Tình tiết "chưa khớp nhau" trong vụ nhặt được 5 triệu yen

Trí Thức Trẻ, Theo 15:58 02/05/2015

Những thông tin từ chị ve chai Huỳnh Thị Ánh Hồng, từ người bán loa thùng và bà Ngọt - người tự nhận là chủ nhân chiếc loa thùng chứa 5 triệu yen vẫn còn nhiều mâu thuẫn.



Bà Phạm Thị Ngọt (40 tuổi, ngụ H.Hóc Môn, TP.HCM) bất ngờ xuất hiện vào "phút 89" tự nhận là chủ nhân của chiếc loa thùng có chứa 5 triệu yen Nhậtchị ve chai Huỳnh Thị Ánh Hồng nhặt được.

Hàng loạt tình huống pháp luật được các chuyên gia đưa ra, vụ việc chưa biết khi nào có hồi kết.

Tuy nhiên, thông tin với báo giới trong nước, bà Ngọt (người nhận là chủ chiếc loa) - chị Hồng (người mua chiếc loa) và ông Hòa (người bán loa, cũng là anh họ bà Ngọt) có đưa ra nhiều tình tiết "chưa khớp nhau".

Theo thông tin trên tờ Người Lao Động, bà Ngọt cho biết, bên ngoài chiếc loa có màu xám tro làm bằng sắt, có một số khe nằm ở giữa loa, bên trong làm bằng gỗ, hình chữ nhật.

Tuy nhiên, chị Hồng thì miêu tả bên ngoài chiếc loa chị mua có màu gạch làm bằng gỗ, có 4 chân và có rất nhiều dây dẫn điện.

Cũng theo nguồn trên, chị Hồng thông tin rằng mua chiếc loa là ở giao lộ Trần Văn Quang – Âu Cơ (Q.Tân Bình). Bà Ngọt lại nói, anh họ của bà (ông Hòa) bán loa cho 1 người ve chai nói giọng miền Bắc tại hẻm 277, đường Hương Lộ 2 (P.Bình Trị Đông A, Q.Bình Tân).

Chia sẻ trên một tờ báo, bà Ngọt kể rằng, tháng 9/2013, khi dọn dẹp nhà, bà thấy chiếc máy nghe nhạc cũ của ông Caleb (chồng bà Ngọt, quốc tịch Nam Phi) bị hỏng. Sau đó khoảng tháng 11/2013, bà đưa máy nghe nhạc cho ông Hòa (anh họ của bà) để sử dụng.

Thế nhưng, thông tin với báo giới trong nước, ông Phạm Đức Hòa (52 tuổi, quê Bình Thuận, hiện ở đường Hương Lộ 2, P.Bình Trị Đông A, Q.Bình Tân) khẳng định, ông nhớ đó là loa nghe đài chứ không phải máy nghe nhạc như bà Ngọt nói.

Trong một diễn biến khác, theo tờ Tuổi Trẻ, có đến 2 người làm đơn nhận số tiền 5 triệu yen Nhật này là của họ và công an Q.Tân Bình đã bác đơn của một người đàn ông.

Hiện tại, số tiền 5 triệu yen vẫn do công an quận Tân Bình giữ.

Tuy nhiên, Thẩm phán Phạm Công Hùng (tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM) nhận định trên tờ Tuổi Trẻ rằng, trong vụ 5 triệu yen tìm thấy trong chiếc loa mua ve chai, thẩm quyền xử lý không thuộc về công an.

Vị này phân tích, theo khoản 2, điều 9 của nghị định số 96/2009 thì Sở Tài chính TP.HCM sẽ là nơi tiếp nhận, quản lý và xử lý tài sản 5 triệu yen này.

Theo đó, công an Tân Bình phải chuyển vụ việc này sang cho cơ quan tài chính giải quyết. Lúc này, cơ quan công an có chức năng tham mưu đối với cơ quan tài chính trong việc xử lý các thông tin tiếp theo.

Chị Huỳnh Thị Ánh Hồng

"Qua lễ 30/4 tôi sẽ lên Công an Q.Tân Bình, yêu cầu họ cho tôi một cái mốc thời gian cụ thể là sẽ giải quyết dứt điểm vụ việc này. Tôi không yêu cầu họ phải trả số tiền trên cho tôi, mà là yêu cầu công an nhanh chóng xác minh số tiền là của ai, để đỡ mất thời gian của chúng tôi. Hiện giờ vợ chồng tôi rất mệt mỏi với vụ việc này". (Theo Tuổi Trẻ)


Bà Phạm Thị Ngọt

"Tôi không chắc rằng số tiền đó là của chồng tôi nhưng tôi muốn nhờ công an làm rõ trắng đen, công bằng. Nếu may mắn đó đúng là số tiền của chồng tôi thất lạc thì phải được trả lại cho chủ sở hữu…”. (Theo Pháp luật TP.HCM)