Vụ mất tích bí ẩn của nàng tiểu thư bị gia đình che giấu sợ ảnh hưởng danh tiếng, tưởng đi vào ngõ cụt nhưng 6 năm sau cảnh sát tuyên bố gây ngỡ ngàng

Thái Anh, Theo Pháp Luật & Bạn Đọc 03:15 21/05/2021

Cuộc đời của nàng tiểu thư quyền quý Dorothy Arnold tưởng tràn ngập màu hồng nhưng cuối cùng chỉ tồn tại như một trong những bi kịch nổi tiếng của lịch sử thành phố New York, Mỹ mà thôi.

Nàng tiểu thư xuất thân cao quý

Trước khi đột ngột mất tích, Dorothy Arnold có một cuộc sống màu hồng, tràn ngập trong nhung lụa đúng nghĩa. Cô chào đời vào năm 1885 tại thành phố New York tráng lệ, là con gái thứ 2 trong gia đình có 4 người con của vợ chồng Mary Parks Arnold và Francis R. Arnold, một nhà nhập khẩu nước hoa giàu có.

Vụ mất tích bí ẩn của nàng tiểu thư bị gia đình che giấu sợ ảnh hưởng danh tiếng, tưởng đi vào ngõ cụt nhưng 6 năm sau cảnh sát tuyên bố gây ngỡ ngàng - Ảnh 1.

Chú của Arnold là cựu thẩm phán của tòa án tối cao Mỹ Rufus W. Peckham. Cộng với khối tài sản kếch xù trong tay, gia đình họ chính là tầng lớp quý tộc mà khó ai chạm tới thời điểm đó.

Sau khi tốt nghiệp Đại học Bryn Mawr ở Pennsylvania, Arnold bắt đầu theo đuổi niềm đam mê trở thành nhà văn. Đáng tiếc, mọi nỗ lực của cô không được đền đáp khi mà không có một tác phẩm nào được xuất bản. Bước ngoặt cuộc đời của Arnold xảy ra vào khoảng 2 giờ chiều ngày 12/12/1910, cô đột ngột biến mất.

Vào ngày hôm đó, Arnold rời nhà để đi mua chiếc váy dạ hội tại một cửa hàng ở Đại lộ thứ 5. Thế nhưng, theo điều tra của cảnh sát, nàng tiểu thư nhà tài phiệt này đã "lượn" qua rất nhiều cửa hàng ở khu này.

Arnold được nhìn thấy mua kẹo ở Park and Tilford tại con đường số 59 và tậu một cuốn sách có tên là An Engaged Girl's Sketches ở Brentano's. Một người bạn có tên là Gladys King đã vô tình gặp được Arnold khi nàng tiểu thư vừa rời tiệm sách gần đó. Và đó cũng chính là lần cuối cùng người ta nhìn thấy Arnold.

Vụ mất tích bí ẩn của nàng tiểu thư bị gia đình che giấu sợ ảnh hưởng danh tiếng, tưởng đi vào ngõ cụt nhưng 6 năm sau cảnh sát tuyên bố gây ngỡ ngàng - Ảnh 2.

Khu vực nơi tiểu thư Arnold mất tích

Tối hôm đó, Arnold không trở về nhà khiến cho gia đình vô cùng lo lắng. Họ bắt đầu liên lạc với bạn bè để tìm hiểu tung tích của con gái. Nhưng điều kỳ lạ là khi một người bạn gọi lại, hỏi liệu Arnold đã trở về bình yên vô sự chưa thì người nhà của cô lại nói dối rằng con gái đã về nhà an toàn.

Ngày hôm sau, người nhà Arnold tìm đến một người bạn của gia đình, John Keith, đồng thời cũng là một luật sư để tìm kiếm lời khuyên. Lo sợ sự biến mất của con gái sẽ trở thành đề tài bàn tán của truyền thông, khiến gia đình nhận về nỗi xấu hổ, người nhà Arnold không báo cáo vụ mất tích cho cảnh sát trong suốt 6 tuần kể từ lần cuối cùng nàng tiểu thư được nhìn thấy.

Tất nhiên, giấy không thể gói được lửa, bất chấp sự nỗ lực che đậy của nhà Arnold, sự thật cuối cùng cũng bị phơi bày.

Cuộc điều tra kỳ lạ

Trước khi báo cảnh sát, gia đình Arnold đã cho tiến hành cuộc điều tra riêng. Họ thuê đội điều tra tư nhân có tiếng đến lùng sục tất cả mọi nơi, bao gồm cửa hàng, bệnh viện, nhà của những người bạn..., thậm chí cả nhà xác.

Khi vào phòng Arnold tìm thêm manh mối, họ phát hiện ra những bức thư được gửi bởi George C. Griscom Jr., một kỹ sư 42 tuổi đang sống cùng bố mẹ ở Pittsburgh, Pennsylvania. Dựa vào nội dung trong thư, họ biết được rằng Arnold và Griscom thường xuyên liên lạc với nhau trước khi nàng tiểu thư này biến mất.

Cặp đôi từng gặp nhau khi Arnold còn học tại Đại học Bryn Mawr. Cô đã nói dối bố mẹ rằng đến thăm một người bạn học cũ nhưng thực chất là để đi gặp Griscom. Nhưng lời nói dối vụng về của Arnold đã bị bố mẹ cô vạch trần khi họ phát hiện ra con gái mình cầm đồ một vài món trang sức để có tiền chi trả cho 1 tuần lưu trú cùng với Griscom tại khách sạn ở Boston.

Vụ mất tích bí ẩn của nàng tiểu thư bị gia đình che giấu sợ ảnh hưởng danh tiếng, tưởng đi vào ngõ cụt nhưng 6 năm sau cảnh sát tuyên bố gây ngỡ ngàng - Ảnh 3.

Tin tức về vụ mất tích của Arnold được đăng trên mặt báo

Ngày 26/1/1911, 6 tuần sau khi Arnold mất tích, gia đình cô mới công bố tin tức này với công chúng. Bất chấp cảnh sát thành phố New York vẫn tràn đầy niềm tin rằng vị tiểu thư kia vẫn còn sống thì bố cô lại khăng khăng cho rằng con gái mình đã bị giết hại.

"Tôi tin con gái đã bị giết chết. Tôi chấp nhận chi tất cả số tiền mà tôi có trong tay để đòi lại công bằng cho con bé" - bố Arnold nói. Người đàn ông còn nói với truyền thông ông tin con gái mình bị sát hại ở Central Park và thi thể của cô thì bị vứt xuống lòng hồ.

Giả thiết này lập tức bị cảnh sát bác bỏ bởi vì vào ngày Arnold mất tích, nhiệt độ bên ngoài xuống mức -6 độ C khiến nước trong hồ đóng băng, không có chuyện hung thủ giết chết vị tiểu thư rồi ném thi thể xuống đó được. Nhưng dù vậy, khi nước trong hồ trở lại bình thường, cảnh sát cũng cho lực lượng xuống tìm kiếm thi thể người chết nhưng không thu được kết quả gì.

Vụ mất tích bí ẩn đến ngày nay

Kể từ sau khi Arnold mất tích, những báo cáo về việc nhìn thấy cô trở nên thưa thớt dần mỗi năm trôi qua. Nhiều kẻ xấu còn mạo danh vị tiểu thư tìm đến nhà Arnold hòng trục lợi, chiếm đoạt số tiền thừa kế của cô.

Những tin đồn xoay quanh vụ mất tích của Arnold rộ lên như nấm mọc sau mưa. Một giả thiết cho rằng vị tiểu thư đài cát này đã bỏ nhà ra đi, hoặc tự tử vì liên tục nhận về những lời từ chối xuất bản sách của mình.

Một giả thiết khác tin rằng Arnold đã mang thai, nhiều khả năng Griscom là bố của đứa trẻ, và cô đã không may qua đời trong lần phá thai chui. Giả thiết này được ủng hộ bởi một vị bác sĩ điều hành phòng khám phụ khoa chui có tên là House. Người đàn ông này cho biết ông đã thực hiện ca phẫu thuật phá thai cho Arnold và vì nhiều lý do nên cô đã chết trên bàn mổ.

Ngoài ra, người ta cũng không loại trừ khả năng Arnold bị giết chết. 6 năm kể từ sau khi Arnold mất tích, một tù nhân tại Nhà tù Tiểu bang Rhode Island tên là Edward Glennorris tuyên bố hắn từng giúp chôn một thi thể nữ có nhiều đặc điểm nhân dạng giống với nàng tiểu thư nhà Arnold. Nhiều người nghi ngờ người thuê Glennorris làm điều đó chính là Griscom. Thế nhưng, khi các nhà điều tra tìm đến căn gác xép nơi Glennorris nói hắn cất giấu thi thể vị tiểu thư thì lại không tìm thấy gì.

Mâu thuẫn giữa lời tuyên bố của cảnh sát và gia đình nạn nhân

Tháng 4/1921, bố mẹ Arnold đã treo giải thưởng 100.000 USD cho bất cứ ai tìm được con gái họ nhưng cuối cùng, vụ án vẫn không đi đến hồi kết. Nhưng cùng năm, cảnh sát đưa ra thông báo gây sốc: Vụ án đã hóa giải.

Vụ mất tích bí ẩn của nàng tiểu thư bị gia đình che giấu sợ ảnh hưởng danh tiếng, tưởng đi vào ngõ cụt nhưng 6 năm sau cảnh sát tuyên bố gây ngỡ ngàng - Ảnh 4.

"Tất cả những gì tôi có thể nói là chúng tôi đã giải quyết được vụ án. Dorothy Arnold không còn nằm trong danh sách người bị mất tích nữa" - Đại úy Cảnh sát John H. Ayers, người đứng đầu Cục tìm kiếm người mất tích, nói với truyền thông.

Tuy nhiên, một luật sư của gia đình Arnold đã phủ nhận tuyên bố của cảnh sát. Ông cho rằng Đại uý Cảnh sát Ayers có thái độ kỳ lạ khi nói về vụ mất tích của Arnold, khẳng định tất cả chỉ là lời nói dối không hơn không kém.

Mâu thuẫn giữa phía cảnh sát và gia đình Arnold khiến vụ mất tích của nàng tiểu thư càng thêm đáng nghi. Nhưng bí ẩn ấy đến nay vẫn chưa ai tìm được câu trả lời. Vậy là cuối cùng, cuộc đời của nàng tiểu thư quyền quý Dorothy Arnold lại chỉ tồn tại nhưng một trong những bi kịch nổi tiếng trong lịch sử thành phố New York mà thôi.

Nguồn: ATI