Những người phụ nữ không biết đến giấc ngủ đêm

Khương Mỹ, Theo Trí Thức Trẻ 16:12 08/03/2015

Nén lòng xa gia đình, cả cuộc đời chưa bao giờ biết đến niềm vui của ngày 8/3, họ - những người phụ nữ bám cảng cá vì miếng cơm manh áo, bất kể mưa nắng vẫn vất vả mưu sinh từ khi mặt trời còn chưa ló rạng, đến khi mặt trời lặn.

Hôm nay, ngày mà cả thế giới tôn vinh vẻ đẹp của người phụ nữ, trong khi nhiều chị em đang hân hoan, tràn ngập trong hoa, quà tặng cùng những lời chúc thì vẫn còn không ít "phận hồng nhan" không biết ngày 8/3 là gì. Bởi ngày 8/3 cũng như bao ngày bình thường khác, họ vẫn phải tất tả với gánh nặng mưu sinh từ sáng sớm đến tối mịt. Họ không mong ước sẽ nhận được những bó hoa hay món quà mà chỉ cầu mong sao mình có sức khỏe để lao động kiếm tiền lo cho đàn con ăn học, giúp cuộc sống gia đình vơi bớt khốn khó, nhọc nhằn.

Có mặt tại cảng cá Thọ Quang (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) lúc 0h sáng, trong cái se lạnh của gió biển đêm khuya, hình ảnh người phụ nữ gồng mình với những đôi quang gánh nặng trĩu trên vai đang bước đi thoăn thoắt, quả thực nhiều người không tránh khỏi xúc động.

Như một chu kỳ, cứ đúng 0h sáng, khi thành phố vẫn đang chìm trong giấc ngủ, những người phụ nữ ở cảng cá phải tất tưởi với công việc nặng nhọc mưu sinh. Trong thời gian chờ tàu thuyền đánh cá cập bến, họ tranh thủ chợp mắt vài phút hiếm hoi.


Dạt trôi về cảng, họ nhập cuộc mưu sinh bằng chính sức lực của mình. Nhận chở một ghe cá đầy ắp, họ được trả công khoảng 20.000 đến 40.000 đồng cho mỗi chuyến.


 Khi trời rạng sáng cũng là lúc hoạt động mua bán bắt đầu diễn ra nhộn nhịp.


Sau khi chuyển cá lên bờ, những nữ phu cá với thân hình gầy còm, người nhỏ thó lại bắt bắt đầu công việc quen thuộc của mình...

Những gương mặt hốc hác, những đôi mắt thâm quầng vì thiếu ngủ, những cái ngáp vặt không kịp che miệng vẫn không ngăn cản đôi chân họ bước đi và đôi tay vẫn kéo theo những ký cá nặng trĩu. Mỗi lượt gánh cá từ dưới cảng lên đến chợ họ được trả 1.000 đến 3.000 đồng.


Với thâm niên 20 năm trong nghề, cô Trần thị Hoa (Thăng Bình, Quảng Nam) là một trong những người gánh cá thuê làm việc lâu năm nhất ở cảng cá Thọ Quang này. Cuộc sống cơ cực với đứa con trai tật nguyền, người chồng quanh năm đau yếu cùng nỗi lo cơm áo gạo tiền đè nặng trên vai khiến cô già hơn rất nhiều so với cái tuổi 42 của mình.

Thấy chúng tôi chụp hình, một người phụ nữ dáng người nhỏ thó cười nói: "Gánh cá cả đêm người hôi hám mà chụp ảnh làm gì chú ơi!”. Hỏi ra mới biết, chị là Lê Thị Tứ, từ Thanh Hóa vào đây làm phu cá để kiếm tiền nuôi 2 đứa con đang học đại học ở TP Đà Nẵng. Mắt trũng sâu vì mệt mỏi, chị Tứ bảo nghề này cực lắm, nhưng vì cuộc sống, chị chấp nhận.


Khi công việc gánh cá đã xong, họ cố nán lại nhặt hải sản cho các tiểu thương để kiếm thêm thu nhập.


Cách đó không xa, ở bãi biển, những phu nước bắt đầu công việc quen thuộc của mình. Mỗi gánh nước nặng trĩu bán cho các tiểu thương rửa cá, nữ phu nước được trả từ 2.000 đến 3.000 đồng.


Mong mỏi lớn nhất của họ là chờ mặt trời lên để tìm chút hơi ấm bắt đầu một ngày mới với hy vọng về một cuộc sống ấm no cho gia đình...
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày