Tuyển sinh đại học 2023: Mở thêm nhiều ngành hot

Huy Lân - Yến Anh, Theo Người lao động 09:49 13/01/2023

Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ nâng cấp hệ thống tuyển sinh chung, tăng cường các giải pháp kỹ thuật nhằm hỗ trợ tốt hơn cho thí sinh.

Dự kiến hội nghị tuyển sinh đại học năm 2023 sẽ được tổ chức vào tháng 2, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) cho biết sẽ công bố kế hoạch tuyển sinh cụ thể và sớm hơn năm trước để các trường và thí sinh cùng chủ động.

Hạn chế tối đa sai sót

PGS-TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học - Bộ GD-ĐT, cho hay năm 2023, Bộ GD-ĐT không ban hành quy chế tuyển sinh mới nên thí sinh có thể yên tâm chuẩn bị tốt cho kỳ thi và tuyển sinh. Bộ GD-ĐT sẽ nâng cấp hệ thống tuyển sinh chung, tăng cường những giải pháp kỹ thuật nhằm hỗ trợ tốt hơn cho thí sinh, giảm tối đa các sai sót, nhầm lẫn trong quá trình nhập dữ liệu. Bộ cũng đang chỉ đạo, hướng dẫn các trường rà soát những phương thức xét tuyển, loại bỏ các phương thức không phù hợp, gây khó khăn hoặc khiến thí sinh dễ nhầm lẫn; đơn giản hóa, tạo thuận lợi nhiều nhất cho thí sinh.

Tuyển sinh đại học 2023: Mở thêm nhiều ngành hot - Ảnh 1.

Thí sinh tham gia chương trình tư vấn tuyển sinh do Báo Người Lao Động tổ chức. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Thí sinh cần biết cách sử dụng tài khoản được cấp để đăng ký thi và xét tuyển đại học. Một thí sinh có thể tham gia xét tuyển nhiều ngành khác nhau và nên nhớ là tất cả nguyện vọng đều phải đăng ký lên hệ thống tuyển sinh chung của Bộ GD-ĐT.

Mặc dù được đăng ký không giới hạn nguyện vọng vào nhiều trường, nhiều ngành nhưng bà Nguyễn Thu Thủy cũng lưu ý thí sinh không nên đăng ký quá nhiều nguyện vọng, nhất là khi đã được cung cấp thông tin tuyển sinh, định hướng, định hình về nghề nghiệp mà bản thân có sở trường, thế mạnh và mong muốn làm việc sau này. Thí sinh nên sắp xếp thứ tự ưu tiên xét tuyển cao nhất từ 1 đến hết. Kết quả lọc ảo sẽ trúng tuyển chỉ một nguyện vọng và cao nhất có thể.

Nhiều lựa chọn

Nhiều trường đại học vừa thông báo mở thêm các ngành mới đang có sức hấp dẫn người học, đồng thời sử dụng những phương thức xét tuyển phổ biến, hiệu quả tuyển sinh cao.

Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM dự kiến mở 5 ngành mới như: Công nghệ tài chính, khoa học dữ liệu, luật, logistics và quản lý chuỗi cung ứng, thương mại điện tử. ThS Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, cho biết những ngành được nhiều trường tổ chức đào tạo đều là những ngành có nhu cầu nhân lực cao.

Trường ĐH Quản lý và Công nghệ TP HCM (UMT) năm nay mở mới ngành truyền thông đa phương tiện. Trường đang hoàn tất thủ tục để mở ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng. PGS-TS Hồ Thanh Phong, Phó Hiệu trưởng nhà trường, cho biết nhu cầu nhân lực ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng rất lớn, khoảng 30.000-40.000 lao động/năm. Từ nay đến 10 năm nữa, sinh viên tốt nghiệp ngành này được dự báo luôn có việc làm vì ngành đang rất thiếu nhân lực...

Bên cạnh việc mở các ngành mới, những trường đã công bố đề án tuyển sinh đều sử dụng phương thức xét tuyển phổ biến như xét kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT, xét học bạ THPT, xét kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do ĐHQG TP HCM, ĐHQG Hà Nội… tổ chức.

Chỉ 4/18 phương thức dùng điểm thi tốt nghiệp

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, trong 18 phương thức xét tuyển được áp dụng trong kỳ tuyển sinh năm 2022 thì chỉ 4 phương thức có sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT (gồm: Xét kết quả thi tốt nghiệp THPT, kết hợp kết quả thi tốt nghiệp THPT với chứng chỉ quốc tế, kết hợp kết quả thi tốt nghiệp THPT với kết quả học tập cấp THPT, kết hợp kết quả thi tốt nghiệp THPT với điểm thi năng khiếu). Với 14 phương thức còn lại, thí sinh đều có thể nộp hồ sơ xét tuyển sớm. Tuy nhiên, theo phương án dự kiến, tất cả các phương thức xét tuyển sẽ được tổ chức cùng thời điểm với đợt xét tuyển căn cứ vào kết quả thi tốt nghiệp THPT.