Ưu tiên tìm phổi hiến tặng từ người chết não để ghép cho nam phi công người Anh

Minh Nhân, Theo Tổ Quốc 11:21 16/05/2020

Hiện các bác sĩ ưu tiên hàng đầu là tìm phổi hiến tặng từ người hiến đã chết não, để cứu sống nam phi công người Anh - bệnh nhân Covid-19 nặng nhất tại Việt Nam. Những trường hợp đăng ký hiến sống sẽ được chọn là phương án 2 khi không thể tìm được nguồn từ người cho chết não.

Ưu tiên tìm phổi hiến tặng từ người bệnh chết não

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, trên thế giới hiện đã có 3 trường hợp bệnh nhân Covid-19 nặng ghép phổi thành công. Việt Nam cũng đã ghép phổi thành công một số trường hợp trước đó. Hiện các bác sĩ ưu tiên hàng đầu là tìm phổi hiến tặng từ người hiến đã chết não, để cứu sống nam phi công người Anh - bệnh nhân Covid-19 nặng nhất tại Việt Nam.

Ông Nguyễn Hoàng Phúc - Phó Giám đốc trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người nói, những trường hợp đăng ký hiến sống sẽ được chọn là phương án 2 khi không thể tìm được nguồn từ người cho chết não.

Tính đến chiều 15/5, Trung tâm đã nhận được gần 50 lời đề nghị được tặng một phần phổi của bản thân để ghép cho bệnh nhân nặng Covid-19. Họ ở nhiều độ tuổi, từ 21 đến 71, và đến từ nhiều ngành nghề khác nhau. Có người là bác sỹ, điều dưỡng, nhà báo, có người là bộ đội... Rất nhiều người đã cung cấp đầy đủ thông tin về nhóm máu, chiều cao, cân nặng. Một số cá nhân còn bày tỏ được góp kinh phí nếu ca ghép được triển khai.

Ưu tiên tìm phổi hiến tặng từ người chết não để ghép cho nam phi công người Anh  - Ảnh 1.

Các bác sĩ ưu tiên tìm phổi từ người chết não để ghép cho nam phi công người Anh.

Tiểu ban Điều trị - Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch Covid-19 đã phân công nhiệm vụ cho các đơn vị, để sẵn sàng ghép phổi cho nam phi công ngay khi tìm được nguồn tạng thích hợp.

Theo đó, Bệnh viện Việt Đức và Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người được giao tìm nguồn cho tạng đủ điều kiện ghép phổi.

Để chuẩn bị ghép, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.Hồ Chí Minh, Bệnh viện Chợ Rẫy cùng Hội đồng chuyên môn tiếp tục hội chẩn điều trị tổn thương phổi và tình trạng nhiễm trùng, thay các catheter, kiểm soát các nguồn nhiễm trùng; nuôi cấy virus đến khi xét nghiêm âm tính với SARS-CoV-2.

Khi được khẳng định âm tính, bệnh nhân được chuyển Bệnh viện Chợ Rẫy, tiếp tục hồi sức tốt để đủ điều kiện ghép. Bệnh viện Chợ Rẫy được giao phối hợp với Bệnh viện Việt Đức nỗ lực tìm kiếm nguồn cho tạng và chuẩn bị nhân lực, trang thiết bị phục vụ ghép phổi cho bệnh nhân 91.

Cục Quản lý Khám chữa bệnh đang nghiên cứu, xem xét các văn bản quy định pháp lý, xác định chi phí điều trị, chi phí ghép để tìm kiếm nguồn tài trợ.

Được biết, chi phí trung bình cho một ca ghép phổi từ 1,5 – 2 tỉ đồng và nhiều hơn tùy thuộc vào thời gian hồi sức sau ghép.

Tính đến sáng 16/5, bệnh nhân 91 đang được điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, tình trạng không sốt, mạch và huyết áp ổn định, đã rút ống dẫn lưu, đang tiếp tục thở máy, tiên lượng còn nặng.

Ghép phổi thành công giúp cho người bệnh khỏi tình trạng suy hô hấp

Ghép phổi là một phẫu thuật lấy bỏ phổi bệnh và thay thế bằng phổi lành của người hiến có thể từ người còn sống hoặc người chết. Tiến hành phẫu thuật ghép phổi có thể diễn ra ở một bên phổi hay cả hai bên. Có thể tiến hành ghép phổi trên người từ trẻ sơ sinh đến người lớn dưới 65 tuổi. Đối với những trường hợp trên 65 tuổi cần cân nhắc những nguy cơ có thể xảy ra nếu tiến hành ghép phổi.

Đa số những trường hợp ghép phổi đều lấy từ người đã chết. Một số ít trường hợp lấy từ người sống, khỏe mạnh không hút thuốc và phù hợp miễn dịch với người nhận có thể cho một thùy phổi.

Chỉ định ghép phổi được đặt ra khi bệnh phổi tiến triển nặng và không thể điều trị bằng cách nào khác nữa hoặc cũng được cân nhắc đối với những trường hợp mà tình trạng suy hô hấp ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Cụ thể trong các trường hợp người bệnh mắc: phổi tắc nghẽn mạn tính, xơ hóa phổi, bệnh xơ nang và tăng huyết áp động mạch phổi. Ngoài ra, các bệnh gây tổn thương nặng cho phổi bao gồm: bệnh mô bào, bệnh sarcoid, bệnh bạch mạch cơ trơn,... Rất hiếm những trường hợp ung thư phổi được điều trị bằng ghép phổi.

Ưu tiên tìm phổi hiến tặng từ người chết não để ghép cho nam phi công người Anh  - Ảnh 2.

Đến nay đã có gần 50 người mong muốn hiến phổi cứu sống bệnh nhân 91.

Trước khi ghép phổi, cần đánh giá bởi nhiều bác sĩ chuyên khoa như: nội phổi, tim mạch, phẫu thuật lồng ngực và gây mê hồi sức,... Kiểm soát kỹ những bệnh nền như đái tháo đường, tăng huyết áp,... nếu như người bệnh mắc phải. Ngoài ra, người bệnh còn được tư vấn và chuẩn bị tinh thần bởi bác sĩ tâm lý và tiến hành một số xét nghiệm cần thiết.

Những trường hợp không nên ghép phổi nếu như có kèm theo bệnh lý tim mạch hoặc gan thận nặng, nhiễm trùng chưa được khống chế, nghiện rượu, ma túy và ung thư. Những trường hợp mà bệnh nhân không bỏ được thuốc lá cũng không ưu tiên ghép phổi.

Sau khi ghép phổi xong, người bệnh cần được theo dõi để phòng ngừa những biến chứng. Một số cận lâm sàng được chỉ định theo dõi như: chụp X-quang, đo chức năng hô hấp, soi phế quản và thử máu. Thời gian phục hồi tùy thuộc vào cơ địa và tình trạng bệnh lý kèm theo của mỗi người. Một số người có thể xuất viện sau phẫu thuật một tuần. Sau phẫu thuật, người bệnh sẽ được hướng dẫn tập vật lý trị liệu và phục hồi chức năng. Ngoài ra, bệnh nhân còn được tư vấn về các loại thuốc phải sử dụng sau khi ghép phổi và lịch tái khám định kỳ.

Một số biến chứng sau ghép phổi có thể xảy ra như: Tắc đường thở; Phù phổi nặng, tràn dịch trong phổi; Nhiễm trùng; Chảy máu; Tắc các mạch máu đi đến phổi mới một hoặc cả hai bên.

Đặc biệt, thải ghép phổi là nguy cơ lớn nhất sau phẫu thuật ghép phổi. Đây là một phản ứng bình thường của cơ thể khi xuất hiện mô lạ hay vật lạ. Hệ miễn dịch sẽ nhận khi một mô tạng được ghép vào cơ thể con người và tấn công vào tạng ghép. Lúc này người bệnh cần dụng thuốc nhằm đánh lừa hệ miễn dịch không tấn công vào tạng ghép, để tạng tiếp tục sống trong cơ thể mới.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày