Việt Nam nỗ lực "phủ sóng" vắc-xin Covid-19

Ngọc Dung - Minh Chiến, Theo Người lao động 09:38 29/05/2021

Dự kiến trong tháng 6 và 7 sẽ có khoảng 10% dân số được tiêm chủng vắc-xin Covid-19.

Bộ Y tế cho biết, hiện Việt Nam đã thực hiện tiêm vắc-xin Covid-19 đợt 1 và 2 tại các tỉnh/TP với 1.038.741 liều cho các đối tượng là cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân Covid-19, các nhân viên y tế thực hiện các nhiệm vụ như lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên các tổ Covid-19 cộng đồng, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch các cấp, các lực lượng công an, quân đội. Trong đó, số người đã được tiêm đủ 2 mũi vắc-xin Covid-19 là 28.529 người.

150 triệu liều trong năm 2021

Theo Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên, hiện Việt Nam mới đạt tỉ lệ tiêm chủng hơn 1% dân số. Dự kiến trong tháng 6 và 7 tới đây, khoảng 10% dân số được tiêm chủng vắc-xin Covid-19. Ông Tuyên cho biết thời gian qua, Bộ Y tế rất nỗ lực đàm phán với nhiều bên, đặt mục tiêu có được 150 triệu liều vắc-xin Covid-19 trong năm nay để tiêm cho người dân. Trong số này, Chương trình COVAX cam kết hỗ trợ Việt Nam 39 triệu liều và Bộ Y tế đặt mua qua cơ chế COVAX thêm 10 triệu liều; đặt mua 30 triệu liều AstraZeneca qua VNVC; ký mua với Pfizer 31 triệu liều. Ngoài ra, còn nguồn vắc-xin được tặng nên tổng số vắc-xin Việt Nam dự kiến có được trong năm 2021 là 150 triệu liều.

Việt Nam nỗ lực phủ sóng vắc-xin Covid-19 - Ảnh 1.

Tiêm vắc-xin Covid-19 cho công nhân ở Bắc Ninh (Ảnh: NGUYỄN HƯỞNG)

GS-TS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho biết, việc tiêm vắc-xin Covid-19 hiện nay là hoàn toàn miễn phí. Những đối tượng được tiêm hiện thực hiện theo Nghị quyết 21 của Chính phủ. Việt Nam hiện chưa thực hiện tiêm vắc-xin Covid-19 trả tiền, do đó nếu có thông tin về việc tiêm vắc-xin Covid-19 phải trả phí là không đúng.

Bao giờ tiêm đại trà vắc-xin Covid-19?

Lãnh đạo Bộ Y tế cũng cho biết gần 1,7 triệu liều vắc-xin Covid-19 tiếp nhận đợt 2 từ COVAX Facility (tối 16/5) đã được Bộ Y tế phân bổ cho các địa phương để chuẩn bị tiêm đợt 3 cho đối tượng ưu tiên. Với 288.000 liều do Bộ Y tế đặt mua thông qua VNVC vừa về tới Việt Nam (đêm 25/5) đã được phân bổ ngay cho Bắc Ninh và Bắc Giang. Cộng với số cũ đã phân bổ, mỗi tỉnh được 150.000 liều.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, một trong những chủ trương căn bản, chiến lược để phòng chống dịch Covid-19 là làm sao để mọi người dân đều được tiếp cận vắc-xin Covid-19. Quan điểm chỉ đạo của Bộ Chính trị là huy động mọi nguồn lực trong xã hội làm thế nào để Việt Nam có thể tiếp cận vắc-xin Covid-19 nhanh nhất và bảo đảm tiếp cận rộng nhất để người dân được tiêm vắc-xin, nhằm kiểm soát dịch và đưa cuộc sống trở lại bình thường.

Về vắc-xin Covid-19 do Việt Nam sản xuất, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết Công ty Nanogen (TP.HCM) đã sẵn sàng cho chuẩn bị nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3. Công ty IVAC (Bộ Y tế) chuẩn bị thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2. Với vắc-xin của Nanogen, sau thử nghiệm giai đoạn 3, theo đánh giá của Hội đồng chuyên môn và Hội đồng y đức, nếu đạt được yêu cầu cũng sẽ xin phép Thủ tướng cấp phép khẩn cấp giống như các vắc-xin Covid-19 ở nước ngoài. Dự kiến cuối năm 2021 hoặc đầu năm 2022 sẽ có vắc-xin Covid-19 do Việt Nam sản xuất được sử dụng tiêm rộng rãi.

Sớm có quy chế hoạt động Quỹ Vắc-xin phòng Covid-19

Ông Võ Thành Hưng, Vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước (Bộ Tài chính) cho biết, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 779/QĐ-TTg thành lập Quỹ Vắc-xin phòng Covid-19, Bộ đã khẩn trương xây dựng để ban hành quy chế hoạt động của quỹ và thiết lập bộ máy quản lý. Quỹ Vắc-xin phòng Covid-19 sẽ được mở tài khoản tại ngân hàng thương mại, trên cơ sở đó sẽ huy động nguồn lực đóng góp của các tổ chức, cá nhân. Nếu các doanh nghiệp muốn đóng góp vào quỹ thì hoàn toàn có thể chuyển tiền qua hệ thống các ngân hàng thương mại.

Theo ông Võ Thành Hưng, việc đóng góp vào Quỹ Vắc-xin phòng Covid-19 là tự nguyện của các tổ chức, cá nhân, không có mức đóng góp tối thiểu cũng như mức đóng góp tối đa. Với số tiền huy động vào quỹ có thể lên tới hàng ngàn tỉ đồng, ông Võ Thành Hưng cho biết Thủ tướng đã giao Bộ Tài chính quản lý nguồn tài chính của quỹ. Tuy nhiên, Bộ Tài chính chỉ có chức năng quản lý tài chính, còn quyết định sử dụng khi nào và mỗi lần bao nhiêu thì các cơ quan liên quan sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ để quyết định, trên cơ sở đó Bộ Tài chính sẽ xuất tiền từ quỹ để thực hiện mua vắc-xin.

Theo nghị quyết của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Y tế, vắc-xin Covid-19 được ưu tiên tiêm chủng miễn phí cho các nhóm đối tượng là lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch, nhân viên, cán bộ ngoại giao của Việt Nam được cử đi nước ngoài; hải quan, cán bộ làm công tác xuất nhập cảnh, người cung cấp dịch vụ thiết yếu: hàng không, vận tải, du lịch; cung cấp dịch vụ điện, nước...; giáo viên, người làm việc tại các cơ sở giáo dục, đào tạo; người làm việc tại các cơ quan, đơn vị hành chính thường xuyên tiếp xúc với nhiều người; người mắc các bệnh mạn tính, người trên 65 tuổi; người sinh sống tại các vùng có dịch; người nghèo, các đối tượng chính sách xã hội; người được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cử đi công tác, học tập, lao động ở nước ngoài. Các đối tượng khác do Bộ Y tế quyết định căn cứ yêu cầu phòng chống dịch.