Vụ SV bị kỷ luật vì dùng sách photo: Ngưng đem cái nghèo khổ ra làm lá chắn được không?

K.A, Theo Trí Thức Trẻ 11:28 16/02/2017

Theo quan điểm của nhà văn Nguyễn Ngọc Thạch, việc nữ sinh mang tài liệu photo vào trường bị kỉ luật là đúng vì đó là làm trái nội quy nhà trường. "Không thể nói là em không đọc nội quy, em không biết, em lỡ, vì nhà em nghèo..."

Những ngày gần đây, sự việc một sinh viên trường Luật ở Sài Gòn bị nhà trường đưa ra quyết định đình chỉ vì mang giáo trình photo vào trường đang gây tranh cãi khá lớn, đặc biệt là đối với các bạn sinh viên. 

Cụ thể, nữ sinh viên N.T.N.A, học năm 2 khoa Luật Dân sự, khóa 40 đã mang 8 cuốn giáo trình photo vào trường và bị bảo vệ kiểm tra, thu giữ. Ngay sau khi có quyết định kỉ luật là đình chỉ học 1 năm, nhiều bạn sinh viên vô cùng bức xúc và cho rằng quy định cũng như chế tài xử phạt N.A là quá nặng, chỉ nên dừng ở mức cảnh cáo hay hạ điểm rèn luyện là hợp lý. 

Bên cạnh đó nhiều bạn lại đồng tình với cách xử phạt vì đây là nội quy nhà trường đã đề ra từ trước đó, khi đã là sinh viên đang theo học thì nên chấp hành. 

Ngay sau khi có những luồng ý kiến trái chiều từ các bạn sinh viên, hội đồng kỉ luật của trường đã hủy quyết định kỷ luật dừng học một năm mà giảm xuống chỉ còn mức cảnh cáo.

Mới đây, trên trang cá nhân của mình nhà văn Nguyễn Ngọc Thạch đã bày tỏ quan điểm của mình về sự việc trên, bài chia sẻ thu hút rất nhiều sự quan tâm chú ý của cộng đồng mạng do anh thẳng thắn nêu quan điểm: Làm ơn ngưng đem cái nghèo cái khổ ra làm lá chắn!

Vụ SV bị kỷ luật vì dùng sách photo: Ngưng đem cái nghèo khổ ra làm lá chắn được không? - Ảnh 1.

Đoạn chia sẻ của nhà văn Nguyễn Ngọc Thạch trên trang cá nhân

Đoạn chia sẻ của Nhà văn Nguyễn Ngọc Thạch như sau: 

"Vụ em sinh viên bị kỉ luật vì tài liệu photo, các anh chị làm ơn ngưng đem cái nghèo cái khổ ra làm lá chắn đi được không?

Nếu đó là quy định rõ ràng từ nội quy nhà trường, em làm sai, thì em phải chịu trách nhiệm cho việc em làm. Em không có quyền nói là em không đọc nội quy, em không biết, em lỡ, vì nhà em nghèo... tất cả những câu nói đó chỉ càng thể hiện em kém bản lĩnh và hời hợt với việc đọc kỹ quy định ở nơi mà em học tập.

Em hãy mạnh dạn nhận đó là lỗi của em, xin nhà trường có hình thức kỷ luật đúng đắn với em và em sẽ làm theo, nếu bị đình chỉ thực sự, em sẽ dành thời gian đó để học tại nhà, đi làm kiếm thêm kinh nghiệm và quay lại học sau thời gian đó. Cách làm này sẽ thiệt hại về vật chất, tốn thời gian, nhưng giữ cho em một thứ vô cùng quan trọng, đó là danh dự.

Các anh chị than nghèo. Tôi nói, sách năm chục đến hai trăm một cuốn, so ra bằng một đến hai cái vé coi phim của các anh chị. Các anh chị có dám nhịn coi phim 1 tháng để mua một cuốn sách không? Các anh chị có dám nhịn mua một bộ đồ mặc trong Tết để tiền mua sách học không? Các anh chị có dám nhịn một tuần hai buổi ăn sáng để tới tháng có tiền mua thêm sách không?

Các anh chị nói gia đình nghèo, tôi cười khinh các anh chị. Vì nếu nói được câu đó mà các anh chị vẫn cứ ngồi đó chờ tiền gia đình gửi lên để mua sách học, không biết đi làm thêm, không biết xin đi phục vụ nhà hàng, quán ăn, bán cửa hàng tiện lợi để giúp gia đình, thì các anh chị không chỉ nghèo mà còn hèn, vô cảm, lười và đổ thừa hoàn cảnh. Ngữ ấy không thành công được về sau đâu. Đừng học, phí thời gian.

Hồi đó , tôi cầm cuốn sách photo trên tay, vì bị ép buộc do cuốn giáo trình đó trong nước không có, bắt buộc sinh viên phải dùng tài liệu photo, tôi thấy mình nhục và hèn kinh khủng, và từ đó, tôi thề với lòng rằng phải làm lụng ra sao để có thể hiên ngang đặt một cuốn sách gốc từ nước ngoài về, và tôi học được việc quý trọng, tôn trọng chất xám của người viết sách từ đó.

Hãy nghĩ đi, đến ngày các anh chị đi làm, bán chất xám, bị người ta ăn cắp toàn bộ chất xám đó phát tán miễn phí, anh chị có đau lòng không?

Việc hay nhất của vụ lần này, là dấy lên tiếng nói về việc tôn trọng bản quyền, chất xám, và để cho nhiều anh chị sinh viên nhìn ra rằng, không chỉ hời hợt với cuộc đời, các anh chị còn lười, hèn và ăn cắp quen tay.

Thấy mình sai, thì bây giờ sửa. Đừng buồn vì cơ bản chúng ta ai cũng đã từng sai.

Ở khía cạnh nhân văn nhất, mình hi vọng bên trường có thể chỉ đình chỉ ba tháng, hoặc một học kỳ, đừng lên tới một năm.

Và đây sẽ là bài học cho rất nhiều em sinh viên, trường cần dạy các em điều này trước khi đời bắt các em trả giá".

Ngay sau khi đoạn chia sẻ trên được đăng tải lên mạng xã hội đã thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng. Một số cư dân mạng đồng tình với quan điểm của nhà văn Nguyễn Ngọc Thạch, rằng nên tuân theo nội quy của nhà trường dù sinh viên ấy giàu hay nghèo. 

"Có thể trường khác giáo trình không phải do giáo viên biên soạn (hoặc giáo trình chỉ là slide powerpoint) nhưng ở ĐH Luật thì giáo trình là sách do chính các thầy cô viết, lưu hành nội bộ nên mua bản gốc cũng là tôn trọng thầy cô. Trường Luật là vậy nếu đã là quy định thì giàu hay nghèo các bạn sinh viên cũng phải theo. Đó là khác biệt giữa trường dùng tài liệu lưu hành nội bộ và trường không dùng", tài khoản K.H. bày tỏ. 

"Không nhất thiết phải mua sách mới, thay vì photo các bạn có thể mua sách cũ hoặc mượn trên thư viện trường,... Không thể đổ cho gia đình khó khăn nên đành phải đi photo sách được. Biết quy định của nhà trường mà còn vi phạm thì phải chịu kỉ luật chứ không thể cho tại hoàn cảnh hay gì được", tài khoản Q.L. bình luận. 

Tuy nhiên, một số bạn bày tỏ ý kiến không đồng tình với quan điểm trên. "Một cuốn giáo trình của trường Luật theo mình biết là khá đắt đỏ, (dù sinh viên đã được chiết khấu). Không đổ cho vì nghèo khó hay gì nhưng bên cạnh khoản tiền mua giáo trình mỗi sinh viên còn bao nhiêu khoản chi tiêu khác nhau nữa. Mong nhà trường có thể xem xét lại", tài khoản G.A. chia sẻ.