Vợ gốc Á cùng con gái 6 năm không thể sang nước ngoài sống với chồng chỉ vì lý do gây nhiều tranh cãi

NHƯ QUỲNH, Theo Pháp luật & Bạn đọc 15:03 02/05/2022

Bé gái đáng thương không thể sống cùng bố mẹ ở New Zealand do mắc bệnh tự kỷ.

Arianna Alfonzo, 12 tuổi không thể sống cùng cha mình tại New Zealand trong suốt 6 năm qua vì mắc bệnh tự kỷ. Hiện tại cô bé đang ở với mẹ tại Philippines. Vào năm 2018, đơn xin thị thực (visa) nhập cảnh của cô bé bị từ chối vì lý do “không đáp ứng đủ các tiêu chuẩn về sức khỏe”.

Dựa theo chính sách nhập cư của New Zealand, một cá nhân bị khuyết tật hoặc mắc bệnh không thể cư trú tại nước này. Trong trường hợp cá nhân đó yêu cầu ở lại đây, họ phải trả khoản phí dịch vụ y tế hơn 41.000 đô la (hơn 942 triệu đồng) trong 5 năm.

Cha của Arianna hiện tại là một công nhân ngành xây dựng thuộc tỉnh Auckland, New Zealand. Mẹ Arianna là Gail Alfonzo đang sống tại Philippines cùng cô bé. Cả gia đình đang đấu tranh để Arianna được chấp nhận hợp pháp và sống ở New Zealand.

Chia sẻ với tờ The New Zealand Herald, Gail Alfonzo nói: “Điều này không dễ dàng với chúng tôi. Nhưng con gái tôi cần cả bố và mẹ”.

Vợ gốc Á cùng con gái 6 năm không thể sang nước ngoài sống với chồng chỉ vì lý do gây nhiều tranh cãi - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Gail cũng nói rằng cô và chồng đã chi hàng nghìn đô la cho việc tư vấn từ các chuyên gia và luật sư để giúp thị thực (visa) của Arianna được chấp nhận. Họ cũng sẵn sàng chứng minh rằng, việc cô bé sống tại New Zealand không phải là gánh nặng cho nền kinh tế.

Gail đã viết: “Chúng tôi đang ở độ tuổi 40, chúng tôi chắc chắn sẽ đóng góp cho nền kinh tế của New Zealand”.

Ricardo Menéndez March, một thành viên của Đảng Xanh New Zealand tại Quốc hội đã ủng hộ trường hợp của Arianna. Ông mô tả chính sách nhập cư của New Zealand đang dần “mất đi nhân tính, tước bỏ nhân quyền của người dân”.

Ricardo Menéndez March đã liên lạc với Phó bộ trưởng Phil Twyford về vấn đề nhập cư, yêu cầu sự can thiệp và có một lời giải thích rõ ràng. Tuy nhiên, văn phòng của Phó bộ trưởng Phil Twyford từ chối yêu cầu này.

Phil Twyford sau đó đã trả lời: “Tôi sẽ xem xét cẩn thận lại trường hợp này, tuy nhiên tôi không nghĩ mình nên can thiệp vào chuyện này”.

Năm 2014, một người phụ nữ tên Juliana Carvalho cũng bị từ chối nhập cảnh vào New Zealand vì cô ấy là người cận thị và mắc bệnh lupus (là bệnh viêm tự miễn mạn tính ở phụ nữ trẻ).

Đến năm 2020, sau 6 năm, cô ấy mới được chấp nhận nhập cảnh tại New Zealand theo thị thực sinh viên. Juliana Carvalho cho rằng chính sách này đang hủy hoại cuộc sống của con người.

Carvalho đã đệ trình một kiến nghị với 35.000 chữ ký để thay đổi chính sách nhập cư cho người khuyết tật vào năm 2021. Tuy nhiên, chính phủ New Zealand tuyên bố họ không có kế hoạch sửa đổi chính sách hiện tại.

Các chính sách hiện tại không phân biệt đối xử cụ thể đổi với người khuyết tật, thay vào đó nó tập trung vào việc đánh giá tác động sức khỏe của mỗi cá nhân đối với cộng đồng”.

Gail và chồng cô hy vọng rằng chính phủ New Zealand sẽ xem xét lại trường hợp của gia đình họ.

Arianna giống như bao đứa trẻ khác. Bé thích đi học, gặp gỡ mọi người và đi đến những nơi khác nhau. Arianna xứng đáng được sống và đối xử công bằng như tất cả mọi người trên thế giới”, gia đình cô bé cho biết.

Nguồn: Yahoo News