Tuyển sinh lớp 10 năm 2019 tại Hà Nội: Những điều cực quan trọng khi viết phiếu đăng ký dự tuyển

Nguyễn Phượng, Theo Đời sống & Pháp luật 17:13 23/04/2019

Trong thời gian đăng ký dự tuyển, thí sinh cần nắm rõ về chỉ tiêu xét tuyển, quy định cũng như số lượng tối đa nguyện vọng có thể đăng ký.

Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 các trường THPT công lập năm học 2019 - 2020 tại Hà Nội diễn ra vào ngày 2 và ngày 3/6. Hạn cuối nộp phiếu đăng ký dự tuyển vào ngày 3/5/2019.

Năm học 2019 - 2020 là năm đầu tiên Hà Nội áp dụng phương thức thi tuyển với bốn bài để tuyển sinh vào lớp 10, nghĩa là các thí sinh là phải tham dự đủ bốn bài thi: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và Lịch sử.

Sở GD&ĐT Hà Nội chỉ xét tuyển những học sinh có đủ bốn bài thi, không có bài thi nào bị điểm không và không bị sai phạm dẫn đến hủy kết quả bài thi. Vì thế, ngoài việc tăng cường ôn tập, học sinh lớp 9 cần lưu ý nắm rõ quy chế để tránh sai sót khi đăng ký dự tuyển vào lớp 10.

Tuyển sinh lớp 10 năm 2019 tại Hà Nội: Những điều cực quan trọng khi viết phiếu đăng ký dự tuyển - Ảnh 1.

Thí sinh dự tuyển kỳ thi lớp 10 sẽ phải tham dự đủ bốn bài thi gồm Toán, Ngữ Văn, Ngoại ngữ và Lịch sử. Ảnh minh họa

Mỗi học sinh được đăng ký tối đa 7 nguyện vọng

Theo quy định, trong phiếu đăng ký dự tuyển mỗi học sinh được quyền đăng ký tối đa 7 nguyện vọng, trong đó có 2 nguyện vọng vào các trường công lập. Các nguyện vọng còn lại có thể đăng ký vào các lớp chuyên, trường ngoài công lập hay các trường đào tạo nghề...

Trong quá trình đăng ký dự tuyển, học sinh phải lưu ý cách sắp xếp thứ tự ưu tiên của các nguyện vọng cho phù hợp với nhu cầu và năng lực học tập của mình. Cụ thể, nếu đặt mục tiêu vào học trường công lập, học sinh cần nhớ chỉ có 2 nguyện vọng vào trường công lập và 2 trường này phải thuộc cùng một khu vực tuyển sinh.

Đặc biệt, các học sinh sắp xếp nguyện vọng theo thứ tự 1, 2 phải phù hợp bởi nếu học sinh nào không trúng tuyển nguyện vọng 1 thì được xét đến nguyện vọng 2 với điều kiện phải có điểm xét tuyển cao hơn điểm chuẩn của trường đó ít nhất 1,5 điểm.

Như vậy, ngay từ thời điểm này, bên cạnh việc tập trung ôn tập, các em cần dành thời gian tìm hiểu về các trường, tham khảo mức điểm chuẩn vài năm gần đây của trường định đăng ký dự tuyển để có căn cứ lựa chọn, sắp xếp thứ tự nguyện vọng nhằm tăng cơ hội trúng tuyển.

Chỉ tiêu vào trường công lập chỉ có 62%

Theo Sở GD&ĐT Hà Nội, dự kiến có khoảng 90.000 học sinh đăng ký tham dự kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2019-2020. So với năm học trước, số học sinh đăng ký dự tuyển ít hơn gần 5.000 học sinh.

Mặc dù vậy, theo nhiều phụ huynh và các em học sinh, tuy số lượng thí sinh dự tuyển giảm đi nhưng kỳ thi lại có tính cạnh tranh lớn. Bởi hầu hết các em đều muốn học trường công lập nhưng hệ thống trường công lại chưa thể đáp ứng.

Trao đổi với báo Hà Nội Mới về vấn đề trên, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Văn Đại cho biết, năm học 2019-2020, tỷ lệ học sinh được tuyển vào lớp 10 các trường công lập chiếm 62%, tương đương với năm học trước. Tuy nhiên, đây là tỷ lệ trung bình trên toàn thành phố, còn tại khu vực các huyện hoặc địa bàn khó khăn, chỉ tiêu tuyển sinh vào các trường công lập chiếm tỷ lệ cao hơn. Việc tăng chỉ tiêu học sinh vào trường công lập ở những địa bàn khó khăn nhằm giảm gánh nặng về chi phí học tập cho gia đình học sinh ở khu vực đó.

Ngoài ra, vào thời điểm chuẩn này, học sinh cũng cần lưu ý đến điều kiện đăng ký dự tuyển vào các loại hình trường, nếu không nắm rõ có thể sẽ đăng ký sai, dẫn đến nguy cơ lỡ cơ hội học tập.

Theo quy định của Sở GD&ĐT Hà Nội, học sinh không có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội, không được đăng ký dự tuyển vào lớp 10 các trường THPT công lập. Các học sinh này có thể học tại các loại hình trường: Công lập tự chủ tài chính, ngoài công lập, trung tâm giáo dục thường xuyên - giáo dục nghề nghiệp, trường nghề.

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Văn Đại nhấn mạnh: Việc đa dạng hóa loại hình trường của Hà Nội, nhằm đáp ứng mọi nhu cầu học tập của học sinh. Ưu điểm của các trường này là không phân biệt khu vực tuyển sinh, bởi vậy học sinh có nhiều cơ hội lựa chọn trường phù hợp với năng lực, sở thích.

Được biết, để chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2019-2020, Sở GD&ĐT Hà Nội dự kiến bố trí 190 điểm thi, gần 3.900 phòng thi.

Đề thi gồm các câu hỏi theo yêu cầu chuẩn kiến thức, kỹ năng thuộc chương trình THCS, chủ yếu ở lớp 9. Đề thi môn toán và ngữ văn bảo đảm 4 cấp độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng cấp độ thấp, vận dụng cấp độ cao; đề thi môn ngoại ngữ và lịch sử chủ yếu ở cấp độ nhận biết, thông hiểu và một số câu vận dụng cấp độ thấp.

Danh sách 12 khu vực tuyển sinh đã được công bố để làm căn cứ cho học sinh đăng ký dự tuyển. Bao gồm:

- KVTS 1: Quận Ba Đình, Tây Hồ

- KVTS 2: Quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng

- KVTS 3: Quận Đống Đa, Thanh Xuân, Cầu Giấy

- KVTS 4: Quận Hoàng Mai, huyện Thanh Trì

- KVTS 5: Quận Long Biên, huyện Gia Lâm

- KVTS 6: Quận Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh

- KVTS 7: Quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, huyện Hoài Đức, Đan Phượng

- KVTS 8: Huyện Phúc Thọ, thị xã Sơn Tây, huyện Ba Vì

- KVTS 9: Huyện Thạch Thất, Quốc Oai

- KVTS 10: Quận Hà Đông, huyện Chương Mỹ, Thanh Oai

- KVTS 11: Huyện Thường Tín, Phú Xuyên

- KVTS 12: Huyện Ứng Hòa, Mỹ Đức