăn, cuộc sống như đuổi hai người đến những chặng đường gian khổ. Trong lúc khốn khó, ông bà chuyển sang bán bánh mì kẹp thịt.

Ban đầu là chiếc xe đẩy nhỏ trên đầu đường Tây Hồ (cũ), dần dần ông chọn góc đường Huỳnh Khương Ninh để mở tiệm. Đến bây giờ, con cháu của ông không ai hiểu vì sao ông chọn tên Bảy Hổ để đặt cho cửa tiệm, nhưng mọi người vẫn quyết tâm phát triển đến ngày nay.


 Tiệm bánh mì Bảy Hổ lúc nào cũng đông khách đến mua.

Xe bánh mì của ông đã có mặt từ thời chiến, mặc dù là tiệm nhỏ, nhưng hễ học sinh, người già, người nghèo đến mua, ông Hậu đều tăng thêm phần thịt để động viên mọi người cùng cố gắng. "Chiến tranh thì phải tin là sẽ chiến thắng, hòa bình thì phải cùng nhau tăng gia sản xuất", ông Hậu nói với mọi người.

Cô Nga (hơn 50 tuổi, con gái thứ của ông Hậu), người từ nhỏ đã theo phụ việc và được ông truyền lại bí quyết trong nghề từ năm 20 tuổi, chia sẻ: “Ông sống luôn có lòng tin, từ xe đẩy bánh mì khiêm tốn, vô danh, ông được nhiều người ủng hộ, tiếng lành đồn xa, sản phẩm của nhà dần được mọi người biết đến, ông càng tin vào tay nghề của mình và có nhiều bí quyết trong nguyên liệu của bánh mì thịt. Có lẽ vì thế, tiếng tăm của bánh mì Bảy Hổ mới vững chắc như bây giờ”.


Với cô Nga, buôn bán phải hiểu ý khách hàng và nên nhớ sở thích thưởng thức của họ.

Trước khi ông Hậu mất, ông không ép ai theo nghề. Nhưng với ông, nghề bán bánh mì đã không phụ lòng khi giúp ông chăm lo cho 10 người con đủ đầy và thành đạt. Người là giáo viên, người trở thành luật sư,… nên ông mong muốn các con ông tiếp tục phát triển thương hiệu bánh mì này.

Cô Trần Lệ Sương (gần 60 tuổi, con gái ông Hậu) cho biết: “Sau khi cha mất, tôi từ bỏ nghề giáo viên để về giúp ông phát triển tiệm bánh mì, vì đây không những là tâm huyết của cha tôi, mà còn là nơi lưu giữ nhiều kỷ niệm đẹp. Bây giờ tôi đang truyền nghề cho con trai. Tôi đã định hướng cho nó đi làm ở Hàn Quốc, nhưng nó vẫn nhất quyết muốn phát triển nghề bánh mì, tôi rất tự hào về nó”.


Biết được di nguyện của cha, cô Sương đã xin nghỉ dạy để chuyên tâm phát triển tiệm bánh mì. Bánh mì Bảy Hổ nổi tiếng vì tất cả nguyên liệu được làm theo bí quyết gia truyền.


Anh Hồ Quốc Dũng (cháu ngoại ông Hậu) luôn vui vẻ với khách hàng.

Bánh mì Bảy Hổ nổi tiếng vì những nguyên liệu nơi đây như thịt, pate, gỏi chua,… đều được chế biến theo công thức gia truyền của ông Hậu để lại. Ổ bánh mì đặc ruột, nóng hổi, vừa béo, vừa thơm, bất kỳ người khách nào đã ăn một lần vẫn phải đến mua lần thứ hai. Nổi tiếng là thế nhưng tiệm bánh mì chỉ bán vào 14h đến khoảng 18h trong ngày, vừa mở cửa đã có nhiều khách chờ sẵn hết lượt này đến lượt khác.

Chú Nguyễn Chí Quang (53 tuổi, ngụ Q.2) cho biết: “Từ khi học lớp 11, cứ mỗi ngày đi học tôi đều để dành tiền để khi về ghé mua bánh mì của chú Hậu. Chú là người vui tính, yêu nghề và rất chiều khách hàng. Đặc biệt với những đứa học trò như chúng tôi ghé qua, chú Hậu đều cho thêm thịt và luôn khuyến khích chúng tôi học tập. Đến bây giờ, vợ con tôi cũng là “mối ruột” của xe bánh mì này, tuy chú Hậu đã mất nhưng mùi vị bánh mì vẫn vẹn nguyên, không ăn thì rất nhớ”.


Chú Quang nói vui rằng nếu tiệm bánh mì là siêu thị, thì chú là khách có thẻ vip tại đây.

Trên con hẻm nhỏ của tiệm, người người xếp hàng để chờ đến lượt mình, tiệm cũng có ba người luôn tay làm bánh, một người đứng thu tiền nhưng không xuể. Nhiều khách là thế, nhưng chủ tiệm bao giờ cũng biết ý của mỗi người, khách đến chỉ cần hô to số lượng bánh mì muốn mua là có được.

Cụ bà được mọi người quen gọi là dì Ba (84 tuổi, Q.1) bùi ngùi nhớ lại: “Bà ăn bánh mì của chú Hậu từ thời còn bé xíu, lúc đó để có tiền mua một ổ bánh mì kẹp thịt với bà rất khó khăn, nhưng hôm nào không có tiền, đứng nép một chỗ thì chú cũng gọi lại cho không. Thời đó chú thường đẩy xe đi bán, tiếng rao đến giờ như văng vẳng bên tai, giờ ăn để vừa đỡ thèm, vừa đỡ nhớ cái tuổi thơ đẹp đẽ ấy”.


Với dì Ba tiệm bánh mì của ông Hậu gắn liền với tuổi thơ của dì, mỗi lần đến đây dì đều cảm thấy rất quen thuộc.

Cũng theo dì Ba, hồi ấy chiến tranh cũng ác liệt lắm, vừa ăn bánh mì vừa nghe tiếng máy bay lượn qua lượn lại trên đầu. Mặc dù khu dì ở giặc đã không đánh đến nữa, thế nhưng mọi người vẫn chạy tìm nơi ẩn nấp, chỉ riêng chú Hậu đứng nhìn rồi lại tiếp tục làm bánh mì cho khách, vẫn cười vui vẻ như không có chuyện gì xảy ra.

Bánh mì Bảy Hổ tuy đã có thương hiệu từ rất lâu, nhưng giá bán luôn được lòng người mua, chỉ từ 8.000 đến 12.000 đồng/ổ nên khách rất ủng hộ. Có lẽ vì thế, người nước ngoài cũng tin tưởng và chọn bánh mì Bảy Hổ để thưởng thức. Họ thường nói vui rằng, nếu không ăn được bánh mì Bảy Hổ là chưa đến TP.HCM.

Ông Martin (đến từ New Zealand) cho biết: “Tôi dạy tiếng Anh cho người Việt ở thành phố này. Tôi thường dùng bánh mì Bảy Hổ thay cho bữa tối vì tôi quá bận rộn và không thể nấu ăn. Bánh mì ở đây rất ngon và rẻ. Chủ tiệm lại hòa nhã và vui tính”.


Bánh mì Bảy Hổ là "giải pháp" cho bữa tối của ông Martin.

Với lòng nhiệt huyết, sự quyết tâm của những thành viên trong gia đình, chắc chắn rằng xe bánh mì này không dừng lại ở tuổi 80 sẽ phát triển không ngừng, truyền qua nhiều thế hệ sau, và luôn đọng lại trong lòng người dân Sài Gòn những ký ức đẹp mỗi khi nhắc đến.
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày