Những “cục tức nghẹn họng” khi đi ăn trên Phố Cổ

Sứ Giao, Theo Pháp luật xã hội 00:12 09/02/2014

Không chỉ đắt đỏ với giá cả trên trời vào dịp Tết, mà thái độ phục vụ của một vài nhà hàng, quán xá trên Phố Cổ cũng khiến du khách "phát khiếp".

Ở thời điểm đầu năm mới, việc đi chơi xuân hay bị “chặt chém” với giá cả trên trời đã trở thành “từ điển bỏ túi” của người dân Hà Nội. Mặc dù năm nay, hiện tượng “chặt thái quá” không quá nhiều, các hàng quán chỉ tăng giá phải chăng vào mùng 1, mùng 2, nhưng vẫn tồn tại một vài nơi trên khu vực Phố Cổ có cách tính tiền và phục vụ khiến du khách phải hoảng hốt nếu lỡ ghé chân.

Khoảng 1h sáng ngày mùng 2, sau chuyến đi chơi Tết muộn, anh Tú (Gia Lâm, Hà Nội) rẽ vào một quán bún hải sản đêm ở phố Hàng Gà để lót dạ trước khi về nhà. Hàng bún này không có gì đặc biệt so với các quán vỉa hè bán ngày Tết khác đang chăng dòng chữ “Bún phố cổ”, có điều là hàng mở muộn vào ban đêm, lại bày đồ khá bắt mắt nên anh Tú dừng chân, gọi một bán bún tôm.

Những “cục tức nghẹn họng” khi đi ăn trên Phố Cổ 1
Hàng bún với giá 200.000 - 250.000 đồng/bát bún tôm

Dù lường trước giá cả ngày Tết đắt đỏ, nhưng lúc tính tiền, anh Tú không khỏi “phát hoảng” khi bà chủ thét giá: 250.000 đồng cho 1 bát lèo tèo vài cọng bún, 3 - 4 miếng đậu và duy nhất 1 con tôm. Tuy là dạng tôm sú, nhưng để trả 250.000 đồng cho bát bún này, anh Tú đã bị “dừng hình” khoảng 10 phút.

Không chỉ có anh Tú là “nạn nhân” của vụ chặt chém, mà chị P.N (ở Quan Nhân, Hà Nội) cũng bị hàng bún hải sản này thét giá 200.000 đồng cho bát bún có duy nhất 1 con tôm vào tối mùng 3. Lý do của bà chủ là “tôm sú to, giá 1 con tôm đã gần 200.000 đồng rồi”. Chị P.N bức xúc cho biết: “Con tôm không quá to, bún thì lèo tèo, cái bát bé tí, biết là bún hải sản nhưng chặt 200.000 đồng/bát thế này quá là ăn cục tức vào cổ. Giả dụ ăn thêm hải sản chắc tính tiền còn đội lên nữa. Có lẽ tại họ chăng biển là “Bún phố cổ” nên giá cũng phải tăng vọt lên?”.

Nằm trên tầng 4 của tòa nhà trung tâm trên phố Đinh Tiên Hoàng ngay cạnh Hồ Gươm phồn hoa là một nhà hàng bán đồ Hàn Quốc nổi tiếng. Du khách khi tới đây cũng hiểu, với vị trí đẹp như thế thì không nên bàn tới giá cả, có chênh hơn một chút so với nơi khác cũng dễ hiểu. Thế nhưng, điều khiến nhà hàng này nổi tiếng lại không phải nhờ món ngon đặc trưng, mà chính là thái độ phục vụ “có một không hai” của nhân viên.

Mùng 6 Tết, nhân dịp đi làm khai xuân, chị Hương cùng đồng nghiệp tới nhà hàng này dùng bữa trưa. Sau khi gọi món xong xuôi, một cô nhân viên khi bê kim chi ra đã đặt lên bàn quá mạnh tay, khiến kim chi quệt vào áo khách. Một mảng áo trắng của chị Hương chuyển ngay thành màu da cam. Sau khi lau không hết vết bẩn, chị Hương đã gọi nhân viên này tới để nhắc nhở cẩn thận hơn.

Thế nhưng thay vì xin lỗi chị, cô nhân viên này mặt sưng xỉa thái độ rồi… quay lưng đi thẳng. Quá bức xúc, chị Hương yêu cầu quản lý nhắc nhở phục vụ thì chỉ nhận vài cái gật đầu, sau đó quản lý cũng “tiếp bước quay đi”. Trước thái độ khó hiểu của cả nhân viên lẫn quản lý, chị Hương và đồng nghiệp chỉ biết than trời rồi bấm nhau dùng xong bữa kẻo lại “xơi” phải vật thể lạ trong món ăn nếu nhân viên trả thù.

Những “cục tức nghẹn họng” khi đi ăn trên Phố Cổ 2
Nhà hàng Hàn Quốc, nơi chị Hương phản ánh về thái độ không đúng mực của nhân viên phục vụ


Điều khiến chị Hương không khỏi bức xúc, là nhà hàng Hàn Quốc này có thêm cơ sở khác ở Láng Hạ nhưng phong cách phục vụ khác hẳn, rất chuyên nghiệp và chu đáo. “Không biết có phải vì cậy ở Phố Cổ nên họ lên mặt, liên tục thái độ với khách, nhắc nhở thì mặt vênh lên quay lưng đi thẳng?”, chị Hương thắc mắc.

Chị Quỳnh Anh, một thực khách khác cũng từng “được” nhân viên ở nhà hàng này phục vụ, lên tiếng: “Ăn quán này ở địa điểm này 1 lần mà mãi mãi không có lần 2. Phục vụ thái độ, khách hỏi đồ còn gắt gỏng. Bàn thì bẩn, không gian nhếch nhác. Không hiểu sao cả chuỗi nhà hàng mì Hàn Quốc mà lại để cho cái địa điểm này làm hỏng hết cả”. Chị Quỳnh Anh cũng là khách hàng thường xuyên của nhà hàng Hàn Quốc này ở cơ sở Láng Hạ, nhưng nếu phải chuyển lên cơ sở ở Đinh Tiên Hoàng, nhất định chị từ chối vì “Tuy cùng là một thương hiệu, nhưng lên Phố Cổ đã thấy phục vụ không thể chấp nhận nổi”.

Với nhiều người, bước chân lên Phố Cổ đồng nghĩa với việc chi nhiều tiền hơn cho một món ăn, thức uống mà ở khu vực khác có thể sẽ rẻ hơn nhiều. Thế nhưng họ vẫn chấp nhận giá cả đắt đỏ, miễn sao chất lượng phải tương đương hoặc cung cách phục vụ dễ chịu, chứ không phải ôm cả “cục tức” vào người như những thực khách nói trên.

Chị Hương, thực khách bị nhân viên nhà hàng Hàn Quốc bôi bẩn vào áo, cho biết: “Một câu xin lỗi khách không là gì, nhưng nhân viên nhất định không nói, mà vênh mặt lên thái độ. Quản lý đáng lẽ phải thay mặt nhân viên thì lại lờ đi, coi như chuyện vớ vẩn. Tôi có cảm giác họ nghĩ khách tới ăn thì phải chịu, không thì đi chỗ khác mà ăn. Với cung cách làm việc như thế, kể cả ở Phố Cổ thì họ vẫn không thể khá được!”.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày