Khổ với thói quen xấu của người Việt khi ở chung cư?

Tuổi Trẻ, Theo 21:30 23/01/2016

Nhiều vấn đề mang thói quen “cố hữu” của chính các chủ hộ như xả rác bừa bãi, đun nấu vô tổ chức, thậm chí thỉnh thoảng có người còn “vui tay” bấm chuông báo cháy...

Là một khu chung cư mới, được đưa vào sử dụng hơn bốn tháng nay nhưng đã gặp nhiều vấn đề mang thói quen “cố hữu” của chính các chủ hộ như xả rác bừa bãi, đun nấu vô tổ chức, thậm chí thỉnh thoảng có người còn “vui tay” bấm chuông báo cháy...

Mới đây, ban quản lý khu chung cư ST (Q.Thủ Đức, TP.HCM) phát đi (thực chất là phát lại) thông báo yêu cầu các hộ gia đình phải thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống cháy nổ. Đáng chú ý là chi tiết ban quản lý “truy tìm” chủ nhân của “sự cố than củi”.

“Sự cố than củi” được mọi người kể cho nhau nghe rằng: có một hộ nào đó đã dùng than củi nướng thức ăn tại căn hộ của mình. Mặc dù hộ này đã dập than sau khi nướng đồ ăn xong nhưng khi than chưa tắt hẳn thì đã cho vào đường dẫn rác.

Than không bùng cháy nhưng âm ỉ trong phòng rác, may mà số than này không gần với các vật liệu dễ cháy và được phát hiện kịp thời nên mới chỉ làm hỏng một xe rác mà chưa gây ra hậu quả nghiêm trọng.

Mới hơn bốn tháng đưa vào sử dụng nhưng các đầu thuốc lá, tăm xỉa răng, tăm bông... vẫn thỉnh thoảng rơi từ trên cao xuống khu vực đi bộ.

Tôi đã vài lần chứng kiến những “vũng nước” - sản phẩm của các bé mà cha mẹ không kịp ngăn chặn - hay cả vỏ chai nước ngọt đã sử dụng, bao thuốc lá, vỏ và hạt mãng cầu trong thang máy.

Thậm chí, hiện tượng hút thuốc lá không chỉ diễn ra trong thang máy mà lan tận cả khu để xe, nhiều nam thanh nữ tú còn vui tay bấm chuông báo cháy hay trét cả bã kẹo cao su vào cửa thang máy...

Nhưng khu chung cư tôi ở không phải là nơi duy nhất diễn ra tình trạng kém ý thức nơi công cộng. Tôi từng nhìn thấy cảnh có trẻ, có già ném chai lọ đã qua sử dụng hoặc rác xuống kênh hay thải ở chốn đông người.

Đôi lúc, trong tiết giảng của mình, tôi và các học trò phải chứng kiến một sinh viên nào đó “dính” bã kẹo cao su vì ai đó đã cố tình trét nó ở bàn, ghế.

Thậm chí, có hôm tôi đã bất đắc dĩ chứng kiến cảnh ẩu đả trên đường mà nguyên nhân do người đi trước khạc nhổ bay trúng người đi sau, người đi sau đuổi theo chặn lại, cự cãi rồi... choảng nhau.

Người Việt chúng ta dù ít dù nhiều cũng đang phải trả giá cho những thói quen của mình như vứt rác bừa bãi làm ô nhiễm môi trường, nguồn nước, thậm chí là “chết” cả một dòng sông...

Dù sống ở đâu, ý thức con người là yếu tố sống còn và việc từ bỏ những thói quen xấu chính là góp phần tạo nên ý thức cộng đồng, hình thành nếp sống văn minh.

Có thể thấy ở một số quốc gia như Singapore, Nhật, Úc và nhiều nước châu Âu, châu Mỹ ý thức cộng đồng của họ rất cao vì lối sống văn minh đã ăn sâu vào máu thịt.

Nhưng với người Việt, việc từ bỏ những thói quen đó dường như rất khó, dù chúng ta đã dày công giáo dục, tuyên truyền, thậm chí có cả biện pháp chế tài để sẵn sàng ứng phó.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày