Từ "ATM gạo" đến mặt nạ ngăn giọt bắn: Hàng loạt sáng kiến đến từ lòng nhân ái giúp đội ngũ y tế và người khó khăn cùng vượt qua đại dịch Covid-19

PV, Theo Trí Thức Trẻ 01:01 14/04/2020

Để hỗ trợ đội ngũ y tế tuyến đầu trong chiến đấu chống dịch Covid-19, cũng như giúp đỡ bà con vượt qua giai đoạn khó khăn khi dịch bệnh hoành hành, không ít những sản phẩm sáng chế, sáng tạo của người dân đã ra đời được áp dụng vào thực tiễn.

Mặt nạ ngăn giọt bắn phòng dịch Covid-19

Trong khi dịch bệnh đang diễn biến phức tạp và có dấu hiệu lây lan trong cộng đồng thì các biện pháp bảo vệ sức khoẻ như sát khuẩn tay, đeo khẩu trang... giãn cách xã hội luôn được mọi người áp dụng triệt để. Nắm bắt nhu cầu của người dân, không ít các sáng kiến về các sản phẩm bảo hộ ngăn dịch Covid-19 đã được ra đời.

Tuy nhiên, do nhu cầu sử dụng cao, đồ bảo hộ y tế số lượng có hạn, kinh phí hạn hẹp nên trang thiết bị còn thiếu thốn, không đáp ứng đủ nhu cầu. Vì thế, không ít đội ngũ y bác sĩ và người dân đã nghĩ ra cách làm những chiếc mũ giọt bắn từ những vật dụng thông thường vừa tiết kiệm chi phí lại đảm bảo an toàn cho các y bác sĩ khám và điều trị cho người bệnh.

Từ ATM gạo đến mặt nạ ngăn giọt bắn: Hàng loạt sáng kiến đến từ lòng nhân ái giúp đội ngũ y tế và người khó khăn cùng vượt qua đại dịch Covid-19 - Ảnh 1.

Chị Linh - tiểu thương chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh) là người đưa ra ý tưởng làm mặt nạ ngăn giọt bắn để tặng y bác sĩ.

Theo đó, những loại mũ bảo hộ y tế ngăn giọt bắn mới, được làm bằng những nguyên vật liệu sẵn có như tấm mica trong suốt, dây chun co giãn, mút xốp, băng dính… Theo nhiều nhân viên y tế, do thường được lót bằng xốp mềm nên họ có thể đeo cả ngày mà không bị đau, thông thoáng và không bị mờ kính. Đặc biệt, chiếc mũ này có thể tái sử dụng nhiều lần nếu được vệ sinh đúng cách.

Trao đổi với tờ Lao động, bác sĩ Trương Hữu Khanh (Bệnh viện Nhi Đồng 1) cho biết: "Cái mũ đó có lớp nhựa che trước mặt, khi mình đội thì giọt bắn sẽ bắn vào lớp đó nên rất yên tâm khi sử dụng. Nhiều người đội mũ còn cẩn thận đeo khẩu trang bên trong nữa thì càng tốt".

Không chỉ có các y bác sĩ, mà với nguyên liệu dễ kiếm, giá thành rẻ, nhiều người dân đã không ngần ngại tự tay làm những chiếc mũ giọt bắn tặng các y bác sĩ.

Tranh thủ 14 ngày "cách ly toàn xã hội", Quách Mỹ Linh (42 tuổi, tiểu thương chợ Bà Chiểu) và nhóm bạn khoảng 9 người tụ họp để cùng nhau làm ra hàng ngàn chiếc mặt nạ ngăn giọt bắn để tặng các y bác sĩ ở tuyến đầu chống dịch Covid-19.

Người Hà Nội chế tạo đai đeo khẩu trang giảm đau tặng các y bác sĩ

Dịch bệnh COVID-19 vẫn đang có diễn biến phức tạp, các ban ngành và người dân vẫn đang ngày đêm chung tay đẩy lùi dịch bệnh. Trong thời điểm này, các y bác sĩ tuyến đầu chống dịch là những người vô cùng vất vả khi phải ngày đêm trực tiếp chống chọi với dịch bệnh.

Việc đeo khẩu trang y tế trong khoảng thời gian dài, liên tục có thể gây đau nhức tai, đau đầu, do dây đeo thắt vào vành tai. Đặc biệt là đối với những y bác sĩ phải thường xuyên sử dụng khẩu trang để phòng dịch.

Từ ATM gạo đến mặt nạ ngăn giọt bắn: Hàng loạt sáng kiến đến từ lòng nhân ái giúp đội ngũ y tế và người khó khăn cùng vượt qua đại dịch Covid-19 - Ảnh 2.

Đai đeo sẽ hỗ trợ làm giảm thiểu tối đa việc dây đeo khẩu trang siết vào vành tai gây đau nhức tai, đau lan lên đầu.

Hiểu được sự vất vả của các y bác sĩ trong thời điểm này, chị Nguyễn Thị Thuỳ Trang (30 tuổi, đang kinh doanh nhỏ lẻ tại Hà Nội) và anh Phan Mạnh Hà (làm đồ da tại Cầu Giấy, Hà Nội) đã liên kết với nhau kêu gọi mọi người và một số y bác sĩ, đưa ra ý tưởng làm những chiếc đai đeo khẩu trang để tặng các y bác sĩ tại các bệnh viện. Được biết, ý tưởng này bắt nguồn từ một bạn nhỏ nước ngoài đang sinh sống tại Canada.

Sau nhiều lần nghiên cứu và tìm hiểu, thấy Silicon dẻo có thể chịu nhiệt, vừa sạch lại dễ sát khuẩn bằng cồn, an toàn cho da, người ta cũng hay dùng làm các nắp hộp đựng thực phẩm cực kỳ an toàn nên nhóm người này đã làm chiếc đai đeo bằng chất liệu Silicon.

Theo chị Trang, sau khi hoàn thiện thiết kế, mẫu mã, chị Trang và anh Hà đã chuyển những chiếc đai thử nghiệm đến các y bác sĩ tại Bệnh viện Huyết học Truyền máu trung ương dùng thử để đánh giá về tính hiệu quả và chất lượng.

Nhận được phản hồi tốt từ các bác sĩ tại Viện huyết học Truyền máu trung ương về tính hiệu quả, giảm đau và bớt cảm giác khó chịu, chị Trang và anh Hà đã bắt tay vào hoàn thiện mẫu mã chuẩn để làm ra hàng nghìn chiếc đai đeo tặng các y bác sĩ.

"Các bác sĩ bên Viện Huyết học Truyền máu trung ương phản hồi sau khi dùng thì bảo rất tốt, hiệu quả, giảm đau. Các chị trong viện cũng trêu "phải đeo khẩu trang mà như không đeo vì nó thoải mái hơn rất nhiều" mình cũng vui và bắt đầu làm ra nhiều chiếc hơn", chị Trang tâm sự.

Từ ATM gạo đến mặt nạ ngăn giọt bắn: Hàng loạt sáng kiến đến từ lòng nhân ái giúp đội ngũ y tế và người khó khăn cùng vượt qua đại dịch Covid-19 - Ảnh 3.

"Tai giả" được sản xuất từ vỏ hộp bánh, giúp các tình nguyện viên đeo khẩu trang không bị đau nhức tai. Ảnh: Báo Thanh niên

Thậm chí, một số thanh niên làm công tác phòng dịch ở địa phương cũng đã sáng tạo ra những chiếc tai đeo khẩu trang từ những vật dụng đơn giản mà hiệu quả không kém.

Do phải đeo khẩu trang cả ngày khi trực chốt phòng dịch Covid-19 khiến vành tai khó chịu, anh Lý Văn Sơn, Bí thư Đoàn xã Hà Hồi, huyện Thường Tín, Hà Nội đã làm ra những chiếc "tai giả" giúp người sử dụng thoải mái khi đeo khẩu trang.

Chiếc "tai giả" được thiết kế bằng bìa carton, từ các vỏ hộp phế liệu. Chúng được cắt thành từng đoạn nhỏ như một cái nẹp ôm lấy phần gáy người sử dụng. Hai cạnh được cắt thành những răng cưa để làm chỗ mắc khẩu trang. Chỉ cần đeo "tai giả" này lên thì người sử dụng không còn bị đau tai khi đeo khẩu trang nữa.

Máy ATM nhả gạo

Trong mùa dịch Covid-19, tình hình bệnh dịch không chỉ ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân mà không ít người lao động cũng gặp vô vàn khó khăn khi công việc bị xáo trộn, thậm chí mất việc không đủ khả năng trang trải cuộc sống. Vì thế, nhiều mô hình thiện nguyện đã “nở hoa” để giúp đỡ người khó khăn vì dịch Covid-19.

Từ ATM gạo đến mặt nạ ngăn giọt bắn: Hàng loạt sáng kiến đến từ lòng nhân ái giúp đội ngũ y tế và người khó khăn cùng vượt qua đại dịch Covid-19 - Ảnh 4.

ATM nhả gạo cho những người có hoàn cảnh khó khăn

Và như thế, mô hình “máy ATM biết nhả gạo” đã được anh Hoàng Tuấn Anh (chủ một công ty về cảm biến vân tay tại TP. HCM” phát minh.

Với mong muốn hỗ trợ Chính phủ thực hiện chủ trương "Không để ai bị bỏ lại phía sau", anh đã tận dụng hiểu biết của mình để sáng chế "máy ATM nhả gạo" nhằm giúp người nghèo có lương thực miễn phí vượt qua được quãng thời gian khó khăn này.

Mỗi người nghèo sẽ được nhận một bịch gạo khoảng 1,5kg bằng cách bấm nút trên máy "ATM gạo". Trong lúc chờ đến lượt, họ sẽ đứng cách nhau 2m để đảm bảo tuân thủ đúng quy định về giãn cách xã hội, khắc phục nhược điểm tập trung đông người như cách phát đồ truyền thống. "Cấu tạo máy bao gồm một nút bấm kết nối với một van tự động và một thùng chứa gạo. Khi một người tới nhấn nút, gạo sẽ tự động theo đường ống được nối trong với thùng chứa gạo, đến túi nilon đựng gạo được người dân cầm sẵn".

Từ ATM gạo đến mặt nạ ngăn giọt bắn: Hàng loạt sáng kiến đến từ lòng nhân ái giúp đội ngũ y tế và người khó khăn cùng vượt qua đại dịch Covid-19 - Ảnh 5.

Lan tỏa từ máy “ATM gạo” ở TP.HCM, ngày 11/4, chiếc máy “ATM gạo” đầu tiên ở Nhà văn hóa thể thao P.Nghĩa Tân (Q.Cầu Giấy, Hà Nội) chính thức vận hành. Chiếc "ATM gạo" tại Hà Nội do TS. Nguyễn Mạnh Hùng và anh Doãn Thanh Tùng cũng đã sáng chế ra với mong muốn không để ai "đứt bữa" trong dịch bệnh này.

Mỗi ngày, người dân được đến lấy một lần, mỗi lần được 3kg gạo. Đến nhận gạo sẻ chia, người dân phải sát trùng tay, đeo khẩu trang và đứng theo ô được đánh dấu sẵn để đảm bảo khoảng cách 2m.

Anh Doãn Thanh Tùng - người sáng chế máy "ATM gạo" Hà Nội - cho biết điểm cải tiến ở máy này là dùng nút giậm chân thay vì nút ấn tay. Mỗi lần ấn pêđan, gạo sẽ tuôn ra đúng số lượng được lập trình sẵn.Những người thực hiện cho biết đã chuẩn bị sẵn 10 tấn gạo, phát cho bà con nghèo liên tục từ nay đến khi hết gạo, dự kiến phát đến ngày 30-4.

Cũng như ở TP.HCM, vừa mới hoạt động, nhiều người dân Hà Nội cũng đã chở gạo đến đóng góp.

Dùng hệ thống ròng rọc giao dịch với khách hàng

Trong khi nhiều hàng quán đã phải đóng cửa do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 làm lượng khách sụt giảm. Nhằm mục đích giữ khoảng cách an toàn giữa người mua và người bán tại các siêu thị, hàng quán trong mùa dịch Covid-19, mới đây, một số sáng chế độc lạ về hình thức mua hàng và thanh toán đã được ra đời.

Từ ATM gạo đến mặt nạ ngăn giọt bắn: Hàng loạt sáng kiến đến từ lòng nhân ái giúp đội ngũ y tế và người khó khăn cùng vượt qua đại dịch Covid-19 - Ảnh 6.

Cụ thể như việc giao nhận hàng được thực hiện thông qua hệ thống ròng rọc tại quán phở của ông Lê Hoài Nhân thuộc quận Tân Phú, TP.HCM.

Hệ thống ròng rọc tự chế có chiều dài 3,5m, gồm hai thanh sắt được hàn lại, chiếc rổ nhựa có gắn bánh xe và sợi dây để di chuyển dễ dàng. Ngoài việc bố trí trên chiếc rổ đựng đồ ăn có một chiếc hộp nhỏ để khách bỏ tiền vào thì ông Nhân còn dán thêm tờ thông báo với dòng chữ: “Vì sức khỏe cộng đồng đứng cách xa 2m” nhằm đảm bảo khoảng cách tốt nhất để tránh lây lan dịch bệnh.

Việc triển khai hình thức bán hàng này được thực hiện từ ngày 1-4 và theo chia sẻ của chủ quán phở trên báo VnExpress: “Nhờ có hình thức ròng rọc này, khách thích thú lắm nên doanh thu dù đi xuống theo nhưng vẫn trong mức chấp nhận được”.

Từ ATM gạo đến mặt nạ ngăn giọt bắn: Hàng loạt sáng kiến đến từ lòng nhân ái giúp đội ngũ y tế và người khó khăn cùng vượt qua đại dịch Covid-19 - Ảnh 7.

Trước đó, ý tưởng bán đồ uống trong mùa dịch Covid-19 tại quán cà phê nằm trên đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 1, TP.HCM cũng nhận được sự quan tâm của nhiều khách hàng. Người mua khi tới cửa hàng cần đứng vào vị trí cách quầy bán 2m mà chủ quán đã vạch sẵn, sau đó thực hiện việc gọi đồ uống.

Nhân viên bên trong sẽ tiến hành pha chế, sau đó sử dụng chiếc cần câu dài để chuyển ra cho khách. Đi kèm với những cốc cà phê được đặt hàng là một chiếc cốc nhựa nhỏ để khách hàng có thể bỏ tiền vào thanh toán. Hay như ở một số hàng quán bán đồ ăn, thức uống khác cũng đã áp dụng ý tưởng độc lạ như sử dụng những chiếc gậy có chiều dài 2m để giao hàng cho khách. Song song với đó, chủ quán thực hiện việc xếp các chiếc ghế nhựa lên cao để đảm bảo khoảng cách an toàn.

Từ ATM gạo đến mặt nạ ngăn giọt bắn: Hàng loạt sáng kiến đến từ lòng nhân ái giúp đội ngũ y tế và người khó khăn cùng vượt qua đại dịch Covid-19 - Ảnh 9.
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày