Con trai bầu Hiển: "Làm con đại gia khổ lắm"

Người Đưa Tin, Theo 22:30 16/10/2013

Sau cuộc trò chuyện với cậu cả nhà bầu Hiển, tôi nhận ra rằng, không phải lúc nào cách nhìn nhận, đánh giá của mình về con cái nhà giàu cũng đúng, ít nhất là trong trường hợp của Đỗ Quang Vinh.

Ông Đỗ Quang Hiển (sinh năm 1962 tại Hà Nội) là một doanh nhân thành đạt. Ông Hiển hiện đang là lãnh đạo của nhiều doanh nghiệp lớn tại Việt Nam như: Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn T&T và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn - Hà Nội (SHB)…

Ông Đỗ Quang Hiển được nhiều người biết đến với tên gọi “bầu Hiển” từ khi ông đầu tư sang làm bóng đá. Ông Hiển là Chủ tịch của CLB bóng đá SHB Đà Nẵng – một đội bóng giành được nhiều thành tích cao của bóng đá Việt Nam trong những năm gần đây.

Ông Hiển có 2 người con trai. Đỗ Quang Vinh là con trai cả của “bầu Hiển”, sinh năm 1989, vừa tốt nghiệp thạc sĩ ngành tài chính - ngân hàng ở Anh. Bài viết dưới đây phỏng vấn Đỗ Quang Vinh.

Anh nói đến nhiệm vụ, sứ mệnh khi "phải" kế nghiệp cha. Nhưng, nhiều người cho rằng, anh may mắn, thậm chí là diễm phúc vì được là con của một người thành đạt như bầu Hiển?

Được sinh ra trên cuộc đời này đã là một điều tuyệt vời nhất rồi. Tôi không phủ nhận, mình may mắn khi được là con của bầu Hiển. May mắn không phải vì bố tôi giàu có, thành đạt, mà tôi cảm nhận được tình yêu, sự quan tâm, thậm chí là hy sinh mà ông dành cho tôi. Hơn nữa, tôi tìm được cho mình một tấm gương để học tập. Đó là người đàn ông luôn biết cân bằng giữa gia đình và công việc. Anh biết không, dù rất bận, phải đi tiếp khách, dự tiệc nhưng bố tôi luôn "để dành bụng" về ăn thêm một bát cơm do bà nội phần. Với tôi, hạnh phúc không phải là có bao nhiêu tiền mà phải sống như thế nào cho có ý nghĩa. Nhưng, thực lòng, tôi và em trai luôn cảm thấy bị áp lực khi là con trai, là người kế nghiệp của bố.

Con trai bầu Hiển: "Làm con đại gia khổ lắm" 1
Đỗ Quang Vinh cùng mẹ và em trai

Tại sao lại khổ khi mọi thứ dưới chân anh đang được trải thảm đỏ?

Nói anh có thể không tin, nhưng là con của đại gia khổ lắm. Nếu là con của một người bình thường, anh chỉ có một cơ hội để lựa chọn. Khi cơ hội đến, bằng mọi giá, anh phải nắm thật chặt, cố gắng hết mình để nó không tuột khỏi tầm tay. Nhiều người đã thành công vì họ biết nâng niu những gì mình có, làm việc bằng tất cả tinh thần và trách nhiệm của mình. Nhưng, là con của đại gia thì khác. Họ có quá nhiều lựa chọn và cũng có muôn vàn những cám dỗ. Ví như tôi có rất nhiều lựa chọn. Tôi có thể dấn thân vào ngân hàng theo nghề đã học. Nhưng, ngân hàng SHB giờ có nhiều lĩnh vực, từ bất động sản đến bảo hiểm, thủy sản… Mà với tôi, lĩnh vực nào cũng hấp dẫn, cũng đáng để thử sức để thể hiện bản ngã.

Vậy anh chọn cho mình con đường nào?

Tôi chọn con đường xa bố tôi để một ngày nào đó sẽ ở thật gần. Tôi sẽ nộp hồ sơ để làm việc cho một ngân hàng ở nước ngoài. Tôi muốn học hỏi, tích lũy kinh nghiệm ở một môi trường có tính cạnh tranh cao để sau này về Việt Nam làm việc. Nhiều người bảo, đường gần sao tôi cứ thích đi vòng cho xa? Nhưng quả tình, tôi muốn đi lên từ con số 0 và phải tách dần khỏi sự bao bọc của bố mẹ. Tôi tự nhủ rằng, nếu một ngày nào đó mình trở lại ngân hàng SHB, có thể là ở vị trí thấp nhất thì đó phải do nhu cầu của công việc, chứ không phải là nhu cầu của bản thân tôi. Tôi phải là một nhân viên có thể làm tốt công việc, chứ quyết không thể là gánh nặng cho bố mình.

Tôi nghĩ mình có thể giúp ông điều gì đó. Nhưng, trước khi làm được điều đó, tôi phải giúp mình trước đã. Tôi phải thoát ra khỏi những vỏ bọc ấm êm để đối diện với những hiện thực, dù khắc nghiệt thế nào. Sẽ thật bất hạnh nếu con cái không thể tiếp bước và làm rạng danh cha mẹ. Dù biết rằng, để thành công như bố tôi, hay bất cứ doanh nhân thành đạt nào khác chẳng hề dễ dàng. Không phải cứ hô quyết tâm, cứ lao vào cuộc với tất cả sự hăng say là có thể thành công. Nhưng tôi tâm niệm rằng, chỉ cần phải cố gắng, có động lực và khát vọng vươn tới thì dù kết quả có thế nào thì bạn cũng không phải hổ thẹn về bản thân. Và tất nhiên, bố mẹ bạn cũng cảm thấy tự hào, hoặc chí ít là có được sự an ủi vì đứa con của họ không phải là thứ tầm gửi vô nghĩa lý.

