Tuyển thủ Việt Nam xuất ngoại đen đủ đường: Người dặt dẹo vì chấn thương, người khoẻ như vâm thì "dính" virus

NHÂN VĂN, Theo Trí Thức Trẻ 12:33 23/04/2020

Đặng Văn Lâm và Lê Công Vinh là hai cái tên hiếm hoi của bóng đá Việt Nam được thi đấu thường xuyên ở nước ngoài. Những cái tên còn lại đều gặp vấn đề khác nhau trong mỗi chuyến xuất ngoại.

Trường hợp gần nhất là Đoàn Văn Hậu. Hậu vệ sinh năm 1999 hừng hực khí thế khi đầu quân cho SC Heerenveen nhưng rốt cục lại không được thi đấu nhiều. Anh ra sân vỏn vẹn 4 phút ở Cúp quốc gia Hà Lan, chủ yếu thi đấu cho đội trẻ Heerenveen.

Thể lực sung mãn, thể chất thay đổi, Văn Hậu vẫn nuôi hy vọng được ra sân. Thế nhưng, diễn biến dịch Covid-19 lan nhanh ở Hà Lan khiến giải đấu bị hoãn từ tháng 3/2020. Đến ngày 22/4, chính phủ Hà Lan cấm hoạt động bóng đá tới ngày 1/9, coi như khép lại giải VĐQG Hà Lan mùa này.

Tuyển thủ Việt Nam xuất ngoại đen đủ đường: Người dặt dẹo vì chấn thương, người khoẻ như vâm thì dính virus - Ảnh 1.

Văn Hậu rất sung sức nhưng không phải lựa chọn hàng đầu ở SC Heerenveen. Ảnh: Orange Pictures.

Văn Hậu hết cơ hội ra sân. SC Heerenveen cũng chưa có động thái sẽ ký mới hợp đồng với cầu thủ này. Hà Nội FC thì đang sẵn sàng đón Văn Hậu trở về. Chuyến xuất ngoại đầu tiên của Văn Hậu với nhiều kỳ vọng cuối cùng cũng không hanh thông như dự kiến. Trước đó, anh về Việt Nam thi đấu cho ĐTQG và U22 Việt Nam từ giữa tháng 11 đến giữa tháng 12/2019, mất 1 tháng không được ăn tập ở Hà Lan.

Trước Văn Hậu, 3 đàn anh là Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh cũng trầy trật ở nước ngoài. Vấn đề của cả ba ngoài chuyên môn còn nằm ở thể lực không đảm bảo cùng những chấn thương dai dẳng hoặc bất ngờ.

Năm 2016, Công Phượng, Tuấn Anh sang Nhật Bản. Xuân Trường sang Hàn Quốc. Thế nhưng, Công Phượng gặp chấn thương nặng ở trận đấu cuối cùng vòng bảng U23 châu Á 2016 diễn ra đầu năm. Anh được xác định gãy xương quai xanh và mất 4 tháng hồi phục. Khi trở lại, Công Phượng không đạt thể trạng tốt nhất, chỉ có 80 phút thi đấu cho Mito Hollyhock ở J.League 2.

Tuyển thủ Việt Nam xuất ngoại đen đủ đường: Người dặt dẹo vì chấn thương, người khoẻ như vâm thì dính virus - Ảnh 2.

Công Phượng gặp chấn thương nặng khi thi đấu ở VCK U23 châu Á 2016 tại Qatar. Ảnh: VFF.

Với Tuấn Anh, anh được xác định không đạt thể lực tốt để thi đấu. Suốt 5 tháng đầu tiên, Tuấn Anh phải tập thể lực, hồi phục các chấn thương, trong đó có chấn thương dây chằng đầu gối dai dẳng. Đến tháng 7/2016, anh được xác định gặp chấn thương lưng. Cuối cùng, Tuấn Anh không có lần ra sân nào ở J.League 2.

Dấu ấn lớn nhất của Tuấn Anh là cú đánh đầu thành bàn trong hiệp phụ giúp Yokohama FC giành chiến thắng 3-2 trước Nagano Parceiro ở vòng 3 Cúp Hoàng đế Nhật Bản.

Xuân Trường may mắn hơn hai đồng đội khi có hai năm liên tiếp thi đấu ở Hàn Quốc, lần lượt cho Incheon United (2016) và Gangwon FC (2017). Tuy nhiên, các chấn thương cũng liên tục đeo bám tiền vệ sinh năm 1995.

Tháng 5/2016, Xuân Trường nghỉ 1 tháng do tái phát chấn thương xương chậu. Vừa hồi phục, anh gặp vấn đề ở cổ chân và ống đồng. Vấn đề thể lực liên tục được nhắc đến khi anh thi đấu ở Incheon United.

Tuyển thủ Việt Nam xuất ngoại đen đủ đường: Người dặt dẹo vì chấn thương, người khoẻ như vâm thì dính virus - Ảnh 3.

Xuân Trường chỉ có 2 trận đấu cho Gangwon FC trong cả mùa giải. Anh mất 2/3 thời gian của năm 2017 để hồi phục chấn thương. Ảnh: Gangwon FC.

Sang Gangwon FC, Xuân Trường bị giãn dây chằng cổ chân phải vào tháng 3/2017, nghỉ 1 tháng dưỡng thương. Sau đó, anh được xác định bị giãn dây chằng đầu gối phải vào tháng 5 và nghỉ hết mùa giải.

Chung cuộc Xuân Trường thi đấu 6 trận ở Hàn Quốc với 357 phút thi đấu (59,5 phút/trận). Anh được khẳng định không phù hợp với môi trường bóng đá xứ sở kim chi.

Năm 2019, Xuân Trường sang Buriram United (Thái Lan), Công Phượng sang Incheon United rồi Sint-Truidense V.V (Bỉ). Cả hai được thi đấu nhiều hơn nhưng cũng không đạt được thành công như mong muốn.

Tuấn Anh đánh đầu ghi bàn giúp Yokohama FC thắng Nagano Parceiro 3-2.