Hà Nội: Chớm thu, shop thời trang đua nhau xả hàng tồn

Thu Hường, Theo Mask Online 07:00 23/08/2014

Tiết trời chớm thu, các shop thời trang đua nhau treo biển giảm giá với nhiều hình thức khác nhau. Thực chất, đây là chiêu thanh lý hàng tồn kho trước khi bắt đầu một vụ kinh doanh mới.

Từ shop đến chợ đua nhau... xả hàng

Gần đây, đi đến đâu, người dân Hà Nội cũng dễ dàng bắt gặp những biển quảng cáo giảm giá của các shop thời trang.

Dọc các tuyến phố tập trung nhiều cửa hàng quần áo như: Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hồ Tùng Mậu (quận Cầu Giấy), Phạm Ngọc Thạch, Thái Hà, Nguyễn Lương Bằng (quận Đống Đa)..., các shop quần áo đua nhau treo biển giảm giá. Những dòng quảng cáo với kích cỡ lớn được căng khắp nơi với đủ mọi lời mời chào hấp dẫn như: “Tổng lực xả kho”, “Thanh lý toàn bộ cửa hàng”, “Giảm giá cực sốc”, “Sale 50-70%”. Cá biệt, nhiều shop còn treo những tấm biển bán hàng đồng giá siêu rẻ như: “Áo/quần 50k/chiếc”, “Điểm bán hàng 98k”, “Bán hàng đồng giá cực sốc”…


Biển xả hàng choán hết mặt tiền của một shop quần áo trên đường Hồ Tùng Mậu.




Không chỉ có các shop thời trang trên phố treo biển đại hạ giá, nhiều ki-ốt trong chợ cũng trưng những biển báo giá khiến người mua phải giật mình. 

Một ki-ốt trong chợ Nhà Xanh (Cầu Giấy) treo biển: “10.000 - 30.000 đồng/chiếc áo/quần/váy các loại”. Nhân viên tại ki-ốt còn luôn miệng mời chào với giọng điệu như đang diễn xướng một bài nói vốn đã quen miêng: “Quần áo đẹp đi bạn ơi, chỉ 30.000 đồng bạn ơi! Nhanh tay mua quần áo rẻ nào. Quần áo, váy vóc các loại chỉ 30.000 đồng, mua đi bạn ơi”….

 Một ki-ốt ở chợ Nhà Xanh khiến nhiều người phải giật mình vì mức giá quá rẻ, thấp nhất là 15.000 đồng và cao nhất chỉ 35.000 đồng.
 
Một số ki-ốt khác cũng treo biển đồng giá từ 10.000 đến 30.000 đồng..

Thời gian này, không khí mua sắm tại các shop lẫn chợ đều có vẻ sôi động hơn, nhất là đối với sinh viên và những người lao động có thu nhập thấp. Duy Mạnh, sinh viên Đại học Mỏ - Địa chất tâm sự: “Hầu như năm nào cũng thế, cứ giao mùa là quần áo sẽ giảm giá rất mạnh. Mình thường chờ đến mùa thu thì đi mua quần áo mùa hè, mùa xuân thì mua của mùa đông. Nói chung là có chút lỗi mốt nhưng vì giá rẻ nên cũng chấp nhận được”.

Giảm giá hay chiêu xả hàng tồn?

Không khó để nhận ra, chiêu thức xả hàng lúc giao mùa chỉ là một trò “bổn cũ soạn lại” nhằm thanh lý hàng tồn, thu hồi vốn nhập hàng cho mùa mới. 

Chị Thanh, chủ một shop quần áo trên phố Trần Bình (Hà Nội) chia sẻ: “Mùa này shop nào hầu như cũng hạ. Thời tiết đang giao mùa nên vẫn bán được chứ ít nữa lạnh rồi, ai còn đi mua hàng hè nữa. Như shop của chị giờ này đang chịu bán lỗ đấy em!”.

Không biết có phải shop chị Thanh đang chịu lỗ vì giảm giá hay không, nhưng  theo quan sát của PV, cửa hàng của chị chỉ “sale 30%” những loại áo quần xấu cả về mẫu mã lẫn chất lượng. Dãy quần áo đẹp được treo riêng và chẳng hề giảm giá chút nào.
 
Trưng biển “Sale toàn bộ” nhưng vẫn có nhiều mặt hàng không được giảm giá.

Biển quảng cáo và những trò giảm giá đôi khi lại là mẹo đánh lừa thị giác và thu hút sự chú ý của người mua. Một shop thời trang trên đường Hồ Tùng Mậu (Cầu Giấy) treo biển “Tổng lực xả kho, thanh lý quần, áo 98k”. Tuy nhiên, bên trong cửa hàng, tất cả các mẫu quần áo, không có loại nào giá 98.000 đồng. Bên cạnh đó, những loại quần áo đẹp vẫn nguyên giá trên 300.000 đồng trong khi đó, quần áo hạ giá được đổ đống lẫn lộn, nhìn nhàu nát cũng có mức giá tới 170.000 – 250.000 đồng.
 
Shop quần áo tại đường Xuân Thủy treo biển áo phông 50.000 đồng chưa “sale”. Tuy nhiên, loại áo này bán tràn lan tại chợ Nhà Xanh với giá chỉ 30.000 đồng.

Mặt khác, nhiều shop treo biển hạ giá song thực chất chỉ là khống lên giá trị ảo rồi lại tung hô xả hàng. Một shop quần áo trên đường Xuân Thủy treo biển bán đồng giá các loại áo phông giá 50.000 đồng/chiếc. Đó là mức giá chưa áp dụng ưu đãi. Nếu mua, khách hàng sẽ được chiết khấu 30%, tức là còn khoảng 35.000 đồng. Tuy nhiên, cũng với mẫu áo phông đó, người mua có thể dễ dàng tìm tại chợ với giá chỉ 30.000 đồng/chiếc.

Nguyễn Thị Lý, sinh viên Đại học Kinh tế kỹ thuật công nghiệp cho biết: “Mình không tin vào hàng giảm giá lắm vì thấy toàn quần áo xấu, bị lỗi kỹ thuật hoặc hết mốt nhưng vì bị bạn cùng phòng kéo đi nên gọi là ngắm cho biết thôi”.

Riêng chị Hoài, một người dân sống tại phố Mai Dịch (Cầu Giấy) khẳng định: “Mình nghĩ giảm giá chỉ là một mẹo lừa người mua. Mình đã từng mua một chiếc áo giảm giá ở một shop trên phố Cầu Giấy và chẳng bao giờ mặc đến vì lỗi mốt và đường chỉ mặc được vài bận đã bung hết ra”.

Không thể phủ nhận, dịp giao mùa là lúc nhiều cửa hàng giảm giá thực sự để bắt đầu một vụ kinh doanh mới. Tuy nhiên, việc hạ giá hầu như đã bị các chủ hàng lợi dụng để tung chiêu trò, đánh tráo lòng tin của khách. Người tiêu dùng cần cẩn thận để tránh mua phải những mặt hàng giá rẻ nhưng chất lượng cũng “rẻ” theo.