Độc đáo sắc màu ở chợ Campuchia gần nửa thế kỉ giữa lòng Sài Gòn

Tứ Quý, Theo Trí Thức Trẻ 08:00 14/08/2015

Ít ai biết giữa Sài Gòn rộng lớn lại xuất hiện một ngôi chợ truyền thống của người Campuchia đã tồn tại gần 50 năm qua. Nhiều đặc sản của xứ sở Chùa Tháp được bày bán tại chợ này đã tạo thêm sắc màu mới giữa lòng Sài Gòn.

Mỗi khi hỏi đường vào chợ Campuchia, người dân ở khu vực phường 1 (quận 10, TP. HCM) ai cũng rất nhanh nhẹn: "Khu chợ ấy nằm ở một con xóm nhỏ, vốn là nơi quần tụ sinh sống và buôn bán của người gốc Campuchia. Chợ có nhiều điều thú vị, người dân ở xứ Chùa Tháp cũng hòa đồng lắm".

Quả thật khi chúng tôi vừa bước vào chợ, không khí khác hẳn với những ngôi chợ thông thường của người Việt. Những sản phẩm được bày bán ở đây có nhiều màu sắc rất bắt mắt khiến nhiều người thích thú. Còn người bán đều là người gốc Campuchia, qua Việt Nam sinh sống đã hàng chục năm nay, cũng rất vui vẻ mỗi khi tiếp chuyện cùng chúng tôi.

12-de39d
Sự độc đáo của ngôi chợ Campuchia giữa Sài Gòn thu hút rất nhiều người ghé đến đây.

Theo những người bán, năm 1970, nhiều người dân Campuchia di cư vào Việt Nam sinh sống. Thời gian đầu, nhóm người này sống ở khu vực Hóc Môn. Sau nhiều lần di chuyển chỗ ở, họ chọn định cư ở khu vực quận 10 và từ đó Chợ Campuchia ra đời.

"Hiện tại, chợ này đã có nhiều người Việt đăng kí bán, nhưng những người buôn bán lâu năm nhất và chiếm số lượng lớn nhất vẫn là người Campuchia. Sở dĩ chúng tôi buôn bán ở đây lâu như vậy vì muốn giữ nghề của ông bà để lại. Hơn nữa, tôi sinh sống ở đây lâu nên cũng quen với những nét văn hóa của người Việt. Do sự pha trộn của văn hóa Campuchia với văn hóa Việt nên cũng có nhiều nét độc đáo mới lạ", chị Tư Xê, bán mặt hàng cá khô và bún Num bo chóc chia sẻ.

Cuộc sống tại khu chợ Campuchia nhộn nhịp gần như suốt ngày. Các cửa hàng thực phẩm ở đây bày bán những đặc sản của xứ sở Chùa Tháp. Dạo quanh khu chợ Campuchia khiến người ta có cảm giác như đang lạc trong một không gian văn hóa độc đáo thật sự của đất nước với ngôi đền Angkor Vat trứ danh, bởi có những phong tục buôn bán khác lạ của người dân.

8-de39d
Chợ buôn bán rất nhiều mặt hàng được xuất xứ từ đất nước Chùa Tháp.

11-de39d
Khô cá lóc với màu sắc bắt mắt từ Biển Hồ Campuchia.

10-de39d
Rất nhiều loại cá khô được trưng bày tại chợ. Có khoảng 10 sạp cá khô như thế này.

Không gian chợ gần như chiếm trọn bởi hàng hóa vô cùng đa dạng từ các loại cá khô, ếch khô, rau khô... có xuất xứ từ vùng biển Hồ Campuchia được bày bán ngăn nắp trên những kệ gỗ đến những món ăn đặc sản của đất nước này.

"Người ta có thể dễ dàng nhận ra ngay đặc trưng văn hóa của nước láng giềng bởi biển hiệu có đề chữ và cách bố trí khu chợ rất riêng biệt. Ở đây, có các món rau, khô, nhu yếu phẩm Campuchia bày bán la liệt. Và nhất là những bà, những chị tuy nói tiếng Việt, họ có nước da ngăm đen đặc trưng, tính tình hiền hòa dễ chịu". chị Hương (đường Lê Hồng Phong, quận 10), cảm nhận về ngôi chợ Campuchia.

Những khách hàng Việt còn cho biết, so với giá cả của mặt hàng Việt thì không chênh lệch nhiều. Giá mặt hàng Campuchia có cao hơn hàng Việt là do cước phí vận chuyển khá cao.

Nếu là những tín đồ ăn uống thì chắc hẳn, không thể không ghé đến thưởng thức món bún cá Num bo chóc của chị Tư Xê. "Ngoài bán cá khô, gia đình tôi còn mang hương vị đặc sản quê hương là món bún cá Num bo chóc đến với vùng đất Sài Gòn. Mọi nguyên liệu tôi đều mang từ quê nhà qua đó", chị Tư Xê chia sẻ.

13-de39d
Chị Tư Xê nhiệt tình giới thiệu với khách mua hàng. Tại chợ Campuchia, chị được xem là người bán lâu đời nhất (gần 50 năm) và nhiều mặt hàng nhất.

2-de39d
Cá khô được chị Tư Xê nhập từ quê nhà phơi tại con hẻm nhỏ gần chợ Campuchia để chuẩn bị xuất khẩu.
Theo chị Tư Xê, món bún cá Num bo chóc có thành phần chính là thịt cá lóc từ Biển Hồ Campuchia, mắm bò hóc và ngải bún. Mắm bò hóc là một loại mắm truyền thống của người Khmer, được chế biến bằng cách lên men cá nước ngọt, ướp gia vị và "nén" trong hũ sành trong nhiều tháng. Thấy khách hàng đang tỏ vẻ ngạc nhiên với lá sầu đâu được bày bán ở chợ, chị Ba Sen (chủ bán) đon đả: "Lá này những người gốc Campuchia chuộng lắm, thường mua về làm gỏi. Xé nhỏ lá này, trộn với chút khô cá sặc hoặc cá lóc xé nhuyễn, thêm vào vài lát thịt ba rọi, lát dưa leo chấm nước mắm tỏi ớt là "hết xảy" luôn. Giá cũng bình dân, từ 5.000 - 7.000 đồng/bó thôi".

9-de39d
Lá sầu đâu dùng để trộn món gỏi.

Bên cạnh món bún của chị Tư Xê, thì món chè của chị Nguyễn Thị Có cũng hấp dẫn không kém ở ngôi chợ này. Chè ở đây không bán thành từng ly mà bán bằng chén. Một chén chè với đầy đủ hương vị gồm bí chưng ngọt thanh, bùi bùi, vị béo tan của sữa hòa chung với trứng gà, vị thơm nồng của sầu riêng, cùng với những hạt me dai, giòn giòn.

4-de39d
Gian hàng chè Campuchia của chị Có đã tồn tại gần 40 năm với nhiều màu sắc trông bắt mắt và thú vị khi thưởng thức.

3-de39d
Chè bí chưng trứng gà độc đáo từ nền ẩm thực xứ Chùa Tháp. Để làm được chè này phải rèn luyện tay nghề lâu mới thành công.

Chị Có cho biết, chị bán chè từ lúc còn nhỏ với mẹ, đến khi mẹ mất chị tiếp nối nghề đến nay đã 40 năm. Hương vị chè của chị Có được rất nhiều người Việt ghé thưởng thức bởi mùi vị đặc biệt từ đường thốt nốt - nguyên liệu chính làm nên món chè trứ danh. "Tôi thấy chè thập cẩm ở đây lạ lắm với nhiều mắc sắc tự nhiên. Mỗi ngày khi đi học về, tôi hay ra đây thưởng thức món chè này cảm thấy rất sảng khoái. Giá mỗi loại chè cũng rất bình dân chỉ từ 7.000 đồng đến 20.000 đồng cho mỗi loại", bạn Hằng (sinh viên) cho hay.

Hiện nay, không chỉ người gốc Campuchia sinh sống và buôn bán mà đây cũng là nơi tụ họp của cộng đồng người Campuchia đang sinh sống khắp Sài Gòn mỗi khi muốn tìm lại hương vị quê hương.
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày