Tàu Trung Quốc 3 lần tấn công tàu Việt Nam

Tuoitre.vn, Theo 08:40 08/05/2014

Chiều 7-5, Bộ Ngoại giao đã họp báo quốc tế về việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển Việt Nam, đồng thời công bố việc tàu Trung Quốc với máy bay yểm trợ đã ba lần hung hăng tấn công tàu Việt Nam.

Tại cuộc họp báo, ông Trần Duy Hải (phó chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia) cho biết lúc 5g22 ngày 1-5-2014, cơ quan chức năng Việt Nam (VN) phát hiện giàn khoan nước sâu Hai Yang Shi You 981 (mà VN vẫn thường gọi là HD981) và ba tàu dịch vụ dầu khí của phía Trung Quốc  (TQ) di chuyển từ tây bắc đảo Tri Tôn (thuộc quần đảo Hoàng Sa của VN) xuống phía nam. Đến 16g ngày 2-5, giàn khoan HD981 được thả trôi tại tọa độ 15029’58’’ vĩ Bắc - 111012’06’’ kinh Đông, phía nam đảo Tri Tôn, sâu vào trong thềm lục địa của VN 80 hải lý, cách đảo Lý Sơn 119 hải lý, cách bờ biển VN 130 hải lý. Trung Quốc đã hạ đặt giàn khoan này để tiến hành khoan thăm dò thềm lục địa của VN và huy động nhiều tàu bảo vệ đi cùng.


Tàu Trung Quốc xịt vòi rồng vào tàu Việt Nam - Ảnh: Cảnh sát biển Việt Nam


Quang cảnh buổi họp báo quốc tế chiều 7-5 - Ảnh: Nguyễn Khánh

Việt Nam đã nhiều lần lên tiếng

Theo ông Trần Duy Hải, trong những ngày qua phía VN đã nhiều lần lên tiếng, trao đổi với phía Trung Quốc về vụ việc trên (trong đó có tiếp xúc giữa đại diện Bộ Quốc phòng VN và tùy viên quân sự Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội, tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí VN đã gửi thư cho chủ tịch hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí hải dương Trung Quốc - CNOOC).

Bộ Ngoại giao VN đã có tám cuộc giao thiệp nghiêm túc với phía Trung Quốc tại Hà Nội và Bắc Kinh. Trong các cuộc giao thiệp, phía VN đã nhấn mạnh: “Khu vực giàn khoan HD981 và các tàu bảo vệ của Trung Quốc hoạt động hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của VN; hoạt động của giàn khoan và các tàu bảo vệ của Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của VN theo quy định của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982, vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông năm 2002 (DOC) và các thỏa thuận có liên quan khác giữa lãnh đạo cấp cao hai nước cũng như thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển VN - Trung Quốc. VN yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan nói trên và các tàu ra khỏi vùng biển của VN”.

Ông Hải nói về phía VN cũng đã đề nghị Trung Quốc giải quyết tranh chấp liên quan đến chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán tại biển Đông thông qua đàm phán và các biện pháp hòa bình, phù hợp luật pháp quốc tế, bao gồm Hiến chương Liên Hiệp Quốc và Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982. Trong khi đó, phía Trung Quốc cho rằng hoạt động của giàn khoan HD981 là hoạt động dầu khí bình thường của Trung Quốc ở khu vực phía nam đảo “Trung Kiến” (tức đảo Tri Tôn) thuộc quần đảo “Tây Sa” (tức quần đảo Hoàng Sa của VN), không liên quan gì đến thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của VN. Trung Quốc cũng cho rằng đây là khu vực thuộc vùng biển của quần đảo “Tây Sa” và hoạt động lần này là hoạt động thăm dò dầu khí bình thường trong vùng biển do Trung Quốc quản lý, “không có tranh chấp”. “Phía VN đã hoàn toàn bác bỏ và kiên quyết không chấp nhận quan điểm sai trái nêu trên của phía Trung Quốc” - ông Hải khẳng định.

Ông Hải nhấn mạnh việc phía Trung Quốc bất chấp giao thiệp của phía VN vẫn không rút giàn khoan nói trên cùng các tàu dịch vụ dầu khí và các tàu bảo vệ ra khỏi vùng biển của VN rõ ràng là hành động cố tình và có chủ ý xâm phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của VN đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của VN; cũng như đã vi phạm các quy định có liên quan của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982, trái với tinh thần và lời văn của DOC. Hành vi và thái độ của Trung Quốc cũng đi ngược lại các thỏa thuận và nhận thức chung giữa lãnh đạo hai nước và thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển VN - Trung Quốc. Các văn kiện này đều nhấn mạnh việc các bên cần kiềm chế, không làm phức tạp thêm tranh chấp và tiến hành đàm phán, thương lượng để giải quyết bất đồng.

Đồng thời, việc làm của Trung Quốc đã ảnh hưởng rất lớn đến sự tin cậy chính trị giữa hai nước, ảnh hưởng tiêu cực đến các diễn đàn đàm phán về các vấn đề trên biển giữa hai nước, trong đó có diễn đàn của nhóm bàn bạc về hợp tác cùng phát triển trên biển, tác động xấu đến tâm tư, tình cảm của nhân dân hai nước.




Tàu Trung Quốc xịt vòi rồng, hung hăng đâm thẳng vào tàu Việt Nam và làm rách mạn tàu - Ảnh: Cảnh sát biển VN cung cấp

3 lần tấn công

Theo ông Ngô Ngọc Thu (phó tư lệnh/tham mưu trưởng cảnh sát biển), lực lượng tham gia bảo vệ giàn khoan HD981 của Trung Quốc trong các ngày 2 và 3-5 khoảng 40 tàu các loại. Đến 12g ngày 7-5, Trung Quốc đã huy động lúc cao nhất 80 tàu các loại, trong đó có bảy tàu quân sự gồm: tàu hộ vệ tên lửa 534 và tàu tuần tiễu tên lửa tấn công nhanh số hiệu 753, cùng 33 tàu hải cảnh, hải giám, ngư chính và các tàu vận tải, tàu cá. Ngoài ra hằng ngày còn có hàng chục tốp máy bay hoạt động trên khu vực. Một nhóm tàu cá vũ trang và tàu quân sự đã vào cách đảo Lý Sơn 50-60 hải lý.

Ông Ngô Ngọc Thu cho biết khi các tàu thực thi pháp luật của VN ra kiểm tra, ngăn chặn việc xâm phạm trái phép của giàn khoan HD981, các tàu bảo vệ của Trung Quốc được sự yểm trợ của máy bay có hành động hung hăng, chủ động đâm thẳng vào các tàu, dùng vòi rồng có công suất lớn phun nước vào các tàu của VN nhằm làm hư hỏng tàu thuyền và các trang thiết bị trên tàu, gây thương tích cho thủy thủ trên tàu. Cụ thể:

* Lúc 8g10 ngày 3-5: tại tọa độ 15031’ vĩ Bắc - 111002’ kinh Đông (cách giàn khoan HD981 khoảng 10 hải lý), tàu hải cảnh 44044 chủ động đâm thẳng vào mạn phải tàu CSB4033, hậu quả làm cho tàu 4033 bị rách mạn phải chiều dài 3m, rộng 1m, làm hư hỏng máy phải và các trang thiết bị khác.

* Lúc 8g30 ngày 4-5: tàu hải cảnh 44103 chủ động đâm thẳng vào mạn trái tàu CSB2012; do tàu 2012 đã tăng tốc vòng tránh, nên vết đâm chỉ bị ở chính góc đuôi tàu mạn phải diện tích khoảng 1m2, làm hư hỏng một số trang thiết bị khác trên tàu.

Ngoài các tàu cảnh sát biển thì các tàu Trung Quốc còn chủ động đâm va, phun nước vào hàng chục tàu kiểm ngư và các tàu thực thi pháp luật khác của VN. Hậu quả làm hư hỏng các trang thiết bị trên tàu và làm bị thương một số thủy thủ VN.

* Lúc 12g ngày 7-5: tàu hải cảnh 3411 tiếp tục có hành động đâm vào tàu CSB8003. Trung Quốc sử dụng đồng thời máy bay số hiệu 8321 bay phía trên tàu CSB8003 nhằm uy hiếp các tàu VN. Đối với các tàu Trung Quốc được trang bị vũ khí đều mở bạt che súng, pháo để sẵn sàng sử dụng bất cứ lúc nào, gây nên tình trạng hết sức căng thẳng trên thực địa.

Ông Ngô Ngọc Thu khẳng định các lực lượng thực thi pháp luật của VN đã có mặt kịp thời tại hiện trường, thực hiện quyền kiểm tra, ngăn chặn hành động xâm phạm trái phép của giàn khoan và lực lượng tàu bảo vệ của Trung Quốc trong vùng biển của VN, phát tín hiệu yêu cầu giàn khoan và các tàu của Trung Quốc rời khỏi vùng biển của VN. Trong quá trình thực thi pháp luật trên biển, lực lượng của VN đã kiên trì, kiềm chế trước hành động hung hăng, ngang ngược của các tàu Trung Quốc. “Tới đây, lực lượng thực thi pháp luật của VN tiếp tục đấu tranh kiên quyết bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của VN tại quần đảo Hoàng Sa và vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa VN” - ông Thu nói.

Ông Ngô Ngọc Thu cũng đưa ra nhận định hành động hung hăng, ngang ngược của Trung Quốc đối với các tàu VN là việc làm vi phạm quyền chủ quyền, quyền tài phán của VN tại vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa VN, vi phạm nghiêm trọng pháp luật VN và luật pháp quốc tế; vi phạm thỏa thuận giải quyết các vấn đề trên biển Đông giữa các nước ASEAN và Trung Quốc (DOC). Khu vực xâm phạm của Trung Quốc nằm trên tuyến hàng hải quốc tế đi qua vùng đặc quyền kinh tế của VN đe dọa nghiêm trọng đến an ninh, an toàn hàng hải, ảnh hưởng đến các nước trong khu vực và các nước trên thế giới. Việc làm sai trái trên của Trung Quốc làm ảnh hưởng đến mối quan hệ và thỏa thuận cấp cao giữa VN - Trung Quốc, gây mất lòng tin của hai nước và quốc tế.


Tàu Trung Quốc ép, xịt vòi rồng và đâm thẳng vào tàu Việt Nam - Ảnh cắt từ video

Tàu kiểm ngư Việt Nam bị uy hiếp

Phát biểu tại cuộc họp báo, ông Ngô Mai Thịnh (đại diện Cục Kiểm ngư, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) cho biết ngày 1-5 các tàu kiểm ngư đang thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, thanh tra thủy sản trên vùng đặc quyền kinh tế của VN thì phát hiện giàn khoan HD981. Trong khi các tàu kiểm ngư (KN 761, 762, 763, 764, 765, 628, 629, 766, 767, 768, 769, 770) tuyên truyền, ngăn cản, xua đuổi hành vi vi phạm chủ quyền nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của VN thì Trung Quốc vẫn tiếp tục có nhiều hành động vi phạm, đồng thời tăng cường lực lượng đến bảo vệ nhằm đạt được mục đích hạ đặt giàn khoan để khoan thăm dò (ngày 2-5 có 27 tàu bảo vệ, ngày 3-5 có 37 tàu bảo vệ; đến 11g ngày 3-5 có 46 tàu bảo vệ, ngày 5-5 có 66 tàu bảo vệ). Lực lượng của Trung Quốc đã tiếp cận có hành động mở bạt pháo đe dọa, uy hiếp các tàu kiểm ngư đang thực hiện nhiệm vụ trên biển ở khu vực trên. Cụ thể các tàu hải cảnh chủ động húc đẩy, đâm va với tốc độ cao, góc tiếp cận lớn, rú còi, chiếu đèn pha, phun nước áp lực cao làm hư hại các tàu kiểm ngư VN.

Theo ông Ngô Mai Thịnh, lực lượng kiểm ngư đã thực hiện đúng chức năng bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của quốc gia trên các vùng biển theo quy định của pháp luật. Kiểm ngư đã phối hợp với lực lượng cảnh sát biển kiên quyết đấu tranh để giữ vững chủ quyền và kiềm chế không để xảy ra xung đột, giữ môi trường hòa bình, ổn định trên biển. “Hiện nay chúng tôi đang tiếp tục bằng mọi biện pháp đấu tranh buộc giàn khoan của Trung Quốc phải rời khỏi vùng biển VN” - ông Thịnh nói.

Ông ĐẶNG CÔNG NGỮ (nguyên chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa, Đà Nẵng):

Vi phạm nghiêm trọng pháp luật quốc tế

Qua thông tin từ mấy ngày qua và đặc biệt là những hình ảnh, bằng chứng đưa ra tại cuộc họp báo chiều 7-5, tôi hết sức bức xúc, căm phẫn về hành động xâm phạm chủ quyền trắng trợn của Trung Quốc. Thái độ của các tàu Trung Quốc là quá hung hăng, vi phạm nghiêm trọng pháp luật quốc tế về Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982, công ước quy định giải quyết mọi vấn đề trên biển theo phương pháp hòa bình, nhưng lần này Trung Quốc đã đi ngược lại điều họ đã tham gia ký kết.

Nếu nhìn lại lịch sử qua các sự kiện Trung Quốc âm mưu và xâm chiếm Hoàng Sa năm 1956, 1974, Trường Sa năm 1988 thì có thể thấy đây là hành động có tính toán, nằm trong chiến lược mở rộng cương giới của Trung Quốc. Những điều trong mấy ngày qua Trung Quốc đưa ra để ngụy biện cho hành động xâm phạm chủ quyền trắng trợn của mình là quá phi lý. Đây là thói trịch thượng của một nước lớn để xâm phạm lãnh thổ của Việt Nam.

Xin nói thẳng rằng với truyền thống của dân tộc Việt Nam, ai đến xâm phạm lãnh thổ của ta thì ắt sẽ bị cả dân tộc ta đứng lên ngăn chặn. Nhưng trong lúc này ta phải có sách lược và không bao giờ khoan nhượng. Nếu chúng ta để Trung Quốc cắm giàn khoan HD981 ở đó thì khác nào họ đã cắm được cột mốc. Chúng ta phải kiên quyết, quyết liệt chứ không được thỏa hiệp. Tôi đánh giá hành động phản ứng vừa rồi của Việt Nam là kịp thời, tương đối mạnh mẽ. Ngoài đấu tranh ngoại giao, chúng ta phải làm sao để dân ta hiểu được tình hình hiện nay là rất phức tạp. Đồng thời có thông tin, tiếng nói mạnh mẽ, rõ ràng để toàn thế giới biết âm mưu, hành động hung hăng, xâm phạm chủ quyền Việt Nam của Trung Quốc.

HỮU KHÁ ghi


6 kiểm ngư viên Việt Nam bị thương

Tàu Trung Quốc 3 lần tấn công tàu Việt Nam 3

* Bị thương nhưng vẫn bám hiện trường

Tại cuộc họp báo chiều 7-5, đại tá Ngô Ngọc Thu (phó tư lệnh, tham mưu trưởng Cảnh sát biển Việt Nam) cho biết Trung Quốc đã chủ động đâm va và sử dụng các loại trang bị trên tàu để bắn, phun nước vào tàu Việt Nam. Cho đến thời điểm này chưa có người nào chết trên biển. Có sáu kiểm ngư viên Việt Nam bị mảnh kính vỡ văng vào gây bị thương ở các phần mềm.

Chiều 7-5, trao đổi với Tuổi Trẻ, trung tá Lê Trọng Phổ, chủ nhiệm chính trị Vùng 2 cảnh sát biển, cho biết tàu CSB 4033 (thuộc Vùng 2 cảnh sát biển quản lý) sau khi bị thương do va chạm với tàu Trung Quốc vẫn tiếp tục cùng các đồng đội bám hiện trường. Theo trung tá Lê Trọng Phổ, chỉ huy tàu CSB 4033 là thượng úy Lê Trung Thành (28 tuổi, quê ở Quảng Ngãi) và tàu 4033 là tàu hiện đại nhất của Vùng 2 cảnh sát biển. Tàu CSB 4033 có công suất 16.000 mã lực với tầm hoạt động trên biển 2.500 - 3.000 hải lý.

Tối 7-5, trao đổi với Tuổi Trẻ, chuẩn đô đốc Ngô Sĩ Quyết - tư lệnh Vùng 3 hải quân - cho biết hiện sức khỏe của sáu kiểm ngư viên bị thương trong vụ đụng độ với tàu Trung Quốc đã cơ bản ổn định. Hiện toàn bộ lực lượng kiểm ngư và cảnh sát biển, kể cả số bị thương, đều phải bám trụ tại hiện trường để đấu tranh đến cùng với mục đích không cho phía Trung Quốc tiếp tục lấn sâu và tìm cách triển khai các phương án nhằm ổn định giàn khoan HD981.

“Chúng ta kiên quyết không nhân nhượng. Chúng ta rất yêu chuộng hòa bình, vậy nên chúng ta kiên định đấu tranh bằng nhiều phương pháp để đẩy đuổi các tàu Trung Quốc cũng như giàn khoan ra khỏi hải phận Việt Nam. Phải cố gắng không để xảy ra đổ máu nhưng vẫn đảm bảo trọn vẹn chủ quyền lãnh thổ” - chuẩn đô đốc Ngô Sĩ Quyết xác định. Cũng theo ông Quyết, các tàu CSB của Vùng 2 cảnh sát biển bị hư hỏng trong các vụ va chạm trước đó đã khắc phục một phần và đang tiếp tục bám trụ, hợp lực cùng đồng đội của mình.

20g tối 7-5, Tuổi Trẻ đã liên lạc với đại tá Ngô Ngọc Thu để cập nhật tình hình. Đại tá Thu nói: “Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam và các lực lượng thực thi pháp luật trên biển đã, đang và sẽ tiếp tục sẵn sàng ở mức cao nhất hoạt động trên biển. Xin cảm ơn sự quan tâm chia sẻ động viên của các tầng lớp nhân dân đến các lực lượng. Chúng tôi sẽ nỗ lực hết sức mình để thực hiện nhiệm vụ và trách nhiệm của mình”. Đại tá Thu cho biết 8g sáng nay (8-5) tiếp tục cập nhật những thông tin về số lượng tàu của Trung Quốc tập kết đến khu vực giàn khoan HD981.

“Ngoài sáu kiểm ngư viên của ta bị thương do kính văng thì đến thời điểm hiện nay hi vọng sẽ không có thêm ai bị thương nữa” - ông Thu bày tỏ. Đại tá Ngô Ngọc Thu nhấn mạnh: “Trong quá trình thực thi pháp luật trên biển, chúng tôi phải có giải pháp thật cụ thể để bảo vệ anh em và tiếp tục kiên quyết bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam”.

L.THANH - V.V.THÀNH - Đ.NAM


Ngư dân Quảng Ngãi vẫn quyết ra khơi

Liên quan đến việc Trung Quốc đưa giàn khoan vào vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam, ngày 7-5 ngư dân Nguyễn Anh Tuấn (xã Nghĩa An, huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi) cho biết ông và nhiều ngư dân khác đều nắm được thông tin này và rất bức xúc. Ông nói thêm: “Vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam bao đời nay, tàu tôi chuẩn bị đi Hoàng Sa đánh bắt và sẽ tiếp tục đi đánh bắt bình thường. Vùng biển của mình nên không sợ gì cả”. Theo ông Tuấn, ở vị trí mà Trung Quốc định đặt giàn khoan bất hợp pháp thường có rất đông ngư dân Quảng Ngãi hành nghề tại đây. Ở vị trí này nước không sâu lắm nên ngư dân Quảng Ngãi thường đến khu vực này hành nghề lặn và nghề câu cá ngừ đại dương. “Hiện việc đánh bắt cũng rất khó khăn nhưng vì miếng cơm manh áo, vì chủ quyền lãnh hải của đất nước, chúng tôi vẫn ra khơi khai thác” - ông Tuấn khẳng định.

Vừa cập đảo Lý Sơn sáng 7-5, ngư dân Phùng Được (thôn Tây, xã An Hải, huyện Lý Sơn, Quảng Ngãi) đi trên tàu cá QNg 96047 cho biết khi kết thúc chuyến đi biển ở Hoàng Sa trở về thì phát hiện giàn khoan của Trung Quốc đặt ngay hành trình về đảo Lý Sơn. Mỗi chuyến biển từ Lý Sơn ra Hoàng Sa hay ngược lại mấy ngày qua ngư dân đều đi qua khu vực này và phải giữ khoảng cách 5-7 hải lý. Ông Được cho biết vì nếu đi gần khu vực này sẽ bị tàu Trung Quốc rượt đuổi, lấy tài sản. Với hải trình như thế thì ngư dân tốn thêm nhiên liệu, không thể chấp nhận sự phi lý này.

Cũng từ ngư trường Hoàng Sa trở về, ngư dân Bùi Văn Phải (ở xã An Hải, thuyền trưởng tàu cá QNg 96169) cho rằng: “Ngư dân vươn khơi gặp khó vì tiêu tốn nhiên liệu, cản trở quá trình hành nghề trên vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam”. Nhưng ông Phải cũng nói sẽ tiếp tục ra khơi và mong muốn Nhà nước can thiệp để ngư dân an tâm đánh bắt.

Ông Nguyễn Quốc Chinh - chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá An Hải, huyện Lý Sơn - nêu quan điểm thẳng thừng: “Hoàng Sa và Trường Sa là hai ngư trường chính truyền thống bao đời nay của ngư dân Việt Nam, là vùng biển của Việt Nam. Ngư dân trong nghiệp đoàn nghề cá vẫn tiếp tục cho tàu thuyền ra đánh bắt bình thường ở vùng biển xa bờ Hoàng Sa, Trường Sa của Tổ quốc. Nghiệp đoàn kêu gọi các ngư dân tiếp tục vươn khơi bám biển Hoàng Sa làm kinh tế và bảo vệ chủ quyền Tổ quốc, không nhụt chí vì hành động phi lý này”. Nghiệp đoàn đã báo cáo lên Bộ tư lệnh Vùng 3 hải quân và tỉnh Quảng Ngãi để báo cáo lên trung ương sớm có hướng giải quyết giúp ngư dân vươn khơi ra vùng biển Hoàng Sa được thuận lợi hơn.

VÕ MINH - TUYẾT MA