Gặp người viết thư tình xuyên thế kỷ ở Bưu điện Trung tâm Sài Gòn

Quỳnh Trân, Theo Trí Thức Trẻ 00:10 29/03/2015

Cứ 8h sáng mỗi ngày, một ông cụ dáng người nhỏ nhắn, mái tóc bạc phơ, áo sơ mi trắng ngắn tay và cặp kính rất dày lặng lẽ đạp xe từ Thị Nghè đến Bưu điện Trung tâm TP.HCM. Ông chậm rãi bước đến bàn làm việc của mình và chờ tiếp vị khách đầu tiên...

Ông lão đầu bạc ấy chính là ông Dương Văn Ngộ, người viết thư thuê cuối cùng ở Sài Gòn. Ông còn được người thành phố nhắc đến với nhiều tên gọi như "người viết thư tình xuyên thế kỷ", "người nối thế giới bằng cây bút mực", "người giữ hồn cho những lá thư tay"...

Ông Dương Văn Ngộ sinh ngày 3/3/1930, là người gốc Triều Châu, Trung Quốc. Ông học trường Petrus Ký (nay là trường THPT chuyên Lê Hồng Phong), đó là nơi ông đã từng là cậu bé con nhà nghèo hiếm hoi được chọn vào học chương trình tiếng Pháp bài bản. Ông có thể giao dịch với khách nước ngoài cả tiếng Anh lẫn tiếng Pháp vì đã được Bưu điện cho đi học thêm ở Hội Việt - Mỹ. Đặc biệt, ông có cách phát âm chuẩn như người bản xứ nhờ một viên phi công người Mỹ rèn luyện.

Sau giải phóng, Bưu điện thành lập tổ viết thư thuê. Một số nhân viên đủ tuổi về hưu với 35 đồng/tháng, còn lại 7 người viết thư thuê, chia làm 3 cặp, mỗi cặp trực 2 ngày. Khi ấy ông Ngộ là người trẻ nhất. Nhưng rồi, mọi người nghỉ hưu dần và chỉ còn một mình ông ở lại. Đến tuổi hưu của mình, ông Ngộ xin ở lại làm tư vấn viết thư thuê. Ông được bưu điện bố trí cho một bàn làm công việc này. Bàn làm việc của ông treo toòng teng biển "Nơi chỉ dẫn và viết giúp", trên chất đầy giấy, bút mực, từ điển Anh - Pháp - Việt cùng nhiều sách địa lý về các vùng miền Việt Nam và các nước trên thế giới...


Ông Dương Văn Ngộ bên góc bàn làm việc của mình tại Bưu điện Trung tâm TP.HCM.

Vào năm 2007, tờ Spiegel nổi tiếng của Đức đã có bài viết về ông Dương Văn Ngộ - ông lão chuyên viết thư thuê, ông được gọi là "người kết nối thế giới bằng cây bút mực". 

Nhà báo Fiona Ehlers người Đức đã viết rằng: “Vào khoảng 8h sáng, tiết trời tháng 2 tại Sài Gòn khá oi bức. Dương Văn Ngộ, người đàn ông với dáng người gầy gò, đỗ xe đạp vào bóng râm của hàng cây sung dâu. Ông mỉm cười và vồn vã chào những người bán bưu thiệp rong, sắp xếp lại vị trí ngồi và bắt đầu một ngày làm việc. Chiếc bàn làm việc của ông Ngộ được kê bên dưới bức ảnh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ trong chiếc cặp đựng tài liệu, ông lôi ra 2 quyển từ điển Anh, Pháp và một danh bạ mã thư tín Pháp. Ông cài một tấm băng đỏ lên tay áo trái để khách hàng có thể nhận ra ngay tức thì. Bên cạnh là một tấm biển: "Nơi chỉ dẫn và viết giúp""


Người viết thư thuê cuối cùng ở Sài Gòn đã xuất hiện trên các trang báo trong và ngoài nước.

Không chỉ báo Đức, ông đã xuất hiện trên một tờ báo của Canada, Thụy Sĩ. Cách đây không lâu, đoàn làm phim của Hungary đến quay phim về ông, một trong những nét thú vị của TP. HCM. Cho đến tận bây giờ, thỉnh thoảng lại có những đoàn phim, phóng sự truyền hình của nước ngoài đến Bưu điện TP để quay lại cảnh ông Dương Văn Ngộ tỉ mẩn ngồi viết thư thuê cho khách. 

Năm 2010, ông được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam và Đài truyền hình Việt Nam công nhận là “người viết thư thuê chuyên nghiệp nhất trong lịch sử ngành bưu điện Việt Nam".


Một đoàn phim nước ngoài đến quay tài liệu về ông vào ngày 20/3/2015 vừa qua.

Mỗi ngày, ông Dương Văn Ngộ viết ít nhất từ 3 - 5 lá thư, có những lá thư ngắn một trang giấy, cũng có những lá thư dài đến mấy trang giấy, ông viết trên giấy palure, giấy học trò và cả trên carte postal bằng các thứ tiếng Việt, Anh, Pháp theo nội dung của người gửi. Số tiền mà ông nhận từ những người đến nhờ viết giúp là “tùy lòng hảo tâm”, nhưng tối đa chỉ khoảng 30.000 đồng - một số tiền ít ỏi so với mức giá ở nhiều trung tâm dịch thuật ngày nay.


Những người phụ nữ từng nhờ ông Ngộ viết thư giúp còn gọi ông là "người viết thư tình xuyên biên giới". Trong 25 năm qua, hàng nghìn bức thư tình của những người yêu gửi cho nhau đã từ Bưu điện Trung tâm Sài Gòn chuyển đến tận tay người nhận ở Canada, Pháp, Anh, Mỹ, Đức, Nhật, Úc, Singapore, Thái Lan, Ấn Độ… Những lá thư ông viết hộ đã đi khắp năm châu, kết nối bao nhiêu mối tình cho những người yêu xa. Ông kể rằng, có nhiều cặp yêu nhau sau một thời gian thư từ qua lại đã đi đến hôn nhân, trong nước cũng như ngoài nước, họ dẫn nhau đến Bưu điện TP để thăm hỏi và cám ơn ông.


Dù đã đến tuổi nghỉ hưu nhưng ông vẫn ở lại Bưu điện TP, mỗi ngày nắn nón viết từng lá thư cho khách hàng.


Ông Ngộ đã bước sang tuổi 85 nhưng vẫn chưa muốn rời bỏ góc bàn làm việc gắn bó với mình suốt 25 năm qua.

Những bức thư đã viết xong, ông đều quên ngay và tuyệt đối giữ bí mật vì đó là tâm tư, tình cảm mà khách hàng đã tin tưởng gửi gắm cho mình, nhờ mình chắp cánh. Ông nhớ rất nhiều vị khách quen, trong đó có một người phụ nữ ngụ tại Quận 10, suốt 4 năm qua bà đều mang ơn ông Ngộ vì ông là cầu nối giúp bà và người bạn nước Pháp chia sẻ tình cảm qua những tấm thư tay, bưu thiếp.

Mỗi lần dịch thư, ông chỉ lấy 10.000 - 15.000 đồng, nhiều người ngỏ ý muốn cho thêm nhưng ông cương quyết không nhận vì ông không làm công việc này vì tiền mà chủ yếu là để giúp đỡ mọi người.


Ông Ngộ đang giúp một người phụ nữ viết thư tình bằng tiếng Pháp.

Nhiều năm trước, ông từng dịch thư của một phụ nữ Anh sang tiếng Việt để gửi cho người thân ở Hà Nội. Xúc động trước tình cảm của người này, ông nhất định không nhận thù lao. Sau khi về nước, bà đã gửi cho ông một bức thư dài bày tỏ tình cảm với đất nước và con người Việt Nam, với những người như ông. “Đó là thứ tôi không thể mua được bằng tiền”, ông Ngộ nói.  

Vì lòng tự trọng đáng kính đó nên dù có đông con cháu nhưng ông không thích phụ thuộc con cái, ông muốn tự kiếm tiền nuôi mình và đó cũng là một lý do khiến ông gắn bó với "nghiệp" viết thư thuê cho đến ngày hôm nay. Ông đã từng nói, cho dù có trúng số độc đắc, ông cũng không bỏ nghề.


Bức ảnh ông chụp cùng nghệ sĩ hài Hoài Linh được giữ lại cho đến bây giờ.


Ngoài chiếc kính lúp, những quyển từ điển lâu năm, ông còn mang theo bút mực, bút chì... đựng trong hộp bút vải cũ kỹ.

40 năm làm bưu tá, 25 năm viết thư thuê, cuộc đời của ông Ngộ gắn liền với Bưu điện TP. Ông chưa bao giờ đi đâu ra khỏi Việt Nam nhưng ông lại có nhiều bạn bè ở khắp năm châu. Nhiều du khách khi tham quan Bưu điện TP đã bắt chuyện với ông, ông Ngộ trò chuyện với họ bằng tiếng bản xứ thành thạo, một số người sau khi về nước đã gửi thư đến Bưu điện TP để thăm hỏi sức khỏe của ông và trò chuyện cùng ông như những người bạn lâu năm.


Sau giờ làm, ông lặng lẽ đạp xe về nhà ở Thị Nghè. Đây là những bức ảnh do người dân chụp lại và gửi tặng ông, được ông giữ làm kỉ niệm.


Nhiều người thành phố bảo với nhau rằng, họ đã quá quen thuộc hình ảnh ông cụ gầy gò trên bàn làm việc trong tòa Bưu điện TP. Nếu một ngày nào đó, bàn làm việc của người viết thư thuê trở thành chỗ trống, chắc hẳn sẽ là một sự trống trải rất lớn với nhiều người.
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày