Nhà sử học Dương Trung Quốc: Tôi muốn thấy tượng đài của một vị nhân tướng

Lao Động, Theo 11:13 11/10/2013

Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng việc đặt tên đường, quảng trường hay tượng đài Võ Nguyên Giáp là cần thiết, nhưng không được nóng vội. Quan trọng nhất là phải lựa chọn được đúng nơi, đúng chỗ và thể hiện đúng tầm.

Nhà sử học Dương Trung Quốc: Tôi muốn thấy tượng đài của một vị nhân tướng 1
Nhà sử học Dương Trung Quốc: Tôi muốn thấy tượng đài của một vị nhân tướng

- Theo ông, con đường nào ở Hà Nội xứng tầm để đặt tên Đại tướng?

- Việc đặt tên những nhân vật lịch sử cho đường phố là một hình thức tôn vinh và trở thành tập quán xã hội.

Việc đặt tên đường Võ Nguyên Giáp đã được nêu lên từ rất sớm. Đương nhiên, trường hợp của Đại tướng không thể đưa vào những quy chuẩn bình thường như sau khi mất 10 năm, mà nên làm càng sớm càng tốt. Nhưng cái khó là phải xem quỹ đường đang có để chọn đường nào cho phù hợp.

Lý tưởng thì con đường đó đi nên qua những nơi có liên quan đến Đại tướng, hoặc có quy mô tương xứng với tầm vóc lịch sử của ông. Đây là bài toán không đơn giản, vừa phải thỏa mãn yêu cầu đề ra, vừa phải phù hợp với thực tế.

Tôi thấy dư luận nói đến một con đường đang hình thành đi lên phía bắc, cũng là cửa ngõ đi lên chiến khu năm xưa, đó là đường Nhật Tân - Nội Bài. Cũng có người nói về con đường đang xây dựng hướng về phía tây, hướng tây bắc Điện Biên Phủ. Mỗi con đường đều có ý nghĩa của nó, tôi cho rằng việc này nên trao quyền cho các cơ quan có trách nhiệm và tin tưởng họ.

- Ông vừa nói nên đặt tên đường ở những nơi liên quan đến Đại tướng, chẳng hạn như gần khu vực Đại tướng sống và làm việc. Nhưng những con đường đó đã có tên từ bao năm nay. Vậy có nên đổi tên không?

- Theo tôi không nên đổi tên, vì đổi tên rất phức tạp. Chẳng hạn như đường Bắc Sơn, tên cũ bản thân nó đã có giá trị. Đường Hoàng Diệu là nơi Đại tướng gắn bó hơn nửa thế kỷ, nhưng đã có tên từ rất lâu rồi, không nên thay đổi, vì việc thay đổi sẽ dẫn tới giá trị này sẽ thay bằng giá trị khác. Hoàng Diệu hay Bắc Sơn đều là những tên có giá trị lịch sử. Ngoài ra, việc đổi tên còn đem lại những phiền toái về mặt hành chính. Vậy nên, tôi mới nói việc đặt tên người cho phố cần phải suy nghĩ rất thấu đáo.

- Vậy đối với việc đặt tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho quảng trường, ông có gợi ý gì không?

- Quảng trường cũng phải có không gian thích hợp và có liên quan. Tôi chưa hình dung ra quảng trường nào ở Hà Nội cả.

- Vấn đề tạc tượng Đại tướng thì sao, thưa ông?

- Tượng cũng là một ngôn ngữ tôn vinh, nhưng người Việt Nam trong truyền thống chỉ có tượng thờ là chính. Tượng đài ở nơi công cộng là phong cách của phương Tây mà chúng ta cũng đang học hỏi. Vấn đề quan trọng vẫn là phải chọn đúng địa điểm.

Tôi không tán thành một số khuynh hướng hiện nay làm tượng to, lấy khối lượng làm thước đo. Tôi cho rằng vấn đề quan trọng là đặt đúng chỗ và giá trị nghệ thuật của tượng đài. Chuyện dựng tượng đài không nên vội vàng.

Tượng đồng bia đá đã dựng lên là mãi mãi, cần có thời gian lắng đọng và tổ chức sáng tác chu đáo. Tôi không nghĩ đến tượng đài quá lớn, chỉ cần nó gần gũi với người dân và phải đi vào lòng dân.

Phong cách tôn vinh của dân ta rất hay là phong thành hoàng, tức là gắn chặt với đời sống dân gian, sinh hoạt của nhân dân chứ không xa lạ. Nó thể hiện rất rõ là những người được phong thành hoàng được người dân tôn vinh như một giá trị bảo trợ cho cuộc sống của họ, nhất là giá trị tinh thần.

- Theo ông, có nên mời các nghệ sĩ quốc tế danh tiếng tạc tượng cho Đại tướng để có tác phẩm đủ tính nghệ thuật và chất lượng cao?

- Lý tưởng nhất là người Việt Nam làm tượng, nhưng cũng phải thừa nhận rằng người Việt Nam không có truyền thống làm tượng. Trên thực tế, ta cũng chưa có đội ngũ làm tượng chuyên nghiệp.

Tôi đã tham gia nhiều hội đồng tượng đài, chính anh em nghệ sĩ tạo hình cũng thừa nhận rằng ở Việt Nam chưa có bộ môn tượng đài với đúng nghĩa của nó, bởi đó còn là không gian, kiến trúc, cảnh quan.

Việc mời chuyên gia nước ngoài là ý hay, vì họ có kinh nghiệm. Tôi đã xem người nước ngoài làm tượng về Bác Hồ ở Mexico - nước có nền văn hóa khác chúng ta, nhưng họ đã thành công khi ngôn ngữ tượng thật gần gũi.

Hình ảnh Bác ngồi trên ghế mây đọc sách trước bàn giống như một con người thực thụ, có thể gần gũi với bất cứ ai, hay hơn những tượng đài quá xa, quá lớn.

- Xin cảm ơn ông!

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày