Vụ chìm cano ở Hội An: Tại sao các du khách đều mặc áo phao nhưng vẫn tử vong thương tâm?

Khương Mỹ, Theo Trí Thức Trẻ 13:01 28/02/2022

Khi cano du lịch chìm, các hành khách mặc áo phao nổi lên trong khoang, nhưng vướng mui kín, không trồi lên mặt biển được, dẫn đến chết ngạt.

Xem toàn bộ diễn biến sự việc TẠI ĐÂY.

Trưa 28/2, lực lượng chức năng và người dân địa phương vẫn đang nỗ lực tìm kiếm bé trai 3 tuổi còn đang mất tích trong vụ chìm cano du lịch chở 39 người trên biển Cửa Đại (TP Hội An).

Thi thể của 16 nạn nhân tử vong trong vụ tai nạn đã được gia đình đưa về quê nhà để an táng.

Hiện, Cục Cảnh sát Giao thông - Bộ Công an, Viện Khoa học hình sự miền Trung - Tây Nguyên (Bộ Công an) và Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Quảng Nam vẫn đang tiến hành điều tra nguyên nhân vụ tai nạn thảm khốc này. 

Kết quả điều tra ban đầu, khoảng 14 giờ chiều 26/2, cano du lịch số hiệu QNa-1152 của Công ty du lịch Phương Đông do ông Lê Sen (52 tuổi, ngụ phường Cửa Đại, TP Hội An) điều khiển chở 39 người trong đó có 36 hành khách, 3 thuyền viên, xuất bến từ đảo Cù Lao Chàm để vào đất liền. Khi đến vị trí cách Trạm Biên phòng Cửa Đại một hải lý thì bị sóng lớn đánh chìm.

Vụ chìm cano ở Hội An: Tại sao các du khách đều mặc áo phao nhưng vẫn tử vong thương tâm? - Ảnh 1.

Lực lượng chức năng đang nỗ lực tìm kiếm bé trai 3 tuổi còn mất tích

Cảnh sát xác định hành khách trên cano được trang bị áo phao và mặc áo phao trước khi xuất phát, bố trí ghế ngồi đầy đủ. 

Ngoài ra, chiếc cano này đã được cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật có hiệu lực đến ngày 19/1/2023, trọng tải toàn phần, số lượng người được phép chở sức kéo đẩy là 4,1 tấn. Thuyền trưởng Lê Sen có chứng chỉ chuyên môn phương tiện thủy nội địa hạng 3, đủ điều kiện điều khiển phương tiện.

Theo ghi nhận, trưa nay (28/2), rất đông người dân địa phương tập trung tại cầu cảng Cửa Đại để theo dõi và cầu nguyện sớm tìm thấy thi thể của bé trai xấu số còn đang mất tích. Nhiều người cũng bàn tán xôn xao về nguyên nhân tại sao các nạn nhân đều mặc áo phao nhưng lại tử vong khi cano bị chìm.

Ngư dân Lê Minh Tú (trú phường Cửa Đại, TP Hội An) nhận định, không loại trừ khả năng cano gặp nạn là do bị mắc cạn hoặc gặp sóng lớn dị thường. Tuy nhiên, nguyên nhân chính xác của vụ tai nạn vẫn cần sự điều tra làm rõ của các cơ quan chức năng.

Ông Tú cho biết thêm, trên tuyến Hội An - Cù Lao Chàm này từng xảy ra 4 vụ tai nạn. Nhưng trước nay thương vong rất ít. Cuối năm 2011, tại vị trí mới xảy ra vụ chìm cano du lịch này cũng từng xảy ra vụ chìm tàu khiến 6 người chết (2 dân thường và 4 chiến sĩ) nhưng không đau xót như hiện nay.

Cũng theo nhiều người dân địa phương, trước năm 2018, Hội An khai thác khách ra vào đảo Cù Lao Chàm bằng tàu chuẩn SI (cano loại nhỏ khoảng 15 chỗ ngồi, mui trần, không đóng kín, chỉ có mái che - PV). Tuy nhiên, từ năm 2018 tới nay, cơ quan chức năng quy định cano chở khách phải sử dụng tàu chuẩn SB (tàu đóng kín bằng mái kiên cố và kính che xung quanh, chỉ có một lối ra vào phía trước, có thể chở 40 khách - PV).

Vụ chìm cano ở Hội An: Tại sao các du khách đều mặc áo phao nhưng vẫn tử vong thương tâm? - Ảnh 2.

Chiếc cano du lịch gặp nạn được đóng theo chuẩn SB

Loại tàu mới SB đóng kín này nhìn đẹp, sang trọng và các tiện ích phục vụ cũng tăng lên so với các tàu gỗ, cano loại nhỏ trước đây. Do tàu được đóng kín nên che nắng mưa, chống nước biển tạt tốt và chở được nhiều người hơn. Trong khi đó, loại cano "mui trần" cũ như trước đây khá nhỏ nên sức chở ít hơn và có thể bị nước biển tạt, hứng gió khi di chuyển,...

Tuy nhiên, thực tế cho thấy với những tàu cao tốc đóng kín rất khó khăn cho công tác cứu hộ. Nếu tàu hở như ca nô trước đây, nạn nhân có thể bơi thoát lên trên mặt nước. Trong vụ tai nạn lần này, hầu hết các nạn nhân đều tử vong do bị mắc kẹt lại ngay trong khoang tàu.

"Do cano du lịch mới này kín mít nên khi tàu chìm, người mặc áo phao nổi lên trong khoang, nhưng vướng mui kín, không trồi lên mặt biển được. Nếu có cố cũng rất khó có thể lặn được xuống để chui ra cửa sổ, thoát hiểm... Lúc cano bị chìm, còn có các tàu khác đang chạy trước và sau, nên nếu hành khách không bị nhốt trong khoang kín sau khi tàu bị lật thì có thể họ đã trồi lên mặt biển và được phát hiện, ứng cứu", ông Nguyễn Thịnh, người dân sống gần hiện trường chia sẻ.

Vụ chìm cano ở Hội An: Tại sao các du khách đều mặc áo phao nhưng vẫn tử vong thương tâm? - Ảnh 3.

Chiếc cano gặp nạn

Vụ chìm cano ở Hội An: Tại sao các du khách đều mặc áo phao nhưng vẫn tử vong thương tâm? - Ảnh 4.

Chiếc cano bị vỡ mảng lớn tại mũi tàu

Liên quan đến vụ việc này, ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch UBND TP Hội An, hiện Hội An có khoảng hơn 100 tàu cao tốc du lịch loại SB của 40 doanh nghiệp vận tải đang khai thác tuyến Cửa Đại - Cù Lao Chàm. Loại tàu nâng cao chất lượng dịch vụ, nhưng sau vụ tai nạn vừa qua, cũng đặt ra một số vấn đề để địa phương, cơ quan chức năng nghiên cứu về ảnh hưởng công tác cứu nạn, cứu hộ khi xảy ra chìm tàu.

"Chưa nói về quy chuẩn, thông số kỹ thuật tàu vì đây là của các đơn vị chuyên môn, nhưng thực tế cho thấy loại tàu đóng kín này rất khó cứu hộ khi bị nạn. Chúng tôi sẽ có ý kiến đề nghị UBND tỉnh có ý kiến với Bộ xem xét lại thiết kế các tàu thuyền theo chuẩn SB. Trước đây, Hội An khai thác tuyến này bằng tàu SI thì cũng từng có tai nạn nhưng chưa bao giờ xảy ra chết người vì khách 100% mặc áo phao mà khi chìm thì họ nổi lên và dễ tiếp cận cấp cứu ngay", ông Sơn thông tin.

https://kenh14.vn/vu-chim-cano-o-hoi-an-tai-sao-cac-du-khach-deu-mac-ao-phao-nhung-van-tu-vong-thuong-tam-20220228115305354.chn
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày