Hàng tấn nông sản Đà Lạt với giá rẻ như cho trên đường phố Sài Gòn

Tứ Quý, Theo Trí Thức Trẻ 00:00 21/04/2015

Hành tây, củ dền, cà rốt và các nông sản Đà Lạt giá rẻ khác đang được chất đống, bày bán trên nhiều tuyến đường Sài Gòn, chờ người dân chung tay "giải cứu".

Trước sự mất giá đột ngột của các loại nông sản, nhiều tổ chức, cá nhân đang nỗ lực cứu hàng tấn nông sản mất giá cho người nông dân. Thời gian qua các loại nông sản này đã được bày bán khá nhiều trên các con đường như Kinh Dương Vương (quận Bình Tân), Quốc lộ 1A (quận Bình Tân), Quang Trung, (quận Gò Vấp), đại lộ Võ Văn Kiệt (quận 6), Nguyễn Thị Minh Khai (quận 1) hay dọc Kha Vạn Cân, Xô Viết Nghệ Tĩnh (Bình Thạnh)…

Gần 1 tuần qua tại vỉa hè trước nhà 7A Nguyễn Thị Minh Khai (quận 1, TP. HCM), cảnh mua bán tấp nập vẫn diễn ra mỗi ngày. Đây là điểm bán nông sản Lâm Đồng do chị Nguyễn Thị Thanh Thúy, Hội trưởng Hội quán Các bà mẹ đã lên tận Đà Lạt để thu gom nông sản về đây bán.

Chị cho biết, ý tưởng “giải cứu” hàng tấn nông sản xuất phát từ việc một số sinh viên quê ở huyện Đơn Dương (Lâm Đồng) thông báo về việc nhiều ruộng hành, khoai không có thương lái thu mua, khiến nông dân khóc ròng. Vì vậy, chị Thúy quyết định kêu gọi các bà mẹ cùng nhau chung sức tiêu thụ nông sản cho nông dân.

Nhiều loại nông sản với giá rẻ đang chờ được "giải cứu".

"Trải qua gần 1 tuần, chúng tôi đã tiêu thụ được gần 10 tấn nông sản bao gồm hành tây, củ dền, cà rốt, rau cải..., một tín hiệu khá lạc quan trong việc chung tay giúp đỡ bà con nông dân. Hiện tại vẫn còn rất nhiều nông sản của nông dân Lâm Đồng chưa bán được, nên chúng tôi vẫn tiếp tục đến tận nơi mua về đây và kêu gọi người dân Sài Gòn "giải cứu", đây là lúc để chúng ta thể hiện tình đùm bọc giữa con người với nhau, cùng chung tay giúp đỡ người nông dân nước mình", chị Thúy chia sẻ.

Hiện tại, điểm bán này vẫn còn những củ dền, củ hành và cà rốt còn nguyên màu đất đỏ bám bên ngoài như vừa mới thu hoạch, các loại rau cải đang được những người bán hàng vặt bỏ đi những phần héo. Bên cạnh sạp hàng là những tấm bảng viết tay: "Ủng hộ nông sản Lâm Đồng",  "Hành tây, củ dền 15.000 đồng/2 kg, khoai tây 15.000 đồng/kg".

Các tình nguyện viên đang phân loại nông sản theo đơn đặt hàng của khách.

Theo chị Thanh Thúy, tại Đà Lạt người dân chỉ bán hành với giá 1.000 đồng/kg nhưng vẫn không có người tiêu thụ. "Thấy vậy, chúng tôi đã đi thu gom với giá 3.000-3.500 đồng/kg nhưng cũng chỉ lấy được với số lượng có hạn từ 2 - 3 hộ dân. Bán hết chúng tôi mới tiếp tục mua lại thêm ở các hộ dân khác. Chúng tôi đều lên danh sách cụ thể các hộ dân có nông sản cần giúp đỡ, sau đó đến tận nơi mua và trả tiền trực tiếp cho người nông dân. Nghĩ đến cảnh người dân một nắng hai sương, nỗ lực chăm sóc nông sản, đến mùa thu hoạch lại khóc ròng vì không bán được mà xót lòng", chị Thúy cho hay.

Được biết, giá các loại rau quả được nhóm chị Thúy nhập tại vườn cao hơn khoảng gấp 2 - 3 lần so với thương lái mua tại chỗ. Bên cạnh việc bán lẻ tại địa điểm hiện tại, chị Thúy còn cung ứng cho nhà hàng, quán ăn đặt hàng qua mạng. Thậm chí, có khách hàng đặt từ Cần Thơ, chị cũng chấp nhận phân phối, mặc dù chi phí vận chuyển cao, miễn sao bán được hàng. Chị Thúy còn cho biết thêm, chị vừa mới liên hệ được đối tác bên Đài Loan để xuất ra thị trường nước ngoài, giúp nông sản Việt việc tạo sự uy tín và tăng lượng tiêu thụ cho nông dân. 

Nữ tình nguyện viên xinh đẹp Ngọc Hướng (22 tuổi, sinh viên) phụ bán hàng giúp đỡ nông dân sau giờ học.

Hiện nay, cứ mỗi ngày nông dân tại Đơn Dương sẽ gửi xe khoảng 1,7 tấn nông sản các loại, trong đó nhiều nhất là hành tây. Số hàng này sẽ được chuyển về TP HCM để các thành viên bán cho khách hàng và người đi đường. Có nhiều đơn hàng được đặt trước nên sau khi nông sản về đến thành phố, các tình nguyện viên nhanh chóng phân chia thành những bao nhỏ để đi giao cho khách.

Điểm bán lẻ nông sản Đà Lạt đang được người Sài Gòn mua ủng hộ.

Bà Trần Thị Thảo (quận Phú Nhuận, TP. HCM) cho biết, khi có người bạn thông tin cho biết về chương trình bán nông sản ủng hộ nông dân Lâm Đồng, bà đã tranh thủ buổi nghỉ trưa để ghé lại mua 2kg hành tây về nấu phở ăn sáng. "Tôi mua hành tây về nấu để nấu phở nhưng quan trọng hơn là chung tay ủng hộ bà con nông dân, đồng thời cũng ưu tiên dùng hàng Việt nữa. Giá bán ở đây, tương đối rẻ, xét về độ an toàn thực phẩm cũng an tâm hơn, chứ hiện giờ hàng nhập từ Trung Quốc nhiều quá", bà Thảo nói.
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày