Vì sao TP tại Brazil vẫn hứng chịu làn sóng Covid-19 thứ 2, bất chấp tỷ lệ miễn dịch 76%?

Minh Khôi, Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị 12:41 16/02/2021

Làn sóng Covid-19 thứ 2 đã ập đến Manaus, Brazil sau khi nhiều người cho rằng Manaus đã đạt được "khả năng miễn dịch bầy đàn".

Tại thành phố Manaus, số ca bệnh và tỷ lệ tử vong tăng nhanh. Tỷ lệ nhập viện cũng tăng theo cấp số nhân trong tháng 1. Điều này xảy ra sau khi nhiều người cho rằng Manaus đã đạt được "khả năng miễn dịch bầy đàn". Vào tháng 10/2020, gần 76% trong số 2 triệu dân số của thành phố đã nhiễm bệnh và phát triển các kháng thể.

Sau đỉnh dịch vào tháng 4 năm ngoái, đi kèm với hình ảnh chấn động về những ngôi mộ tập thể mà bên trong, các thi thể xếp chồng lên nhau, số người tử vong và các trường hợp mắc bệnh trong thành phố bắt đầu giảm xuống. Tỷ lệ nhập viện cũng duy trì ở mức thấp trong 7 tháng mặc dù các biện pháp di chuyển được nới lỏng.

Tuy nhiên, sự gia tăng của các ca bệnh đã khiến hệ thống chăm sóc sức khỏe của Manaus bị tê liệt và thành phố thậm chí buộc phải vận chuyển oxy bằng các máy bay quân đội sau khi các bệnh viện cạn sạch.

Vì sao TP tại Brazil vẫn hứng chịu làn sóng Covid-19 thứ 2, bất chấp tỷ lệ miễn dịch 76%? - Ảnh 1.

Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí The Lancet hồi tháng 1, đưa ra các giải thích tại sao làn sóng thứ 2 lại bùng phát mạnh mẽ ở Manaus bất chấp khả năng miễn dịch bầy đàn.

Đánh giá quá cao khả năng miễn dịch bầy đàn

Theo các nhà nghiên cứu, việc đánh giá quá cao tỷ lệ kháng thể trong dân số thành phố có thể là một trong những lý do cho làn sóng thứ hai.

Khả năng miễn dịch chống lại sự lây nhiễm có thể đã bắt đầu suy yếu và giảm dần vào tháng 12.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng tái nhiễm có thể xảy ra sau 6 tháng, đó có thể là những gì đã xảy ra ở Manaus.

Họ giải thích rằng, thành phố Brazil đã chứng kiến ​​số ca nhiễm trùng tối đa hoặc đỉnh dịch đầu tiên vào tháng 4 - 5/2020, và đợt thứ 2 vào đầu năm nay, tương đương 7 - 8 tháng sau đó.

Miễn dịch không tác dụng trước chủng virus mới

Ba chủng mới của virus là B.1.1.7, B.1.351 và P.1 cũng được cho là nguyên nhân có khả năng gây tái nhiễm hoặc "tránh" được hệ thống miễn dịch.

Ngoài ra, ba biến thể chứa một số đột biến, bao gồm E484K và N501K, đã được xác định là một trong những nguyên nhân gây tái nhiễm và cũng được xác định là có thể tránh được sự phát hiện của hệ thống miễn dịch.

Các biến thể có khả năng lây nhiễm cao

Lý do cuối cùng mà các nhà nghiên cứu đưa ra cho làn sóng thứ 2 tàn phá ở Manaus là các biến thể Covid mới hơn ở Brazil có khả năng lây truyền cao.

Cũng giống như các dòng B.1.1.7 và B.1.325 ở Anh và Nam Phi, đã chứng minh khả năng lây nhiễm cao hơn tăng lên, chủng P.1 cũng có khả năng lây lan nhanh hơn.

Trong khi biến thể ở Anh mất 3 tháng để gây ra một đợt bùng phát trong nước, các chuyên gia lưu ý rằng P.1 chỉ mất khoảng một tháng để trở thành biến thể gây lây lan nhiều nhất ở Manaus. Biến thể này đã được phát hiện ở Nhật Bản và cả ở Mỹ.

Các chuyên gia cũng cho rằng, sự kết hợp của một biến thể có khả năng lây truyền cao hơn và sự thiếu phản ứng phối hợp của y tế công cộng là lý do dẫn đến sự sụp đổ của hệ thống chăm sóc sức khỏe khi đối mặt với làn sóng thứ 2.