Trước kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021: Nhiều thí sinh lo thành F1, F2

Hà Linh, Theo Tiền Phong 08:36 28/06/2021

Hơn 1 tuần nữa học sinh 63 tỉnh, thành phố sẽ bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT. Do dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, nhiều em lo lắng, căng thẳng không dám ra khỏi nhà vì sợ bất ngờ thành F1, F2.

Trương Ngô Huyền Tâm, học sinh lớp 12, Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh, tâm sự: “Hiện nay, dù đã được nới lỏng, tình hình COVID-19 đã đỡ hơn, nhưng em không dám ra ngoài nhiều vì sợ vấp phải trường hợp liên quan dịch bệnh, không thể dự thi. Chỉ ở nhà học trực tuyến, không được gặp gỡ bạn bè làm mình thấy cơ thể ù lì, mỏi mệt”. T.V.T, học sinh lớp 12 tại Hà Nội, nói rằng, học trực tuyến cảm thấy không tập trung, càng sát kỳ thi, em càng có tâm lý căng thẳng, áp lực. Để giảm thiểu nguy cơ “dính” COVID-19, từ nay đến thời gian thi, em và các thành viên trong gia đình hạn chế ra ngoài.

Ông Nguyễn Xuân Năng, Phó hiệu trưởng Trường THPT Thuận Thành 1 (huyện Thuận Thành, Bắc Ninh), cho biết, thời điểm này, trường không có học sinh lớp 12 nào liên quan COVID-19 nên các em được dự thi đợt 1 kỳ thi tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, nhà trường vẫn yêu cầu học sinh hạn chế đi lại, tiếp xúc, tiếp tục ôn tập kiến thức để chuẩn bị cho kỳ thi.

Trước đó, trường có nhiều em phải cách ly y tế. Trường bố trí giáo viên dạy học trực tuyến, sau đó kiểm tra, khảo sát để xem các em hổng kiến thức ở đâu để bổ túc. Theo ông Năng, thời điểm này thí sinh nên củng cố kiến thức từng phần, chỗ nào chưa nhớ có thể học kỹ hơn, luyện thêm 1-2 đề; điều quan trọng là các em giữ sức khỏe và tinh thần tốt nhất cho kỳ thi.

Cô Nguyễn Thị Lĩnh, giáo viên bộ môn Lịch sử, Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh, nói rằng, thời điểm này là giai đoạn nước rút, học sinh nên dành thời gian ôn tập theo hình thức cuốn chiếu kiến thức và làm bài tập trắc nghiệm từng thời kì để củng cố kiến thức đã học. Trong mỗi thời kì chia ra từng giai đoạn nhỏ, từng vấn đề nhỏ để ôn tập. Ví dụ, thời kì 1930-1945 có 3 phong trào: phong trào cách mạng 1930-1931, phong trào dân chủ 1936-1939, phong trào giải phóng dân tộc 1939-1945. Cụ thể, khi ôn phong trào dân chủ 1936-1939, cần nắm được 4 vấn đề: bối cảnh bùng nổ; chủ trương của Đảng Cộng sản Đông Dương; những phong trào chính; ý nghĩa và bài học của phong trào. Về phương thức làm bài, thí sinh nên làm theo thứ tự từ 1 đến 40, những câu hỏi khó nên để lại, làm sau.

Nhiều địa phương như Sơn La, Hà Nội, Hải Dương, Vĩnh Phúc… đã có văn bản yêu cầu học sinh không ra khỏi địa bàn, hạn chế đi lại, tiếp xúc để có thể an toàn dự thi đợt 1 vào ngày 7-8/7 tới.

Ông Nguyễn Văn Chiến, Phó giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La, cho biết, địa phương đã hoàn tất công tác chuẩn bị cho kỳ thi. Để đề phòng các tình huống phát sinh do dịch bệnh, thiên tai, địa phương lên nhiều kịch bản để ứng phó. Học sinh vùng có nguy cơ sạt lở được đưa về gần điểm thi ở trọ, được các lực lượng tình nguyện hỗ trợ trong suốt quá trình thi. Trước đó cả tháng, học sinh được yêu cầu giữ gìn sức khỏe, không rời khỏi địa phương.