Nghiệt ngã số phận cả gia đình mắc bệnh thần kinh

Bài và ảnh: Linh Nhi, Theo Trí Thức Trẻ 00:02 23/01/2013

Mang cái tên Bùi Tuấn Tú nhưng trái với sự kì vọng của mẹ bé khi đặt tên cho con mình, Tuấn Tú bại não từ khi mới được sinh ra. Em cùng người cha mắc bệnh thần kinh trở thành gánh nặng trên vai người mẹ nhỏ bé.

Tổ ấm của ba người thần kinh

Sinh năm 1979 trong một gia đình toàn con gái bố mẹ làm nghề nông tại xã Bắc Kế, Bình Xuyên, Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Chị Hạnh có thân hình bé nhỏ như một đứa trẻ lớp 2. Nặng tầm 30kg nhưng lượng củi hàng ngày chị phải gánh về để bán nặng gấp đôi trọng lượng cơ thể chị. Số củi chị kiếm được ấy được bán đi để lấy gạo nấu cháo cho chồng và đứa con nhỏ thần kinh đang chờ đợi ở nhà.

Nghiệt ngã số phận cả gia đình mắc bệnh thần kinh 1

Người chồng mà chị Hạnh kết duyên là anh Bùi Văn Mười. Tên anh cũng chính là cách gọi cho số thứ tự của anh trong số mười đứa con trong gia đình. Người con út cũng là người bất hạnh nhất khi từ nhỏ anh đã mang biểu hiện của bệnh thần kinh. Chẳng thể làm công việc gì ai nói gì anh chỉ biết nghe và cười. Đôi khi cũng có hiểu một chút nhưng tất cả chỉ dừng lại ở việc anh ngờ nghệch làm theo. Năm 2005 trước tình cảnh đứa con trai bệnh thân kinh đã 26 tuổi không thể cứ ở vậy cùng gia đình mãi được, cha mẹ anh muốn tìm cho anh một người vợ với hi vọng có vợ có chồng chúng nó lo lắng nương tựa nhau nhất là biết đâu lại sinh được đứa con bình thường khỏe mạnh.

Niềm hi vọng của ông bà nhân lên khi gia đình chị Hạnh đồng ý cho chị về làm vợ anh cũng với hi vọng tương tự. Bố mẹ chị Hạnh mong đứa con nhỏ bé lại không mấy khôn ngoan này có thể hưởng hạnh phúc gia đình như bất kì ai. Lễ cưới của anh chị được diễn ra đầy đủ nghi thức như bất kì đám cưới bình thường nào. Đầu năm 2006 chị sinh con trai đầu lòng bé Bùi Tuấn Tú. Trái với sự kì vọng của cha mẹ, bé Tú vừa sinh ra đã bị bại não không thể nói cười như những đứa trẻ bình thường.

Nghiệt ngã số phận cả gia đình mắc bệnh thần kinh 2

Nghiệt ngã số phận cả gia đình mắc bệnh thần kinh 3

Chị Hạnh nghẹn ngào tâm sự: “khao khát lớn nhất của em chỉ là được nghe một tiếng gọi mẹ từ con vậy mà…”. Bố mẹ chồng chị cũng động viên chị sinh thêm đứa nữa biết đâu lần này được đứa con bình thường. Chị cười chua chát: “một đứa cộng với ông chồng không bình thường em đã chẳng đủ sức nuôi rồi, sinh thêm cháu nữa chẳng may như anh nó em cũng chết, may mắn ra cháu bình thường thì cũng chẳng thể có tiền nuôi cháu ăn học sau này”. Người phụ nữ bé nhỏ được coi là không khôn ngoan lắm lại có suy nghĩ sâu sắc đến nhường vậy.

Tổ ấm hay... tổ rét

Nơi được gọi là tổ ấm của gia đình chị Hạnh anh Mười và cháu Tuấn Tú là căn bếp nhỏ chứa đầy củi mà mỗi mùa đông đến cả gia đình họ nhóm lửa gần như suốt ngày chỉ để sưởi ấm. Thời tiết giá lạnh của thị xã miền núi làm những manh áo cộc cũn cỡn được quyên góp từ những chương trình từ thiện không đủ bao bọc làn da và đôi chân trần của họ. Chị Đinh Thị Là chị dâu thứ 7 của anh Mười kể: “gia đình đông con bố mẹ tôi cũng chẳng có thể giúp gì được cho vợ chồng chú ấy. Mảnh đất hương hỏa duy nhất dành lại cho vợ chồng thím Hạnh nhưng chả biết bao giờ mới xây được ngôi nhà để ở khi ăn còn chẳng đủ”.

Bà Hoàng Thị Năm mẹ chồng chị Hạnh chỉ lên góc buồng nhỏ lụp xụp của ngôi nhà tình nghĩa mấy chục năm ông ba mới được giúp đỡ để xây: “Đấy, thương chúng nó tôi nhường cho nhà nó cái giường ọp ẹp ở kia. Ba người không bình thường chui rúc ở đó, hôi lắm”. Bà Năm thật thà chia sẻ.

Nghiệt ngã số phận cả gia đình mắc bệnh thần kinh 4

Nghiệt ngã số phận cả gia đình mắc bệnh thần kinh 5

Hỏi anh Mười trưa nay nấu gì cho con ăn rồi, anh ngước mắt lên nhìn cười hềnh hệch và chìa ra nồi cháo trắng đặc sệt như bánh đúc. Chị Là chị dâu anh phải chú thích thêm: “đấy là phần ăn trưa của hai bố con nó, dạy mãi chú ấy mới biết nấu chút cháo cho con. Nhà giàu chắc họ nấu cho bò cho chó ăn, nấu thế này mà nó cũng ăn được”. Chỉ là chút cháo trắng với muối làm ấm cái bụng cả gia đình qua những trưa mùa đông giá rét. Chị Hạnh không kịp chờ chúng tôi về để tạm biệt đã tất tả lên núi nhặn nhạnh chút củi khô trước khi trời mưa xuống. Cứ khi nào bó củi sắp làm lưng chị như còng rạp xuống đất chị sẽ vác nó về không kể trưa hay tối. Chẳng còn khái niệm giờ giấc nào ở đây nữa. Bữa trưa cho chị là chút cháo trắng mà chồng con ăn còn thừa hay ít cơm nguội từ đáy nồi nhà bố mẹ chồng, có khi bữa trưa vào tận 3-4h chiều.

Để nuôi sống ba miệng ăn trong nhà, người phụ nữ bé nhỏ ấy một mình cáng đáng ba sào ruộng và một con bò. Chi phí đầu tư cho giống và chăm sóc chẳng có nên thóc thu hoạch về hằng năm chẳng đủ ăn. Được ngân hàng chính sách cho vay 30 triệu đồng mua một con bò cái lấy vốn làm ăn nhưng đợt giá rét vừa rồi con bò cũng chết mất. Chị mất nghiệp chăn bò. Bây giờ tất cả chỉ trông vào mấy nhành củi khô chị kiếm được cho chồng con sưởi ấm và một phần để dành bán.

Nghiệt ngã số phận cả gia đình mắc bệnh thần kinh 6

Nghiệt ngã số phận cả gia đình mắc bệnh thần kinh 7

Nhìn căn bếp lụp xụp dột nát không khỏi ái ngại cám cảnh cho những số phận con người. Chị Lưu Thị Thu – cán bộ hội chữ thập đỏ thôn Cao Quang xã Cao Minh nơi gia đình anh chị Mười – Hạnh sinh sống không cầm nổi nước mắt, chị chia sẻ: “Cùng làng cùng xã lại làm công tác chữ thập đỏ nhưng tôi thực sự chưa giúp được gì, như tết năm ngoái nhìn cảnh cô Hạnh đi chạy ăn trước đêm giao thừa nghĩ mà tội”. “Mà chỗ ở không có đến chỗ đại tiện tiểu tiện cũng không có nốt, thằng nhỏ có làm chủ được sinh hoạt của mình đâu. Tội lắm”.

Chia tay gia đình chị Hạnh anh Mười trong cái rét cắt da cắt thịt miền Bắc chúng tôi không khỏi xao lòng. Hai từ cuối cùng mà chị Thu cán bộ hội chữ thập đỏ nói trong chuyến đi lần ấy “tội lắm” cứ ngân mãi day dứt trong lòng những người chứng kiến.

Mọi giúp đỡ xin gửi về:

Chị Vũ Thị Hồng Hạnh - thôn Cao Quang xã Cao Minh, thị xã Phúc Yên, Vĩnh Phúc

Hoặc chuyển khoản qua Tài khoản kho bạc nhà nước

Số tài khoản: 3751.0.901.1582

Tên đơn vị: Hội Chữ thập đỏ thị xã Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc.

Địa chỉ: UBND thị xã Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc.

Nội dung chuyển tiền: Giúp đỡ gia đình chị Vũ Thị Hồng Hạnh