Phố người Hoa ở Sài Gòn đón Tết âm lịch như thế nào?

Tứ Quý, Theo Trí Thức Trẻ 10:00 09/02/2016

Cộng đồng người Hoa ở Sài Gòn cũng có những phong tục đón Tết nguyên đán rất đặc sắc, thú vị.

Ở TP. HCM hiện có khoảng 500.000 người Việt gốc Hoa sinh sống rải rác ở các quận, huyện nhưng tập trung đông nhất là ở quận 5. Giữa một Sài Gòn phồn hoa với nhiều thay đổi không ngừng nhưng những nghi lễ đón Tết Nguyên đán truyền thống của người Hoa ở nơi đây vẫn được gìn giữ, bảo lưu một cách đầy đủ và trọn vẹn.

Cũng giống như người Việt, sau ngày 23 tháng Chạp, các khu phố của người Hoa ở Chợ Lớn (quận 5) bắt đầu trang trí đón Tết.

Phố người Hoa ở Sài Gòn đón Tết âm lịch như thế nào? - Ảnh 1.

Cả khu phố người Hoa vẫn luôn nhộn nhịp với các cửa hàng kinh doanh ngày Tết.

Trong nhà người Hoa thường dán câu đối liễn. Đến Tết, họ thay câu đối liễn mới, giấy đỏ chữ vàng, nội dung thường mang thông điệp tốt lành như Xuất nhập bình an, Tân xuân đại cát hay Khai công đại cát để lấy hên với quan niệm phát lộc đầu năm để cầu mua may, bán đắt, phát lộc, phát tài trong năm mới.

Từ thời điểm đó, các khu phố người Hoa sinh sống bắt đầu rộn ràng cho đến những ngày Tết. "Trong phong tục cúng ông Táo thì người Hoa không cúng vào ngày 23 tháng Chạp như người Việt mà đến tận ngày 24 tháng chạp mới cúng với tên gọi là Lễ tạ Táo. Trong mâm cúng tiễn ông Táo về trời thì mới giống người Việt", ông Kim Quỳnh Thành (người Hoa gốc Quảng Đông) cho biết.

Bên cạnh đó, phong tục cúng giao thừa của người Hoa cũng khác nhiều với người Việt. Ông Thành cho biết thêm, tục cúng giao thừa của người Hoa với mong ước một năm mới phát tài, sung túc, gặp nhiều may mắn, sức khoẻ dồi dào.

"Bánh bao, bánh tổ, trái cây (quýt) và gà, vịt quay là những món chính. Ngoài ra còn có lạp xưởng, lạp dục, cải xà lách xanh được bày cúng trong mâm cỗ vào mồng 2", ông Thành chia sẻ.

Phố người Hoa ở Sài Gòn đón Tết âm lịch như thế nào? - Ảnh 2.

Tại các chùa như chùa Bà (thờ Thiên Hậu thánh mẫu), chùa Ông (còn gọi là Hội quán Nghĩa An, thờ Quan Công), chùa ông Bổn (thờ Trịnh Hoà) tấp nập người ra vào cầu phước.

Phố người Hoa ở Sài Gòn đón Tết âm lịch như thế nào? - Ảnh 3.

Mua bùa bình an theo tuổi với giá 10.000 đồng/bùa.

Phố người Hoa ở Sài Gòn đón Tết âm lịch như thế nào? - Ảnh 4.

Bánh tổ và bánh củ cải là hai món ăn gần như không thể thiếu trong ngày tết của người Hoa gốc Triều Châu trong ngày Tết.

Trong khi đó, khi bước qua những ngày đầu năm mới không khí ngày Tết lại rộn ràng tấp nập hơn khi từ sáng mồng 1 Tết, một số các hàng quán ăn uống khu quận 5 đã mở cửa. Đến mồng 2 thì hầu như tất cả các cửa hàng của phố người hoa đều mở cửa kinh doanh "lấy hên ngày đầu năm".

Phố người Hoa ở Sài Gòn đón Tết âm lịch như thế nào? - Ảnh 5.

Chiều mồng 1 Tết tại đường Lương Nhữ Học (quận 5) có nhiều hàng quán đã mở bán.

Theo phong tục của người Hoa, múa lân và trống khai trương là những thủ tục không thể thiếu trong hoạt động này vì thế trong 3 ngày Tết cả khu phố luôn rộn ràng tiếng trống lân.

Phố người Hoa ở Sài Gòn đón Tết âm lịch như thế nào? - Ảnh 6.

Màu đỏ tượng trưng cho may mắn luôn được người Hoa chọn để trang trí nhà cửa.

Phố người Hoa ở Sài Gòn đón Tết âm lịch như thế nào? - Ảnh 7.

Rộn ràng với những đoàn múa lân trên các tuyến phố trong khu người Hoa.

Phố người Hoa ở Sài Gòn đón Tết âm lịch như thế nào? - Ảnh 8.

Đường phố luôn đông người mỗi khi đoàn múa lân đi qua.

Phố người Hoa ở Sài Gòn đón Tết âm lịch như thế nào? - Ảnh 9.

Các tuyến đường chính trong khu phố người hoa sinh sống đều được trang trí lồng đèn đón Tết.

Ngoài ra, trong ngày mùng 1, rất nhiều gia đình người Hoa đi chùa cầu bình an, may mắn. Giống người Việt, người Hoa cũng hầu như rất hiếm khi đến nhà người khác thăm viếng, chúc tụng trong ngày mùng 1 vì họ sợ sẽ mang điều không may đến cho gia chủ trong năm mới. Thay vào đó, sau khi lễ chùa họ cùng ra đường xem múa lân.

Có thể nhận thấy, phong tục đón Tết của người Hoa trong ngày này luôn rất rộn ràng, náo nhiệt bởi các lễ nghi đặc sắc xen lẫn với đèn hoa trang trí rực rỡ trên khu phố của riêng họ.