Câu chuyện của vợ chồng thu mua đồng nát mang trả 10 cây vàng nhặt được

Đan Linh, Theo Trí Thức Trẻ 00:01 17/11/2013

Nhặt được số vàng lớn, cả đời buôn bán đồng nát cũng không kiếm nổi, nhưng vợ chồng anh Bắc lo sợ hơn là vui mừng. Căn nhà nhỏ không có lấy một chỗ đảm bảo để cất số vàng cho cẩn thận.

Câu chuyện về hai vợ chồng người thu mua đồng nát trả lại 10 cây vàng cho người bị mất khiến nhiều người ngỡ ngàng, cảm phục. Đó là vợ chồng anh Nguyễn Tiến Bắc và chị Nguyễn Thị Thuật ở thôn Du Nghệ, thị trấn Quốc Oai, huyện Quốc Oai, Hà Nội.

Chúng tôi tìm về gia đình của cặp vợ chồng này để trực tiếp gặp gỡ những con người có hành động mà "nhiều người không dám làm". Căn nhà cấp 4 nằm khuất sau bụi tre già, con ngõ dẫn vào nhà không còn một lối trống cho khách đi vì đã dành chỗ để phơi phế liệu. Những khoảng đất trống trong khu vườn đều được gia đình anh tận dụng làm nơi để các loại hàng đồng nát vừa mua về. 

Mời chúng tôi vào nhà, anh Bắc giới thiệu căn nhà cấp 4 vừa được sửa sang lại mái. Bộ bàn ghế tiếp khách bằng tre cũng do anh tự đóng để tiết kiệm chi phí. Treo trang trọng giữa căn nhà là giấy khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt” tiêu biểu cho chị Thuật với hành động trả lại 10 cây vàng nhặt được khi đi mua đồng nát. 

Câu chuyện của vợ chồng thu mua đồng nát mang trả 10 cây vàng nhặt được 1
Anh Nguyễn Tiến Bắc bên danh hiệu "Người tốt, việc tốt" do Chủ tịch ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội tặng

Lo lắng khi nhặt được 10 cây vàng

Đến bây giờ, anh Bắc vẫn chưa quên cảm giác run rẩy khi mở túi bóng ra và phát hiện bên trong là 10 cây vàng. Sự việc xảy ra khoảng 7 tháng trước tại thôn Du Nghệ, thị trấn Quốc Oai, Hà Nội. Như mọi ngày, công việc của vợ chồng anh Bắc là đi thu mua phế liệu trong địa bàn thị trấn Quốc Oai. Ngày hôm đó, chị Thuật có vào mua đồng nát của một gia đình trong thị trấn, sau khi cân và trả tiền cho chủ nhà, chị Thuật vận chuyển số thùng carton về nhà để vào kho.

Câu chuyện của vợ chồng thu mua đồng nát mang trả 10 cây vàng nhặt được 2
Anh Bắc nói: "Nhặt được vàng mà lo lắng hơn là vui mừng"

Câu chuyện của vợ chồng thu mua đồng nát mang trả 10 cây vàng nhặt được 3
Trong lúc phân loại đống bìa vụn, anh Bắc đã nhặt được 10 cây vàng

“Đến ngày hôm sau, tôi ra xếp lại số hàng vừa mua để đóng gói. Như thường lệ, trong các thùng giấy vẫn chứa những túi bóng đựng đồ lặt vặt mà nhà chủ họ vứt đi, nên tôi phân loại ra và vứt vào một góc kho. Lúc này, tôi thấy một túi bóng được gói cẩn thận đặt trong một chiếc thùng giấy đựng tủ lạnh nên tò mò mở ra xem. Khi mở ra thì phát hiện bên trong có 10 cây vàng, lúc đó tôi vẫn không tin là vàng thật”, anh Bắc nhớ lại.

Theo lời anh Bắc, số vàng được gói cẩn thận bằng giấy bạc, bọc túi bóng bên ngoài, 5 cây vàng còn nguyên, 5 cây là vàng thành phẩm. Nhặt được số vàng trên, cố gắng định thần lại, vì không thể lý giải được vì sao số vàng lớn như thế này mà lại nằm lẫn vào đống phế liệu được, anh Bắc vội mang cất vào trong nhà. 

Câu chuyện của vợ chồng thu mua đồng nát mang trả 10 cây vàng nhặt được 4
Nhiều người dân địa phương cảm kích trước hành động của vợ chồng anh Bắc, chị Thuật

“Tôi đi mua hàng về, thấy mặt chồng mình hốt hoảng, chưa kịp hỏi chuyện thì anh ấy đã hỏi tôi mấy hôm nay đi mua hàng ở nhà ai, người ta bỏ quên tận 10 cây vàng trong đống giấy vụn mà gia đình mình vừa mua về. Tôi không tin vào tai mình, làm gì có chuyện cất 10 cây vàng vào đống giấy vụn như vậy. Nhưng khi chồng tôi đưa vàng cho tôi xem, mới tá hỏa là thật”, chị Thuật nói.

Nhặt được số vàng lớn, cả đời buôn bán đồng nát cũng không kiếm nổi, nhưng vợ chồng anh Bắc lo sợ hơn là vui mừng. Căn nhà nhỏ không có lấy một chỗ đảm bảo để cất số vàng cho cẩn thận. “Phế liệu mình mua về nhiều, của nhiều gia đình nên cũng không thể biết số vàng đấy nằm trong đống phế liệu của gia đình nào mà trả lại, nên vợ chồng chúng tôi đành đợi xem có ai đến xin không. Cũng không dám nói ra ngoài vì sợ thiên hạ lại đồn đoán không hay. Tôi nghĩ ai mất số của cải lớn như thế thì họ sẽ đến tìm mình”, anh Bắc chia sẻ sau khi nhặt được số vàng rất lớn trong đống phế liệu.

Câu chuyện của vợ chồng thu mua đồng nát mang trả 10 cây vàng nhặt được 5
Danh hiệu người tốt, việc tốt do Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội trao tặng chị Thuật

Câu chuyện của vợ chồng thu mua đồng nát mang trả 10 cây vàng nhặt được 6
Ủy ban nhân dân huyện Quốc Oai cũng đã tặng danh hiệu "Người tốt, việc tốt" cho chị Thuật

“Số vàng đó chắc là của cải của gia đình họ, là mồ hôi nước mắt của gia đình họ nên khi biết mất thì sẽ xót lắm”, anh Bắc nói thêm.

Vợ chồng chị Thuật nói rằng, cả đời lam lũ, bám nghề đồng nát nuôi hai con khôn lớn, chỉ có đồng tiền chính mình kiếm ra thì mới quý, mới xứng đáng để dùng, còn của cải nhặt được, cũng là môt hôi nước mắt của người khác, họ cũng vất vả dành dụm, đó chính là lý do mà vợ chồng chị đã trả lại 10 cây vàng nhặt được cho khổ chủ.

Câu chuyện của vợ chồng thu mua đồng nát mang trả 10 cây vàng nhặt được 7
Nhặt được 10 cây vàng, chị Thuật chỉ mong chủ nhân sớm đến tìm để trả lại

Câu chuyện của vợ chồng thu mua đồng nát mang trả 10 cây vàng nhặt được 8
Chiếc xe hàng ngày chị Thuật kéo đi mua đồng nát

Câu chuyện gia đình anh Bắc nhặt được vàng trong đống ve chai bà con hàng xóm không hề biết, chủ nhân số vàng không thấy xuất hiện, gia đình anh Bắc càng thấy sốt ruột hơn. 

Sau hơn 10 ngày, có hai vợ chồng người cùng thị trấn Quốc Oai đến nhà anh Bắc. “Khi đến, họ đã để ý vào khu vực kho mà tôi để bìa catton, các loại thùng giấy, mặt mũi rất khổ sở. Tôi hỏi họ đến đây có việc gì thì cô vợ trả lời có để một số vàng vào thùng đựng tủ lạnh, chồng ở nhà không biết nên mang đi bán phế liệu, giờ qua đây hỏi anh chị xem sao”, anh Bắc kể lại.

Câu chuyện của vợ chồng thu mua đồng nát mang trả 10 cây vàng nhặt được 9
Từ ngõ vào đến nhà ngập phế liệu

Anh Bắc ngầm đoán đây là khổ chủ của số vàng trên. Nhưng để chắc chắn và đề phòng xảy ra chuyện xấu, anh Bắc nói lại nhiều lần rằng "làm gì mà lại cất vàng vào trong cái thùng giấy bỏ đi được".

“Người phụ nữ đi cùng chồng mắt đỏ hoe, nói gia đình dành dụm được 10 cây vàng, nhưng giấu vào thùng giấy đựng tủ lạnh, chồng con đều không biết. Cô ấy vừa nói vừa khóc, tay chân run rẩy. Trong khi người chống đang cố tìm kiếm ở đống phế liệu trong kho”,
anh Bắc nhớ lại.

Biết chính xác đây là chủ nhân của số vàng nhặt được, anh Bắc và chị Thuật mời vợ chồng họ vào nhà và trao trả lại 10 cây vàng. Gia đình khổ chủ cảm ơn không hết lời, người dân biết chuyện cũng đến xem rất đông và ai cũng trầm trồ khen ngợi hành động cao cả của vợ chồng anh Nguyễn Tiến Bắc.

Bác Hiệp (80 tuổi, người cùng thôn) nói với chúng tôi: "Chúng tôi rất vui mừng khi địa phương mình có những tấm gương người tốt việc tốt như vậy. Đây là bài học cho tất cả mọi người, đặc biệt là để thế hệ trẻ học tập vè rèn luyện bản thân".

Mua đồng nát nuôi con học Đại học

Nhiều năm về trước, gia đình anh Bắc chủ yếu làm nghề đan lát các vật dụng từ tre, nứa. Càng về sau, nhu cầu sử dụng ít, nên công việc ngày càng khó khăn. Khoảng 2 năm trở lại đây, anh Bắc bàn với vợ mạnh dạn đi thu mua phế liệu về bán kiếm lời. Do vốn ít, phương tiện vận chuyển không có nên vợ chồng anh chỉ thu mua quanh quẩn trên địa bàn thị trấn Quốc Oai. Hai vợ chồng anh đi đến từng hộ dân, từng cửa hàng, hỏi mua các loại phế liệu rồi tự kéo xe về nhà, phân loại, đợi đến ngày hàng nhiều thì gọi đầu mối đến thu mua một thể.

Câu chuyện của vợ chồng thu mua đồng nát mang trả 10 cây vàng nhặt được 10
Nhiều hàng xóm nói vui rằng, với 10 cây vàng nhặt được, anh Bắc có thể xây dựng cho mình căn nhà mới

“Đồng vốn mình ít, nên tự đi thu mua các loại phế liệu từ giấy bìa, sắt vụn, các loại nhựa vứt đi… rồi về bán lại cho các đầu mối chứ không có điều kiện đứng ra thu mua. Anh nhìn ngoài sân và vườn thì thấy đấy, đủ thứ phế liệu trên đời”, anh Bắc cười nói. Với công việc này, anh Bắc cho biết hai vợ chồng kiếm mỗi tháng được 4 – 5 triệu đồng.

Hàng ngày, hai vợ chồng anh đi thu mua đồng nát từ sáng sớm, đến trưa chở hàng về nhà. Sau thời gian ăn uống lại tiếp tục công việc vào buổi chiều. Theo chị Thuật, mỗi ngày hai vợ chồng anh chị chỉ ngủ từ khoảng 10h đêm đến 5h sáng hôm sau, vì mua hàng về, phải mất thêm thời gian ngồi phân loại, đóng hàng.

Câu chuyện của vợ chồng thu mua đồng nát mang trả 10 cây vàng nhặt được 11
Con trai thứ hai của anh Bắc (lớp 5) học rất khá.

Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, công việc vất vả chiếm hết thời gian của 2 vợ chồng anh Bắc, nhưng niềm vui khi cháu lớn đang học năm thứ 2 một trường Đại học danh tiếng của Hà Nội. Cháu thứ hai học lớp năm, hiện cũng đang học rất khá, ngoan ngoãn. “Dù khó khăn tôi cũng cố gắng vì các con. Nuôi dạy các cháu nên người, sống ở đời phải thật thà, cứ cố gắng vươn lên bằng chính công sức của mình thì sẽ thành công”, anh Bắc chia sẻ với chúng tôi khi nói về hai người con của mình.

Chị Thuật tâm sự, nếu bố mẹ sống thật thà, tử tế thì con cái sẽ noi theo gương đó mà sống tốt. "Nhiều hàng xóm vẫn nói vui với chúng tôi, với số vàng nhặt được, đủ để xây một căn nhà khang trang thay cho ngôi nhà cấp 4 cũ nát này. Nhưng đó không phải của cải do mình làm ra, phải trả cho người ta chứ", chị Thuật cười nói.

Câu chuyện của vợ chồng thu mua đồng nát mang trả 10 cây vàng nhặt được 12
Công việc thu mua đồng nát giúp vợ chồng chị Thuật trang trải chi phí học tập cho các con

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày