"Văn hóa hả hê" là gì và tại sao nó lại là mối nguy hại cho nền giải trí cũng như cuộc sống con người?

Thơm Hương, Theo Phụ nữ Việt Nam 10:28 24/11/2020

Những điều bài viết này đưa ra có thể lý giải phần nào cho cơn sốt "cung đấu, drama điện ảnh" chiếm sóng giờ vàng TV nhiều năm qua.

Bài viết dựa trên nghiên cứu xã hội của tờ People's Daily*

VĂN HÓA HẢ HÊ LÀ GÌ?

Hội chị em mê dòng phim cung đấu hay drama đời sống Trung Quốc, hiểu chút tiếng Trung kiểu gì cũng biết cụm "爽文化" (Sảng Văn Hóa).

Chữ 爽 (shuǎng) âm Hán Việt là "sảng", không phải mê sảng, mà là sung sướng, hả hê. Theo People's Daily, đây là xu hướng ứng xử hay nội dung giải trí rất thịnh hành ở Trung Quốc - tìm kiếm nhanh trên Google ngay lập tức cho ra 88,1 triệu kết quả!

Văn hóa hả hê là gì và tại sao nó lại là mối nguy hại cho nền giải trí cũng như cuộc sống con người? - Ảnh 1.

"Sảng Văn Hóa" là cái gì mà phổ biến đến vậy?

Người viết bài mạnh dạn gọi cụm 爽文化 là "Văn hóa hả hê" cho gần gũi, rốt cục nó là cái gì?

Trong quá khứ, ở Trung Quốc và những quốc gia xem trọng "dĩ hòa vi quý" thì mỗi khi ta bị bắt nạt (trong trường học, môi trường công sở...) - kiểu gì cũng được khuyên "lùi một bước nhìn trời cao biển rộng" - tức là, bị đè đầu cưỡi cổ thì nên nhún nhường một chút, sẽ ngộ ra nhiều điều hay trong đời, kẻ dại mới cố đấm ăn xôi.

Đại loại thế.

Còn ngày nay, thứ thịnh hành với già, trẻ, lớn, bé ở quốc gia tỷ dân, phải là "Văn hóa hả hê" chứ không có nhún nhường chi hết. Tức là, bị áp bức thì phải ăn miếng trả miếng, bị chơi xấu thì phải lên kế hoạch trả thù cho đã đời.

Theo kết quả 1 cuộc khảo sát vào năm 2008, đăng tải trên ấn phẩm ngày 6/9 của tờ China Youth Daily thì:

- 47% số người được hỏi biết và hiểu rõ "Văn hóa hả hê".

- Khi vấp phải chuyện bất bình, bị đối xử tệ - 55,1% số người được hỏi sẽ chọn dĩ hòa vi quý, vì "bình yên mới là điều quan trọng".

- Trái lại, 42,7% khẳng định sẽ ăn miếng trả miếng bằng được.

Trên thực tế, đỉnh "viral" của Văn hóa hả hê ở Trung Quốc phải là 2018 - năm bộ phim Diên Hy Công Lược gây bão nhiều nơi trên thế giới.

Văn hóa hả hê là gì và tại sao nó lại là mối nguy hại cho nền giải trí cũng như cuộc sống con người? - Ảnh 3.

Ai theo dõi hết series này đều hiểu rõ cảm giác hả hê mà nó đem lại. Tư thù, âm mưu thâm độc của dàn phi tần cứ thế được giăng ra - tưởng đã ủi các nữ nhân chính trực xuống bùn đen nhưng không, họ comeback và giải quyết sòng phẳng những gì mình phải chịu đựng.

NGUỒN GỐC

Trên thực tế, nguồn gốc của Văn hóa hả hê đến từ "văn học online" - khi Trung Quốc bắt đầu có internet từ giữa những năm 90s của thế kỷ trước. Rất lâu trước khi Diên Hy Công Lược nổi đình nổi đám, vô số web drama ăn khách đều đi theo lộ trình "bị ăn hành rồi trả thù tới bến".

Văn hóa hả hê rất hot, không chỉ Trung Quốc mà tất cả quốc gia chiếu web drama của nước này. Vì sao? Hiện tượng tâm lý cả đấy.

Trong cuộc sống của bất cứ ai, không thể tránh khỏi những điều bất công, không vừa ý. Theo quan niệm truyền thống thì điều cần làm là đặt chữ Nhẫn lên hàng đầu để "sóng yên bể lặng".

Tuy nhiên, không phải lúc nào nhẫn nhịn cũng đem đến sự bình yên. Nhiều năm qua, người dùng mạng trẻ tuổi ở Trung Quốc truyền tai nhau khẩu hiệu "càng nghĩ càng tức, càng nhún nhường thì càng thua cuộc". Trong sâu thẳm trái tim của những kẻ bị bắt nạt, bị khinh rẻ luôn tồn tại khao khát được bật, được ăn thua với kẻ hạ thấp mình.

Văn hóa hả hê là gì và tại sao nó lại là mối nguy hại cho nền giải trí cũng như cuộc sống con người? - Ảnh 4.
Văn hóa hả hê là gì và tại sao nó lại là mối nguy hại cho nền giải trí cũng như cuộc sống con người? - Ảnh 5.
Văn hóa hả hê là gì và tại sao nó lại là mối nguy hại cho nền giải trí cũng như cuộc sống con người? - Ảnh 6.
Văn hóa hả hê là gì và tại sao nó lại là mối nguy hại cho nền giải trí cũng như cuộc sống con người? - Ảnh 7.

Văn hóa đọc và thưởng thức phim ảnh hiện tại của người Việt cũng na ná như vậy. Điện ảnh, báo mạng, website tâm sự, con buôn hàng Quảng Châu ở Việt cũng rất biết đào sâu vào mâu thuẫn mẹ chồng - nàng dâu, sếp - nhân viên, vợ - tiểu tam, anh em giang hồ... để gây chú ý, khiến số đông đắm chìm trong cảm giác hả hê, sung sướng vì nhân vật chính bằng cách này hay cách khác, đòi lại công bằng cho mình và người thân.

Chưa biết đúng sai ra sao nhưng mấy nội dung kiểu con dâu bật mẹ chồng, vợ đánh úp tiểu tam, vợ trả thù chồng lăng nhăng, Chủ tịch giả nghèo, coi thường người khác và cái kết... đều cực kỳ hot.

Văn hóa hả hê là gì và tại sao nó lại là mối nguy hại cho nền giải trí cũng như cuộc sống con người? - Ảnh 8.

Chủ tịch này giả nghèo tới tập thứ 419 mà vẫn có 2,6 triệu view, giỏi!

Có vài dạo, Youtube Trending khu vực Việt Nam luôn có ít nhất vài ba video, tiểu phẩm theo hướng ăn miếng trả miếng hả hê. View cứ phải tính bằng triệu, like/share đếm mỏi tay không hết.

MẶT TRÁI XẤU XÍ CỦA VĂN HÓA HẢ HÊ

Nếu nhìn nhận khách quan, Văn hóa hả hê với nhiều người chỉ như món giải trí đơn thuần không hơn không kém. Tuy nhiên, một khi bị lậm và áp cách hành xử hả hê này vào đời sống thật quả rất nguy hiểm.

Văn hóa hả hê là gì và tại sao nó lại là mối nguy hại cho nền giải trí cũng như cuộc sống con người? - Ảnh 9.

Theo People's Daily, hiện tượng đắm chìm trong Văn hóa hả hê là biểu hiện của việc "thiếu trí tuệ cảm xúc", thậm chí tự gieo bi kịch cuộc đời để cuộc sống bớt nhàm chán.

Trên thực tế, Văn hóa hả hê không dừng lại trên internet hay phim ảnh, nó đang bị bế ra ngoài đời thực, coi như phương châm sống. Bằng chứng chính là, một bộ phận không nhỏ dân mạng ủng hộ nhiệt liệt việc đánh ghen tàn bạo, trả thù bằng vũ lực, thấy con đi học về tay bầm một chút là đòi bẻ răng cô giáo; văn hóa bầy đàn, giang hồ mạng lên ngôi, nghe hơi nồi chõ là có thể xách vũ khí lạnh đi tính sổ kẻ lạ mặt nào đó.

Văn hóa hả hê là gì và tại sao nó lại là mối nguy hại cho nền giải trí cũng như cuộc sống con người? - Ảnh 10.

Khẩu hiệu sai chính tả này được giang hồ mạng, các cậu choai chia sẻ rất mạnh

Tin tưởng vào nhân quả, ăn ở tốt gặp điều lành, làm chuyện xấu bị báo ứng cũng không có vấn đề gì cả. Nhưng xin đừng áp những câu thoại hay tình tiết "không hề giả trân" vào đời thực.

Bên cạnh đó, dù nền giải trí vẫn đang ăn nên làm ra từ Văn hóa hả hê, bạn có muốn ăn tinh thần xào đi xào lại hết năm này qua năm khác?

Về mặt xã hội học, hiện tượng Văn hóa hả hê nảy sinh từ xuất phát điểm và môi trường trưởng thành của thế hệ trẻ.

People's Daily lấy ví dụ: Khi bị lãnh đạo phê bình, người Trung Quốc của thập niên 70s chỉ cười xòa; thập niên 80s thì buồn như hoa héo còn thanh niên 90s trở đi sẽ cảm thấy phẫn nộ. Tóm lại, nó có thể là xu hướng ứng xử mà số đông lựa chọn trong từng giai đoạn.

Tóm lại, dù ở hoàn cảnh nào, sự khoan dung và thỏa hiệp đúng lúc là cần thiết trong đời sống và công việc. Không có thì cũng hơi dở đấy chị em ạ, cái này hơi khó diễn giải, tự ngẫm ra thôi.

Văn hóa hả hê là gì và tại sao nó lại là mối nguy hại cho nền giải trí cũng như cuộc sống con người? - Ảnh 11.