Siêu xe, gái đẹp có sao đâu!

Qua những gì anh đã tâm sự, tôi có cảm nhận rằng, thiếu gia nhà bầu Hiển dường như không có sở thích như nhiều thiếu gia khác?

Khi nói về sở thích của các thiếu gia, người ta lập tức liên tưởng đến siêu xe và chân dài. Tôi nhớ có một câu như thế này: "Thước đo của mỗi con người là sự hưởng thụ". Vậy nên, đi siêu xe đâu phải là xấu, bởi nhìn nhận vấn đề đúng, nó giúp cho chất lượng cuộc sống của bạn tốt hơn. Thậm chí, như anh Cường "đô la", ban đầu ai cũng nghĩ đó là một cậu ấm rách trời rơi xuống, ăn chơi thì nức tiếng. Nhưng, bên cạnh sự tốn kém cho các bộ sưu tập siêu xe, giờ, Cường "đô la" là một thương hiệu có sức hấp dẫn đối với giới kinh doanh, nhất là về xe hơi đắt tiền. Chỉ có điều, tôi không đi theo con đường của anh Cường. Tôi cũng muốn có siêu xe, bởi đó không chỉ là sở thích mà còn là phương tiện để phục vụ cuộc sống và công việc. Tôi chỉ mua xe đẹp khi mình đã thực sự kiếm ra tiền. Và, chiếc xe ấy phải cần thiết cho công việc, cho cuộc sống, chứ không phải để chứng tỏ sự hào nhoáng của bản thân.

Con trai bầu Hiển: "Làm con đại gia khổ lắm" 2
Phong cách rất Hàn Quốc của Đỗ Quang Vinh

Thế còn chân dài cặp với thiếu gia thì sao?

Tôi có cảm giác dư luận hơi khó tính với nhan sắc Việt. Người đẹp là kiệt tác của tạo hóa. Tôi hay nói vui với bạn bè là "hồng nhan là bạc tỷ". Vậy thì tại sao lại nhìn nhận họ với cặp mắt dè bỉu, thậm chí coi thường nếu chỉ đồng hành với thiếu gia? Nói đàn ông, nhất là những người thành đạt không quan tâm đến nhan sắc của phụ nữ là không thật lòng. Chỉ có điều, hiện tại, trong quan hệ giữa chân dài và thiếu gia đôi khi xuất phát từ ngoại cảnh nhiều hơn nội tâm. Họ thường yêu những cái bên ngoài, chứ không hẳn có những rung động thật sự về tâm hồn và trái tim. Những mối quan hệ như thế chỉ như thứ đồ trang sức lấp lánh trên người chúng ta mà thôi. Mà đã là đồ trang sức thì dù có đắt đến đâu, đẹp thế nào thì đến một ngày vẫn bị lỗi thời và bị chán. Đôi khi, chính những món đồ trang sức này lại biến thành thứ vật sắc nhọn có thể làm rách cổ người đeo chúng. Ý tôi muốn nói là những tác động tiêu cực từ những mối quan hệ vốn không xuất phát từ trái tim.

Có cảm giác, anh luôn bị ám ảnh bởi những nhìn nhận không tích cực từ dư luận dành cho những "cậu ấm cô chiêu" và đang muốn thay đổi quan niệm của mọi người?

Tôi không có tham vọng để thay đổi quan điểm của mọi người. Nhưng, tôi có mục tiêu sống cho mình. Đó là phải sống sao cho đàng hoàng, có ý nghĩa và đặc biệt là không được làm xấu mặt bố mẹ. Tôi biết, cái nhìn không thiện cảm của dư luận về những "cậu ấm, cô chiêu" cũng xuất phát từ những việc chẳng hay ho cho lắm. Tôi cũng không lạ gì với việc, để tổ chức một đám cưới, một đại gia đã chi cả tỷ đồng để mua hoa từ Đà Lạt về TP.HCM. Rồi, người ta chi cả chục tỷ đồng, thậm chí nhiều hơn nữa cho một đám cưới rình rang. Tôi cũng nghe kể, có người lái xe đã phải đi suốt một đêm để tìm cho được quả xoài xanh cho con của bà chủ. Có tiền thì bạn có quyền tiêu. Nhưng, việc tiêu tiền như tôi đã nói, để cải thiện cuộc sống, chứ không phải mang đến sự lố bịch cho bản thân và gia đình.

Xin cảm ơn anh về buổi trò chuyện thú vị này!

Sợ… ẵm giải

Khác với người em trai vốn rất thích bóng đá, Đỗ Quang Vinh lại có đam mê âm nhạc. Vinh hát khá hay và đặc biệt là có khuôn mặt và phong cách thời trang rất… Hàn Quốc. Nhiều người khuyên thiếu gia này đi thi chương trình The Voice nhưng anh đã từ chối. Vinh nói vui rằng: "Tôi sợ sẽ trúng giải vì tập đoàn T&T và ngân hàng SHB có nhiều nhân viên. Nên nếu vì lý do nào đó mà vượt qua vòng giấu mặt, đến vòng sau tôi sẽ nhận được rất nhiều tin nhắn ủng hộ". Nói là vậy, nhưng Vinh muốn dành mọi sự quan tâm cho công việc kinh doanh của gia đình.


TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày