Bão Thần Sấm đi qua, 40 ngôi nhà ở Quảng Ninh tốc mái

Tuổi Trẻ, Theo 08:35 19/07/2014

Đến 14g chiều 19-7, gió đã ngừng giật ở TP Móng Cái, chỉ còn mưa nhẹ, trời hửng sáng hơn. Thống kê ban đầu có khoảng 40 ngôi nhà tại Quảng Ninh bị tốc mái do bão Thần Sấm.

14g chiều 19-7, gió đã ngừng giật và chỉ còn mưa nhẹ, trời hửng sáng hơn. Trên đường, xa cộ đã tham gia lưu thông, tuy nhiên các điểm công cộng như chợ, siêu thị, cửa hàng vẫn đóng cửa. Thành phố vẫn chưa cấp điện trở lại.

Thiệt hại ban đầu trên địa bàn thành phố được ghi nhận chủ yếu là một số khu chợ, nhà dân bị tốc mái, hầu hết các tuyến phố đều có cây xanh ngã đổ.

Theo UBND TP Móng Cái thì đến đầu giờ chiều nay không xảy ra thiệt hại về người. Các phương tiện tàu thuyền nẹo đậu trong bến trú ẩn theo quy định về cơ bản vẫn an toàn. Diễn biến mưa bão ở khu vực bãi biển Trà Cổ cũng tương tự như trung tâm thành phố Móng Cái.

Thống kê ban đầu của ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ninh, tính đến 13g toàn tỉnh có 40 ngôi nhà ở các huyện, thành phố bị tốc mái, trong đó chủ yếu tập trung tại thành phố Móng Cái. Hai ngôi nhà thô sơ tại huyện Tiên Yên bị sập hoàn toàn. Ngoài ra có nhiều cây xanh và các cột diện dân sinh bị bão quật đổ.


Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Đỗ Thông (ngoài cùng từ trái sang) cùng lãnh đạo các sở, ngành liên quan kiểm tra công tác phòng chống bão số 2 tại cảng Cái Rồng (Quảng Ninh) trưa nay 19-7 -Ảnh: Phạm Nhâm


Trong sáng nay các địa bàn nằm ở phía Đông Quảng Ninh bị mất điện do dây điện bị đứt nhiều chỗ, nhiều mái tôn và các vật dụng khác bị gió thôi bay vướng vào đường dây nên gây mất động diện rộng. Hiện điện lực Quảng Ninh đang khẩn trương tiến hành các biện pháp để khôi phục cấp điện trở lại.

Theo ghi nhận tại huyện Vân Đồn, nhiều căn nhà tốc mái, các biển quảng cáo cỡ lớn cũng bị gió quật đổ, người dân tại đây gia cố mái nhà, chồng chằng lại cốt trong gió bão. Trong xã Đoàn Kết (Quảng Ninh) cây cối trồng tại nhiều đồi bị gió quật tan hoang.


Mái tôn của một xưởng sản xuất tại Vân Đồn bị gió bão giật tung, người dân gia cố lại trong gió bão - Ảnh: Phạm Nhâm


12 giờ trưa 19-7, gió và cường độ mưa có giảm song vẫn duy trì ở mức nguy hiểm. Chính quyền các địa phương trong TP. Móng Cái vẫn khuyến cáo người dân không di chuyển ngoài đường phố.

Ghi nhận tại nhiều xã, phường trong TP. Móng Cái, Quảng Ninh đã có hàng trăm ngôi nhà bị tốc mái, khung cảnh tan hoang, trơ trọi và sự lo lắng hiện rõ trên gương mặt nhiều hộ dân khi không biết sẽ phải ở đâu sau khi bão tan.

Tranh thủ trở về nhà dọn dẹp đống đổ nát sau khi gió và bão suy yếu, bà Trương Thị Mỹ, ở khu 4, Trần Phú, TP. Móng Cái cho biết, cũng may tôi kịp di dời đến nơi ở an toàn theo khuyến cáo của chính quyền từ 18g tối qua, nếu ở lại thì giờ không biết sẽ phải làm thế nào. Bà Mỹ cho biết thêm, đây là lần đầu tiên căn nhà của bà bị tốc mái kể từ khi được xây dựng cách đây gần chục năm.

Bất ngờ trước việc căn nhà đi thuê bị tốc mái, chị Nguyễn Thị Vân (khu 4, Trần Phú) chia sẻ: “Cả nhà vẫn nghĩ không thể bị tốc mái vì thấy kết cấu khá chắc chắn của ngôi nhà nên không di dời. Tuy nhiên khoảng 9g sáng khi bão đổ bộ thì toàn bộ phần mái bị tốc khiến gia đình không kịp trở tay.”

Ngay sau khi xảy ra sự việc, gia đình chị Vân đã được lực lượng công an của địa phương hỗ trợ di dời người và một số tài sản đến nơi an toàn. Trở về khi căn nhà đã trơ trọi, ngập lênh láng nước chị Vân không khỏi lo lắng vì chưa biết sắp tới sẽ phải ở đâu và có được chủ nhà hỗ trợ khắc phục sự cố.

Lúc 11g trưa nay 19-7, tâm bão ở ngay trên khu vực phía bắc tỉnh Quảng Ninh. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75-102 km/giờ), giật cấp 11-12.

Bão Thần Sấm (bão số 2) đang ảnh hưởng tới tỉnh Quảng Ninh. Tại đảo Bạch Long Vĩ đã đo được gió giật cấp 9; đảo Cô Tô và Móng Cái có gió giật mạnh cấp 10; Quảng Hà, Tiên Yên có gió giật cấp 8-9.Tại Mẫu Sơn (Lạng Sơn) có gió giật cấp 9; TP. Lạng Sơn có gió giật cấp 8…

Bão cũng gây mưa to ở khu vực đông bắc Bắc Bộ, như Cô Tô: 44mm; Móng Cái: 109mm; Cửa Ông: 40mm, Mẫu Sơn (Lạng Sơn) 65mm…


Móng Cái tan hoang sau mưa to, gió giật của bão Thần Sấm sáng 19-7

Di chuyển hướng tây tây bắc

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, lúc 11g trưa nay 19-7, tâm bão ở ngay trên khu vực phía bắc tỉnh Quảng Ninh. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75-102 km/giờ), giật cấp 11-12.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng giữa tây và tây tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15-20km, dọc theo vùng núi Bắc Bộ và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới, sau đó áp thấp nhiệt đới suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực vùng núi phía Bắc.


Sơ đồ hướng đi bão số 2 - Ảnh: Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương


Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, vùng biển bắc vịnh Bắc Bộ ngày hôm nay còn có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9. Biển động mạnh. Ở phía đông bắc tỉnh Quảng Ninh ngày hôm nay có gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10-11. Các nơi khác ở Quảng Ninh và Hải Phòng, Lạng Sơn có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9.

Cảnh báo lũ trên các sông Bắc Bộ

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, do ảnh hưởng trực tiếp của bão số 2, dự báo từ chiều tối nay 19-7 đến 22-7, ở các tỉnh Bắc Bộ sẽ có một đợt mưa to, có nơi mưa rất to. Trên hệ thống sông Hồng - Thái Bình có khả năng sẽ xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên ở thượng lưu từ 2-5m, ở hạ lưu từ 2-3m.

Trong đợt lũ này, mực nước trên sông Thao tại Yên Bái có khả năng lên trên mức báo động 2; sông Lô tại Tuyên Quang có khả năng lên mức báo động 1; mực nước ở thượng lưu sông Thái Bình lên mức báo động 1, hạ lưu tại Phả Lại có khả năng lên mức 3m, còn dưới mức báo động 1 (4m).

Sông Hồng tại Hà Nội có khả năng lên 5,5m, còn dưới mức báo động 1 (9,5m); các sông nhỏ vùng núi phía Bắc và Đông Bắc thuộc tỉnh Quảng Ninh, Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Giang, Lào Cai có khả năng lên mức báo động 2 đến báo động 3.

Cần đề phòng lũ quét và sạt lở đất xảy ra ở các tỉnh vùng núi phía Bắc và Đông Bắc.

Hơn 10 giờ ngày 19-7, gió vẫn tiếp tục rít mạnh từng cơn tại khu vực TP.Móng Cái, Quảng Ninh. Thành phố Móng Cái đã bị cúp điện, rất nhiều tấm tôn lợp mái nhà bị cuốn bay treo lơ lửng trên đường dây diện. Một số đoạn đường, nước ngập đến đầu gối.

Tại các tuyến phố trong địa bàn, mảnh tôn của các khu nhà không được gia cố bay loạn xạ, vương vãi khắp đường phố. Nhiều tuyến phố phải cắt điện khi hệ thống dây điện và viễn thông bị đứt rơi xuống lòng đường.

Tại khu chợ 3, TP. Móng Cái, cây xanh lâu năm và nhiều xe máy của người dân dựng bên vỉa hè bị gió quật đổ. Ngay trong thời tiết mưa gió, xe cảnh sát cứu hộ vẫn được huy động để khảo sát nắm tình hình tại khắp các tuyến phố nhằm kịp thời hỗ trợ công tác cứu hộ, cứu nạn xảy ra.


Di chuyển hộ gia đình tại khu Vàng Lầy, TP. Móng Cái tới nơi an toàn - Ảnh: Tiến Thắng


Ông Nguyễn Mạnh Quý, công tác tại Công an phường Trần Phú, TP. Móng Cái cho biết, từ sáng sớm 19-7 cho đến trưa, lực lượng công an phường tiến hành triển khai ô tô tải di chuyển hơn chục vòng tại các tuyến phố trên địa phường Trần Phú.

“9 giờ sáng 19-7, công an phường đã đưa được 4 người đang đợi xe tại khu vực cửa khẩu Móng Cái về nhà văn hóa phường để đảm bảo an toàn”, Ông Quý cho biết thêm.


Thu dọn hiện trường ảnh hưởng do bão - Ảnh: Việt Dũng


Đến 9g sáng 19-7, Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương (NCHMF) cho biết bão số 2 đang ảnh hưởng tới tỉnh Quảng Ninh. Tại đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng) đã đo được gió giật cấp 9; đảo Cô Tô và Móng Cái (Quảng Ninh) có gió giật mạnh cấp 10; Quảng Hà, Tiên Yên (Quảng Ninh) có gió giật cấp 8 - 9; Mẫu Sơn (Lạng Sơn) có gió giật cấp 9; TP. Lạng Sơn có gió giật cấp 6... Khu vực Đông Bắc Bắc Bộ đã có mưa to như Cô Tô: 32mm; Móng Cái: 43mm; Cửa Ông: 20mm…

Dự báo  bão tiếp tục di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km, dọc theo vùng núi Bắc Bộ và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Sau đó áp thấp nhiệt đới suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực vùng núi phía Bắc.

Tại cuộc họp giao ban của Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương (PCLBTƯ) sáng nay (19-7), ông Hoàng Đức Cường – Giám đốc Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương (NCHMF) – cho biết sáng sớm nay bão số Rammasun ( Thần Sấm – bão số 2 trên biển Đông) đã đổ bộ vào đất liền phía Bắc của Móng Cái (Quảng Ninh)  giáp ranh biên giới Việt Nam – Trung Quốc. Vị trí tâm bão khi vào bờ cách TP Móng Cái 20 đến 50km về phía Bắc.

Qua ảnh mây vệ tinh và quan trắc ra đa, ông Cường cho biết NCHMF nhận định khi vào bờ bão mạnh cấp 12, giật cấp 12-13.

Đến 8g sáng 19-7 vị trí tâm bão cách TP Móng Cái 20km về phía Bắc và gây gió giật cuối cấp 9 (24m/s), đầu cấp 10 ở Móng Cái và đảo Cô Tô. Gió tiếp tục mạnh dần lên cấp 10-11, giật trên cấp 12 ở phía Bắc Quảng Ninh.

Dự báo, bão số 2 tiếp tục đi sạt biên giới Việt Nam – Trung Quốc và khi đến Lạng Sơn, Cao Bằng  vẫn mạnh cấp 7, cấp 8, giật cấp 9. Cấp gió này gây nguy hiểm cho các khu dân cư, công trình ít khi chịu gió mạnh trên địa bàn 2 tỉnh này.

“Đến sáng nay, một số trung tâm khí tượng nước ngoài vẫn dự báo bão vào sâu trong đất liền 200km vẫn cấp 12-13. Có lẽ họ muốn nâng cảnh báo ở mức cao nhất, phục vụ cho cách hoạt động liên quan đến hàng không”- ông Cường nói.


Bộ đội biên phòng thị trấn Vân Đồn đi lên từng tàu thuyền nhắc nhở ngư dân lên bờ tránh bão sáng 19 -7 - Ảnh: Phạm Nhâm

Về mưa, ông Cường quan ngại trong ngày hôm nay mưa lớn tiếp tục xảy ra ở khu vực Đông Bắc rồi lan dần lên Việt Bắc và Tây Bắc với lượng mưa 200mm, có nơi cao hơn.

Đến 8g 30, đại diện Ủy ban Quốc gia TKCN cho biết thông tin từ 20 đoàn công tác của quân đội ở các đảo và địa bàn các tỉnh Đông Bắc báo về vẫn chưa ghi nhận thiệt hại  do bão gây ra.

Đảo Bạch Long Vĩ vẫn an toàn. Còn đảo Cô Tô có 99 khách du lịch, đảo Quan Lạn có hơn 170 du khách trong đó có nhiều khách nước ngoài vẫn trú ở khách sạn kiên cố. Trước đó, nhiều du khách nước ngoài không muốn về bờ vì muốn trải nghiệm bão.

8g sáng 19 – 7, gió bão kèm theo mưa lớn đã tăng cường độ mạnh hơn trên địa bàn TP. Móng Cái, nhiều cây xanh bị gió giật đổ, một số mái tôn cũng bị gió bốc bay xuống đất.

Cả thành phố Móng Cái đã bị mất điện.

Theo cơ quan chức năng, khoảng thời gian từ 8 – 10g sáng nay là khoảng thời gian bão mạnh nhất tại Quảng Ninh. Các khách sạn trong khu vực TP. Móng Cái gia cố cửa kính bằng bao cát và cọc tre.


Đến 8g sáng mưa tiếp tục mạnh thêm, kèm gió rít, nước biển dâng cao nhanh chóng - Ảnh: Phạm Nhâm


Gió giật mạnh khiến nhiều cây bị đổ tại TP. Móng Cái, Quảng Ninh - Ảnh: Tiến Thắng


Bão giật mạnh khiến cây cối bị đổ rạp bên đường, người dân đã chủ động thu dọn ngay sau đó - Ảnh: Phạm Nhâm

7g sáng: Liên lạc với ông Đặng Huy Hậu, Phó chủ tịch tỉnh Quảng Ninh, Trưởng ban phòng chống lụt bão tỉnh Quảng Ninh về tình hình phòng chống cơn bão số 2, ông Hậu cho biết sức gió trên địa bàn TP. Móng Cái hiện vào khoảng cấp 7, cấp 8 kèm theo mưa lớn. Chưa có thiệt hại nào xảy ra.

Tỉnh Quảng Ninh đang tiếp tục tuyên truyền để người dân ở trong các nơi trú ẩn an toàn không ra đường nếu không cần thiết. Một số đoàn công tác sẽ đến các địa bàn trọng yếu để kiểm tra trong sáng nay.

Ông Hậu khẳng định, đến giờ phút này thì đã di dời tất cả các hộ dân trong khu vực nguy hiểm, trên toàn tỉnh Quảng Ninh đã di dời trên 7.000 hộ với hơn 27 ngàn nhân khẩu.

Bão Thần Sấm (Rammasun) bắt đầu đổ bộ ảnh hưởng trực tiếp tới tỉnh Quảng Ninh.


Mưa lớn kèm gió mạnh ngay từ sáng sớm tại Quảng Ninh 19-7 - Ảnh: Phạm Nhâm


Mưa lớn trên bãi biển Trà Cổ sáng nay 19-7 - Ảnh: V.V.Thành



Một chậu cây cảnh bị gió quật đổ - Ảnh: Tiến Thắng


Gió giật khiến kính tại nhiều tòa nhà cao tầng ở TP. Móng Cái vỡ vụn - Ảnh: Tiến Thắng


Đến 6g30, vùng tâm bão đi lệch phần lớn sang Trung Quốc nhiều hơn là Móng Cái.

Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn (NCHMF) cho biết thời điểm này, một nửa bán kính vùng tâm bão đã trùm lên bờ và một nửa ở trên biển.

Số liệu quan trắc lúc 6 giờ tại Móng Cái (Quảng Ninh) đã có gió giật cấp 9, đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng) gió giật cấp 9, Quảng Hà, Tiên Yên (Quảng Ninh) có gió giật cấp 7, đảo Cô Tô (Quảng Ninh) có gió giật cấp 8.

Dự báo trong vòng 1 giờ nữa tâm bão sẽ hoàn toàn đổ bộ lên đất liền biên giới Việt – Trung.

NCHMF cho biết ghi nhận lúc 4 giờ sáng 19-7, tâm bão số 2 ở vào khoảng 21,5 độ vĩ Bắc -108,9 độ kinh Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 - 13 (tức là từ 118 đến 149 km một giờ), giật cấp 15 - 16.

Bão di chuyển theo hướng giữa Tây Tây Bắc và Tây Bắc với tốc độ 20km/giờ và tiến vào khu vực biên giới Việt - Trung với cường độ mạnh cấp 10 - 11, giật cấp 13 - 14, sau đó bão đi sâu vào đất liền và suy yếu dần.


Đường đi của bão - Nguồn NCHMF

Quảng Ninh mưa to, biển động dữ dội

Từ 4g sáng 19-7, ghi nhận tại cảng Cái Rồng, Vân Đồn (Quảng Ninh), mưa lớn, gió rít liên hồi, sóng biển động khiến nhiều tàu cá neo tại đây va đập vào nhau.

Ghi nhận tại khu vực Cửa Ông, Cẩm Phả, bắt đầu từ 6g sáng bắt đầu có gió to và mưa nặng hạt. Dù chưa có thiệt hại về người, nhưng đã mưa lớn khiến nhiều cây cối đổ, một số tuyến đường cầu cảng trong thị trấn Cái Rồng bị ngập, người dân đi lại khó khăn.

Cũng trong sáng nay, một số tàu cá của ngư dân các tỉnh miền Trung đã trở về đóng neo tại cảng Cái Rồng. Đội biên phòng tỉnh Quảng Ninh trực tiếp xuống tàu thuyền nhắc nhở những hộ dân còn ở trên thuyền di dời lên bờ tránh bão.

Về phía cơ quan chức năng, cán bộ trực phòng, chống bão, chính quyền địa phương Vân Đồn đã sẵn sàng các phương tiện như xe ô tô, tàu cứu nạn đã được điều động sẵn sàng ứng cứu, di dân nếu có bão đổ bộ.


Sáng sớm 19-7, một số tàu cá của ngư dân các tỉnh miền Trung về kịp tại cảng Cái Rồng tránh bão - Ảnh: Phạm Nhâm


Sinh hoạt ngừng trệ

Từ 3g sáng 19-7, gió đã bắt đầu thổi mạnh trên địa bàn thành phố Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) kèm theo mưa lớn.

Cán bộ trực phòng, chống bão tại UBND TP Móng Cái khẳng định trong đêm những hộ dân cuối cùng ở trong các khu vực nguy hiểm đã được di dời, tuy nhiên cơ quan chức năng sẽ tiếp tục theo dõi và kịp thời có các biện pháp cần thiết.

Từ trong đêm 18-7, rạng sáng ngày 19-7, TP Móng Cái đã cho một số ôtô lưu động đi phát loa thông báo về bão số 2 và các chỉ đạo, hướng dẫn của cơ quan chức năng.

Theo quan sát của phóng viên Tuổi trẻ, các sinh hoạt công cộng thường ngày của thành phố đã ngừng trệ, đường phố hầu như không có phương tiện giao thông và người qua lại.

Tại bãi biển Trà Cổ, cách trung tâm thành phố Móng Cái khoảng 10 km, có gió thổi mạnh và mưa dày hạt, tuy nhiên sóng biển không dâng cao.


Anh Hoàng Nam, người dân phường Trà Cổ ra bãi biển gia cố neo cố định tàu thuyền chống bão - Ảnh: V.V.Thành


Trong khi đó, tại huyện đảo Cát Hải (Hải Phòng), sáng 19-7, mọi sinh hoạt của người dân nơi đây vẫn bình thường. Tuy nhiên, các lực lượng công an, biên phòng và lực lượng cứu hộ cứu nạn của huyện vẫn tích cực đi tuần tra các khu vực xung yếu, nhắc nhở người dân không chủ quan.

Cưỡng chế 11 phương tiện, 55 ngư dân không chịu tránh bão

Sáng 19-7 và tối 18-7, tại cảng Cái Rồng, Vân Đồn (Quảng Ninh), lực lượng chức năng đã bắt buộc cưỡng chế tổng số 54 người không chịu tuân thủ quy định lên bờ tránh bão, trong đó có 15 trẻ em, 28 nữ, 11 nam.

Tất cả các trường hợp này đều trú tại vụng Lỗ Hố, xã Minh Châu, huyện Vân Đồn, cách khu vực trú an toàn hơn 10km.

Trong sáng 19-7, thêm một trường hợp chủ nhà bè đã bị xử lý hành chính, lập biên bản do cố tình không lên bờ dù đã được các lực lượng biên phòng nhắc nhở.

Đó là trường hợp một chủ nuôi cá tên Dơn (xã Đoàn Kết, huyện Vân Đồn). Trươc đó tối 18-7, khi lực lượng chức năng xuống từng thuyền bè vận động ngư dân lên bờ, ông Dơn đã trốn khỏi nhà bè để tránh lực lượng chức năng. Rạng sáng 19-7, khi bão bắt đầu đổ bộ, ông Dơn đã gọi diện cho lực lượng cứu hộ đến cứu

“Cơn bão bão số 2 đã vào biên giới giáp ranh giữa Việt Nam, Trung Quốc, khi đổ bộ thường vào theo hướng Đông trước, sau đó đổ Nam là tan bão nhưng cơn bão này có hướng đi hết sức phức tạp, chưa lường trước được”, trung tá Nguyễn Thế Thảo tại trạm kiểm soát biên phòng cảng Cái Rồng cho biết.

10g30 tại khu vực huyện Vân Đồn mưa gió vẫn dữ dội, gió mỗi lúc một mạnh thêm, ngoài đảo Quan Lạn, Minh Châu gió giật cấp 5, cấp 6. Lực lượng cứu hộ, cứu nạn của huyện Vân Đồn vẫn đang túc trực 24/24 tại khu vực cảng Cái Rồng để sẵn sàng đối phó bão số 2.


Một tàu thuyền đang trong tình trạng bị ngập khoang nước, khả năng chìm dần - Ảnh: Phạm Nhâm


Mưa to đến rất to


Dự báo đến 16 giờ ngày 19-7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 22,2 độ vĩ Bắc - 106,7 độ kinh Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 62 đến 74km một giờ), giật cấp 9 - 10.

Tiếp đó, bão di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km, dọc theo vùng núi Bắc Bộ và tiếp tục suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, sau đó áp thấp nhiệt đới suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực vùng núi phía Bắc.

Do ảnh hưởng của bão ở các tỉnh Bắc Bộ có mưa to đến rất to. Vùng núi Bắc Bộ có nguy cơ xảy ra lũ quét và sạt lở đất trên diện rộng.

Trước đó, từ khoảng 1g sáng 19-7, tại huyện đảo Bạch Long Vỹ, Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn huyện cho biết đã xuất hiện gió cấp 6 giật trên cấp 6 hướng tây tây bắc, bắt đầu có mưa rào.
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày