Đau lòng cảnh những em nhỏ bị biến thành "cần câu cơm"

Lê Nam, Theo Pháp luật xã hội 00:34 30/11/2013

Đã quá 10 giờ đêm, những đứa trẻ ngây thơ dụi mắt bởi khói than hồng, bởi cơn buồn ngủ đã ập đến từ lâu… nhưng vẫn phải lang thang cả đêm để ăn xin.

Một tối có mặt trong quán nướng trên đường Lê Đức Thọ (Hà Nội), chúng tôi vừa ngồi xuống ghế, còn chưa kịp ấm chỗ đã có hai thanh niên, một nam một nữ trên tay bồng bế đứa trẻ nhỏ chừng 2 tuổi, giọng nói lí nhí liên tục năn nỉ thực khách mua phong kẹo cao su. Khi thực khách từ chối, các đối tượng này vẫn chưa chịu “bỏ cuộc”, họ tiếp tục chèo kéo bằng cách sử dụng những câu chuyện bi đát qua minh chứng là đứa trẻ nhỏ có phần khổ sở đang bế trên tay, buộc thực khách phải mua đồ hoặc bỏ ra một số tiền nhất định.

Theo quan sát, quán đồ nướng có cả trăm bàn ăn nhưng không bàn nào là không có sự xuất hiện của những đối tượng này. Một thực khách ở đây chia sẻ: “Thực chất mấy người này là ăn xin đội lốt bán hàng dạo. Đã ăn ở đây mấy lần và lần nào cũng gặp, nhiều khi mình không muốn mua đồ nhưng để tránh phiền hà thì lần nào cho họ vài nghìn lẻ là họ sẽ đi”.

Đau lòng cảnh những em nhỏ bị biến thành "cần câu cơm" 1
Hình ảnh nam thanh niên bế đứa trẻ đi chèo kéo, nài nỉ thực khách tại một quán nướng từ chập tối

Đau lòng cảnh những em nhỏ bị biến thành "cần câu cơm" 2
Đứa trẻ trở thành "cần câu" ở khắp các bàn ăn

Tình trạng “đệ tử cái bang” hoặc ăn xin đội lốt bán hàng dạo xuất hiện trên đường phố, các quán ăn vỉa hè không còn quá xa lạ với nhiều người. Tuy nhiên, hình thức và đối tượng “hành nghề” của đội quân này ngày càng lộ liễu và trắng trợn.

Nhiều người thật sự ngán ngẩm khi thấy hình ảnh những nam nữ thanh niên khỏe mạnh, sức dài vai rộng chìa tay xin những đồng bạc ít ỏi. Hơn thế, việc mang những đứa trẻ còn quá nhỏ làm “công cụ” kiếm sống, ăn bám vào sự thương hại của xã hội được nhiều người đánh giá “đáng hổ thẹn”. Đã quá 10 giờ đêm, những đứa trẻ ngây thơ rụi mắt bởi khói than hồng hay bởi cơn buồn ngủ đã ập đến từ lâu nhưng vẫn phải vạ vật trên tay của người anh, người chị “hờ” lang thang khắp các quán ngõ trong đêm để kiếm sống.

Đau lòng cảnh những em nhỏ bị biến thành "cần câu cơm" 3

Gần nửa đêm, đứa trẻ mệt mỏi vì liên tục bị bồng bế khắp các hàng quán

Tuy nhiên, trên đây chỉ là một trong vô vàn trường hợp trẻ em bị lợi dụng vào việc làm kiếm tiền bằng sự bóc lột một cách bất chính. Khoảng tháng 5/2013, dư luận rúng động khi báo chí phát hiện một cặp vợ chồng sống thuê trọ tại Q.12 – TP Hồ Chí Minh đánh đập dã man 5 em nhỏ và bắt đi bán kẹo cao su dạo hàng đêm trong nước mắt. Theo đó, người chồng tên Hiếu, còn người vợ tên Linh. Khoảng 18h hàng ngày, cặp vợ chồng này chở hai bé trai phóng xe máy từ phòng trọ đến đường Bạch Đằng, P.2, Q.Tân Bình – dãy phố tập hợp nhiều quán nhậu để “hành nghề”.

Những hình ảnh mà phóng viên báo Tuổi Trẻ Online ghi lại được cho thấy một cặp vợ chồng hung hăng, liên tiếp đánh đập tra tấn những đứa trẻ ngay cả trước và sau khi chúng bước ra từ những quán nhậu. Việc hành hạ mấy đứa nhỏ này là để các em trông càng thảm khốc hơn: khuôn mặt nhem nhuốc vì nước mắt dàn dụa, cơ thể chằng chịt vết sẹo sau những trận đòn roi kinh hoàng… Tất cả với mục đích lấy lòng thương hại của khách mua kẹo. Lần nào mà không bán được kẹo, ngay lập tức những đứa trẻ này lại bị người đàn bà cào cấu khắp cơ thể, dùng dép tát thẳng vào mặt khiến chúng khóc thét lên. Mỗi lần vào quán, cặp vợ chồng này chỉ cho các em 30 phút để bán hàng. Trên đường đi, cô vợ tiếp tục cấu véo, bạt tai bé trai ngồi sau cùng mình, rồi với tay lên đập vào đầu đứa trẻ trước một cách không thương xót.

Đau lòng cảnh những em nhỏ bị biến thành "cần câu cơm" 4

Đau lòng cảnh những em nhỏ bị biến thành "cần câu cơm" 5
Những đứa trẻ này bị Linh đánh đập dã man trên phố, nhằm mục đích lấy lòng thương hại của khách mua kẹo (Ảnh: Đức Thanh – Tuổi Trẻ Online)

Một ngày kinh hoàng của những đứa trẻ báo kẹo cao su dạo chỉ kết thúc vào lúc 2h đêm. Vợ chồng Linh chở hai đứa trẻ đến góc đường Nguyễn Kiệm và Quang Trung (Q.Gò Vấp) nhập bọn với ba đứa trẻ khoảng 5-6 tuổi để chuẩn bị về phòng trọ. Ám ảnh hơn, theo tìm hiểu thì những đứa trẻ trên đều có con cháu ruột của vợ chồng Linh, Hiếu được gửi tới. Từ bao giờ, những đứa trẻ này đã trở thành công cụ “kiếm cơm” chính nuôi cả gia đình…

Dư luận chưa kịp nguôi ngoai thì cuối tháng 10/2013, một bé trai 3 tuổi được một người dân phát hiện trong tình trạng cơ thể chằng chịt vết sẹo do bị châm tàn thuốc, đôi mắt bầm tím do bị đánh đập rồi bắt đi ăn xin. Đi cùng với em nhỏ này là 2 đứa trẻ khác lớn tuổi hơn một chút lang thang trên đường phố để ăn xin. Khi cơ quan công an vào cuộc điều tra, hung thủ gây ra tình trạng với đứa trẻ này chính là cậu ruột Trịnh Đức Hòa (SN 1998).

Hòa là đối tượng trẻ em thiếu giáo dục, ham chơi bời. Vì thiếu tiền nên Hòa đã đánh đập đứa trẻ 3 tuổi dã man, rồi bắt đi ăn xin kiếm tiền phục vụ cho những cuộc chơi vô bổ của mình. Bằng việc lợi dụng sự thương hại của mọi người, Hòa đã dùng cây gậy dài 50 cm đánh vào mông và chân đứa trẻ. Đồng thời, lấy tay tát, dùng đầu gối đập vào mặt cháu làm khuôn mặt bầm tím. Cường, bạn chơi của Hòa đã dùng điếu thuốc đốt cháy chích vào khắp cơ thể bé trai, gây thương tích nặng nề. Nhiều lần như vậy, đứa trẻ trở nên ngây dại, xơ xác với vô vàn vết thương trên cơ thể. Số tiền có được, hai đối tượng trên dùng vào việc chơi điện tử và hút keo chó.

Đau lòng cảnh những em nhỏ bị biến thành "cần câu cơm" 6
Thêm một trường hợp thương tâm của đứa trẻ bị người thân đánh bầm tím để đi ăn xin. Ảnh: Lao Động Online

Trở thành “cần câu cơm” ngay từ khi còn nhỏ, tuổi thơ của những đứa trẻ vô tội này bao phủ một màu đen u tối với những trận đòn roi nảy lửa, mưu sinh trong sự bóc lột tàn tệ. Đau xót hơn khi nhiều trường hợp chính những người nhà những đứa trẻ, hoặc những đối tượng là thanh niên sức dài vai rộng… dùng các em như một công cụ kiếm tiền, sống ăn bám vào lòng thương hại của xã hội. Đây là một vấn nạn đáng lên án trong xã hội, cần sự vào cuộc mạnh hơn nữa của nhiều cơ quan chức năng để bảo vệ quyền lợi cho các em.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày